Huy động mọi nguồn lực vào phát triển điện năng

Trước áp lực về phụ tải và nguồn vốn đầu tư ngày càng cao, Bộ Công Thương đã kịp thời tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, trước hết là đa dạng hóa nguồn cung, thu hút các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia vào các dự án nguồn và lưới điện.

Trước áp lực phụ tải và nguồn vốn

Trong giai đoạn 2011 - 2019 ngành điện đã hoàn thành các nhiệm vụ, xứng đáng là một trong những trụ cột của nền kinh tế đất nước.

Trong thời gian tới, sự phát triển của ngành Điện ngày càng gặp nhiều thách thức lớn hơn trong việc thoả mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế quốc dân và cải thiện đời sống nhân dân. Có thể thấy một số thách thức lớn đối với ngành điện là: nhu cầu điện đang và còn tiếp tục tăng trưởng nhanh; nguồn năng lượng sơ cấp đang cạn dần và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu; phân bố trên vùng miền mất cân đối dẫn đến tăng thêm lượng điện truyền tải lãng phí, tổn thất truyền tải còn cao …

Hiện nay, nguồn thủy điện lớn đã khai thác hết, các nguồn điện lớn khác cũng cần nhiều thời gian để hoàn thành. Báo cáo mới đây của Ban chỉ đạo quốc gia về điện lực cho thấy, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200 MW trở lên trong quy hoạch điện VII điều chỉnh thì chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ.

Trong khi đó, từ nay đến 2030 nhu cầu điện đang và còn tiếp tục tăng trưởng  nhanh, bình quân mỗi năm Việt Nam cần đưa thêm khoảng 5.000MW đến 6.000MW công suất nguồn điện và hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối tương ứng đi vào vận hành, tổng vốn đầu tư ước tính bình quân khoảng 8 tỷ USD/ năm.

Trước áp lực về phụ tải và nguồn vốn đầu tư ngày càng cao, Bộ Công Thương đã kịp thời tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, trước hết là đa dạng hóa nguồn cung, thu hút các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia vào các dự án nguồn và lưới điện.

Đa dạng hóa nguồn cung

Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ một loạt các giải pháp như: Bổ sung các nguồn điện gió, điện mặt trời vào vận hành giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung thêm các nguồn điện khí sử dụng LNG; tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, xem xét nhập khẩu thêm điện năng từ Trung Quốc; bổ sung và xây dựng lưới điện đồng bộ để giải phóng công suất các nguồn điện; có các giải pháp khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Khi các giải pháp này được triển khai đồng bộ, Việt Nam có khả năng đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trong giai đoạn trung hạn và dài hạn ngành điện Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió, điện mặt trời); chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống.

dien mat troi
Caption

 Đối với nhiệt điện than sẽ phát triển ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác, xuất nhập khẩu điện với các nước trong khu vực để đảm bào an ninh cung cấp điện; xây dựng lưới điện thông minh để đáp ứng yêu cầu vận hành linh hoạt, tích hợp được với tỷ lệ lớn các nguồn năng lượng tái tạo.        

Thu hút nguồn lực

Để có cơ chế khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân phát triển nguồn điện sử dụng NLTT, Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách cho giai đoạn tới như Cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA, Cơ chế đấu thầu để vừa thu hút đầu tư, tăng cường tính minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp và đáp ứng các mục tiêu phát triển của ngành điện.

Muốn khuyến khích các Nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải điện, thì cơ chế khuyến khích về giá phát điện là một trong giải pháp chính, tạo động lực cho Nhà đầu tư phấn đấu thực hiện đầu tư của dự án, trong đó có đầu tư hạ tầng lưới điện đấu nối.

Ví dụ như trường hợp Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam là nhà đầu tư dự án Điện mặt trời (450 MW) tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất đầu tư nhà máy kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải bao gồm Trạm biến áp 500 kV và đường dây đấu nối 500 kV, 220 kV đấu nối và bàn giao lại 0 đồng cho ngành điện quản lý và đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng, điện lực. Việc sử dụng vốn nhà nước cho đầu tư sẽ mất nhiều thời gian cho các thủ tục chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư nếu so với đầu tư tư nhân. Do vậy Bộ Công Thương ủng hộ việc xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải để đẩy nhanh tiến độ vào vận hành của các dự án lưới điện, nhất là tại các khu vực cần hoàn thành nhanh nhất có thể lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo.

Cùng với việc khuyến khích nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài, để đảm huy động 8 tỷ USD mỗi năm đầu tư vào ngành điện, Bộ Công Thương đề xuất  đẩy mạnh cổ phần hóa các Tổng công ty, các công ty nắm giữ các nhà máy điện thuộc Tập đoàn nhà nước (Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam); phát triển các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong ngành điện có tín nhiệm tài chính cao để giảm chi phí huy động vốn cho các dự án điện.

dien gio
Caption

 

Thực hiện thí điểm một số chính sách

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2020 về việc xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu. Nghị Quyết ngày cơ bản đã bước đầu giải quyết được một số vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai dự án thời gian vừa qua liên quan tới thẩm quyền Quyết định chủ trương đầu tư dự án…

Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, vượt quá thẩm quyền của các Bộ, ngành và Chính phủ, căn cứ điểm b Khoản 2 Điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành một Nghị quyết cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, hạn chế nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn từ nay đến 2030. Cụ thể:

Bổ sung thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư.

Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình điện nhóm A đã nằm trong quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kiến nghị cho phép chủ đầu tư không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư dự án.

Cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển dự án công nghiệp điện.

Đối với các dự án công nghiệp điện, kỹ thuật điện phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì cho phép Chủ đầu tư cam kết đảm bảo về bảo vệ môi trường (không phải thực hiện lập, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường). Việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ được thực hiện trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Cho phép các dự án công nghiệp điện thuộc trường hợp là công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp hoặc các công trình điện xây dựng nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện thì chỉ phải xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng chính phủ mà không phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch.

 

Thảo Thy