Về tổng thể, các FTA song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết với các nước thuộc khu vực châu Á-châu Phi đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng đáng kể xuất khẩu, thu hút đầu tư và cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam với các nước đồng thời góp phần tạo nguồn cung dồi dào, đa dạng, chất lượng, giá cả phù hợp đối với nhu cầu nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

Về xuất khẩu, sau khi các FTA bắt đầu có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác thành viên các FTA đều tăng trưởng mạnh mẽ so với thời điểm mới ký kết, cụ thể như Hàn Quốc tăng 23,5%, Trung Quốc (22,6%), Ấn Độ (20,0%), Nhật Bản (11,9%), Niu-di-lân (18,5%), ASEAN (8,1%) và Úc (8,0%).

Về nhập khẩu, nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên các FTA đều tăng trong giai đoạn 2011-2019, góp phần đa dạng hóa nguồn cung đầu vào cho sản xuất trong nước, tránh phụ thuộc vào 1 thị trường nhất định.

Về cán cân thương mại, góp phần chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu với một số thị trường (Ấn Độ, Nhật Bản); nhập siêu lớn với một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc được cải thiện khi tỷ lệ giữa kim ngạch nhập siêu trên xuất khẩu giảm (Hàn Quốc giảm từ 210% xuống 101%, Trung Quốc giảm từ trên 100% xuống còn 80%).

Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường hầu hết các thị trường đều chuyển theo hướng tích cực; nhóm hàng chế biến chế tạo, chiếm ưu thế tuyệt đối so với nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản.

Về thu hút đầu tư, các FTA đã ký kết đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư từ ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc; đưa các đối tác này trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam (ASEAN số 1, Hàn Quốc thứ hai, Nhật Bản thứ ba, Trung Quốc thứ 7).

Trong thời gian tới, có một số biện pháp sau đây nhằm gia tăng hiệu quả tận dụng các FTAs

Một là tiếp tục rà soát và sửa đổi hệ thống pháp luật để thực thi cam kết trong các FTA Việt Nam là thành viên.

Hai là tăng cường công tác tuyên truyền về các lợi ích đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp về các cách thức hiệu quả tận dụng các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Ba là tuyên truyền, định hướng nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp thay đổi nhận thức, hành động và hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các thị trường trọng điểm, tiềm năng.

Bốn là tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam; kiện toàn hành lang pháp lý về hàng rào tiêu chuẩn, kỹ thuật và chủ động áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với quy định WTO và thông lệ quốc tế.