Kế hoạch cải thiện Chỉ số Hiệu quả Logistics của Việt Nam

Bản Kế hoạch đề ra mục tiêu nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số Hiệu quả Logistics (gọi tắt là LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố từ nay đến năm 2025 lên 5 - 10 bậc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 708/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cải thiện chỉ số Hiệu quả Logistics của Việt Nam.

Bản Kế hoạch đề ra mục tiêu nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số Hiệu quả Logistics (gọi tắt là LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố từ nay đến năm 2025 lên 5 - 10 bậc. Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39 trên thế giới về xếp hạng LPI, đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo,...

Để đạt mục tiêu đề ra, Kế hoạch nêu rõ 49 nhiệm vụ cụ thể gắn với vai trò của các bộ, ngành, địa phương, được chia thành các nhóm nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với 6 chỉ số thành phần trong LPI, bao gồm: Nhóm nhiệm vụ về nâng cấp hạ tầng; nhóm nhiệm vụ về cải thiện khả năng giao hàng; nhóm nhiệm vụ về nâng cao năng lực và chất lượng cung cấp dịch vụ logistics; nhóm nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ, tối ưu khả năng truy xuất; nhóm nhiệm vụ về rút ngắn thời gian và giảm chi phí; nhóm nhiệm vụ về nâng cao hiệu quả thông quan; nhóm nhiệm vụ bổ trợ.

Cục Xuất nhập khẩu là cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được huy động từ các nguồn: vốn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tài trợ quốc tế và nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Các bộ, ngành xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị, địa phương, bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo phân cấp và quy định của pháp luật hiện hành để triển khai các nhiệm vụ nêu tại phục lục của Kế hoạch này, có báo cáo hàng quý gửi về Bộ Công Thương tổng hợp.

Hoàng Hà