khánh thành
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các đại biểu cắt băng khánh thành cụm hai nhà máy điện mặt trời Srêpok và Quang Minh. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

 

Sáng 9/3, tại xã Ea Wer, huyện biên giới Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Lễ khánh thành cụm Nhà máy điện mặt trời Srêpốk 1 và Quang Minh. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.

Đây là dự án nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam hiện nay đã phát điện; được quản lý, tổ chức thực hiện, thiết kế và thi công xây dựng hoàn toàn bởi các đơn vị trong nước. Dự án được lắp đặt thiết bị hiện đại, hoàn toàn tự động hóa. 

Cụm công trình Nhà máy điện mặt trời Srêpốk 1 và Quang Minh là dự án đầu tiên được khánh thành ở Tây Nguyên đưa vào hòa mạng lưới điện quốc gia. Dự án được Bộ Công Thương phê duyệt với công suất 100 MWP, được xây dựng trên diện tích đất 120 ha, tổng mức đầu tư  gần 2.300 tỷ đồng.

Cùng với việc xây dựng nhà máy, dự án còn thực hiện việc xây dựng trạm biến áp 22/220kV, hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống trạm bơm cho các hồ chứa nước, trạm quan trắc và đường dây truyền tải điện dài khoảng 15km đấu nối với thệ thống điện lưới quốc gia.

Nhà máy điện năng lượng mặt trời hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ cung cấp cho điện lưới quốc gia khoảng 150 triệu kWh mỗi năm, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng, nộp ngân sách 30 tỷ đồng/năm cho địa phương. Đây là dự án có quy mô để phát triển nguồn năng lượng sạch, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Việc phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng của thế giới, của nước ta nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, nơi có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng mặt trời với tổng bức xạ năng lượng mặt trời trung bình khoảng 1.900 kW/km2/năm.

Để lĩnh vực năng lượng mặt trời phát triển, không chỉ ở Đắk Lắk, mà còn ở các tỉnh, thành có tiềm năng khác, Phó Thủ tướng yêu cầu, với vai trò và trách nhiệm của nhà đầu tư, các doanh nghiệp phải chú trọng thực hiện dự án đúng theo trình tự và thủ tục, vận hành nhà máy đúng quy trình của các cấp điều độ, đặc biệt là phải bảo vệ môi trường trong quá trình thay thế và xử lý tấm pin.

Về phía các chính quyền địa phương, cần tạo thuận lợi để các nhà đầu tư đang tìm hiểu khảo sát, lập dự án điện mặt trời trên địa bàn yên tâm đầu tư, sản xuất và phát triển, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, các quy định pháp luật liên quan đến cơ chế phát triển điện mặt trời, đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phù hợp với chủ trương của Chính phủ.