Kết nối các điểm du lịch theo tuyến ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An

NGUYỄN MINH NGUYỆT (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích các tài nguyên du lịch và phương pháp đánh giá tổng hợp tài nguyên du lịch tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, từ đó xác định khả năng liên kết các điểm du lịch để tạo thành các tuyến du lịch và tour du lịch. Kết quả nghiên cứu góp phần xác lập cơ sở khoa học cho việc quy hoạch các tuyến du lịch ở Kỳ Sơn, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Từ khóa: tài nguyên du lịch, tuyến du lịch, điểm du lịch, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

1. Đặt vấn đề

Việc hình thành các tuyến du lịch có ý nghĩa rất lớn đến việc thúc đẩy hoạt động du lịch của các địa phương, vì không chỉ nâng cao lợi thế về tài nguyên du lịch, mà còn tăng thời gian lưu trú của khách, tăng sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch và tăng doanh thu du lịch. Chính vì thế, tuyến du lịch được xem là sản phẩm du lịch đặc biệt, là lộ trình liên kết các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch gắn với các tuyến giao thông [1].

Kỳ Sơn là huyện miền núi ở phía Tây của Nghệ An, là khu vực có nhiều thế mạnh du lịch từ tự nhiên đến từ các giá trị văn hóa, lịch sử của các cộng đồng sinh sống. Trong những năm gần đây, nhiều điểm du lịch đã được du khách biết tới như cổng trời Mường Lống, đỉnh Puxailaileng, tháp cổ Yên Hòa,… Tuy nhiên, hoạt động du lịch của địa phương hiện còn nhiều hạn chế, doanh thu ít, chưa tạo được sức hút đối với du khách. Đặc biệt, giữa các điểm du lịch chưa có sự liên kết và hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Chính vì thế, việc kết nối các điểm du lịch ở Kỳ Sơn để hình thành các tuyến, tour du lịch trong huyện là rất cần thiết để sử dụng hợp lý tiềm năng du lịch, đóng góp vào ngân sách và nâng cao hơn nữa thu nhập của người dân địa phương.

2. Cơ sở dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở dữ liệu

- Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, tình hình phát triển, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kỳ Sơn, bản đồ hành chính của huyện Kỳ Sơn,… Các dữ liệu sau khi thu thập được xử lý, phân tích, đánh giá để tạo thành các lớp thông tin nền ở khu vực nghiên cứu.

- Dữ liệu sơ cấp được thu thập từ quá trình khảo sát thực địa theo các tuyến, các điểm du lịch nhằm xem xét khả năng thu hút thị trường khách, khả năng tiếp cận tham quan du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật (CSVCKT) du lịch,… của từng điểm du lịch, từ đó lựa chọn các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tài nguyên du lịch.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

* Phương pháp thu thập số liệu, dữ liệu thứ cấp: Các dữ liệu thứ cấp liên quan đến vấn đề nghiên cứu được thu thập từ UBND huyện Kỳ Sơn,… để có những thông tin ban đầu về lãnh thổ và nội dung nghiên cứu.

* Phương pháp phỏng vấn: trên cơ sở phân tích, đánh giá từ các tài liệu thu thập được kết hợp với tiến hành phỏng vấn một số nhà quản lý và người dân ở địa phương để làm căn cứ đưa ra các đề xuất.

* Phương pháp đánh giá tài nguyên du lịch: Phương pháp đánh giá tài nguyên du lịch trong bài báo được tiến hành theo thang điểm tổng hợp với các bước sau đây:

- Lựa chọn và phân cấp các chỉ tiêu đánh giá theo 4 bậc.

- Lập thang đánh giá thành phần tương ứng với thang điểm 4, 3, 2, 1 và thang đánh giá tổng hợp.

- Đánh giá tổng hợp theo bài toán cộng và phân hạng mức độ thuận lợi của các điểm du lịch Kỳ Sơn theo khoảng cách đều để làm cơ sở thiết kế tuyến du lịch.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Khái quát về huyện Kỳ Sơn

Kỳ Sơn có diện tích 209.484 km2, cách thành phố Vinh khoảng 250 km về phía Tây với hơn 203 km đường biên giới với nước Lào. Địa hình chủ yếu là núi cao, có độ dốc lớn, bị chia cắt bởi nhiều sông suối. Khu vực này chịu ảnh hưởng trực tiếp của vùng khí hậu Tây Nam Nghệ An, có đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa với 2 mùa rõ rệt (mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3), lượng mưa bình quân đạt 1.650 mm, song lại phân bố không đều. Khu vực này là nơi khởi nguồn của dòng sông Lam với 2 nhánh sông Nậm Mộ và Nậm Nơn (chiều dài của 2 con sông này chảy qua địa bàn huyện hơn 125 km) và nhiều khe suối nhỏ. Toàn huyện có 59 nghìn ha rừng với nhiều loại động thực vật quý hiếm.

Toàn huyện có 21 xã, thị trấn, trong đó thị trấn Mường Xén chính là “thủ phủ” của huyện. Dân số toàn huyện hiện có 80.288 người (năm 2021) với các dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái, Kinh, Hoa,… cùng chung sống, tạo nên những nét văn hóa đặc sắc. Trong những năm qua, kinh tế Kỳ Sơn có bước phát triển, nông lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều có sự tăng trưởng, song Kỳ Sơn vẫn là huyện nghèo của tỉnh Nghệ An. Những năm gần đây, Huyện đã chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để cải thiện đời sống người dân.

3.2. Các điểm du lịch ở Kỳ Sơn

3.2.1. Điểm du lịch Mường Lống

Mường Lống có diện tích 142,30 km2, nằm trong thung lũng trên một đỉnh núi cao khoảng 1.500 mét thuộc dãy Trường Sơn, ở phía Đông của Kỳ Sơn. Từ thị trấn Mường Xén đi vào khoảng 47 km trên những con đèo nhỏ sẽ đến được Mường Lống, nơi được ví như “tiểu Sa Pa” của xứ Nghệ. Đến đây, du khách có thể tham quan check in ở “cổng trời Mường Lống”; Khám phá “Thác Rồng Mường Lống” với độ cao khoảng 30 - 40m, có 2 tầng nước trong vắt tuyệt đẹp; Thăm thú vườn đào, vườn mận thi nhau khoe sắc, thưởng thức nhiều món ăn độc đáo như món “Dúa túa”, món rau cải ngồng, tham gia lễ hội chọi bò của bà con người Mông vào dịp đầu xuân,... Từ thị trấn Mường Xén vào xã di chuyển bằng ôtô dễ dàng, hiện có một số nhà dân bắt đầu định hướng phát triển du lịch homestay, du lịch cộng đồng nhưng chưa thực sự đồng bộ. Nét đặc sắc nơi đây đang thu hút được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

3.2.2. Điểm du lịch xã Mỹ Lý

Mỹ Lý có diện tích khoảng 270 km2, nằm ở phía Đông Bắc của Kỳ Sơn trong khu vực địa hình đồi núi có độ cao từ 600-1.000m. Từ thị trấn Mường Xén qua xã Huồi Tụ đến Mỹ Lý khoảng 51 km hoặc di chuyển từ Mường Lống sang Mỹ Lý khoảng 27 km. Đến đây, du khách có thể khám phá với một số hang động độc đáo, nổi bật là hang "Thẳm Đạn" với nhiều nhũ đá lấp lánh và nhiều nhánh hang nhỏ; trải nghiệm cảm giác du thuyền trên lòng hồ Mỹ Lỹ; tìm hiểu Tháp cổ Yên Hòa - một công trình kiến trúc mang đậm phong cách Phật giáo, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII với chiều cao khoảng 30m; tham quan những ngôi nhà sàn cổ trải đều trên triền núi đẹp như tranh vẽ; tham gia lễ Khàu Búa Sa của đồng bào dân tộc Thái tổ chức vào ngày 29/7 âm lịch để tạ lễ tổ tiên và tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành; thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng như thịt nướng, cá nướng, cơm lam, măng nướng, chắm chéo, nặm nhoọc (món ăn có sự hoà quyện của các loại rau, thịt và gia vị núi rừng), xôi, rượu nếp cái,… Di chuyển từ Mường Xén vào Mỹ Lý khá thuận tiện bằng ôtô, tuy nhiên các cơ sở lưu trú rất ít và chưa được xây dựng một cách bài bản.

3.2.3. Điểm du lịch tại xã Huồi Tụ

Xã Huồi Tụ nằm ở phía Bắc huyện Kỳ Sơn, có độ cao tầm 1.200 - 1.400m so với mực nước biển nên mây trắng bồng bềnh quanh năm. Ở đây, người dân trồng những cánh rừng pơ mu xanh tốt, vút thẳng lên trời xanh, như được trồng trên mây. Từ Mường Xén đi đến Mường Lống hoặc Mỹ Lý, du khách có thể dừng chân ở Huồi Tụ, nơi đây chỉ cách thị trấn 33km, dừng chân ở dưới những cánh rừng pơ mu, đắm chìm trong không khí trong lành, mát mẻ, ngắm trời mây, thư giãn như đang ở trong những rừng thông Đà Lạt.

3.2.4. Điểm du lịch tại xã Nậm Cắn

Đến xã Nậm Cắn, du khách có thể trải nghiệm đi chợ phiên vùng biên giới và tham quan bản dệt vải truyền thống của người Thái ở bản Noọng Dẻ.

Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn là nơi giao lưu giữa hai dân tộc Việt - Lào. Phiên chợ được họp vào các ngày chủ nhật, mang đậm những nét riêng đặc trưng của đồng bào các dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái ở miền Tây xứ Nghệ và các dân tộc của Lào ở tỉnh Xiêng Khoảng. Những sản vật của núi rừng như hoa chuối, cải ngồng, dưa chuột, măng Loi, gạo nếp, măng đắng, lê Lào, hoa gừng Lào, các loại gia súc, gia cầm như gàđen, chó, lợn đen... là những nông sản hấp dẫn du khách thập phương. Du khách còn có thể mua các loại nông cụ, quần áo, vải thổ cẩm, thuốc cây rừng do các đồng bào tự sản xuất,... về làm quà cho gia đình. Sự nhộn nhịp, nhiều màu sắc ở chợ phiên cũng là trải nghiệm khó quên của du khách. Cửa khẩu Nậm Cắn chỉ cách thị trấn Mường Xén 22km, nằm trên quốc lộ 7 nên việc di chuyển rất dễ dàng.

Bản dệt vải truyền thống Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn nằm cách Cửa khẩu Nậm Cắn khoảng 10 km về phía Đông. Nép mình bên Quốc lộ 7A và nằm lưng chừng giữa đại ngàn Trường Sơn, bản là nơi quy tụ của 113 gia đình dân tộc Thái. Năm 2011 vừa qua, người dân Noọng Dẻ được đón nhận danh hiệu Làng nghề Dệt thổ cẩm. Sản phẩm dệt thổ cẩm (váy, áo, khăn piêu, túi, ví, thắt lưng) của chị em phụ nữ Noọng Dẻ luôn được khách hàng gần xa ưa chuộng bởi chất lượng tốt, mẫu mã phong phú, tinh tế trong cách trang trí hoa văn và hài hòa trong phối màu... Du khách có thể trải nghiệm các công đoạn dệt vải của phụ nữ Thái hoặc mua cho mình những sản phẩm lưu niệm độc đáo.

3.2.5. Điểm du lịch tại xã Tây Sơn

Xã Tây Sơn nằm ở phía Tây Nam, cách Kỳ Sơn 22 km, có độ cao lớn so với mặt nước biển. Thời tiết nơi đây luôn se lạnh, được ví von như một Đà Lạt của xứ Nghệ. Trên nền địa chất, khí hậu phù hợp, Tây Sơn luôn xanh tươi cây cối. Đến với xã vùng cao này, bất cứ mùa nào trong năm cũng thấy nhiều loại hoa. Đến với bản, rất dễ ngửi thấy một mùi thơm nhẹ nhàng thanh thoát, thoang thoảng trong không khí tỏa ra từ rừng cây sa-mu dầu, pơ-mu được trồng cạnh bản. Rừng cây sa-mu, pơ-mu rất đẹp, thân gỗ to, xếp hàng thẳng tắp như có bàn tay con người thường xuyên chăm sóc. Cảnh quan tự nhiên xanh ngát, không khí mát mẻ,… chính là điểm níu chân du khách trong và ngoài xã đến đây vào những ngày nghỉ cuối tuần.

3.2.7. Điểm du lịch tại Na Ngoi

Na Ngoi - nằm ở phía Nam của huyện Kỳ Sơn, có diện tích 251,31km2, thuộc địa hình núi cao trên 1.600m. Từ Mường Xén đến trung tâm xã Na Ngoi khoảng 67km, di chuyển khá thuận tiện, tuy nhiên để chinh phục đỉnh Puxailaileng, du khách phải leo bộ theo đường tuần tra biên giới. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng những cánh rừng sa mu, pơ mu nguyên sinh, cổ thụ, mang đậm vẻ đẹp nguyên sơ; dược check-in tại cột mốc 422 - đỉnh Puxailaileng 2.720m - nóc nhà của dãy Trường Sơn Bắc; được tận hưởng khí hậu ôn đới núi cao, nhất là vào những đợt rét có nhiệt độ xuống dưới 0 độ, du khách có thể săn tuyết; được ngắm hoa đào phủ kín sườn núi, ngắm những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng; được thăm quan bản cổ tiêu biểu với trên trăm năm tuổi; Được thưởng thức món ăn độc đáo như bánh Dỉ, rau cải ngồng, chè Shan tuyết, bí đao, gừng, miến dong, gà đen,…; Được cùng hòa vào không khí lễ hội chọi bò đầu Xuân của người Mông,... Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ du lịch rất ít, đây là điểm hạn chế khá lớn để có thể tăng thời gian lưu trú của khách du lịch tại Na Ngoi.

3.2.8. Xã Hữu Kiệm

Xã Hữu Kiệm nằm ở phía Nam của Kỳ Sơn được nhiều du khách trong và ngoài xã biết đến bởi lễ hội Pu Nhạ Thầu. Đền Pu Nhạ Thầu là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tọa lạc trên đỉnh một ngọn núi thiêng ở bản Na Lượng, gắn liền với những truyền thuyết và sự tích được lưu truyền trong dân gian về công chúa La Bình - người luôn yêu thương và giúp bà con các dân tộc có cuộc sống yên vui, sung túc. Khi công chúa không còn nữa, nhân dân đã lập miếu trên đỉnh núi cao trong vùng để thờ cúng và hương khói quanh năm. Đền Pu Nhạ Thầu và bản Na Lượng còn gắn liền với sự kiện đánh đuổi giặc ngoại xâm của tướng sỹ nhà Trần trong thế kỷ 14. Hàng năm, nơi đây đều diễn ra với các nghi thức: Lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước, lễ đại tế và lễ tạ. Phần hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động giao lưu văn nghệ, thi trang phục dân tộc và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc (kéo co, đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ...). Không chỉ vào ngày lễ tết, vào mồng 1 và ngày rằm hàng tháng, người dân đều sắm sửa lễ vật lên đền chăm sóc hương khói. Những năm gần đây, du khách hành hương về Pu Nhạ Thầu ngày càng nhiều, từ trên đỉnh non thiêng nhìn xuống, xung quanh là núi non hùng vỹ, bản làng yên vui, phía dưới là dòng Nậm Mộ uốn quanh như dải lụa màu xanh làm nên vẻ đẹp nên thơ và hữu tình. Tất cả những vẻ đẹp ấy làm say đắm lòng người và hấp dẫn những ai ưa tìm hiểu, khám phá.

3.3. Đánh giá khả năng liên kết các điểm du lịch tại Kỳ Sơn

3.3.1. Đánh giá tài nguyên du lịch

* Xác định đối tượng và phạm vi đánh giá: Với mục đích đánh giá tài nguyên phục vụ cho việc thiết kế tuyến du lịch thì đối tượng đánh giá là 7 điểm cho du lịch ở huyện Kỳ Sơn với điểm đầu mối là thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn.

* Lựa chọn và phân cấp các chỉ tiêu đánh giá: Có 5 chỉ tiêu được lựa chọn để đánh giá từ những nhân tố có ảnh hưởng thực sự đến việc thiết kế tuyến và tour du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng ở khu vực nghiên cứu. Việc đánh giá các điểm du lịch được thực hiện theo thang đánh giá 4 bậc với số điểm tương ứng là 4, 3, 2, 1 [1,3]. Cụ thể như sau:

- Khả năng thu hút thị trường khách (CT1) được phân thành 4 cấp: Lớn (thu hút khách trong và ngoài huyện), khá lớn (thu hút khách trong huyện), trung bình (thu hút khách ở 1 vài địa phương lân cận) và nhỏ ((thu hút khách tại địa phương).

- Khoảng cách từ thị trấn Kỳ Sơn đến điểm du lịch (CT2) được phân thành 4 cấp: Gần (< 20 km), khá gần (20 - 39,9 km), trung bình (40 - 59,9 km) và xa ( > 60 km).

- Tính nguyên vẹn của điểm du lịch (CT3) được chia thành 4 cấp: Nguyên vẹn, khá nguyên vẹn, trung bình và ít nguyên vẹn.

- Khả năng tiếp cận tham quan du lịch (CT4) được phân thành 4 cấp: Dễ dàng (quốc lộ kết hợp tỉnh lộ, huyện lộ); Khá dễ dàng (quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ kết hợp với đường liên xã); Trung bình (tỉnh lộ, huyện lộ kết hợp với đường liên xã, liên bản); Khó (đường liên xã, liên bản kết hợp với đường đất).

- CSVCKT du lịch (CT5) được phân thành 4 cấp: Tốt (CSVCKT đồng bộ); Khá tốt (SVCKT tương đối đồng bộ); Trung bình (CSVCKT chưa đủ tiện nghi) và kém (CSVCKT du lịch còn thiếu hoặc yếu kém, mang tính tạm thời).

* Thang đánh giá: Từ 5 chỉ tiêu đánh giá như đã phân cấp thang đánh giá thành phần của các điểm du lịch như ở trên để tiến hành thành lập thang đánh giá tổng hợp. Điểm đánh giá tổng hợp là tổng số các điểm đánh giá riêng từng thành phần. Số điểm đánh giá của từng điểm du lịch sẽ dao động từ 5 - 20 và phân hạng điểm du lịch như ở Bảng 1.

Bảng 1. Thang đánh giá tổng hợp của các điểm du lịch

du lịch

3.3.2. Kết quả phân loại điểm du lịch

Trên cơ sở đặc điểm của các điểm du lịch có khả năng liên kết ở Kỳ Sơn theo các chỉ tiêu đánh giá, tiến hành so sánh đặc điểm của các điểm du lịch với thang đánh giá thành phần và thang đánh giá tổng hợp (Bảng 1) thì sẽ có kết quả đánh giá như ở Bảng 2.

Bảng 2. Kết quả đánh giá tổng hợp các điểm du lịch

du lịch

Từ kết quả đánh giá tại Bảng 2, có thể phân loại điểm du lịch như sau:

- Thuận lợi: Mường Lống.

- Khá thuận lợi: Huồi Tụ, Mỹ Lý, Nậm Cắn, Tây Sơn, Na Ngoi, Hữu Kiệm.

- Trung bình và ít thuận lợi: không có điểm du lịch nào.

3.4. Thiết kế các tuyến và tour du lịch liên kết các điểm du lịch của huyện Kỳ Sơn

Các chỉ tiêu để thiết kế tuyến, tour du lịch:

- Đường giao thông: Để xây dựng một tuyến hoặc tour du lịch thì các điểm du lịch phải nối liền với nhau bằng mạng lưới giao thông.

- Tính liên kết của các loại hình điểm du lịch trong tuyến, tour được thể hiện ở sự kết hợp giữa các điểm du lịch khác loại để hình thành tuyến, tour du lịch tổng hợp.

Kết quả thiết kế các tuyến, tour du lịch:

Từ thị trấn Kỳ Sơn triển khai 4 tuyến du lịch theo hướng như sau: Tuyến 1 (Mường Xén - Nậm Cắn), Tuyến 2 (Mường Xén - Huồi Tụ - Mường Lống  - Mỹ Lý), Tuyến 3 (Mường Xén - Tây Sơn), Tuyến 4 (Mường Xén - Hữu Kiệm - Na Ngoi).

Từ kết quả nghiên cứu ở trên, các tour du lịch được thiết kế cụ thể, phù hợp với nhu cầu thời gian cũng như khả năng của du khách như sau:

* Tour 1 ngày - 1 đêm: có 5 lựa chọn, gồm: Mường Xén - Nậm Cắn, Mường Xén - Tây Sơn, Mường Xén - Huồi Tụ - Mỹ Lý, Mường Xén - Huồi Tụ - Mường Lống, Mường Xén - Hữu Kiệm.

* Tour 2 ngày - 1 đêm: có 2 lựa chọn như sau:

Lựa chọn 1:

Ngày 1: Từ Mường Xén - trung tâm xã Na Ngoi (nghỉ đêm tại Na Ngoi).

Ngày 2: Puxailaileng - trung tâm xã Na Ngoi - Mường Xén

Lựa chọn 2:

Ngày 1: Từ Mường Xén - Nậm Cắn - Huồi Tụ - Mường Lống (nghỉ đêm tại Mường Lống).

Ngày 2: Từ Mường Lống - Mỹ Lý - Mường Xén.

4. Kết luận và khuyến nghị

Qua nghiên cứu, rút ra một số kết luận và khuyến nghị như sau:

Kỳ Sơn có nhiều cảnh quan tự nhiên và văn hóa đặc sắc, thuận lợi cho việc xây dựng các tuyến du lịch tự nhiên kết hợp với văn hóa, lịch sử hấp dẫn. Trên cơ sở phân tích các điểm du lịch, lựa chọn 5 chỉ tiêu để tiến hành đánh giá cho 7 điểm du lịch sinh thái để xem xét khả năng liên kết các điểm du lịch ở Kỳ Sơn. Kết quả đánh giá cho thấy, có 1 điểm du lịch được phân hạng ở mức độ thuận lợi và 6 điểm du lịch được phân hạng ở mức khá thuận lợi trong việc hình thành tuyến hoặc tour du lịch tại Kỳ Sơn. Kết quả đó là căn cứ để đưa vào thiết kế thành 4 tuyến du lịch, từ đó xây dựng 5 tour du lịch được thiết kế theo nhu cầu 1 ngày - 1 đêm và 2 tour du lịch 2 ngày - 1 đêm. Đây chính là dữ liệu khoa học giúp cho các nhà quản lý xây dựng các tuyến du lịch hấp dẫn, nhằm tăng ngân sách cho địa phương và nâng cao đời sống của người dân.

Để đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch tại Kỳ Sơn trong giai đoạn tới cần xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch theo từng giai đoạn cụ thể; cần đầu tư thỏa đáng vào phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch tại các điểm du lịch để tăng thời gian lưu trú và đa dạng hóa các tour du lịch dài ngày; cần xây dựng các điểm du lịch cộng đồng để khai thác các giá trị văn hóa của người dân bản địa,… nhằm tăng hiệu quả du lịch, tăng thu nhập cho người dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đặng Duy Lợi, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Đức Hoa Cương, Nguyễn Thục Nhu (2013). Xác định hệ thống tiêu chí của điểm khu du lịch sinh thái ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Địa lý toàn quốc lần thứ 7, Thái Nguyên, Tr. 39 - 46.
  2. Quốc hội (2005). Luật Du lịch. Đồng Nai: NXB Đồng Nai.
  3. Bùi Thị Thu và cs. (2012). Xây dựng cơ sở khoa học phục vụ cho việc xác định các tuyến du lịch ở tỉnh Quảng Trị. Đề tài cấp Bộ, mã số: B2010 - DHH01 - 91, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.
  4. UBND huyện Kỳ Sơn (2021). Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 huyện Kỳ Sơn.
  5. Các website: https://baonghean.vn/tay-son-thuong-nho-256722.html; https://dbndnghean.vn/phat-trien-du-lich-vung-nui-cao-mien-tay-nghe-an-4164.htm; https://kyson.gov.vn,

CONNECTING TOURIST ATTRACTIONS

TO ESTABLISH A TOURIST ROUTE

 IN KY SON DISTRICT, NGHE AN PROVINCE

• NGUYEN MINH NGUYET

Academy of Journalism and Communication    

ABSTRACT:

This study analyzes tourism resources and evaluates the tourism resources of Ky Son district, Nghe An province to determine the potential of establishing a tourist route that connects tourist attractions in Ky Son district. This study’s findings are expected to contribute a scientific basis for planning tourist routes in Ky Son district  and contribute to improving the livelihood of local people.

Keywords: tourism resources, tourist route, tourist attraction, Ky Son district, Nghe An province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2023]