Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP

Sáng ngày 17/12/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, TP. Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị “Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” - một sự kiện nổi bật trong chuỗi hoạt động triển khai Chương trình OCOP năm 2019 của Bộ Công Thương.

Tới tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan trung ương, đại diện hơn 30 tỉnh, thành phố, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, hơn 150 doanh nghiệp, hộ sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; cùng sự có mặt của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op); Tập đoàn Central Retail Việt Nam (Siêu thị Big C), Công ty TNHH VinaGap Việt Nam (chuỗi cửa hàng Bác Tôm),… đại diện các hãng hàng không lớn (Vietnam Airlines, VietJet Air), các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế, hàng lưu niệm tại sân bay (Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – IPP và các doanh nghiệp thành viên), trạm dừng nghỉ tại các tuyến cao tốc (Trạm dịch vụ V52,  Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Nam Ninh), đại diện các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các đơn vị kinh doanh lữ hành, khách sạn, du lịch, điểm văn hóa, trạm dừng nghỉ, cùng các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Toàn cảnh Hội nghị Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP
Toàn cảnh Hội nghị Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, với trọng tâm là phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tinh hoa, đặc biệt của mỗi vùng mà các địa phương khác không có, được chính quyền hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất.

Thời gian qua, Chương trình OCOP đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng; trong đó có nhiều sản phẩm thuộc hạng 4 sao, 5 sao. Mặc dù vậy, nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng chỉ được biết đến ở địa phương mình, chưa được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và thu hút được sự quan tâm của du khách nước ngoài. Nút thắt lớn nhất hiện nay là vấn đề liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu khai mạc Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu khai mạc Hội nghị

Để góp phần thúc đẩy Chương trình OCOP, Bộ Công Thương đẩy mạnh 4 hoạt động. Thứ nhất là xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Trong các chương trình xúc tiến thương mại, việc kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP xuất hiện ở nhiều hoạt động khác nhau như lồng ghép vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm thương mại; các Hội nghị kết nối cung cầu quy mô vùng và quốc gia; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; chương trình đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài…

Hoạt động thứ hai là hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương nghiên cứu, khảo sát, xây dựng và ban hành tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (Quyết định số 920/QĐ-BCT ngày 16/4/2019 về việc ban hành tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020). Việc chuẩn hóa theo các tiêu chí của Quyết định 920 giúp cho các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trở thành một nguồn cung cấp hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng các nhu cầu về những sản phẩm hàng hóa chất lượng, tinh xảo, độc đáo, ẩn chứa trong mình những yếu tố lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể được kết tinh, trao truyền qua các thế hệ ở mỗi vùng miền trên cả nước. Trong năm 2019 có 12 địa phương gồm Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp được lựa chọn, hỗ trợ xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Các đơn vị làm việc trực tiếp, kết nối đưa sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP

Các đơn vị làm việc trực tiếp, kết nối đưa sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP
Các đơn vị làm việc trực tiếp, kết nối đưa sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP

Hoạt động thứ ba là đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Hoạt động thứ tư là tạo ra các không gian, môi trường thuận lợi kết nối người sản xuất và người phân phối, mà Hội nghị hôm nay là một sự kiện tiêu biểu. Với sự có mặt của đại diện nhiều loại hình phân phối, Hội nghị lần này đáp ứng được những khát khao nhiều năm nay của các nghệ nhân, nhà sản xuất OCOP. Tại đây, các nhà phân phối sẽ chia sẻ những tín hiệu thị trường, giới thiệu những tiêu chuẩn kinh tế và kỹ thuật để sản phẩm OCOP có thể xuất hiện.

Hội nghị có đại diện các cơ quan trung ương, đại diện hơn 30 tỉnh, thành phố, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, hơn 150 doanh nghiệp, hộ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Hội nghị có đại diện các cơ quan trung ương, hơn 30 tỉnh, thành phố, hiệp hội, ngành hàng, hơn 150 đơn vị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định: “Hội nghị sẽ là một trong những tiền đề góp phần đẩy mạnh kết nối các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các đặc sản vùng miền vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, vào các hệ thống phân phối trên cả nước và hướng đến xuất khẩu”.

Trong khuôn khổ của Hội nghị, có 3 phiên thảo luận về các giải pháp đưa các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ cho sản phẩm OCOP với sự tham gia chia sẻ của lãnh đạo Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, UBND một số địa phương, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất OCOP, lãnh đạo của các hệ thống phân phối lớn như Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Tập đoàn Central Retail, Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam… Các diễn giả đã đưa ra nhiều ý kiến và đề xuất xoay quanh 3 chủ đề: Chính sách và giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP tại thị trường trong nước; Kinh nghiệm thúc đẩy sản xuất sản phẩm OCOP, các sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu; Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Các phiên thảo luận về giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP
Các phiên thảo luận về giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

Tại Hội nghị, các hoạt động tìm kiếm đối tác, kết nối giữa các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP và đại diện các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm diễn ra sôi nổi. Đội ngũ mua hàng của các đơn vị tiêu thụ sản phẩm đã trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, trao đổi với hàng trăm doanh nghiệp nhằm thiết lập các giao dịch, đưa ra những tín hiệu thị trường. Trước đó hồ sơ năng lực, các sản phẩm của các sản phẩm OCOP tham dự Hội nghị đã được Ban Tổ chức gửi cho các nhà tiêu thụ nghiên cứu.

Hội nghị “Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” là một trong những hoạt động thiết thực của Bộ Công Thương trong các Chương trình triển khai thực hiện Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 7 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020. Hội nghị nhận được sự đồng hành của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO).

Nhóm PV