Kế hoạch xả bán lượng dầu thô kỷ lục của Hoa Kỳ sẽ tác động thế nào tới thị trường thế giới?

Chốt phiên giao dịch ngày 31/3 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent đã lao dốc giảm hơn 4,88% xuống còn 107,91 USD/thùng sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết sẽ xả bán ra thị trường lượng dầu thô kỷ lục 180 triệu thùng trong vòng 6 tháng tới.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden
 Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhấn mạnh việc xả bán lượng dầu thô kỷ lục từ kho dự trữ chiến lược quốc gia sẽ giúp tăng cường đáng kể nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ đang tăng mạnh trở lại (Ảnh: E&E News)

Trong ngày 31/3, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thông báo kế hoạch xả bán ra thị trường tới 1 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 180 ngày từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu. Nếu được triển khai, đây sẽ là lần thứ ba Hoa Kỳ sử dụng nguồn dầu thô từ SPR trong vòng 6 tháng qua và sẽ là lần xả bán từ kho dự trữ lớn nhất trong lịch sử 50 năm của SPR. Trong lần xả bán gần nhất vào tháng 11/2021, Hoa Kỳ chỉ tung ra tổng cộng 50 triệu thùng dầu.

Thông báo của chính quyền ông Joe Biden nhấn mạnh “Lượng dầu thô dự trữ khổng lồ được tung ra sẽ giúp tăng đáng kể nguồn cung trên thị trường từ nay cho đến cuối năm 2022 trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ đang phục hồi mạnh mẽ”. Động thái này của Hoa Kỳ có thể thúc đẩy các quốc gia đồng minh cùng tham gia xả bán một phần kho dự trữ chiến lược nhằm kiềm chế đà tăng của giá nhiên liệu.

Hiện tác động của việc Hoa Kỳ xả bán ra tới 180 triệu thùng dầu thô lên thị trường nhiên liệu toàn cầu vẫn chưa rõ ràng. Một số nhà phân tích cho rằng hiện rất khó để khẳng định việc xả bán lượng lớn dầu thô dự trữ của Hoa Kỳ sẽ giúp giảm giá dầu thô.

Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) cho rằng hành động can thiệp của chính quyền ông Joe Biden sẽ giúp thị trường dầu mỏ trở nên cân bằng hơn trong năm 2022 nhưng sẽ không giúp giải quyết triệt để nguyên nhân sâu xa khiến thị trường thiếu hụt nguồn cung trong những năm tiếp theo và Hoa Kỳ không thể liên tục tung dầu thô dự trữ từ kho chiến lược ra thị trường.

Hiện nhiều quốc gia khai thác dầu thô lớn đang đối mặt với tình trạng suy kiệt phần công suất khai thác dự phòng do thiếu hụt đầu tư mới để duy trì các khu vực khai thác hiện tại cũng như tìm kiếm các mỏ dầu mới. Điều này khiến thị trường mất đi “bộ đệm” quan trọng – phần sản lượng sẵn sàng bung ra ngay khi các cú sốc cung hay cầu xuất hiện. Goldman Sachs nhấn mạnh thị trường dầu mỏ thế giới hiện không có một vùng đệm tồn kho đủ lớn và độ co giãn của nguồn cung yếu khiến thị trường dễ rơi vào các cú sốc giá.

Theo dữ liệu Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đến ngày 22/3, kho dự trữ dầu thô chiến lược của Hoa Kỳ có 568 triệu thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 5/2002. Nếu kế hoạch xả bán dầu thô của ông Joe Biden được thực hiện thì kho dự trữ này sẽ giảm hơn 30% - chạm mức thấp nhất kể từ năm 1980. Việc xả bán lượng lớn dầu thô có thể giúp giá nhiên liệu giảm xuống trong ngắn hạn nhưng có thể khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trở nên trầm trọng hơn trong trung và dài hạn.

Nguyên nhân do việc giá nhiên liệu giảm xuống sẽ kích thích nhu cầu sử dụng tăng lên nhưng sẽ kìm hãm sự mở rộng trong hoạt động khai thác dầu mỏ, đặc biệt là đối với dầu đá phiến tại Hoa Kỳ – loại hình khai thác vốn có chi phí cao và cần giá dầu thô giữ ở mức đủ cao để đảm bảo sinh lời. Hiện khoảng 70% tổng nguồn cung dầu thô của Hoa Kỳ là đến từ các mỏ dầu đá phiến. Do đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô trong năm 2023 có thể trở nên trầm trọng hơn. Đồng thời, Hoa Kỳ sẽ cần phải tái bổ sung lượng lớn dầu thô cho kho dự trữ chiến lược sau 2 năm xả bán.

Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Công ty môi giới đầu tư OANDA Asia Pacific Pte (Singapore), cũng nhận định việc xả bán lượng lớn dầu thô ra thị trường sẽ giúp bình ổn giá dầu trong ngắn hạn nhưng điều này không thể thay thế được nguồn cung dầu thô từ Nga. Nga hiện là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới với nguồn cung lên tới 7,5 triệu thùng/ngày.

Một số nhà phân tích cảnh báo các biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây đến nền kinh tế Nga có thể khiến ngành năng lượng Nga bị thiệt hại đáng kể và phải mất nhiều năm để phục hồi trở lại. Điều này để lại một lỗ hổng lớn trong cơ cấu nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích thị trường năng lượng Suvro Sarkar tại Ngân hàng DBS (Singapore), cho rằng các đợt xả kho trước đây của Hoa Kỳ không tác động quá nhiều đến thị trường. Tuy nhiên, quy mô kỷ lục của đợt xả kho mới nhất có thể tác động lâu dài hơn đến giá dầu toàn cầu. Song tác động thực tế sẽ phụ thuộc vào cách thức xả kho của Hoa Kỳ, thông qua bán lẻ trực tiếp hay cho các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu vay.

Duy Quang