Kết quả tích cực của ngành năng lượng giai đoạn 2016 - 2020 tạo tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW

Giai đoạn 2016 – 2021, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có những bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia.

Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của người dân. Ngành luôn đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy, đưa vào vận hành khối lượng lớn các dự án nguồn và lưới điện. Công tác đưa điện về nông thôn, miền núi hải đảo được chú trọng và thực hiện vượt chỉ tiêu của Đảng và Chính phủ giao, góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới biển đảo.

Chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam có bước tiến vượt bậc, từ vị trí 156/189 quốc gia vùng lãnh thổ (năm 2013) vươn lên vị trí 27/190 và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN vào năm 2019. Thị trường điện cạnh tranh tích cực được triển khai, đáp ứng lộ trình quy định của Chính phủ, qua đó, tạo môi trường cạnh tranh công bằng trong đầu tư phát triển nguồn điện, phân phối điện, đảm bảo việc định giá khâu mua bán buôn điện theo cơ chế thị trường, phản ánh đúng các biến động chi phí đầu vào cũng như quy luật cung - cầu.

Năm 2020, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu cả năm ước đạt gần 237,561 tỷ kWh, tăng 3,43% so với năm 2019. Tính chung cả giai đoạn 2016 -2020, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu ước đạt 1.049,3 tỷ kWh, tăng trưởng trung bình trong cả giai đoạn là 8%. Chương trình phát triển lưới điện thông minh được triển khai rộng rãi đã giúp nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện ngày càng tốt hơn, tỷ lệ điện năng tổn thất do truyền tải và phân phối giảm từ 7,94% năm 2015 xuống còn xấp xỉ 6,5% năm 2020.

Hạ tầng cung cấp điện được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh, nhiều công trình lớn (trên 1.000 MW) được hoàn thành như Mông Dương 1 công suất 1.000MW (năm 2016); Duyên Hải 1 công suất 1.200MW (năm 2016); Duyên Hải 3 công suất 1.200MW (năm 2017); Vĩnh Tân 4 công suất 1.200 MW (năm 2017).  Đồng thời, đưa điện lưới ra các đảo Phủ Quốc, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cô Tô, Vân Đồn… Tính đến hết năm 2020, tổng công suất của hệ thống điện quốc gia đạt 54.677 MW, tăng 1,32 lần so với năm 2016. 

Năng lượng tái tạo được quan tâm phát triển, tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu trong sản xuất điện. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đạt được bước phát triển đột phá về năng lượng tái tạo. Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia sản xuất điện mặt trời.

Tới cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam đã đạt khoảng 6.000 MW, trong đó có khoảng 6.364 MWp điện mặt trời (tương ứng khoảng 5.290 MW), khoảng 500 MW điện gió và 325 MW công suất điện sinh khối; tổng công suất của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối đã chiếm xấp xỉ 10% tổng công suất đặt của hệ thống điện; sản lượng điện năng cung cấp từ các nguồn năng lượng tái tạo đã tăng dần từ mức không đáng kể là 320 triệu kWh, chiếm khoảng 0,41% toàn hệ thống năm 2016 lên khoảng 8 tỷ kWh, chiếm 2,53% toàn hệ thống vào năm 2020.

Việc quy hoạch nguồn năng lượng tái tạo được thực hiện tổng thể toàn quốc và đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, trong quy hoạch xác định quy mô công suất và tiến độ vào vận hành của từng dự án. Vấn đề quá tải lưới điện cơ bản được giải quyết, khi năm 2020 đã hoàn thành đưa vào vận hành các công trình lưới điện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận (như TBA 220 kV Phan Rí, TBA 220 kV Ninh Phước, mạch 2 đường dây 110 kV Tháp Chàm - Tuy Phong - Phan Rí, ...), đặc biệt là trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối sẽ đảm bảo giải tỏa công suất các dự án điện năng lượng tái tạo.

Ngành Dầu khí tiếp tục đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trên biển Đông đã góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Với việc tiếp tục khai thác mỏ hiện hữu, phát triển các mỏ dầu khí mới, hoàn thành công tác xây dựng, vận hành ổn định các công trình vận chuyển và chế biến dầu khí, ngành dầu khí đã hoàn thành chuỗi giá trị từ khâu tìm kiếm, thăm dò và khai thác, chế biến dầu khí và dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

Năm 2020, đã hoàn thành, đưa cụm công trình, gồm: Dự án Phát triển mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt, Lô 05-1b&05-1c; Dự án Đường ống thu gom, vận chuyển khí Sao Vàng - Đại Nguyệt; Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 toàn tuyến đi vào vận hành (có dòng khí đầu tiên vào ngày 15/11/2020). Với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỷ m3 khí; 2,8 triệu thùng dầu thô và condensate, nguồn khí Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ đóng góp một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế, bổ sung nguồn khí tự nhiên cho khu vực Đông Nam bộ.

Ngoài ra, năm 2020, chúng ta đã phát hiện dầu khí trữ lượng rất lớn tại mỏ khí Kèn Bầu (ước tính sơ bộ từ 7- 9 nghìn tỉ feet khối khí tự nhiên, tương đương khoảng 200 - 250 tỷ m3, bao gồm cả khí trơ), góp phần hoàn thành kế hoạch gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2020. Dự kiến mỏ khí Kèn Bầu có thể đưa vào phát triển khai thác trong giai đoạn năm 2025 - 2030, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia.

Tác động kép từ dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu trong năm 2020 đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của ngành dầu khí nói chung và PVN nói riêng, trong đó các lĩnh vực: tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; chế biến dầu khí và phân phối sản phẩm xăng dầu; dịch vụ dầu khí, chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.

Tuy nhiên, ngành đã đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh đặt ra. Tổng sản lượng khai thác quy dầu dự kiến cả năm đạt 20,5 triệu tấn, vượt 0,7% kế hoạch năm (kế hoạch cả năm là đạt 10 -15 triệu tấn), trong đó: Sản lượng khai thác dầu thô cả năm đạt 11,47 triệu tấn, vượt 8% kế hoạch năm; Sản lượng khai thác khí đạt 9,03 tỷ m3, bằng 92,7% kế hoạch năm.

Tính chung cả giai đoạn, gia tăng trữ lượng dầu khí 5 năm 2016 - 2020 ước đạt 56,26 - 61,26 triệu tấn quy dầu, trung bình đạt 11,2 - 12,4 triệu tấn quy dầu/năm, bằng 100% kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 (10 - 30 triệu tấn quy dầu/năm).  Tổng sản lượng khai thác dầu khí 5 năm 2016 - 2020 ước đạt 120,87 triệu tấn quy dầu, bằng 100% so với kế hoạch 5 năm.

Ngành Than cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát là xây dựng, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng bộ từ khâu thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; cơ bản hoàn thành các mục tiêu quy hoạch, kế hoạch đề ra. Than sản xuất trong nước chủ yếu được cân đối cho các ngành kinh tế trong nước (đặc biệt là cung cấp đủ than cho sản xuất điện) để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; ngoài ra, còn dành một phần hợp lý để xuất khẩu nhằm giúp ngành Than khai thác được các nguồn tín dụng dài hạn nước ngoài, có thêm nguồn ngoại tệ để phục vụ nhập khẩu vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất.

Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020: Sản xuất than sạch tăng từ 38,7 triệu tấn vào năm 2016 lên khoảng 48,17 triệu tấn vào năm 2020; tiêu thụ than sản xuất trong nước tăng từ 41,1 triệu tấn vào năm 2016 lên trên 47,2 triệu tấn vào năm 2020.

Những kết quả tích cực đạt được của ngành năng lượng trong giai đoạn 2016 – 2020 là tiền đề, động lực hết sức quan trọng để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương