Kết quả nghiên cứu về các nhân tố tác động đến hành vi gian lận báo cáo tài chính công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

VŨ THỊ THỤC OANH (Phó khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Gian lận báo cáo tài chính ngày càng trở thành một vấn đề nghiêm trọng cho Chính phủ, doanh nghiệp và các nhà đầu tư, đe dọa làm suy yếu niềm tin của thị trường tài chính, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Trên thế giới đã xảy ra không ít những vụ gian lận tài chính gây chấn động dư luận. Trong số đó phải kể đến các công ty: Enron, Lucent, Worldcom, Xerox, Waste Management, Rite Aid, Global Crossing, Adelphia, Qwest, Deutsche Bank, Tosiba... Những công ty này đều bị cho rằng đã có hành vi lập báo cáo tài chính gian lận. Những số liệu minh chứng này đã dẫn đến suy nghĩ sai lệch của các nhà đầu tư về rủi ro trong bảng cân đối đã được kiểm toán là ít hơn so với thực tế. Nội dung của bài viết tập trung vào việc phân tích các yếu tố tác động đến hành vi gian lận báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam để từ đó đưa ra các biện pháp nhằm kiểm soát hành vi gian lận.

Từ khóa: Hành vi gian lận, báo cáo tài chính, công ty niêm yết, thị trường chứng khoán.

I. Thiết kế nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

Câu hỏi nghiên cứu:

+ Các nhân tố chính yếu nào là động cơ tạo ra hành vi gian lận báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay?

+ Nhân tố nào được đánh giá là có mức độ tác động nhiều nhất, cũng như thứ tự mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố tới hành vi gian lận báo cáo tài chính đến công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam?

+ Các kiến nghị nào cần được chú trọng nhằm ngăn ngừa hành vi gian lận báo cáo tài chính các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam?

Mô hình nghiên cứu:

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng mô hình tương tự như Skousen & cộng sự (2009) và Lou & Wang (2011), mối quan hệ giữa hành vi gian lận trên báo cáo tài chính và các yếu tố (được lượng hóa) có thể được biểu diễn thông qua phương trình:

Gian lận = f (Động cơ/Áp lực, Cơ hội, Thái độ)

Giả thiết nghiên cứu:

Các yếu tố của tam giác gian lận (Động cơ/Áp lực, cơ hội, thái độ) có mối tương quan đối với hành vi gian lận và có thể được sử dụng để dự báo gian lận trên báo cáo tài chính tại Việt Nam.

Mẫu nghiên cứu và phương pháp thu thập dữ liệu:

+ Kiểm toán viên thuộc các công ty kiểm toán độc lập được chấp thuận kiểm toán BCTC các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam. Một số chuyên gia là đại diện các nhà quản lý công ty kiểm toán, lãnh đạo công ty niêm yết, kế toán viên, đại diện các nhà ban hành chính sách trong việc đề xuất các giải pháp có liên quan.

Phiếu khảo sát gồm các câu hỏi về mức độ tác động của các nhân tố đến hành vi gian lận báo cáo tài chính đến các công ty niêm yết với các câu trả lời sử dụng thang đo Likert 5 mức độ. Phiếu khảo sát được gửi đến cho các đối tượng khảo sát thông qua bưu điện hoặc thư điện tử và khảo sát online trên trang web https://docs.google.com/forms. Số lượng phiếu khảo sát được trả lời là 150 phiếu. Số phiếu khảo sát sử dụng được là 115 phiếu. Kết quả khảo sát được xử lý bằng phần mềm SPSS 22.

II. Kết quả nghiên cứu

Kết quả phân tích tương quan (Correlation Analysis) cho thấy phần lớn các biến độc lập có tương quan với FRAUD với mức ý nghĩa 1%, 5% hoặc 10%. Tương tự, kết quả kiểm định Paired t-tcst và Wilcoxon signed-rank test cho thấy phần lớn các biến độc lập có sự khác biệt, có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm có gian lận (FRAUD = 1) và không có gian lận (FRAUD = 0).

Kết quả phân tích được trình bày như sau:

1. Phân tích hồi quy Logit

Mô hình Logit 11 biến có P-value nhỏ hơn 0,15 được rút ra từ phân tích hồi quy đơn biến như sau: Mô hình 2:

FRAUD = β0 + β1CATA + β2SALAR + β3INVTA + β4ZSCORE + β5LEV + β6ROA + β7CE0 + β8BIG4 + β9AUDCHANGE + β10AUDREPORT + β11RST + ε

Phân tích hồi quy đơn biến với FRAUD cho kết quả 11 biến có hệ số p-value nhỏ hơn 0,15 (Hosmer Jr & Lemeshow, 2004), bao gồm: CATA, SALAR, INVTA, ZSCORE, LEV, ROA, B1G4, CEO, AUDCHANGE, AUDREPORT và RST. Các biến này không có hiện tượng đa cộng tuyến (hệ số VIF của tất cả các biến đều nhỏ hơn 2,5) nên các biến này sẽ được sử dụng trong mô hình Logit.

Kết quả hồi quy Logit được trình bày ở Bảng 2. Từ mô hình 2, tác giả lần lượt loại bỏ các biến không có ý nghĩa thống kê (các biến có hệ số p-value lớn nhất sẽ được loại trừ) để được mô hình từ 2 đến 7.

Tất cả các mô hình đều có hệ số LR Chi2 cao (từ 27.9 đến 38,82) với p-value (Prob > chi2) là 0,000 cho thấy các mô hình này là phù hợp để nghiên cứu gian lận. Các hệ số Pseudo R2 cao hơn mức tối thiểu là 0,2 theo yêu cầu của McFadden (1974). Trong đó, mô hình 5 được xem là tối ưu để dự báo gian lận vì ít biến nên tiện lợi cho người sử dụng (nhưng vẫn đảm bảo Pseudo R2 cao).

Kết quả nghiên cứu phù hợp với giả thiết nghiên cứu là các yếu tố của tam giác gian lận trong VSA 240 có mối quan hệ với khả năng xảy ra gian lận. Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với các nghiên cứu khác như Skousen & cộng sự (2009) và Lou & Wang (2011).

Kết quả phân tích hồi quy Logit cho thấy dấu của các biến nghiên cứu (trong mô hình 2 đến 7) đều phù hợp với dấu kì vọng. Trong đó: ở mô hình 5, 2 yếu tố của Động cơ/Áp lực (INVTA và LEV), 1 yếu tố của cơ hội (BIG4) và 2 yếu tố của thái độ (AUDREPORT và RST) có mối quan hệ có ý nghĩa thống kê với gian lận ở các mức ý nghĩa 1%, 5% và 10%.

2. Kết luận và khuyến nghị

Trên thực tế, hành vi gian lận thường được che dấu và rất khó phát hiện. Tuy nhiên, kiểm toán viên có thể phát hiện được các dấu hiệu cho thấy động cơ, áp lực hoặc cơ hội dẫn đến gian lận. Bên cạnh thủ tục phỏng vấn, khi thảo luận trong nhóm kiểm toán và thực hiện thủ tục phân tích, kiểm toán viên cần nhận diện các yếu tố của tam giác gian lận, mà cụ thể là:

- Để nhận diện được các yếu tố áp lực, kiểm toán viên có thể sử dụng các thủ tục phân tích như so sánh tỉ lệ doanh thu trên nợ phải thu, tỉ lệ hàng tồn kho trên tổng tài sản, tỉ lệ nợ vay trên tổng tài sản của năm nay so với niên độ trước (nếu năm trước kiểm toán viên không phát hiện gian lận của đơn vị) hay so với số bình quân ngành. Sự biến động bất thường của các tỉ số này là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn về tài chính và áp lực từ bên thứ ba cũng như là những chỉ dẫn về khả năng gian lận xảy ra.

- Để nhận diện yếu tố cơ hội, kiểm toán viên cần quan tâm đến sự thay đổi công ty kiểm toán hay liệu công ty kiểm toán tiền nhiệm có phải là công ty Big4 hay không.

- Để nhận diện nhân tố thái độ, kiểm toán viên có thể dựa vào kinh nghiệm từ các cuộc kiểm toán trước đây, nếu có dấu hiệu cho thấy Ban giám đốc không chính trực (ví dụ: Trước đây đã từng phát sinh các bút toán điều chỉnh làm thay đổi lợi nhuận trước và sau kiểm toán, đã từng phát hành ý kiến kiểm toán không phải là chấp nhận hoàn toàn do vẫn còn sai sót trọng yếu trên báo cáo tài chính hoặc do giới hạn phạm vi kiểm toán), kiểm toán viên cần đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận ở mức cao.

- Các phương thức đối phó cần áp dụng khi có nghi vấn về gian lận hoặc khi phát hiện gian lận, bao gồm: Kế hoạch đối phó với gian lận - thiết lập quy định điều tra, trong đó có bao gồm việc phân tích nguyên nhân sâu xa của vấn đề, qua đó xác định các biện pháp điều chỉnh nhằm ngăn ngừa hoặc phát hiện được gian lận trong tương lai và củng cố quy trình kỷ luật đảm bảo tính nhất quán. Để áp dụng thành công chương trình phòng chống gian lận cần có kiến thức chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm. Các công ty niêm yết cần đánh giá đúng mức tầm quan trọng của chương trình phòng chống gian lận dựa trên quy mô và thực trạng của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Levitz, Jennifer (2009). Corporate news: Congress seeks to close whistleblower loophole. Wall Street Journal (Eastern edition) Dec. 1, B.4.

2. Lewis, David (2008). Ten years of public interest disclosure legislation in the UK: Are whistleblowers adequately protected? Journal of Business Ethics, 82, 497 - 507.

3. Lindblom, Lars (2007). Dissolving the moral dilemma of whistleblowing. Journal of Business Ethics 76, 413 - 426.

4. Liyanarachchi, Gregory and Newdick, Chris (2009). The impact of moral reasoning on whistle-blowing: New Zealand evidence. Journal of Business Ethics, 89, 37 - 57.

5. Loebbecke, J. K., Eining, M. M., & Willingham, J. J. (1989). Auditors' experience with material irregularities: Frequency, nature, & detectability. Auditing: A Journal of Practice & Theory, 9(1), 1.

6. Near, Janet and Miceli, Marcia (1995). Effective whistle-blowing. The Academy of Management Review 20 (3), 679 - 708.

7. Nieschweitz, R., Schultz, J., & Zimbelman, M. F. (2000). Empirical research on external auditors' detection of financial statement fraud. Journal of Accounting Literature, 19, 190 - 246.

8. Organisation for Economic Co-operation Development. (2004). OECD Principles of Corporate Governance 2004. OECD Publishing.

9. Park, Heungsik and Blenkinsopp, John (2009). Whistleblowing as planned behavior - Survey of South Korean police officers. Journal of Business Ethics 85, 545 - 556.

10. Kaplan, Steven, Pany, Kurt, Samuels, Janet and Zhang, Jian (2009). An examination of the association between gender and reporting intentions for fraudulent financial reporting. Journal of Business Ethics, 87, 15 - 30.

11. Luisa Beltran - Brett Gering and Alice Martin, 2002, Andersen Guilty, CNNMoney.

RESEARCH RESULTS ON THE FACTORS AFFECTING FRAUDULENT FINANCIAL STATEMENTS OF COMPANIES LISTED ON THE VIETNAM STOCK MARKET

● VU THI THUC OANH

Faculty of Banking and Finance, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Fraudulent financial reporting is becoming a serious problem for governments, businesses and investors, threatening to undermine the integrity of financial markets and business leaders. In the world, there are many financial frauds that have caused shock. Enron, Lucent, Worldcom, Xerox, Waste Management, Rite Aid, Global Crossing, Adelphia, Qwest, Deutsche Bank, Tosiba are the companies that have made fraudulent financial statements. These figures lead investors to misread the risk in audited balance as being less than the actual reality. The content of the article focuses on the analysis of the factors affecting the financial statements of listed companies on the stock market of Vietnam to take measures to control financial fraudulent behavior.

Keywords: Fraudulent behavior, financial statements, listed companies, stock market.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây