IMF: Không loại trừ khả năng nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm sau

Giám đốc IMF vừa cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu đã “xấu đi rất nhiều” so với thời điểm cuối tháng 4 và không loại trừ khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ xảy ra trong năm sau do các rủi ro gia tăng mạnh.
Giám đốc IMF Kristalina Georgieva
Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu kể từ khi IMF cập nhật dự báo hồi tháng 4 đã “xấu đi rất nhiều” (Ảnh: The Financial Express)

Trả lời phỏng vấn với hãng tin Reuters (Anh) trong ngày 6/7, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ ba trong năm nay. Bản dự báo mới về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm 2023 dự kiến sẽ được IMF công bố vào cuối tháng 7.

Trong bản dự báo gần nhất công bố hồi tháng 4 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay từ mức 4,4% xuống còn 3,6%. Trong năm 2021, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 6,1%.

Bà Kristalina Georgieva cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu kể từ khi IMF cập nhật dự báo hồi tháng 4 đã “xấu đi rất nhiều” khi tình trạng lạm phát leo thang lan rộng ra nhiều quốc gia, các ngân hàng trung ương mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc vì các biện pháp phong toả kéo dài, và phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn nhắm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.

Khi được hỏi về rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu, bà Kristalina Georgieva cho biết “rủi ro đã tăng lên nên chúng tôi (IMF) không thể loại trừ khả năng này sẽ xảy ra”. Đồng thời, Giám đốc IMF nhấn mạnh “rủi ro suy thoái trong năm 2023 đã tăng lên” và nhận định năm 2023 có thể là một năm khó khăn hơn đối với nền kinh tế toàn cầu. Các dữ liệu kinh tế gần nhất cho thấy một số nền kinh tế lớn trên thế giới, bao gồm cả Nga và Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại trong quý 2/2022.

Giới đầu tư toàn cầu đang ngày càng lo ngại nền kinh tế toàn cầu sẽ khó tránh khỏi một đợt suy thoái mới khi các ngân hàng trung ương lớn, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), mạnh tay nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Chủ tịch FED Jerome Powell nhấn mạnh FED sẽ nỗ lực kiểm soát đà tăng của giá các loại hàng hoá và thừa nhận điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Bà Kristalina Georgieva nhận định việc thắt chặt các điều kiện tài chính trong thời gian dài hơn sẽ làm phức tạp triển vọng kinh tế toàn cầu nhưng việc kiểm soát lạm phát là điều cần thiết phải làm. Đồng thời, bà Kristalina Georgieva kêu gọi các quốc gia cần cẩn trọng trước nguy cơ phân hoá giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, khiến nỗ lự kiểm soát lạm phát của các ngân hàng trung ương bị suy yếu.

Quỳnh Trang