Indonesia tiếp tục là thị trường tiềm năng lớn của hàng hóa Việt Nam

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Indonesia 5 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng tích cực, đồng thời thị trường này còn nhiều dư địa cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam khai thác.

Indonesia là thị trường lớn nhất ASEAN với hơn 270 triệu người tiêu dùng, trong đó tầng lớp trung lưu có quy mô ngày càng tăng, là thị trường có nhiều dư địa cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Thị trường nhiều dư địa phát triển

Trong giai đoạn 2018-2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Indonesia đạt trung bình 2 tỷ USD, trong đó cao nhất là năm 2018, với 3,5 tỷ USD. Sau hai năm do ảnh hưởng của Covid 19, kim ngạch đã có sự phục hồi đáng kể, ứng với 2,36 tỷ USD, xấp xỉ kim ngạch năm 2021.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tháng 5/2023 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt 392,07 triệu USD, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm nay đạt 2,07 tỷ USD, tăng 7,68% so với 5 tháng năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng chính của Việt Nam sang Indonesia 5 tháng đầu năm 2023

thị trường Indonesia

Việt Nam là nhà cung cấp có uy tín, chất lượng nhiều sản phẩm cho thị trường Indonesia như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hàng dệt may, giày dép, điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, vật liệu xậy dựng, sản phẩm nhựa....

Trong số 10 nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Indonesia (chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu) trong 5 tháng đầu năm 2023 có 6/10 mặt hàng có giá trị đáng kể, đáng kể như mặt hàng gạo (tăng 16 lần, đạt 181,36 triệu USD), cà phê (tăng 185%, đạt 76,22 triệu USD), điện thoại các loại và linh kiện (tăng 79,78%, đạt 161,34 triệu USD), phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 79,7%, đạt185,19 triệu USD), …

Chứng nhận Halal – chìa khóa thành công cho hàng hóa xuất khẩu sang Indonesia

Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, so với nhiều thị trường trong ASEAN, thời gian tới Indonesia được đánh giá tiếp tục là thị trường xuất khẩu tiềm năng của hàng hóa Việt Nam.

Thứ nhất, đây là thị trường có dân số 272 triệu người, quy mô dân số lớn thứ tư trên thế giới, tiêu dùng hộ gia đình chiếm 57,66% GDP (tương đương 612 tỷ USD).

Thứ hai, Indonesia là thị trường dễ tính hơn so với Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản; có nét văn hóa Á Đông gần gũi, khoảng cách địa lý gần giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh hàng hóa.

Thứ ba, Indonesia và Việt Nam đều thuộc Hiệp hội các quốc gia ASEAN nên được hưởng các thuế quan ưu đãi nội khối.

Thứ tư, hàng hóa Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế tại thị trường Indonesia với giá trị kim ngạch xuất khẩu đang gia tăng theo thời gian; có lợi thế so sánh đối với nhiều nhóm hàng nông, thủy sản….

hang hoa Indonesia
Plaza Senayan – một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất tại Jakarta, Indonesia.

Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng thách thức trong việc tiếp cận thị trường Indonesia cũng không ít. Đây là thị trường mang tính bảo hộ cao với nhiều hàng rào phi thuế quan, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (để tự chủ về lương thực, thực phẩm, giảm nhu cầu nhập khẩu nông lâm sản từ nước khác).

Một điểm mà các doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt lưu ý, dù không phải là một nhà nước Hồi giáo, nhưng Indonesia là quốc gia có đa số tín đồ Hồi giáo, chiếm 86,1% dân cư, do đó chứng nhận Halal được xem như giấy thông hành của sản phẩm cho người tiêu dùng Hồi giáo. Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xin giấy chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc SNI để việc mở rộng thị phần đạt kết quả cao, tạo sự khác biệt cạnh tranh hiệu quả tại thị trường này.

Việt Hằng