Hướng tới mục tiêu gỡ “thẻ vàng” IUU

Việc gỡ “thẻ vàng” IUU không chỉ có ý nghĩa kinh tế, tạo thuận lợi sinh kế của người dân vùng biển, mà còn phản ánh một hình ảnh Việt Nam tích cực, chủ động phát triển ngành thủy sản bền vững, đóng vai trò quan trọng trên thị trường thủy sản toàn cầu, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia.

go the vang

Tháng 5 năm 2017, đoàn công tác của EU vào Việt Nam kiểm tra hoạt động tuân thủ các quy định của EU về Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU)[1]. Sau quá trình điều tra, thu thập thông tin và đánh giá tình hình hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam trên biển,  đoàn công tác đã gửi kết quả thu thập được và báo cáo kiến nghị lên Ủy ban châu Âu. Trên cơ sở báo cáo đánh giá đó, ngày 23/10/2017, EC đã cảnh báo “thẻ vàng”  IUU đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Đến nay, tròn 4 năm trôi qua, dù đã rất nhiều nỗ lực, nhưng chúng ta vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU. Khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu

Để tháo gỡ “thẻ vàng”, chúng ta đã ban hành Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Đồng thời, doanh nghiệp hải sản đã triển khai chương trình cam kết chống khai thác thác IUU, đẩy mạnh truyền thông trong chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản. Bên cạnh đó, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình đang tiến triển khá nhanh; đến nay có 26.915 tàu, chiếm  87,45% đã lắp đặt. Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định gần 86.000 tàu, đạt 90,53%. Cả nước đã có 59 cảng đủ điều kiện cho công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Qua 4 năm bị “thẻ vàng”, sau  2 lần kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018 và tháng 11/2019, EU đã ghi nhận thiện chí của Việt Nam và rút từ 9 khuyến nghị của năm 2017 xuống còn 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc nhiều giải pháp nhằm chống lại các hành vi IUU.

Tuy nhiên EU vẫn chưa đồng ý gỡ “thẻ vàng” với đánh giá, một số công tác vẫn còn chậm, chưa có sự chuyển biến rõ nét, đặc biệt là tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài có giảm, nhưng chưa vững chắc và diễn biến phức tạp.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là do công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chưa chặt chẽ trong trao đổi thông tin, phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa sớm, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.

Cảnh sát biển vùng 3 phát tờ rơi tuyên truyền ngư dân Vũng Tàu đánh bắt hải sản đúng hải phận
Cảnh sát biển vùng 3 phát tờ rơi tuyên truyền ngư dân Vũng Tàu đánh bắt hải sản đúng hải phận

Mới đây, trong nỗ lực kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài, góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện nghiêm công tác phối hợp, trao đổi thông tin, phát hiện, phòng ngừa sớm, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, 28 địa phương tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, chủ động, thường xuyên trao đổi thông tin; đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời; bảo đảm sự đoàn kết, hỗ trợ, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan; các thông tin, dữ liệu trao đổi giữa các cơ quan chỉ sử dụng cho mục đích nghiệp vụ của cơ quan được cung cấp; những trường hợp phát sinh trong quá trình phối hợp xử lý thông tin phải được bàn bạc, thống nhất giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng chỉ rõ nhưng nội dung trao đổi thông tin của các cơ quan như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Công tác quản lý tàu cá, ngư dân hoạt động khai thác hải sản trên biển.

- Kết quả hợp tác về thủy sản, chống khai thác IUU với các nước, tổ chức quốc tế và khu vực.

- Tàu cá mất tín hiệu, vượt ranh giới khai thác trên biển, có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài.

- Kết quả xử lý tàu cá ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.

- Các tổ chức, cá nhân Việt Nam được cấp văn bản chấp thuận, hoặc giấy phép cho tàu cá khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam.

- Công tác chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; ghi, nộp nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản.

- Kết quả xác minh thông tin liên quan đến tàu cá ngư dân cho cơ quan ngoại giao để làm cơ sở đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam.

b) Bộ Quốc phòng:

- Tình hình, kết quả tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn, tranh chấp chưa được phân định giữa Việt Nam với các nước.

- Tình hình, kết quả kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập cảng, bến theo quy định.

- Tình hình, kết quả ngăn chặn, điều tra, xác minh xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản.

- Tình hình, kết quả can thiệp, đấu tranh đối với các lực lượng chức năng các nước bắt giữ, xử lý trái phép tàu cá Việt Nam trên vùng biển giáp ranh.

- Kết quả xác minh thông tin liên quan đến tàu cá ngư dân cho cơ quan ngoại giao để làm cơ sở đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam.

c) Bộ Công an:

- Tình hình, kết quả điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tổ chức, môi giới, móc nối đưa người, tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; đưa tàu cá, ngư dân về nước trái pháp luật.

- Chủ trương, biện pháp xử lý của các nước đối với tàu cá, ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển khai thác hải sản trái phép.

d) Bộ Ngoại giao:

- Tình hình đàm phán ký kết phân định ranh giới biển giữa Việt Nam và các nước liên quan.

- Tình hình, kết quả đấu tranh, đảm bảo quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam khi bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ, xử lý.

- Kết quả thu thập thông tin tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, trao trả (biển kiểm soát tàu cá, họ tên, địa chỉ thuyền trưởng, thuyền viên, vùng biển vi phạm, hậu quả xảy ra, các biện pháp ngăn chặn, xử lý của nước ngoài đối với tàu cá bị bắt giữ, v.v…) để các cơ quan, đơn vị chức năng trong nước điều tra, xử lý các vụ việc. Chứng cứ vi phạm của tàu cá ngư dân Việt Nam khi các nước cung cấp.

- Thông tin nhận được qua kênh ngoại giao về phản ứng, quan điểm, thái độ các nước và tổ chức quốc tế đối với khai thác IUU.

đ) Bộ Thông tin và Truyền thông:

- Tình hình công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài.

e) UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển:

- Tàu cá của địa phương đã được đăng ký, đăng kiểm; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá; cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản.

- Tàu cá của địa phương khi đang khai thác trên biển bị mất tín hiệu, vượt ranh giới khai thác trên biển, có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài.

- Tình hình, kết quả kiểm tra, kiểm soát tàu cá và ngư dân xuất, nhập cảng, bến theo quy định.

- Tình hình, kết quả xử lý tàu cá, ngư dân địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài và các vụ việc tại địa phương có dấu hiệu môi giới, móc nối đưa người, tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Thủ tướng yêu cầu việc trao đổi, tiếp nhận, xử lý thông tin phải đúng với nhiệm vụ được giao của các đơn vị và phải bảo đảm thông suốt 24/24 giờ trong ngày (trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp), bằng các phương thức phù hợp theo quy định của pháp luật (văn bản, điện thoại, fax, email, v.v...).

Trên cương vị hiệp hội ngành hàng, Vasep có trách nhiệm rất lớn trong việc duy trì thường xuyên  góp ý các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến kiểm soát IUU đối với hải sản khai thác trong nước và nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu; hỗ trợ rà soát việc triển khai của doanh nghiệp liên quan đến thực hiện các quy định IUU khi xuất khẩu sang EU; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền thực hiện các quy định khai thác hợp pháp, khai báo và tuân thủ theo khuyến nghị của EC trong toàn bộ chuỗi hải sản.

Mục tiêu của thủy sản Việt Nam là đến cuối năm 2021 chấm dứt tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và đến năm 2022 phải gỡ được “thẻ vàng” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Việc gỡ “thẻ vàng” IUU không chỉ có ý nghĩa kinh tế, tạo thuận lợi sinh kế của người dân vùng biển, mà còn phản ánh một hình Việt Nam tích cực, chủ động phát triển ngành thủy sản bền vững, đóng vai trò quan trọng trên thị trường thủy sản toàn cầu, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia.

Nhóm phóng viên