Hướng tới chế biến sâu mặt hàng cá Hồi, cá Tầm Lào Cai

Những năm gần đây, từ nguồn nước lạnh sẵn có, tài nguyên quý đang được người dân các địa phương của Lào Cai khai thác để nuôi cá hồi, cá tầm. Để việc sản xuất thành chuỗi, sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu cá hồi, cá tầm là Ruốc, cá Phile, hay Xúc xích, cá hun khói thì rất cần có những dây chuyền sản xuất hiện đại.

Từ thực tế này, Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại Lào Cai đã hỗ trợ để đơn vị lập đề án hỗ trợ trang bị máy móc, tạo sản phẩm có hàm lượng chế biến cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tỉnh Lào Cai có nhiều nhánh suối lớn, nhỏ và khe nước từ rừng già trên các dãy núi cao chảy về cung cấp lượng lớn nước lạnh. Đây là nguồn tài nguyên quý đang được người dân các địa phương trong tỉnh khai thác để nuôi cá hồi, cá tầm. Nuôi cá nước lạnh trở thành một nghề sản xuất quan trọng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh Lào Cai hiện có 215 cơ sở nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm), tập trung tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn và thị xã Sa Pa. Năm 2020, thể tích nuôi cá nước lạnh là 57.100 m3, năng suất đạt 11,7 kg/m3, sản lượng ước đạt 670 tấn, đem lại giá trị khoảng 30 tỷ đồng/ha, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động. Trong đó, thị xã Sa Pa có quy mô và thể tích nuôi cá nước lạnh lớn nhất tỉnh và vùng Tây Bắc.

Năm 2020, thể tích nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa đạt khoảng 50.000 m3, diện tích được mở rộng và không ngừng nâng cao chất lượng. Tiêu thụ thủy sản nước lạnh chủ yếu qua thương lái hoặc bán trực tiếp vào các nhà hàng, một số cơ sở đã chủ động tìm thị trường và ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cá nước lạnh tại thành phố Hà Nội và một số tỉnh khác.

Tuy nhiên, nghề nuôi cá nước lạnh hiện nay đang bộc lộ những tồn tại. Đó là, chưa chủ động trong sản xuất giống do thiếu nguồn cá bố mẹ, kỹ thuật sinh sản nhân tạo còn hạn chế, thức ăn cho cá hồi vẫn chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài, hiệu quả sử dụng tài nguyên đất và nước chưa cao.

Bên cạnh đó, việc thiếu những vùng sản xuất thủy sản hàng hóa an toàn gắn kết với thị trường. Đặc biệt, liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc, quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ, chưa có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại điển hình, quy mô lớn, sản xuất chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vì vậy các sản phẩm chủ yếu bán dưới dạng tươi sống, thị trường không ổn định...

Để nghề nuôi cá nước lạnh của Lào Cai phát triển bền vững cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, vừa khai thác lợi thế tiềm năng vừa áp dụng công nghệ mới, tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Từ đó, có chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân có quy mô sản xuất 1.000 m3 trở lên; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng cơ sở chế biến cá nước lạnh, đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm cá nước lạnh; cần thiết thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc để khẳng định thương hiệu cho cá nước lạnh ở Lào Cai.

Để nghề nuôi cá nước lạnh của Lào Cai phát triển bền vững cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, vừa khai thác lợi thế tiềm năng vừa áp dụng công nghệ mới, tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm

Vì những lí do trên, với lợi thế về địa điểm, trung tâm của các vùng  nguyên liệu, giao thông... HTX Nuôi trồng, chế biến thủy sản, cá Hồi, cá Tầm Thức Mai đã đầu tư xây dựng nhà xưởng máy móc thiết bị chế biến các sản phẩm từ cá nước lạnh sử dụng có hiệu quả nguồn cá nước lạnh tại địa phương, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khuyến khích các tổ chức cá nhân, hộ gia đình tích cực tham gia nuôi cá nước lạnh để đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương như: Tăng thu ngân sách, tăng lợi nhuận cho Hợp tác xã, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo tại địa phương…

Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến  các sản phẩm từ cá nước lạnh là phù hợp và cần thiết. Đề án được triển khai là một trong những hoạt động nhằm triển khai hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn của nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Thăng Long