Kết nối thị trường xuất khẩu mới cho trái thanh long Việt Nam

Hội nghị giao thương trực tuyến "Thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021" góp phần kết nối, đưa trái thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long của Việt Nam mở rộng xuất khẩu tại hai thị trường Ấn Độ và Pakistan trong thời gian tới.

Ấn Độ, Pakistan - thị trường tiềm năng mới cho thanh long Việt Nam

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã khiến việc xuất khẩu các loại nông sản nói chung và thanh long Việt Nam nói riêng qua Trung Quốc bị ảnh hưởng; một số cửa khẩu ngừng thông quan trong một số thời điểm để kiểm soát dịch bệnh dẫn đến hàng hóa tồn đọng.

Để hỗ trợ đầu ra, mở rộng thị trường thanh long trong tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, ngày 5/8, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến “Thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021”.

Sự kiện thuộc Chương trình Cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2021, nhằm hỗ trợ các địa phương trồng thanh long, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng thanh long Việt Nam cập nhật các thông tin tình hình, xu hướng, nhu cầu thị trường, tìm kiếm, kết nối với các đầu mối thu mua, hệ thống phân phối, nhà nhập khẩu tại Ấn Độ và Pakistan, tăng cường xúc tiến xuất khẩu quả thanh long tươi và các sản phẩm từ thanh long của Việt Nam sang hai thị trường tiềm năng này.

xuất khẩu thanh long
Hội nghị được tổ chức nhằm hỗ trợ đầu ra, mở rộng thị trường thanh long trong tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19,

Mở đầu hội nghị, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, thanh long được xếp vào loại cây trồng có giá trị cao, được trồng chủ yếu ở các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang với phần lớn là thanh long ruột trắng và một tỷ lệ nhỏ thanh long ruột đỏ.

Hiện nay, thanh long Việt Nam đã bước vào vụ thu hoạch với sản lượng ước đạt 1,455 triệu tấn trong năm 2021, tăng khoảng 10% so với vụ mùa năm 2020.

Thanh long cũng được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam trong những năm qua. Thị trường chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia, trong đó Trung Quốc chiếm tới 80% thị phần.

Bên cạnh đó, thanh long Việt Nam cũng đã được xuất khẩu sang các thị trường khác như Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, EU… và thậm chí tới cả Chi Lê xa xôi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, một số tỉnh trồng thanh long ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long gặp khó khăn.

Do vậy, Cục trưởng Vũ Bá Phú kỳ vọng, thông qua hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam, các địa phương trồng thanh long của Việt Nam sẽ có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về tình hình thị trường, nhu cầu, yêu cầu của thị trường tiêu dùng Ấn Độ và Pakistan. Đồng thời tiếp cận, giới thiệu tới các đối tác Ấn Độ và Pakistan về tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm thanh long Việt Nam, kết nối các cơ hội hợp tác kinh doanh triển vọng trong tương lai.

Cục trưởng Vũ Bá Phú cũng nhấn mạnh, đa dạng thị trường xuất khẩu cho trái thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long là hết sức quan trọng. Ấn Độ là thị trường đông dân, với trên 1,36 tỷ người, có dung lượng tiêu thụ lớn, được Bộ Công Thương đánh giá khá tiềm năng để phát triển xuất khẩu thanh long của Việt Nam.

Bên cạnh Ấn Độ, Pakistan dù là thị trường nhỏ, chưa nhập khẩu thanh long tươi từ Việt Nam nhưng có thể có những hướng thị trường ngách cho các sản phẩm chế biến từ thanh long.

Đồng thuận với quan điểm này, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ nhấn mạnh, Ấn Độ là thị trường lớn và rất tiềm năng cho trái thanh long Việt Nam.

Bởi, Ấn Độ là thị trường gần 1,4 tỷ dân, tỷ lệ người ăn chay rất nhiều và thói quen ăn uống với trái cây là một phần quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày của người dân Ấn Độ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, xu hướng sử dụng hoa quả tươi của Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng lên trong các năm tới.

Trước khi đại dịch Covid - 19 bùng phát, việc xúc tiến đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tại thị trường này cũng đem lại kết quả khả quan. Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, thị phần xuất khẩu thanh long của Việt Nam tăng mạnh từ 26,67% trong năm tài chính 2014-2015 lên 52,04% năm 2018-2019.

Thống kê từ Sở Công Thương Bình Thuận cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thanh long của tỉnh sang Ấn Độ năm 2017 mới chỉ đạt 316.400 USD, thì năm 2018 là 452.100 USD và năm 2019 đã tăng lên 842.800 USD (tăng bình quân 64%/năm).

Đặc biệt, Ấn Độ nhập khẩu 95% nhu cầu về thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Sri Lanka, trong đó Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu. Thanh long nhập khẩu được phân phối, tiêu thụ trên cả nước, tuy nhiên tập trung, chính tại khu vực phía Nam Ấn Độ, ở các bang như: Tamil Nadu, Kerala, Goa, Karnataka, Maharastra, Telegana, Madhya Pradesh... và tại các khu vực thành phố lớn, đô thị (chưa phổ biến tại vùng nông thôn). Người Ấn Độ ưa chuộng thanh long vì đây là loại quả có lợi cho sức khỏe, hương vị thơm, nhiều dinh dưỡng.

Tương tự như thị trường Ấn Độ, Pakistan cũng được đánh giá là thị trường có tiềm năng rất lớn với các sản phẩm nông sản của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đã hình thành hành lang pháp lý khá đầy đủ thông qua các văn kiện hợp tác cấp Chính phủ.

Lưu ý khi xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ và Pakistan

Để xuất khẩu thanh long thuận lợi và bền vững sang thị trường Ấn Độ và Pakistan, Cục trưởng Vũ Bá Phú cho rằng, yêu cầu của thị trường Ấn Độ không quá cao về chất lượng và tiêu chuẩn, tuy nhiên, yêu cầu về giá là rất quan trọng do thu nhập bình quân đầu người của người dân Ấn Độ còn thấp hơn so với Việt Nam và giá cả hoa quả nội địa của Ấn Độ rất thấp do chính sách hỗ trợ của chính phủ và năng suất khá cao.

Vì vậy, sản phẩm trái cây nhập khẩu vào Ấn Độ thường nhắm đến phân khúc có thu nhập trung bình trở lên và những sản phẩm mà Ấn Độ không/chưa sản xuất được hoặc chất lượng thấp hơn, Cục trưởng Vũ Bá Phú lưu ý các doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Bùi Trung Thướng cũng cho biết, một loại hoa quả được phép nhập khẩu vào thị trường Ấn Độ thì thủ tục nhập khẩu không quá phức tạp. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải trả thuế và nhận lệnh thông quan, sau đó, doanh nghiệp nhập khẩu đề nghị Ủy ban tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) cấp giấy phép; thời hạn sử dụng hợp lệ còn lại của sản phẩm lớn hơn 60% thời hạn sử dụng ban đầu của nó tại thời điểm thông quan hàng hóa nhập khẩu…

Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu thanh long vào thị trường Ấn Độ, bà Huỳnh Thúy Vy, Thành viên Ban chấp hành, Hội người Việt Nam tại Ấn Độ cũng lưu ý, các doanh nghiệp phải chú ý đến phương thức thanh toán. Nên chú ý đến phương thức thanh toán cọc 30% khi ký kết hợp đồng mua bán, sau khi nhận hàng, kiểm tra hàng hóa, sẽ thanh toán 70% còn lại để tránh những tranh chấp, rủi ro.

Đặc biệt, bà Huỳnh Thúy Vy khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam phải chú trọng đến chất lượng hàng xuất khẩu, cải tiến mẫu mã bao bì, xây dựng thương hiệu thanh long Việt Nam…

Riêng đối với thị trường Pakistan, các đại biểu cũng cho rằng, Pakistan có nhu cầu nhập khẩu cao với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ các mặt hàng nông sản truyền thống đến các mặt hàng mới có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao.

Pakistan là thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao về chất lượng, không có các quy định quá phức tạp về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn về lao động.

Do thu nhập bình quân theo đầu người của Pakistan chưa cao nên khi xuất khẩu thanh long nói riêng và hàng hóa nói chung sang thị trường này yếu tố giá cả cần được chú trọng.

xuất khẩu thanh long
Để phát triển xuất khẩu thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long sang Ấn Độ và Pakistan, các địa phương và doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý phát triển các vùng trồng chất lượng cao đáp ứng đúng các quy định, yêu cầu khắt khe của thị trường, thay vì mở rộng diện tích

Cục trưởng Vũ Bá Phú nhận định, để phát triển xuất khẩu thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long sang Ấn Độ và Pakistan, các địa phương và doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý phát triển các vùng trồng chất lượng cao đáp ứng đúng các quy định, yêu cầu khắt khe của thị trường, thay vì mở rộng diện tích. Một khi có sản phẩm chất lượng đảm bảo thì việc tìm kiếm, phát triển thị trường, duy trì vị thế cạnh tranh sẽ thuận lợi và bền vững hơn rất nhiều.

Cục Xúc tiến thương mại luôn nỗ lực đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm thanh long Việt Nam trong hoạt động xúc tiến phát triển thị trường, tìm kiếm và kết nối các khách hàng nhập khẩu triển vọng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các khách hàng từ Ấn Độ và Pakistan, Cục trưởng Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Việt Nam có cơ hội giao thương trực tuyến với các nhà thu mua, nhập khẩu, phân phối thanh long của Ấn Độ và Pakistan. Thông qua những phiên giao thương này, doanh nghiệp Việt Nam có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cũng như trao đổi, đàm phán, thiết lập quan hệ đối tác, hướng tới hợp tác, ký kết hợp đồng kinh doanh.

Cục Xúc tiến thương mại kỳ vọng, Hội nghị giao thương trực tuyến "Thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021" sẽ góp phần kết nối, đưa trái thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long của Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Thuận nói riêng mở rộng xuất khẩu tại hai thị trường Ấn Độ và Pakistan trong thời gian tới.

Hạ An