InnoGenEx: Sản phẩm khởi nghiệp phải là sáng tạo, không trùng lặp

Công ty InnoGenex được hình thành từ nền tảng công nghệ lõi do TS. Lê Quang Hòa, giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, xây dựng nên trong các lĩnh vực Chẩn đoán phân tử, Protein tái tổ hợp và Sinh học tổng hợp. Sau quãng đường dài nghiên cứu và phát triển trong phòng thí nghiệm, số lượng sản phẩm có khả năng thương mại hóa đã lên đến con số gần hai chục và công ty InnoGenex đã ra đời vào năm 2019 với sứ mệnh ban đầu là thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu này.

Khởi nghiệp trong lĩnh vực sinh học phân tử mới từ năm 2018, InnoGenEx (Công ty Khoa học Công nghệ Quốc tế) hiện có 16 dòng sản phẩm đã chuyển giao cho các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp. Công ty hiện đang sở hữu những công nghệ đặc biệt, là giải pháp để phát hiện nhanh độc tố trong thực phẩm, y tế và chăn nuôi.

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm, toàn xã hội đang nghiên cứu vacxin phòng chống dịch, thì việc đảm bảo miếng thịt lợn sạch không bị nhiễm bệnh là việc vô cùng cần thiết với sức khỏe người tiêu dùng.

Theo đó, thời gian thực hiện PCR trung bình khoảng 2,5-3 giờ, trong khi thời gian thực hiện LAMP trung bình khoảng 1-1,5 giờ; Kết quả của phản ứng LAMP có thể được quan sát ngay dưới ánh sáng thường hoặc soi dưới tia UV; Hệ thống LAMP không cần đến năng lượng điện (vì có thể sử dụng túi ấm hoặc túi giữ nhiệt). Do đó, có thể giảm được thời gian vận chuyển, phát hiện nhanh, có tính di động và hiệu quả kinh tế cao. Phù hợp với những vùng đang còn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng cũng như yếu kém về khoa học công nghệ.

Theo thống kê, bệnh cúm, do vi rút cúm gây ra hàng năm khiến 500.000 ca tử vong trên toàn cầu. Mỗi năm trong các đợt dịch bệnh hàng năm và có thể khiến các nền kinh tế thiệt hại hơn 85 tỷ đô la chi phí y tế và giảm thu nhập. Các phương pháp chẩn đoán cúm thông thường thiếu độ nhạy dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh hoặc cách ly bệnh nhân không cần thiết trong khi kết quả âm tính được xác nhận.

Hiện nay, ngoài hoạt động chính phát triển các sản phẩm và giải pháp phát hiện nhanh độc tố trong thực phẩm, y tế và chăn nuôi, InnoGenEx đang phát triển các công nghệ mới là cung cấp dịch vụ tư vấn để thiết lập một phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

InnoGenEx đã nghiên cứu thành công công nghệ có thể test trên miếng thịt lợn

Các sinh phẩm của công ty được thị trường đón nhận đáng chú ý như: Công nghệ sản xuất sinh phẩm phát hiện nhanh vi rút dịch tả lợn Châu Phi dựa trên kỹ thuật khuếch đại DNA đẳng nhiệt LAMP; Que thử sốt xuất huyết; Sinh phẩm LAMP phát hiện vi khuẩn gây bệnh trong thực phẩm (Salmonella, Listeriamonocytogenes, E.coli O157, Clostridium perfringens);… Những sản phẩm này đều có thời gian phát hiện nhanh chất độc trong thực phẩm hơn các công nghệ test hiện nay trên thi trường.

Nhưng hiện nay trên thị trường mới chỉ có công nghệ test dịch tả lợn châu phi trên con lợn đang sống. InnoGenEx đã nghiên cứu thành công công nghệ có thể test trên miếng thịt lợn đã mổ để phát hiện dịch tả lợn Châu phi. Đó là Công nghệ sản xuất sinh phẩm phát hiện nhanh vi rút dịch tả lợn Châu Phi dựa trên kỹ thuật khuếch đại DNA đẳng nhiệt LAMP.

Hiện nay, InnoGenEx đang là đơn vị duy nhất trên thị trường sở hữu công nghệ này. Để bắt tay vào một dự án khởi nghiệp, mỗi người cần trang bị rất nhiều kiến thức và kỹ năng với TS. Lê Quang Hòa, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ Sinh học, chúng tôi quan niệm rằng sản phẩm khởi nghiệp phải là một sản phẩm sáng tạo, không trùng lặp với các sản phẩm hiện có trên thị trường và đặc biệt là phải đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Do vậy, để có thể tạo được sản phẩm khởi nghiệp có tính đột phá, công ty chúng tôi thường xuyên cập nhật các định hướng và tiến bộ công nghệ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực hoạt động để từ đó đề xuất các giải pháp công nghệ phù hợp với tình hình sản xuất trong nước và tiến tới chinh phục thị trường các nước Đông Nam Á.

Để một dự án khởi nghiệp thành công cần rất nhiều kỹ năng khác nhau nhưng đối với chúng tôi cần hai yếu tố tiên quyết đó là sự kiên trì và sự ham học hỏi. Kiên trì ở đây không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghiên cứu, theo đuổi khám phá công nghệ đến cùng mà nhiều khi còn liên quan đến việc thuyết phục người sử dụng dẹp bỏ các hoài nghi để chuyển đổi công nghệ mới. Về phần mình, sự ham học hỏi sẽ giúp hoàn thiện sản phẩm cũng như giúp công ty thích ứng với môi trường cạnh tranh toàn cầu hóa.

Cũng theo TS. Lê Quang Hòa,đối với InnoGenEx, cơ sở ươm tạo trong trường Đại học đối với các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp từ trong trường là thực sự cần thiết. Điều này là rất cần thiết vì sẽ giúp các nhóm nghiên cứu hoàn thiện được công nghệ, sản phẩm, giảm tải các thủ tục hành chính trong hành trình khởi nghiệp và giúp kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019. Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg

Đông Sơn