Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ trình bày Báo cáo thuyết minh về EVFTA

Sáng 20/5, Quốc hội họp Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội bằng hình thức họp trực tuyến. Theo chương trình, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ được trình Quốc hội ngay trong sáng nay.
khai mac quoc hoi
Toàn cảnh phiên khai mạc. Ảnh VGP

Theo chương trình phiên họp sáng 20/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Cụ thể, Báo cáo tập trung vào 2 nội dung quan trọng nhất: Thứ nhất là các vấn đề pháp lý cần xử lý để có thể hoàn thành nghĩa vụ đặt ra trong hiệp định; Thứ hai là những chương trình, bước đi cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện, từ đó đưa Hiệp định vào cuộc sống.

Theo báo cáo thẩm tra việc phê chuẩn EVFTA của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, các đại biểu tán thành sự cần thiết sớm phê chuẩn Hiệp định. Việc phê chuẩn EVFTA sẽ gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp; giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc vào một thị trường nào, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế.

Tác động của hiệp định tương đối thuận lợi đối với nền kinh tế Việt Nam nếu như khai thông được thị trường EU. Những ngành hiện nay có thể tận dụng sớm cơ hội mà EVFTA mang lại là dệt may, giày dép, nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, thủy sản…

evfta
EVFTA sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế  bình quân 2,18 - 3,25% cho 5 năm đầu thực hiện 

EVFTA sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (bình quân 2,18 - 3,25% cho 5 năm đầu thực hiện và khoảng 4,57 - 5,3% cho 5 năm tiếp theo) và trao đổi thương mại hai chiều (xuất khẩu sang EU tăng khoảng 42,7% năm 2025 và 44,37% năm 2030, trong khi nhập khẩu từ EU tăng khoảng 33,06% năm 2025 và 36,7% năm 2030).

Ngoài ra, các cam kết trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư sẽ giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư chất lượng cao của nước ngoài, đặc biệt từ các nước EU, cũng như thúc đẩy quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Đặc biệt, trong một nghiên cứu mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới đã nhấn mạnh đến khía cạnh về xóa đói giảm nghèo cũng như khả năng các hộ gia đình vươn lên đạt mức tầng lớp trung lưu. Theo nghiên cứu này, nếu lấy chuẩn xóa đói giảm nghèo cao của Ngân hàng Thế giới, thì có khoảng 800.000 người Việt Nam có thể thoát nghèo nhanh hơn so với kịch bản không có EVFTA.

Trong vòng 5 năm đầu thực hiện, hiệp định có thể đóng góp vào nền kinh tế tăng thêm khoảng từ 2,18-3,25%, tức là xung quanh 0,5 điểm phần trăm GDP/năm. Đây là tác động lớn hơn nhiều so với tất cả các FTA trước đây mà chúng ta đã tham gia, kể cả so với Hiệp định CPTPP mà Quốc hội phê chuẩn trước đây.

Hà An