Dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận.
Dự án điện gió Thanglong Wind ngoài khơi khu vực  mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận tạo tiền đề cho phát triển năng lượng Hydro xanh của Petrovietnam

Ngành Công nghiệp Hydro nói riêng hay nền kinh tế Hydro nói chung đang phát triển nhanh và trở nên hiện hữu trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đang chuẩn bị cho việc hình thành nền kinh tế hydro và các tập đoàn năng lượng, dầu khí trên thế giới bắt đầu triển khai phát triển Hydro xanh sản xuất từ năng lượng tái tạo để chuẩn bị cho việc sản xuất thương mại sau năm 2030. Mặc dù lĩnh vực Hydro xanh còn nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề giá thành sản xuất còn cao, tuy nhiên với tốc độ phát triển của năng lượng tái tạo trong thời gian vừa qua cùng với sự hoàn thiện công nghệ sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của Hydro xanh và có thể sản xuất quy mô thương mại từ sau năm 2030.

Mới đây, Tập đoàn Ineos của Anh thông báo sẽ đầu tư hơn 2 tỷ euro vào việc sản xuất hydro xanh, một loại năng lượng sạch quan trọng để khử carbon trong lĩnh vực công nghiệp. Ở Na uy, Tập đoàn này sẽ xây dựng một nhà máy điện phân công suất 20 MW để sản xuất hydro sạch bằng cách điện phân nước, chạy bằng điện carbon thấp; tại Đức, Ineos sẽ xây dựng một máy điện phân công suất 100 MW để sản xuất hydro xanh tại Cologne.

Trước đó, Công ty Đường sắt quốc gia Đức cho biết sẽ chạy thử nghiệm tàu động cơ hydro trong vòng một năm ở bang Baden-Württemberg vào năm 2024. Trên tuyến đường nối giữa Tübingen, Horb và Pforzheim, đoàn tàu chạy bằng hydro sẽ được thử nghiệm thay thế các đoàn tàu chạy bằng động cơ diesel trước đây. So với động cơ diesel truyền thống, tàu chạy bằng hydro mới sẽ giúp cắt giảm 330 tấn khí CO2 mỗi năm. Công ty đường sắt quốc gia Đức đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0 vào năm 2050, có nghĩa khoảng 1.300 đơn vị động cơ diesel hiện nay sẽ phải được thay thế hoàn toàn.

Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhiên liệu xanh, Petrovietnam nhanh chóng tham gia vào quá trình hoạch định các Chiến lược, chính sách để tạo khung pháp lý cần thiết cho việc phát triển năng lượng Hydro thông qua việc kết hợp với các Viện nghiên cứu, các Bộ, Ngành liên quan để thúc đẩy việc phát triển ngành công nghiệp Hydro của Việt Nam. Bằng Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ dài hạn, Petrovietnam tập trung công tác nghiên cứu ứng dụng, tiếp cận các công nghệ mới trong chuỗi sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng/ứng dụng Hydro để đón đầu và sẵn sàng tham gia sản xuất, kinh doanh Hydro khi thị trường có đủ điều kiện.

Nhìn trên góc độ mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng, Petrovietnam có rất nhiều lợi thế trong phát triển hydro xanh. Về mạng lưới sản xuất, Petrovietnam đã có kinh nghiệm trong việc sản xuất Hydro xám tại các đơn vị thành viên như Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo) và Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC).

Về vận chuyển, phân phối, tàng trữ hydro, cơ sở hạ tầng sẵn có của Petrovietnam như hệ thống đường ống vận chuyển và phân phối, các kho chứa, cửa hàng kinh doanh xăng dầu … và kinh nghiệm vận hành hệ thống khí tự nhiên hoàn toàn có thể được chuyển đổi để ứng dụng cho lĩnh vực hydro. Về sử dụng hydro, các nhà máy lọc hóa dầu cũng như các nhà máy sản xuất phân đạm của Petrovietnam là những khách hàng trực tiếp sử dụng nguồn Hydro xanh để thay thế từng bước nguồn Hydro xám hiện nay. Ngoài ra, Petrovietnam có thể sử dụng hydro xanh để chế biến nhiên liệu tổng hợp từ các nguồn khí có hàm lượng CO2 cao hiện có tại Việt Nam.

Về nghiên cứu, Petrovietnam đã nghiên cứu xu thế phát triển Hydro xanh trên cơ sở đặc thù chuyên ngành và các lợi thế sẵn có của hạ tầng Ngành Dầu khí Việt Nam, trong đó tập trung xác định có hay không các mỏ/vỉa Hydro tự nhiên. Petrovietnam cũng nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị Hydro, đặc biệt chuỗi Năng lượng tái tạo – Hydro – (i) Pin nhiên liệu (Fuel cell)/Sản xuất điện và (ii) sản xuất các sản phẩm hóa dầu (đạm, amoniac, methanol...).

Bên cạnh đó, dựa trên kinh nghiệm trong thiết kế và chế tạo công trình biển đã tích lũy qua nhiều năm, Petrovietnam tập trung triển khai các dự án điện gió ngoài khơi nhằm tạo tiền đề để phát triển năng lượng Hydro trong đó cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể để đảm bảo đến năm 2030 Petrovietnam đạt sản lượng 1.400 MW điện gió ngoài khơi. Petrovietnam đã đặt mục tiêu đến 2045 nâng công suất đặt chiếm từ 8 - 10% tổng công suất hệ thống điện Việt Nam và tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo chiếm 10 - 20% trong tổng công suất nguồn điện Petrovietnam.

Để đạt được các mục tiêu Chiến lược nêu trên, Petrovietnam đưa ra lộ trình, các hướng triển khai, cụ thể như sau:

- Điều chỉnh Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó tính tới chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số.

- Xây dựng Lộ trình/Chương trình phát triển năng lượng hydro xanh.

- Triển khai các hoạt động R&D phát triển năng lượng hydro, tập trung vào lĩnh vực: xác minh khả năng tồn tại hydro tự nhiên dưới lòng đất; sản xuất Hydro xanh; vận chuyển, lưu trữ hydro; sử dụng hydro; và kinh doanh hydro.

- Đẩy mạnh triển khai các dự án điện gió ngoài khơi để sản xuất hydro xanh.

- Đánh giá lựa chọn địa điểm triển khai xây dựng Trung tâm (Hubs) phân phối hydro, ưu tiên gần cụm công nghiệp dầu khí tại Vũng Tàu, Dung Quất và Cà Mau.

- Nghiên cứu từng bước thay thế sử dụng hydro xanh làm nguyên liệu, nhiên liệu cho các nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy phân đạm, chuyển đổi nhiên liệu nhà máy điện khí/than của Petrovietnam sang sử dụng hydro xanh.

- Nghiên cứu phát triển các dự sản xuất hóa chất, nhiên liệu tổng hợp từ Hydro xanh và nguồn CO2 thu được từ các nhà máy và mỏ khí có hàm lượng CO2 cao.

- Đánh giá tiềm năng xuất khẩu hydro sang các nước, ưu tiên thị trường trong khu vực và các nước Đông Bắc Á.

Với lợi thế hình thành chuỗi dầu khí hoàn chỉnh từ thăm dò khai thác, xử lý, vận chuyển, chế biến, tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí, Petrovietnam xác định phát triển sản xuất hydro xanh từ nguồn năng lượng tái tạo là định hướng chiến lược phát triển nguồn năng lượng sạch, mới trong tương lai nhằm cung cấp nguồn năng lượng sạch bền vững cho đất nước trên cơ sở phát huy thế mạnh của hoạt động dầu khí ngoài khơi.