IFC mong muốn hỗ trợ Việt Nam đầu tư cơ sở hạ tầng lĩnh vực năng lượng

Ngày 13/4/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

bo truong

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng tái tạo là rất đáng ghi nhận, đã giúp Việt Nam giảm áp lực đầu tư từ khu vực nhà nước trong phát triển điện lực. Lĩnh vực truyền tải cũng từng bước có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân.

Thị trường khí nói chung tại Việt Nam được định hướng phát triển theo cơ chế thị trường cạnh tranh, không hạn chế các doanh nghiệp tư nhân cả trong và ngoài nước tham gia đầu tư trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp cần phải tuân thủ theo các quy định chung về quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, xây dựng,…

bt

Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực và hỗ trợ mà IFC đã dành cho Bộ Công Thương trong thời gian qua, cụ thể là Chương trình thí điểm phát triển nhà cung ứng trong lĩnh vực tự động, điện tử, năng lượng và thiết bị gia dụng. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị trong thời gian tới IFC sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc: Tư vấn tìm những nhà đầu tư tư nhân có năng lực về kỹ thuật, tài chính và trách nhiệm xã hội cho 2 lĩnh vực của điện lực là nguồn và truyền tải; Hỗ trợ trong công tác truyền thông về năng lượng sạch tới người dân và toàn xã hội, đặc biệt với cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương; Đào tạo nguồn nhân lực, trước hết cho các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước cũng như các nhà đầu tư tư nhân của Việt Nam; Hỗ trợ hợp tác làm thí điểm và nhân rộng các hoạt động phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết IFC mong muốn hỗ trợ Việt Nam với các chương trình về đầu tư cơ sở hạ tầng lĩnh vực năng lượng.

Đồng thời, IFC cũng muốn hỗ trợ Việt Nam giải quyết những vấn đề của ngành năng lượng thông qua huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển sản xuất điện (đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời) và hạ tầng truyền tải điện. IFC đã có kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, cũng rất quan tâm hỗ trợ tài chính cho hạ tầng LNG cũng như hỗ trợ một số dự án truyền tải điện.

IFC

Trong thời gian qua, IFC đã hỗ trợ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thực hiện Chương trình thí điểm phát triển nhà cung ứng trong lĩnh vực tự động, điện tử, năng lượng và thiết bị gia dụng, đồng thời giúp tăng cường năng lực trong thiết kế và thực thi các chương trình tương tự. Tiếp nối thành công của Chương trình thí điểm này, từ 2022-2024, IFC triển khai dự án hỗ trợ Cục Công nghiệp và Bộ Công Thương tăng cường năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp Việt Nam thông qua chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Ngoài ra, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ: Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương đã phối hợp với IFC và sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) triển khai xây dựng “Cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo lĩnh vực Cơ khí chế tạo, Ô tô, Điện tử, Dệt may, Da giày” nhằm hình thành mạng lưới liên kết giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia.

Thăng Long