IEA: Covid-19 thổi bay nhu cầu sử dụng dầu thô tích luỹ trong 10 năm qua

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm khoảng 9,3 triệu thùng/ngày tương đương với nhu cầu sử dụng dầu thô được tích luỹ trong 10 năm qua.
Giàn khoan dầu thô
 Sản lượng khai thác dầu thô của nhiều quốc gia đang giảm mạnh trong bối cảnh nhu cầu sử dụng xuống thấp kỷ lục vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19 (Ảnh: Bloomberg)

Trong ngày 14/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo ngay cả khi các biện pháp hạn chế di chuyển được nới lỏng vào nửa cuối năm nay thì nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2020 vẫn giảm tới 9,3 triệu thùng/ngày so với năm 2019. Mức sụt giảm này tương đương với tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu được tích luỹ trong gần 10 năm qua.

IEA cũng cho biết nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong tháng 4/2020 sẽ giảm khoảng 29 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2019, chạm mức thấp nhất kể từ năm 1995. Tính chung cả quý 2/2020, nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ giảm 23,1 triệu thùng so với quý 2/2019.

Mặc dù nhu cầu sử dụng dầu thô được kỳ vọng sẽ dần phục hồi trong nửa cuối năm nay nhưng IEA dự báo ngay cả trong tháng 12/2020, nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu vẫn sẽ thấp hơn khoảng 2,7 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2019.

Nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong các hoạt động giao thông trên toàn cầu đã sụt giảm mạnh trong bối cảnh khoảng 187 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển, cách ly xã hội hoặc phong toả diện rộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Hầu hết các hoạt động kinh tế trên toàn cầu đã bị đình trệ khi có đến hơn 3 tỷ người dân được yêu cầu phải ở trong nhà, điều này đã tạo ra cú sốc cầu chưa từng có trong lịch sử trên thị trường dầu mỏ, đẩy giá dầu thô lao dốc. Giá dầu thô trên thị trường tương lai hiện đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019. Giá dầu thô Brent giao tương lai hiện đạt khoảng 29 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai đạt 20 USD/thùng.

Đầu tuần này, liên minh OPEC+ gồm Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh đã đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác lớn nhất lịch sử, giảm 9,7 triệu thùng/ngày tương đương gần 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu kể từ ngày 1/5 tới đây. Mức cắt giảm này sẽ được duy trì trong tháng 5 và tháng 6/2020.

Bên cạnh đó, một số quốc gia khai thác dầu thô lớn khác trên thế giới như Hoa Kỳ và Canada mặc dù không tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng do liên minh OPEC+ khởi xướng nhưng cũng cho biết sản lượng khai thác cũng đã giảm xuống do các doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoạt động. Giới phân tích ước tính tổng mức cắt giảm sản lượng lần này sẽ đạt khoảng 20 triệu thùng/ngày – tương đương 20% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Thoả thuận cắt giảm sản lượng lịch sử của liên minh OPEC+ và các quốc gia khai thác dầu thô khác đã cứu thị trường dầu thô khỏi nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, IEA cảnh báo tình trạng dư cung lên tới 12 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2020 vẫn đem lại mối đe doạ lớn đối với thị trường dầu mỏ, các kho chứa dầu, đường ống dẫn dầu và tàu chuyên chở dầu thô có thể sẽ bị lấp đầy chỉ trong vài tuần tới.

Rõ ràng là chúng ta vẫn còn phải đi một chặng đường dài nữa trước khi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra chấm dứt”, IEA cho biết.

Quang Đặng (Theo CNBC)