Kế toán ngoại tệ trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

ThS. PHẠM THU HƯƠNG (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT: 

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang có ngày càng nhiều hơn các giao dịch cũng như các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến ngoại tệ. Chuẩn mực kế toán số 10 (VAS 10) và Thông tư hướng dẫn ra đời không chỉ có tác dụng đưa ra một phương pháp hạch toán ngoại tệ trong các doanh nghiệp một cách thuận lợi mà còn góp phần đưa việc xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái tại Việt Nam đến gần hơn với các thông lệ kế toán được chấp nhận phổ biến trên thế giới. Bên cạnh đó, Thông tư số 200/2014/TT-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp ra đời là sự tổng hợp và hoàn thiện Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam sau khi ban hành các Chuẩn mực kế toán Việt Nam và các thông tư hướng dẫn, đã giúp cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi lĩnh vực hoạt động có thể nhất thể hóa công tác kế toán nhằm nâng cao tính minh bạch trong công tác kế toán, đảm bảo tính so sánh trong nền kinh tế quốc dân. Các văn bản trên đã tạo ra khuôn khổ pháp lý về kế toán ngoại tệ trong doanh nghiệp khá hoàn chỉnh, hài hòa ở mức độ khá cao với thông lệ quốc tế, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế. Bài viết phân tích những điểm hạn chế và đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện hoạt động kế toán ngoại tệ trong các doanh nghiệp.

Từ khóa: Kế toán ngoại tệ, doanh nghiệp, VAS 10, Thông tư số 200/2014/TT-BTC.

1. Đánh giá về công tác kế toán ngoại tệ tại các doanh nghiệp hiện nay

1.1.  Ưu điểm

        * Quy định công tác kế toán ngoại tệ tại các doanh nghiệp hiện nay

          Theo VAS 10, một giao dịch bằng ngoại tệ phải được hạch toán và ghi nhận ban đầu theo đơn vị tiền tệ kế toán, bằng việc áp dụng tỷ giá hối đoái giữa đơn vị tiền tệ kế toán và ngoại tệ tại ngày giao dịch. 

            Theo Điều 69, Thông tư 200, các DN có nghiệp vụ phát sinh bằng ngoại tệ phải thực hiện ghi sổ kế toán và lập BCTC theo một đơn vị tiền tệ thống nhất là đồng Việt Nam, hoặc đơn vị tiền tệ chính thức sử dụng trong kế toán. Việc quy đổi đồng ngoại tệ ra đồng Việt Nam phải căn cứ vào: Tỷ giá giao dịch thực tế và Tỷ giá ghi sổ kế toán.

         * Quy định Điều 69, Thông tư 200

          Thông tư 200 quy định nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch thực tế rất chi tiết cho từng trường hợp, theo đó: 

          - Tỷ giá giao dịch thực tế khi mua bán ngoại tệ (hợp đồng mua bán ngoại tệ giao ngay, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi): Là tỷ giá ký kết trong hợp đồng mua, bán ngoại tệ giữa DN và ngân hàng thương mại (NHTM).

         - Trường hợp, hợp đồng không quy định tỷ giá thanh toán thì DN ghi sổ kế toán theo nguyên tắc:

         + Tỷ giá giao dịch thực tế khi góp vốn hoặc nhận vốn góp: Là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi DN mở tài khoản (TK) để nhận vốn của nhà đầu tư tại ngày góp vốn.

          + Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải thu: Là tỷ giá mua của NHTM nơi DN chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh.

          + Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải trả: Là tỷ giá bán của NHTM, nơi DN dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch phát sinh. 

          + Đối với các giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua các TK phải trả), tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá mua của NHTM, nơi DN thực hiện thanh toán. 

          Việc sử dụng tỷ giá mua vào và bán ra của NHTM, nơi DN mở TK /chỉ định thanh toán /dự kiến. Giao dịch công bố như vậy, có ưu điểm là phản ánh đúng tình hình tài chính của DN, đảm bảo được nguyên tắc thận trọng của kế toán, không đánh giá quá cao giá trị tài sản, hay đánh giá quá thấp nợ phải trả của DN. Chẳng hạn như, khi bán hàng trả chậm cho khách hàng thì khoản phải thu ngoại tệ từ khách hàng nếu thu được bằng ngoại tệ, thì theo quy định của Luật Quản lý ngoại hối Việt Nam, các DN cũng phải bán ngay số ngoại tệ này cho ngân hàng. Do vậy, khi quy đổi khoản phải thu này sang VNĐ phải sử dụng tỷ giá mua của NHTM. Hay khi mua chịu hàng hóa làm phát sinh khoản phải trả người bán, để trả tiền cho người bán, DN phải mua ngoại tệ đã rồi mới thanh toán được. Do vậy, khi mua chịu, kế toán phải sử dụng tỷ giá bán của NHTM để quy đổi khoản phải trả người bán. Các quy định này hoàn toàn phù hợp và dễ áp dụng cho các DN có ít giao dịch bằng ngoại tệ. 

   *Những thay đổi trong kế toán ngoại tệ ở Việt Nam

          Trước khi có VAS 10, tất cả các khoản chênh lệch tỷ giá được phản ánh trên TK 413- Chênh lệch tỷ giá và theo hệ thống tài khoản kế toán Việt Nam thì tài khoản này không có tài khoản cấp 2. Tuy nhiên, vì cách xử lý hai nội dung của chênh lệch tỷ giá có khác nhau nên trong thực tế hạch toán, các doanh nghiệp đều mở chi tiết tài khoản này thành hai tài khoản cấp hai là: chênh lệch tỷ giá đã thực hiện và chênh lệch tỷ giá đánh giá lại cuối năm tài chính.

           Khi có VAS, các khoản chênh lệch tỷ giá của các DN được phản ánh trực tiếp trên TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính, TK 635 - Chi phí tài chính, và TK 413 - Chênh lệch tỷ giá. TK 413 được quy định mở hai tài khoản cấp 2:

  • TK 4131 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại cuối năm tài chính
  • TK4132 - Chệnh lệch tỷ giá hối đoái trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản
  • TK4133 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái từ chuyển đổi báo cáo tài chính: phản ánh khoản chênh lệch tỷ giá khi chuyển đổi báo cáo tài chính của cơ sở ở nước ngoài hoạt động độc lập

          Theo chế độ kế toán DN mới ban hành theo Quyết định 200 thì TK 413 chỉ có 2 tài khoản cấp 2 là TK4131 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái đánh giá lại cuối năm tài chính và TK 4132 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái trong giai đoạn đầu tư XDCB.

           - Về phương pháp xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái:

 Chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ hoặc trong việc báo cáo các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ của một DN theo các tỷ giá hối đoái khác với tỷ giá hối đoái đã được ghi nhận ban đầu, hoặc đã được báo cáo trong BCTC trước, được xử lý như sau:

+ Trong giai đoạn đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định của DN mới thành lập, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ để thực hiện đầu tư xây dựng và chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính được phản ánh luỹ kế, riêng biệt trên Bảng Cân đối kế toán. Khi TSCĐ hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng thì chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng được phân bổ dần vào thu nhập hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh trong thời gian tối đa là 5 năm.

+ Trong giai đoạn sản xuất, kinh doanh, kể cả việc đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định của DN đang hoạt động, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ và đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính sẽ được ghi nhận là thu nhập, hoặc chi phí trong năm tài chính, ngoại trừ chênh lệch tỷ giá hối đoái quy định trong đoạn 12c, 14, 16.

+ Đối với DN sử dụng công cụ tài chính để dự phòng rủi ro hối đoái thì các khoản vay, nợ phải trả có gốc ngoại tệ được hạch toán theo tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh. DN không được đánh giá lại các khoản vay, nợ phải trả có gốc ngoại tệ đã sử dụng công cụ tài chính để dự phòng rủi ro hối đoái.

 Chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh được ghi nhận khi có sự thay đổi tỷ giá hối đoái giữa ngày giao dịch và ngày thanh toán của mọi khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Khi giao dịch phát sinh và được thanh toán trong cùng kỳ kế toán, các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái được hạch toán trong kỳ đó. Nếu giao dịch được thanh toán ở các kỳ kế toán sau, chênh lệch tỷ giá hối đoái được tính theo sự thay đổi của tỷ giá hối đoái trong từng kỳ cho đến kỳ giao dịch đó được thanh toán.

1.2. Những hạn chế

   * Về tài khoản sử dụng

          Việc bỏ TK 4133 trong chế độ kế toán doanh nghiệp mới là hợp lý vì khi chuyển đổi BCTC cơ sở nước ngoài hoạt động độc lập thì phần chênh lệch phát sinh sẽ được tính vào khi hợp nhất BCTC nhưng lại không giải thích dễ khiến kế toán băn khoăn không biết TK009 - Nguồn vốn khấu hao là bỏ đi hay là chế độ kế toán thiếu quy định.

   *Về phương pháp hạch toán

          Việc hướng dẫn hạch toán các nghiệp vụ liên quan tới ngoại tệ trong VAS và Chế độ kế toán DN mới đã khá chi tiết và cụ thể. Tuy nhiên những hướng dẫn đó chỉ phù hợp với những DN ít phát sinh các giao dịch ngoại tệ mà không phù hợp với các DN phát sinh nhiều nghiệp vụ liên quan đến ngoại tệ và nhất là làm kế toán thủ công, bởi vì các nghiệp vụ này đều được hướng dẫn ghi sổ theo tỷ giá thực tế. Trong kỳ kế toán, DN có thể phát sinh nhiều giao dịch ngoại tệ, hơn nữa có thể liên quan tới nhiều loại ngoại tệ khác nhau, trong khi đó tỷ giá của mỗi ngoại tệ lại khác nhau và thường xuyên biến động, do đó đã gây khó khăn cho kế toán trong việc phản án và theo dõi. Đặc biệt đối với các nghiệp vụ xuất ngoại tệ, kế toán dựa vào một trong các phương pháp sau để xác định tỷ giá xuất ngoại tệ: Tỷ giá nhập trước xuất trước, tỷ giá nhập sau xuất trước… với nhiều tỷ giá hối đoái thực tế được ghi nhận trong kỳ thì việc xác định tỷ giá là rất phức tạp. Vì những lí do trên mà thực tế ở các DN phát sinh nhiều nghiệp vụ liên quan đến ngoại tệ hiện nay kể cả các DN áp dụng kế toán máy ít khi chọn tỷ giá thực tế để ghi sổ như trong hướng dẫn, nếu có thì cũng phản ánh không chính xác hoặc sai thời điểm.

2. Kiến nghị hoàn thiện kế toán ngoại tệ

Trong hoạt động hàng ngày, mỗi DN phải xử lý hàng loạt các vấn đề liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính... Một trong những tác động lớn đến các DN phải kể đến đó là vấn đề hạch toán chênh lệch tỷ giá.

Trong những năm qua Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản hướng dẫn về tài chính và hạch toán chênh lệch tỉ giá. Các văn bản trên trước hết đã tạo ra hành lang pháp lý, một môi trường bình đẳng giữa các loại hình DN thuộc mọi thành phần kinh tế về vấn đề xử lý chênh lệch tỉ giá và hạch toán chênh lệch tỉ giá.

- Về tỉ giá dùng để qui đổi

           Quy định làm phức tạp hơn cho công tác kế toán trong những DN thường xuyên phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ. Kế toán sẽ phải cập nhật sự biến động tỷ giá qua từng ngày. Mỗi một giao dịch trong một ngày, kế toán sẽ phải xác định xem sử dụng tỷ giá gì để quy đổi trong ba tỷ giá do NHTM công bố: Tỷ giá mua tiền mặt, tỷ giá mua chuyển khoản hay tỷ giá bán. Chưa kể đến việc, nếu một DN mở TK hoặc thực hiện giao dịch tại nhiều ngân hàng khác nhau. Đương nhiên, việc phản ánh giá trị tài sản, nợ phải trả càng sát thực càng tốt, càng có lợi cho các đối tượng sử dụng BCTC của DN. Tuy nhiên, không thể đòi hỏi sự tuyệt đối trong kế toán, cần phải cân nhắc giữa chi phí của việc phản ánh đúng và lợi ích của việc phản ánh kịp thời. Trong trường hợp này Bộ Tài chính không nên quy định cứng nhắc, bắt buộc tất cả các DN phải áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế do NHTM công bố để hạch toán các giao dịch bằng ngoại tệ, nhất là đối với những DN thường xuyên giao dịch bằng ngoại tệ hoặc những giao dịch bằng ngoại tệ bằng những đồng tiền phổ biến. Bởi tỷ giá mua và tỷ giá bán của các đồng tiền này, thường chênh lệch nhau không nhiều. Thay vì việc sử dụng tỷ giá thực tế do các NHTM công bố, Bộ Tài chính có thể cho phép các DN thường xuyên giao dịch bằng ngoại tệ hoặc giao dịch ngoại tệ bằng những đồng tiền phổ biến được phép sử dụng tỷ giá xấp xỉ với tỷ giá hối đoái thực tế tại ngày giao dịch.

- Việc đánh giá số dư cuối kỳ và xử lý chênh lệch do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kì.

          Tất cả các khoản chênh lệch tỷ giá đều được phản ánh ngay vào doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ) tại thời điểm phát sinh. 

          Riêng khoản chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện dự án, công trình trọng điểm quốc gia gắn với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng được tập hợp, phản ánh trên TK 413 và được phân bổ dần vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính khi doanh nghiệp đi vào hoạt động theo nguyên tắc:

          + Khoản lỗ tỷ giá lũy kế trong giai đoạn trước hoạt động được phân bổ trực tiếp từ TK 413 vào chi phí tài chính, không thực hiện kết chuyển thông qua TK 242 - chi phí trả trước.

          + Khoản lãi tỷ giá lũy kế trong giai đoạn trước hoạt động được phân bổ trực tiếp từ TK 413 vào doanh thu hoạt động tài chính.

          + Thời gian phân bổ thực hiện theo quy định của pháp luật đối với loại hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Riêng số phân bổ khoản lỗ tỷ giá tối thiểu trong từng kỳ phải đảm bảo không nhỏ hơn mức lợi nhuận trước thuế trước khi phân bổ khoản lỗ tỷ giá (sau khi phân bổ lỗ tỷ giá, lợi nhuận trước thuế của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bằng không).  

- Về việc xử lý chênh lệch tỷ giá trong thời kỳ chuẩn bị đầu tư xây dựng, doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động.

            Theo qui định tại các thông tư thì: Chênh lệch tỉ giá giảm (dư nợ TK 413) được phân bổ đều vào chi phí tài chính doanh nghiệp, thời gian phân bổ không dưới 5 năm kể từ khi công trình đi vào hoạt động. Qui định đưa ra một cách xử lí duy nhất như vậy là chưa phù hợp. Thực tế nhiều doanh nghiệp đầu tư, xây dựng mua sắm từ nguồn mua trả chậm hoặc vay ngoại tệ quá lớn, một sự sụt giá mạnh của đồng tiền mà không có một hoạt động thực tiễn nào để dự phòng, chống đỡ. Trong trường hợp này chênh lệch tỉ giá cần được tính vào giá trị của tài sản (ghi tăng nguyên giá TSCĐ) để thu hồi dần qua con đường khấu hao. Điều này cũng phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế số 21.

Vì vậy trong chế độ cần qui định thêm trường hợp này để tháo gỡ khó khăn các doanh nghiệp, và cũng để không phát nhiều trường hợp cụ thể phải xin công văn chấp thuận của Bộ Tài chính.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Giáo trình “Kế toán tài chính trong các doanh nghiệp “Trường Đại học Kinh tế quốc dân Viện Kế toán - Kiểm toán. Chủ biên GS. TS. Đặng Thị Loan.
  2. Giáo trình Tín dụng và Thanh toán Thương mại quốc tế - TS. Trần Văn Hòe (Chủ Biên).
  3. Quyết định số 200/2014/TT-BTC về chế độ kế toán trong doanh nghiệp.
  4. Chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 21.

ACCOUNTING FOR FOREIGN CURRENCY TRANSACTIONS IN VIETNAMESE ENTERPRISES

Master. PHAM THU HUONG

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Currently, Vietnamese enterprises are doing more and more transactions related to foreign currencies. Vietnamese Accounting Standard No. 10 (VAS 10) and the guiding circular of this standard do not only provide enterprises with a convenient accounting method for transactions related to foreign currencies but also solve the exchange differences in Vietnam, harmonizing Vietnam’s accounting regulation with international accounting standards. In addition, the promulgation of the Circular No. 200/2014 / TT-BTC on the enterprise accounting regime was an improvement of the Vietnamese enterprise accounting regime. This circular was issued after the promulgation of Vietnamese Accounting Standards and related guiding circulars which have helped enterprises of all economic sectors to unify their accounting work, improve the transparency in their accounting tasks, ensuring the comparability in the national economy. Vietnamese Accounting Standards and related guiding circulars have created a complete legal framework for accounting for foreign currency transactions in enterprises. This legal framework harmonizes with international practices at a high level. However, it still has limitations. This article analyzes the limitations of this legal framework and proposes solutions to improve accounting for foreign currency transactions in enterprises.

Keywords: Accounting for foreign currencies transactions, enterprises, VAS 10, Circular No. 200/2014 / TT-BTC.