IFC hỗ trợ triển khai hệ thống trực tuyến xuất khẩu trái cây

Hệ thống trực tuyến sẽ giúp nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm của thanh long và chanh dây bằng cách cập nhật và thực hiện các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm theo thông lệ quốc tế.
Thanh long Việt Nam được đón nhận tại hệ thống siêu thị AEON, Nhật Bản
Thanh long Việt Nam được đón nhận tại hệ thống siêu thị AEON, Nhật Bản

Hỗ trợ đúng lúc

Ngày hôm qua 16/4, tại Hà Nội, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã ký biên bản ghi nhớ với Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây chất lượng cao của Việt Nam.

Trọng tâm cựa hợp tác này là IFC hỗ trợ triển khai một hệ thống trực tuyến về các yêu cầu liên quan đến xuất khẩu thanh long và chanh dây vào năm 2022.

Hệ thống trực tuyến này được triển khai trên cơ sở hợp tác của IFC với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Chính phủ Nhật Bản và Quỹ Tín thác Tăng trưởng Xanh Hàn Quốc (Quỹ này cũng trực thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới).

Hệ thống trực tuyến sẽ giúp nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm của thanh long và chanh dây bằng cách cập nhật và thực hiện các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm theo thông lệ quốc tế và yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu; chủ yếu là các nước thuộc khối Liên minh châu Âu EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.

Hệ thống trực tuyến cũng là công cụ xúc tiến thương mại hiệu quả, giúp cho các đối tác nhập khẩu trái cây trên thị trường quốc tế biết đến trái cây Việt Nam nhiều hơn.

Bên cạnh đó, dịch vụ hạ tầng chất lượng cũng sẽ được cải thiện để bảo đảm sản phẩm xuất khẩu tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Những dịch vụ này bao gồm xây dựng tiêu chuẩn, kiểm nghiệm và chứng nhận tiêu chuẩn cho các sản phẩm thanh long và chanh dây tươi và chế biến để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Sự hỗ trợ của IFC đến thật đúng lúc, vì đến lúc này Việt Nam đã ký và thực hiện 12 FTA, liên quan đến 65 nền kinh tế, chiếm trên 70% GDP toàn cầu.

Trong đó có 4 FTA song phương, gồm Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (JVEPA); Việt Nam – Chile (VCFTA); Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA); Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU).

Cùng với đó là 8 FTA đa phương, gồm Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA); ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA); ASEAN - Nhật Bản (AJFTA); ASEAN - Ấn Độ (AIFTA); ASEAN, Australia và New Zealand (AANZFTA); ASEAN - Hồng Kông (AHKFTA); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 7 tới.

Điều đó có nghĩa là, thuế đã không còn là rào cản thương mại do các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Vì vậy, việc đáp ứng yêu cầu vệ sinh và kiểm dịch thực vật trở nên vô cùng quan trọng để nông sản Việt Nam có thể thâm nhập thị trường xuất khẩu.

Việc hợp tác với IFC sẽ hỗ trợ thúc đẩy những nỗ lực liên tục của Việt Nam nhằm hiện thực hóa tiềm năng xuất khẩu. Và sự thành công của dự án này đối với thanh long và chanh dây sẽ là cơ sở để mở rộng áp dụng cho các sản phẩm nông nghiệp khác.

Vài nét về Công ty Tài chính Quốc tế IFC

Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) là một tổ chức chuyên giúp đỡ khu vực tư nhân trong các nước đang phát triển. IFC cung cấp dịch vụ quản lí tài sản và đầu tư để khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân ở các quốc gia thiếu cơ sở hạ tầng hoặc thanh khoản để nhận được tài trợ tài chính.

Tổng giám đốc IFC thăm nhà máy nước Nhị Thành (Long An)- một trong những nhà máy lớn nhất và trực tiếp góp phần giải quyết tình trạng sụt lún ở đồng bằng Sông Cửu Long.
Tổng giám đốc IFC thăm nhà máy nước Nhị Thành (Long An)- một trong những nhà máy lớn nhất và trực tiếp góp phần giải quyết tình trạng sụt lún ở đồng bằng Sông Cửu Long

IFC được thành lập vào năm 1956, là một phần của Ngân hàng Thế giới, tập trung vào việc xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm thông qua sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. IFC cũng đảm bảo rằng các doanh nghiệp tư nhân ở các quốc gia đang phát triển có khả năng tiếp cận các thị trường và thu được nguồn tài trợ.

Các mục tiêu gần đây nhất của IFC bao gồm phát triển nông nghiệp bền vững, mở rộng khả năng tiếp cận tài chính vi mô, cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như các chính sách về khí hậu, y tế và giáo dục. IFC được quản lí bởi 184 quốc gia thành viên và có trụ sở tại Washington.

Một số dự án tiêu biểu của IFC tại Việt Nam

Gói tài trợ trị giá 15,3 triệu USD cho Công ty DNP Water - một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhằm mở rộng cơ hội sử dụng nước sạch cho các hộ gia đình và người dân khu vực đô thị.

Gói hỗ trợ Tập đoàn Nam Cường thúc đẩy chương trình xây dựng và phát triển công trình xanh tại Việt Nam.

Gói hỗ trợ nhà máy điện mặt trời nối lưới tư nhân đầu tiên của Việt Nam: Nhà máy điện mặt trời TTC Phong Điền, do Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC)

Khoản đầu tư trái phiếu của IFC nhằm hỗ trợ các dự án điện gió và điện mặt trời của AC Energy tại Việt Nam với tổng công suất lắp đặt đạt 360MW.

Gói hỗ trợ hơn 200 triệu USD cho VPBank đẩy mạnh tín dụng xanh.

Vũ Thư