Kế toán môi trường tại các doanh nghiệp xây dựng công trình thủy điện Việt Nam: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện

ThS. NGUYỄN THỊ TẤM (Khoa Kế toán - Trường Đại học Duy Tân)

TÓM TẮT:

Xây dựng cơ bản nói chung và xây dựng công trình thủy điện nói riêng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, những tác động tới môi trường của các công trình thủy điện như: ngập lụt, xói lở, hạn hán, là điều không tránh khỏi. Hiện tại, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn chưa được coi trọng, thông tin về kế toán môi trường tại các doanh nghiệp xây dựng công trình thủy điện vẫn còn mờ nhạt. Xuất phát từ những lý do đó, bài viết này tìm hiểu về tổ chức công tác kế toán môi trường tại các doanh nghiệp xây dựng công trình thủy điện Việt Nam hiện nay và đề xuất các giải pháp hoàn thiện.

Từ khóa: Doanh nghiệp xây dựng, công trình thủy điện, kế toán môi trường.

1. Lý do nghiên cứu

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bảo vệ môi trường là đồng nghĩa với việc hạn chế các rủi ro môi trường, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và đảm bảo phát triển bền vững doanh nghiệp. Thông tin kế toán môi trường của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng cho việc quản trị điều hành doanh nghiệp cũng như cung cấp thông tin cho nhóm các đối tượng khác có liên quan. Việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện đòi hỏi năng lực sản xuất, nguồn vốn rất lớn, quản lý hết sức phức tạp do thời gian xây dựng dài lại chịu ảnh hưởng trực tiếp của các yếu tố thời tiết, khí hậu, địa chất công trình. Điều này đặt ra cho các doanh nghiệp xây dựng (DNXD) công trình thủy điện luôn phải tìm mọi cách đổi mới hệ thống các công cụ quản lý, trong đó có kế toán. Chính vì vậy, việc nghiên cứu để đưa ra các giải pháp hoàn thiện công tác tổ chức kế toán môi trường tại các DNXD công trình thủy điện là rất cần thiết và cấp bách.

2. Cơ sở lý thuyết về tổ chức công tác kế toán môi trường tại các doanh nghiệp

Kế toán môi trường trong doanh nghiệp (DN) là một bộ phận trong hệ thống kế toán doanh nghiệp nhằm thu nhận, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về hoạt động môi trường trong phạm vi doanh nghiệp dưới hình thức giá trị và hiện vật.

Việc xác định kế toán môi trường thuộc bộ phận nào sẽ phụ thuộc vào mô hình tổ chức kế toán mà DN lựa chọn. DN có thể lựa chọn một trong các mô hình sau:

Thứ nhất, mô hình tổ chức kế toán tài chính và kế toán quản trị môi trường riêng biệt.

Thứ hai, mô hình tổ chức kế toán tài chính và kế toán quản trị môi trường lồng ghép.

Kế toán môi trường là một nội dung của kế toán doanh nghiệp, do đó đối tượng của kế toán môi trường cũng bao gồm tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập nhưng được xem xét dưới góc độ môi trường nhằm cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng trong và ngoài doanh nghiệp.

Xét trên góc độ kế toán môi trường trong một đơn vị kế toán cụ thể, tổ chức công tác kế toán môi trường bao gồm:

- Tổ chức công tác kế toán tài sản môi trường

- Tổ chức công tác kế toán nợ phải trả môi trường

- Tổ chức công tác kế toán chi phí môi trường

- Tổ chức công tác kế toán thu nhập môi trường

Cụ thể qua các nội dung: Nhận diện - xác định, tổ chức ghi nhận, tổ chức cung cấp thông tin và sử dụng thông tin về tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập môi trường trong doanh nghiệp.

3. Thực trạng tổ chức kế toán môi trường tại các DNXD công trình thủy điện ở Việt Nam hiện nay

3.1. Mô hình tổ chức kế toán tài chính và kế toán quản trị môi trường

Qua khảo sát thực tế, hầu hết các DNXD công trình thủy điện thực hiện tổ chức kế toán tài chính và kế toán quản trị DN theo mô hình kết hợp. Với mô hình này, trong từng nội dung tổ chức công tác kế toán đều có sự kết hợp chặt chẽ giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị. Trong từng bộ phận kế toán theo từng phần hành kế toán đã có sự kết hợp thực hiện các nhiệm vụ của cả kế toán tài chính cũng như kế toán quản trị. Kế toán hoạt động môi trường tại DN chưa thể hiện rõ chức năng, vai trò, nhiệm vụ cụ thể, chúng được lồng ghép trong từng phần hành kế toán cụ thể của kế toán tài chính và kế toán quản trị.

3.2. Nhận diện - xác định tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập môi trường

Tại các doanh nghiệp xây dựng công trình thủy điện hiện nay thì các tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập môi trường chưa được tách biệt riêng kể cả về mặt nhận diện và phương pháp xác định giá trị của chúng, mà chỉ được xếp chung vào với các loại tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập khác của doanh nghiệp.

3.3. Tổ chức chứng từ kế toán và hạch toán ban đầu

Để thu nhận được thông tin kế toán về tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập liên quan đến hoạt động môi trường, bộ phận kế toán trong doanh nghiệp vận dụng mẫu trong Hệ thống chứng từ kế toán của Bộ Tài chính, không thiết kế thêm mẫu chứng từ mới, không bổ sung thêm chỉ tiêu trên chứng từ kế toán.

3.4. Tổ chức tài khoản kế toán

Việc tổ chức các thông tin liên quan đến tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập về môi trường, các DN thực hiện việc theo dõi đồng thời trên các tài khoản đã được thiết lập trong đơn vị.

3.5. Tổ chức sổ kế toán

Các DN hiện nay đều sử dụng sổ kế toán tổng hợp và chi tiết theo mẫu hướng dẫn của Bộ Tài chính. Các DN không thiết kế riêng các mẫu sổ kế toán để ghi chép các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập môi trường.

3.6. Tổ chức cung cấp và sử dụng thông tin tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập môi trường

Hiện nay các DN đều lập báo cáo tài chính theo quy định của Bộ Tài chính. Bao gồm: Báo cáo tình hình tài chính, Báo cáo kết quả hoạt động, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Thuyết minh báo cáo tài chính. Thống nhất theo mẫu báo cáo tài chính quy định hiện nay, các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động môi trường chưa được trình bày và thuyết minh độc lập. Vì vậy, các chỉ tiêu liên quan đến tài sản môi trường, nợ phải trả môi trường, chi phí môi trường, thu nhập môi trường chưa được các DN trình bày trên báo cáo tài chính.

4. Giải pháp hoàn thiện tổ chức kế toán môi trường tại các DNXD công trình thủy điện ở Việt Nam hiện nay

4.1. Hoàn thiện về mô hình tổ chức kế toán tài chính và kế toán quản trị môi trường

Các DN nên chọn mô hình tổ chức kế toán tài chính và kế toán quản trị môi trường “lồng ghép”. Với lựa chọn như vậy, việc phân công phân nhiệm trong bộ phận kế toán được thuận lợi đơn giản, tạo điều kiện phối hợp chặt chẽ công việc của nguời làm kế toán trong việc thu thập, hệ thống hóa, xử lý và cung cấp thông tin kế toán môi trường.

4.2. Hoàn thiện về nhận diện - xác định tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập môi trường

Với mục đích cung cấp thông tin cho đối tượng sử dụng thông tin bên ngoài để thể hiện trách nhiệm của DN trong hoạt động bảo vệ môi trường, so sánh giữa các DN cùng ngành, cùng lĩnh vực kinh doanh trong việc đầu tư tài sản phục vụ cho hoạt động bảo vệ môi trường. Tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập môi trường cần được nhận diện độc lập với các tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập khác và phản ánh trên một khoản mục riêng trên báo cáo tài chính, nhằm cung cấp thông tin cho các bên liên quan.

4.3. Hoàn thiện tổ chức chứng từ kế toán và hạch toán ban đầu

Trên cơ sở các loại chứng từ hướng dẫn cho các DN của Bộ Tài chính, DN cần lựa chọn các chứng từ phù hợp và cần mã hóa thêm ký hiệu phục vụ cho việc xác định nguồn gốc từng loại, từng thứ vật liệu và theo từng nhà cung cấp nhằm phục vụ cho ghi sổ kế toán chi phí môi trường.

4.4. Hoàn thiện tổ chức tài khoản kế toán

Trên cơ sở danh mục hệ thống tài khoản kế toán DN của Bộ Tài chính thì các doanh nghiệp không nhất thiết phải thiết lập thêm tài khoản cấp 1, 2 mà chỉ cần mở chi tiết thêm tài khoản cấp 3 cho một số tài khoản kế toán để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến hoạt động môi trường. Chẳng hạn như đối với tài sản môi trường, trên cơ sở Tài khoản 2111 nhà cửa, vật kiến trúc (Tài khoản cấp 2) doanh nghiệp cần mở chi tiết cho đối tượng là nhà cửa, vật kiến trúc sử dụng cho hoạt động bảo vệ môi trường. Tài khoản 2112-Máy móc, thiết bị, DN cần mở chi tiết thêm cho đối tượng là máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động bảo vệ môi trường… tương tự đối với các tài khoản khác như tài khoản 214, 331, 338, 3524, 627, 641, 642, 711, 811,…

4.5. Hoàn thiện về tổ chức sổ kế toán

Hiện nay, để thuận lợi trong việc hệ thống hóa và xử lý thông tin kế toán trên máy tính, các doanh nghiệp có thể lựa chọn một hình thức kế toán phù hợp. Trên cơ sở hình thức kế toán đã được lựa chọn, các doanh nghiệp cần xây dựng các loại sổ kế toán phù hợp để ghi chép nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập về môi trường trong DN. Để phục vụ cho việc cung cấp thông tin chi phí môi trường phục vụ cho lập chỉ tiêu “Chi phí môi trường” trên báo cáo tài chính của DN, sổ chi tiết các tài khoản phản ánh chi phí môi trường cần được thiết kế như sau:

Sổ chi tiết chi phí môi trường trên cũng được mở cho các tài khoản cấp 3 của các tài khoản 6272 - Chi phí vật liệu; tài khoản 6273 - Chi phí dụng cụ sản xuất; tài khoản 6274 - Chi phí khấu hao TSCĐ; tài khoản 6277 - Chi phí dịch vụ mua ngoài; tài khoản 6278 - Chi phí bằng tiền khác. Các tài khoản cấp 3 của tài khoản 641, 642, 811 cũng được mở như sổ chi tiết trên.

4.6. Hoàn thiện về tổ chức cung cấp và sử dụng thông tin tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập môi trường

Trên cơ sở nhu cầu thông tin tài chính môi trường cung cấp cho các đối tượng sử dụng thông tin, để cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng thông tin bên ngoài doanh nghiệp đánh giá mức độ đầu tư môi trường, rủi ro môi trường, hiệu quả sử dụng chi phí môi trường, Báo cáo kế toán của doanh nghiệp cần được hoàn thiện và bổ sung thêm thông tin tài chính môi trường trong thuyết minh báo cáo tài chính và được trình bày theo hai cách.

Thứ nhất, toàn bộ thông tin tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập phát sinh từ hoạt động môi trường cần được trình bày thành một mục “Thuyết minh thông tin tài chính môi trường” trong phần IX (Những thông tin khác) của thuyết minh báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Thứ hai, thông tin tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập phát sinh từ hoạt động môi trường được tách ra và trình bày theo các nội dung hiện nay đã có trong phần thuyết minh báo cáo tài chính. Cụ thể như: Trong thuyết minh báo cáo tài chính, thông tin tài sản cố định hữu hình môi trường được trình bày trong mục tăng, giảm tài sản cố định hữu hình. Trình bày tương tự đối với Nợ phải trả môi trường, chi phí, thu nhập môi trường.

5. Kết luận

Môi trường đã trở thành vấn đề quan trọng và cấp thiết hiện nay, nhiều quốc gia đã gắn kết các vấn đề môi trường vào hệ thống kế toán truyền thống của doanh nghiệp đang được áp dụng. Kế toán môi trường tại Việt Nam là một lĩnh vực mới, có vai trò quan trọng đối với quản trị doanh nghiệp. Kế toán môi trường chỉ được phát huy tốt nhất khi thông tin kế toán môi trường được cung cấp đầy đủ, kịp thời, minh bạch, đảm bảo sự tin cậy cho người sử dụng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, không được xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, thiên về lợi ích kinh tế trước mắt mà chưa coi trọng đến phát triển bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường cần được quan tâm đúng mức, cần được tổ chức bắt buộc như các hoạt động kinh tế khác trong các doanh nghiệp ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO :

1. Hà Xuân Thạch (2014), Định hướng phát triển kế toán quản lý môi trường trong hệ thống kế toán Việt Nam.

2. Hà Thị Thu Nga (2013) Kế toán môi trường đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

3. Hoàng Thị Bích Ngọc (2014), Kế toán quản trị môi trường tại Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

4. Bennett, M., and P. James, eds (1998), The Green Bottom Line, Environmental Accounting for Management.

5. Bennett M., P. Rikhardsson and S. Schaltegger, eds (2003), Environmental Management Accounting: Purpose and Progress.

6. Bergamini (2001), Stressing environmental financial accounting transparence for decision making in Brazil.

ENVIRONMENTAL ACCOUNTING

AT VIET NAM’S HYDROPOWER CONSTRUCTION COMPANIES:

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

● MA. NGUYEN THI TAM

Faculty of Accounting - Duy Tan University

ABSTRACT:

Basic construction in general and construction of hydropower projects in particular are developing strongly. However, the environmental impacts of hydropower projects such as flooding, erosion, drought, etc. are inevitable. But the issue of environmental protection is still not respected, information on environmental accounting in the construction of hydropower plants is still faint. From these reasons, this article explores the organization of environmental accounting in current Vietnamese hydropower projects and recommends complete solutions.

Keywords: Construction companie, hydropower projects, environmental accounting.