Khám phá các yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp đại học: Khảo sát tại các Khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh

TS. PHAN QUỐC TẤN và PGS. TS. BÙI THỊ THANH (Khoa Quản trị, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này nhằm khám phá và đo lường các yếu tố nhà tuyển dụng yêu cầu đối với sinh viên tốt nghiệp đại học. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 139 nhà tuyển dụng tại các Khu công nghiệp (KCN) thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM). Bằng phương pháp nghiên cứu định tính và thống kê mô tả cho thấy, nhà tuyển dụng tại các KCN đều đồng thuận về các yếu tố chính được quan tâm khi tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học, bao gồm: kỹ năng mềm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp và danh tiếng trường đại học. Từ kết quả nghiên cứu, một số hàm ý được đề xuất cho trường đại học và sinh viên khi tham gia ứng tuyển việc làm.

Từ khóa: Khu công nghiệp, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, sinh viên tốt nghiệp đại học.

  1. Giới thiệu

Đứng trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang trong giai đoạn khởi phát, cùng với định hướng phát triển các KCN của TP. HCM từ nay đến năm 2025 là thu hút đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng công nghệ cao (gồm cơ khí; điện tử - tin học; hóa chất; và chế biến lương thực - thực phẩm) và các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ 4 ngành công nghiệp trọng yếu, thì nhu cầu sử dụng lao động có kỹ năng và trình độ cao ngày càng lớn đối với các doanh nghiệp trong KCN TP. HCM. Thế nhưng, hầu hết doanh nghiệp trong các KCN TP. HCM lại đang trong tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Đặc biệt là việc tuyển chọn nhân viên từ các sinh viên tốt nghiệp đại học cũng đang là một thách thức rất lớn đối với nhà tuyển dụng tại KCN, do có một khoảng cách khá lớn giữa khả năng của sinh viên tốt nghiệp với các kỹ năng, yêu cầu mà nhà tuyển dụng quan tâm (Nguyễn Thị Thu Trang, 2017).

Đã có nhiều nghiên cứu về các yêu cầu cơ bản của nhà tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp đại học, nhưng thường là những nghiên cứu đơn lẻ như: nghiên cứu về một số kỹ năng mềm của sinh viên (Andrews & Higson, 2008; Graham & cộng sự, 2010; Lievens & Sackett, 2012; Nickson & cộng sự, 2012); về kỹ năng giải quyết vấn đề (Wellman, 2010; Reid & Anderson, 2012); về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ (Huang & Lin, 2011; Laker & Powell, 2011); về kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp đại học (Gault & cộng sự, 2010); Hopkins & cộng sự, 2011); và về danh tiếng trường đại học mà sinh viên theo học (Chevalier & Conlon, 2003; Pampaloni, 2010). Cho đến nghiên cứu của Finch & cộng sự (2012, 2013), đã thực hiện nghiên cứu đồng thời các yêu cầu cơ bản được nhà tuyển dụng quan tâm khi tuyển chọn sinh viên mới tốt nghiệp đại học, đó là: kỹ năng mềm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp và danh tiếng trường đại học. Do vậy, bài viết này kế thừa nghiên cứu của Finch & cộng sự (2013) nhằm khám phá các yếu tố mà các nhà tuyển dụng trong KCN TP. HCM yêu cầu khi tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp đại học.

  1. Cơ sở lý thuyết

Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của Finch & cộng sự (2013), 5 nhóm yếu tố được nhà tuyển dụng yêu cầu khi tuyển chọn sinh viên mới tốt nghiệp đại học được trình bày như sau: 

* Kỹ năng mềm: Là kỹ năng được các nhà tuyển dụng đánh giá ngày càng quan trọng trong quá trình làm việc vì thế nó đã trở thành tiêu chí đánh giá khi tuyển chọn ứng viên (Finch & cộng sự, 2012; Lievens & Sackett, 2012). Finch & cộng sự (2013) đã đề cập đến 5 loại kỹ năng mềm được nhà tuyển dụng quan tâm khi tuyển chọn sinh viên, đó là: kỹ năng giao tiếp bằng văn bản; kỹ năng giao tiếp bằng lời nói; kỹ năng lắng nghe; tính chuyên nghiệp; và kỹ năng làm việc nhóm.

* Kỹ năng giải quyết vấn đề: Rất cần thiết cho nhân viên làm việc trong mọi ngành nghề công việc (Stiwne & Jungert, 2010; Wellman, 2010); đây là kỹ năng đòi hỏi khả năng phán đoán, phân tích và tổng hợp; là một năng lực liên quan chặt chẽ với trí thông minh, là yếu tố tiên đoán tốt nhất về kết quả công việc trong nhiều ngành nghề. Kỹ năng giải quyết vấn đề đòi hỏi kết hợp nhiều năng lực (Reid & Anderson, 2012) như: kỹ năng tư duy phản biện; kỹ năng tư duy sáng tạo; kỹ năng lãnh đạo và khả năng thích ứng. Do vậy, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng được xem là tiêu chí cốt lõi cho việc tuyển chọn nhân viên (Reid & Anderson, 2012; Wellman, 2010).

* Kiến thức chuyên môn nghiệp vụ: Bao gồm khả năng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức về máy tính, đây là những tiêu chí quan trọng khi đánh giá tuyển chọn nhân viên (Huang & Lin, 2011; Laker & Powell, 2011). Nhìn chung, sinh viên mới tốt nghiệp đã nắm vững những kiến thức cơ bản cần thiết để thực hiện một công việc cụ thể (Bhaerman và Spill, 1988).

* Kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp: Mối quan hệ giữa kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp và việc tuyển chọn sinh viên mới tốt nghiệp đã được nhiều nghiên cứu quan tâm (Hopkins & cộng sự, 2011; Gault & cộng sự, 2010). Kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp có thể là các kinh nghiệm tích lũy được khi sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp, hoặc kinh nghiệm có được từ những công việc làm bán thời gian trong quá trình học tập của sinh viên. Ngoài ra, sự tự tin trong công việc cũng là một thành phần của kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp, vì sự tự tin này có được từ các cơ hội học tập dựa trên kinh nghiệm (Overton & cộng sự, 2009; Brown & cộng sự, 2003).

* Danh tiếng trường đại học: Theo Chevalier & Conlon (2003), một số nhà tuyển dụng chỉ quan tâm tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học có danh tiếng, uy tín nào đó theo nhận thức của họ. Danh tiếng trường đại học và mối quan hệ của nó với việc sinh viên tốt nghiệp được tuyển chọn thường được xem xét ở 3 thành phần: (1) danh tiếng trường đại học mà sinh viên theo học thông qua mức xếp hạng của trường trên các bảng xếp hạng uy tín (Alessandri & cộng sự, 2006; Capobianco, 2009); (2) danh tiếng chương trình đào tạo của nhà trường (McGuinness, 2003); (3) kết quả học tập của sinh viên (như điểm trung bình toàn khóa học), sẽ ảnh hưởng đến cơ hội được tuyển dụng của sinh viên mới tốt nghiệp (Ng & cộng sự, 2010).

  1. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp với nghiên cứu định lượng.

* Phương pháp nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua kỹ thuật thảo luận nhóm tập trung với 02 nhóm: một nhóm gồm 5 chuyên viên của phòng Quản lý lao động của Ban Quản lý các khu chế xuất - công nghiệp (KCX-CN) TP. HCM (HEPZA); và một nhóm gồm 15 Trưởng/Phó phòng Nhân sự, hiện đang làm việc tại các KCN TP. HCM (các KCN gồm khu chế xuất và khu công nghiệp), nhằm khám phá, bổ sung các yêu cầu đối với sinh viên mới tốt nghiệp đại học dựa trên các yêu cầu  được chỉ ra trong nghiên cứu Finch & cộng sự (2013).

Kết quả thảo luận cho thấy, các thành viên tham gia đều đồng thuận với 5 nhóm yếu tố nêu trên, cùng với các thành phần của nó. Có một kỹ năng được bổ sung thêm là “ngoại ngữ chuyên ngành” trong nhóm yếu tố “kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp”. Vì trong KCN, phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với các ngành nghề kỹ thuật, nên đòi hỏi ứng viên không những biết ngoại ngữ mà còn phải giỏi về các thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài. Kỹ năng này cũng phù hợp với nghiên cứu của Lê Phương Lan & cộng sự (2016).

Như vậy, kết quả của nghiên cứu định tính đã xác định được 5 nhóm yêu cầu cơ bản cùng với các thành phần được nhà tuyển dụng yêu cầu đối với sinh viện mới tốt nghiệp đại học; cụ thể:

- Kỹ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp bằng văn bản, Kỹ năng, giao tiếp bằng lời nói, Kỹ năng lắng nghe, Tính chuyên nghiệp, Kỹ năng làm việc nhóm.

- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Kỹ năng tư duy phản biện, Kỹ năng tư duy sáng tạo, Kỹ năng lãnh đạo, Khả năng thích ứng.

- Kiến thức chuyên môn nghiệp vụ: Chuyên môn, Kỹ năng nghề nghiệp cụ thể, Kiến thức về tin học.

- Kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp: Kinh nghiệm làm việc, Tự tin trong công việc, Ngoại ngữ chuyên ngành.

- Danh tiếng trường đại học: Danh tiếng Nhà trường, Danh tiếng chương trình đào tạo, Kết quả học tập của sinh viên.

* Nghiên cứu định lượng nhằm kiểm định độ tin cậy thang đo và xác định giá trị trung bình cho các nhóm yêu cầu. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu định tính, bảng câu hỏi khảo sát được hình thành; thang đo được sử dụng là thang đo Likert 5 bậc (1 là không quan trọng; 5 là rất quan trọng).

Dữ liệu nghiên cứu được thu thập thông qua gửi bản câu hỏi phỏng vấn đến các nhà tuyển dụng theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Cụ thể, 150 bảng câu hỏi được gửi trực tiếp đến các trưởng, phó phòng Nhân sự; chuyên viên tuyển dụng; trưởng, phó các bộ phận, ở 31 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau trong KCN TP. HCM. Kết quả thu về được 143 bản (đạt tỷ lệ 95,33%). Sau khi loại bỏ các bản trả lời không đạt yêu cầu (điền thiếu hoặc có quá nhiều lựa chọn cùng một mức độ), số bản trả lời hợp lệ là 139.

  1. Kết quả nghiên cứu

Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo các yêu cầu đối với sinh viên mới tốt nghiệp cho thấy, tất cả các biến quan sát đo lường 05 nhóm yêu cầu cơ bản đều có hệ số tương quan biến tổng đạt yêu cầu (> 0,3) và hệ số Cronbach’s Alpha cao (> 0,7), được trình bày ở Bảng 1. Như vậy tất cả các thang đo đều đạt độ tin cậy để sử dụng cho bước tiếp theo là đánh giá của nhà tuyển dụng (giá trị trung bình) về các yêu cầu này. Kết quả kiểm định về giá trị trung bình cho thấy, trong các yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với sinh viên mới tốt nghiệp thì yêu cầu đầu tiên được đánh giá cao là Kỹ năng mềm đạt 3,91; Kế đến là kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp (3,85); Kỹ năng giải quyết vấn đề cùng với Danh tiếng trường đại học đạt 3,78; và sau cùng là Kiến thức chuyên môn nghiệp vụ (3,66). Dựa trên kết quả nghiên cứu này, một số hàm ý được đề xuất cho các trường đại học ở nội dung tiếp theo.

  1. Một số hàm ý quản trị

Trên cơ sở kết quả đánh giá của các nhà tuyển dụng, một số hàm ý được đề xuất cho các trường đại học, viện đào tạo cũng như các doanh nghiệp như sau:

+ Về Kỹ năng mềm

Kết quả nghiên cứu từ Bảng 2 cho thấy, các nhà tuyển dụng tại các KCN TP. HCM rất xem trọng yêu cầu về kỹ năng mềm đối với sinh viên, đặc biệt là các kỹ năng lắng nghe, giao tiếp bằng lời và kỹ năng làm việc nhóm. Kết quả này cũng phù hợp với nhận định của Finch & cộng sự (2012) và Chamorro-Premuzic & cộng sự (2010).

Do vậy, các trường đại học cần thiết kế chương trình đào tạo với chuẩn đầu ra đạt được nhiều kỹ năng mềm hơn nữa. Bên cạnh đó, thông qua giảng dạy các môn học, giảng viên cần yêu cầu sinh viên tự học và nghiên cứu theo nhóm, làm báo cáo thuyết trình, đóng vai, viết bài luận nghiên cứu, vv, để giúp họ phát triển các kỹ năng mềm cho bản thân. Hơn nữa, các hoạt động đoàn hội trong nhà trường cần được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng hơn, ràng buộc vào tiêu chí đánh giá rèn luyện sinh viên, qua đó sẽ giúp sinh viên có cơ hội học hỏi, rèn luyện và trải nghiệm các kỹ năng mềm trước khi rời ghế nhà trường.

+ Về Kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp

Kết quả nghiên cứu cho thấy, kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp được các nhà tuyển dụng quan tâm thứ hai sau kỹ năng mềm. Do vậy, các trường đại học cần phát triển mạnh hơn các mối quan hệ hợp tác liên kết với các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức để tạo cơ hội cho sinh viên được tham quan, học hỏi, thực tập và trải nghiệm thực tế; tổ chức nhiều hơn các ngày hội việc làm, ngày hội thực tập, nhằm giúp sinh viên có thể tiếp cận với nhà tuyển dụng từ đó nắm bắt được các yêu cầu hay tiêu chí tuyển chọn. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng cần khuyến khích phát triển các câu lạc bộ ngoại ngữ tạo sân chơi cho các em sinh viên thực hành, chia sẻ và phát triển các kỹ năng ngoại ngữ. Cũng qua các hoạt động này, sinh viên sẽ nhìn nhận lại bản thân cần phải bổ sung những kỹ năng và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ gì để có có thể tìm được việc làm thuận lợi hơn.

+ Về Kỹ năng giải quyết vấn đề

Là nhóm kỹ năng được nhà tuyển dụng trong các KCN TP. HCM yêu cầu đối với sinh viên mới tốt nghiệp. Do vậy, các chương trình đào tạo cần được thiết kế tăng cường các môn học như kỹ năng tư duy phân tích, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề sáng tạo, vv. Bên cạnh đó, giảng viên thông qua hoạt động giảng dạy trên lớp, khuyến khích sinh viên thảo luận, trình bày quan điểm cá nhân, và mạnh dạn phản biện các vấn đề về kinh tế và xã hội.

+ Về Danh tiếng trường đại học

Để xây dựng hình ảnh danh tiếng, các trường đại học cần liên tục cập nhật và cải tiến các chương trình đào tạo; thực hiện kiểm định chất lượng của các chương trình đào tạo, cũng như kiểm định nhà trường thông qua các tổ chức kiểm định có uy tín của thế giới và của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Trong đó cần chú trọng:

- Xây dựng các chương trình đào tạo mới phù hợp với xu hướng đổi mới, hội nhập khu vực và quốc tế, cũng như đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

- Hoàn thiện hoạt động kiểm tra, đánh giá năng lực học tập của sinh viên bằng nhiều hình thức đa dạng.

- Tiếp tục đầu tư nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Có kế hoạch đầu tư và sử dụng hiệu quả các cơ sở vật chất, phương tiện, tài liệu cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập và các hoạt động thể chất của giảng viên và sinh viên.

+ Về Kiến thức nghiệp vụ chuyên môn

Là nhóm yêu cầu được các nhà tuyển dụng trong các KCN xếp thứ 5 trong 5 yêu cầu cơ bản đối với sinh viên mới tốt nghiệp. Phần lớn nhà tuyển dụng đều đồng ý rằng, các ứng viên sau khi được tuyển chọn vào làm việc sẽ tiếp tục được tham gia các khóa huấn luyện, đào tạo của doanh nghiệp liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ; hơn nữa do sinh viên mới tốt nghiệp nên chưa thể đòi hỏi có nhiều kinh nghiệm, do vậy yêu cầu này chưa cần quan tâm nhiều so với những yêu cầu cơ bản khác.

Cuối cùng, nghiên cứu này nhằm khám phá các yêu cầu cơ bản của nhà tuyển dụng tại các KCN TP. HCM đối với sinh viên mới tốt nghiệp. Dựa trên kết quả nghiên cứu, một số hàm ý được đề xuất nhằm giúp các trường đại học hiểu rõ hơn các yêu cầu của nhà tuyển dụng trong các KCN TP. HCM nói riêng và các doanh nghiệp nói chung hiện nay đối với sinh viên mới tốt nghiệp. Nghiên cứu mới chỉ khảo sát 139 nhà tuyển dụng trong các KCN TP. HCM bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Vì thế, các nghiên cứu tiếp theo nên chọn mẫu từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề hơn để tăng tính tổng quát hóa của nghiên cứu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Alessandri, S., Yang, S. & Kinsey, D. (2006). An integrative approach to university visual identity and reputation. Corporate Reputation Review, Vol.9, No.4, pp. 258-270.
  2. Andrews, J. & Higson, H. (2008). Graduate employability, ‘soft skills’ versus ‘hard’ businessknowledge: A European study. Higher Education in Europe, Vol.33, No.4, pp. 411-422.
  1. Bhaerman, R. & Spill, R. (1988). A dialogue on employability skills: how can they be taught? Journal of Career Development, Vol.15, No.1, pp. 41-52.
  2. Brown, B., O’Mara, L., Hunsberger, M., Love, B., Black, M., Carpio, B., Crooks, D. & Noesgaard, C. (2003). Professional confidence in baccalaureate nursing students. Nurse Education in Practice, Vol.3, No.3, pp. 163-170.
  3. Capobianco, F. (2009). Reputation versus reality: the impact of US news and world report rankings and education branding on hiring decisions in the job market. Unpublished doctoral thesis, Pepperdine University, Malibu, CA.
  4. Chamorro-Premuzic, T., Arteche, A., Bremner, A.J., Greven, C. & Furnham, A. (2010). Soft skills in higher education: importance and improvement ratings as a function of individual differences and academic performance. Educational Psychology: An International Journal of Experimental Educational Psychology, Vol.30, No.2, pp. 221-241.
  5. Chevalier, A. & Conlon, G. (2003). Does it pay to attend a prestigious university? Centre for the Economics of Education, May, ISSN 2045-6557.
  6. Finch, D., Nadeau, J. & O’Reilly, N. (2012). The future of marketing education: a practitioners perspective. Journal of Marketing Education, Vol.35, No.1, pp. 54-67.
  7. http://jmd.sagepub.com/content/early/2012/11/14/0273475312465091.abstract (accessed 16 December 2012).
  8. Finch, D.J., Hamilton, L.K., Baldwin, R., & Zehner, M. (2013). An exploratory study of factors affecting undergraduate employability. Education and Training, 55(7), 681–704.
  9. Gault, J., Leach, E. & Duey, M. (2010). Effects of business internships on job marketability: The employers’ perspective. Education and Training, Vol.52, No.1, pp. 76-88.
  10. Graham, A., Hampton, M. & Willett, C. (2010). What not to write: An intervention in written communication skills for accounting students. International Journal of Management Education, Vol.8, No.2, pp. 67-74.
  11. Hepza. (2015). Giới thiệu chung.  http://www.hepza.hochiminhcity.gov.vn/web/guest/ kcn_kcx-tphcm/gioi-thieu-chung.
  12. Hopkins, C.D., Raymond, M.A. & Carlson, L. (2011). Educating students to give them a sustainable competitive advantage. Journal of Marketing Education, Vol.33, No.3, pp. 337-347.
  13. Huang, Y. & Lin, C. (2011). Management trainee core competencies in the hospitality industry: Differences between managers and scholars. Journal of Human Resources in Hospitality and Tourism, Vol.10, No.1, pp. 1-13.
  14. Laker, D.R. & Powell, J.L. (2011). The differences between hard and soft skills and their relative impact on training transfer. Human Resource Development Quarter,ly, Vol.22, No.1, pp. 111-122.
  15. Lê Phương Lan, Chu Thị Mai Phương và Nguyễn Thị Khánh Trinh. (2016). Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng có việc làm của sinh viên Đại học Ngoại Thương sau khi tốt nghiệp. Tạp chí Kinh tế Đối ngoại, số 43, pp. 38-42.
  16. 1Lievens, F. & Sackett, P.R. (2012). The validity of interpersonal skills assessment via situational judgment tests for predicting academic success and job performance. Journal of Applied Psychology, Vol.97, No.2, pp. 460-468.
  17. McGuinness, S. (2003). University quality and labour market outcomes. Applied Economics, Vol.35, No.18, pp. 1943-1955.
  18. Ng, E.S., Schweitzer, L. & Lyons, S.T. (2010). New generation, great expectations: A field study of the millennial generation. Journal of Business and Psychology, Vol.25, No.2, pp. 281-292.
  1. Nguyễn Thị Thu Trang. (2017). Sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường - Nguyên nhân và cách khắc phục. Truy cập ngày 19/10/2018, từ http://m.tapchicongthuong.vn/sinh-vien-that-nghiep-sau-khi-ra-truong-nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc-.
  2. Nickson, D., Warhurst, C., Commander, J., Hurrell, S.A. & Cullen, A.M. (2012). Soft skills and employability: Evidence from UK retail. Economic and Industrial Democracy, Vol.33, No.1, pp. 65-84.
  3. Overton, G.K., Kelly, D., McCalister, P., Jones, J. & MacVicar, R. (2009). The practice-based small group learning approach: Making evidence-based practice come alive for learners. Nurse Education Today, Vol.29, No.6, pp. 671-675.
  4. Reid, J.R. & Anderson, P.R. (2012). Critical thinking in the business classroom. Journal of Education for Business, Vol.87, No.1, pp. 52-59.
  5. Stiwne, E.E. & Jungert, T. (2010). Engineering students’ experiences of transition from study to work. Journal of Education and Work, Vol.23, No.5, pp. 417-437.
  6. Wellman, N. (2010). The employability attributes required of new marketing graduates. Marketing Intelligence and Planning, Vol.28, No.7, pp. 908-930.

STUDYING REQUIREMENTS OF EMPLOYERS FOR UNIVERSITY GRADUATES: SURVEY IN THE INDUSTRAL ZONES IN HO CHI MINH CITY

Ph.D PHAN QUOC TAN

Faculty of Business Management, University of Economics Ho Chi Minh City

Assoc.Prof.Ph.D BUI THI THANH

Faculty of Business Management, University of Economics Ho Chi Minh City

Abstract:

This study is to discover and measure qualities that employers require university graduates to have. The data were collected from 139 employers in industrial zones of Ho Chi Minh City. By using qualitative research methods and descriptive statistics, results show that main qualities that employers in the industrial zones consider when recruiting university graduates include soft skills, problem solving skills, professional knowledge, pre-graduation experience and university reputation. Based on these findings, the study proposes some implications to universities and students when participating in the labour market.

Keywords: Industrial zone, knowledge, skill, experience, university graduates.