Khảo sát độc lập: Tăng trưởng quý 1/2020 của Trung Quốc sẽ giảm 10%

Khảo sát mới nhất về điều kiện kinh doanh của Trung Quốc trong tháng 3/2020 do hãng tư vấn China Beige Book thực hiện cho thấy rất ít dấu hiệu chứng minh nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu phục hồi sau 2 tháng bị đình trệ vì đại dịch virus Covid-19.

Để đánh giá điều kiện kinh doanh tại Trung Quốc, China Beige Book tiến hành khảo sát độc lập 3.300 doanh nghiệp tại quốc gia này hàng quý. China Beige Book cho biết các chỉ số chính của cuộc khảo sát quý 1/2020 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây – kể từ khi cuộc khảo sát được tiến hành.

China Beige Book cho biết các chỉ tiêu phản ánh điều kiện kinh doanh tại Trung Quốc vẫn tiếp tục xấu đi vào giữa tháng 3/2020 – thời điểm mà các doanh nghiệp tại đây được phép quay trở lại hoạt động. Trên quy mô toàn quốc, chỉ số đo lường doanh thu của các doanh nghiệp Trung Quốc đã giảm xuống mức -26 điểm; trong khi đó, chỉ số đo lường lợi nhuận giảm còn -22 điểm trong quý 1/2020, theo China Beige Book.

Các số liệu của Chính phủ Trung Quốc trong hai tuần gần đây cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp lớn nhất và các công ty chủ chốt đã quay trở lại hoạt động kinh doanh đạt lần lượt ít nhất là 80% và 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ quay trở lại hoạt động chỉ đạt mức 60%. Các doanh nghiệp vừa nhỏ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm và động lực tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng vì dịch virus Covid-19
 Các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2020 đã chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch virus Covid-19 (Ảnh: Reuters)

Khảo sát của China Beige Book cho thấy khối ngành dịch vụ tại Trung Quốc chịu tác động mạnh nhất trong quý 1/2020 với gần 50% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết doanh thu hàng quý giảm hơn 10%; tiếp theo là khối ngành bán lẻ và sản xuất với gần 30% doanh nghiệp được hỏi đưa ra dự báo tương tự.  

Trong ngày 20/3, ông Jason Shehzad Qazi, giám đốc điều hành của China Beige Book, cho biết các chỉ số đánh giá tình hình kinh doanh tại Trung Quốc trong tháng 3/2020 thậm chí còn giảm mạnh hơn so với tháng 2/2020. Trong đó, chỉ tiêu số giờ làm việc của người lao động và nhu cầu tuyển dụng đang ngày càng giảm xuống. Điều này phản ánh việc “quay trở lại làm việc” của các doanh nghiệp Trung Quốc không đồng nghĩa với việc “đem tăng trưởng trở lại” với nền kinh tế nước này, ông Jason Shehzad Qazi nhận định.

China Beige Book dự báo ngay cả khi hoạt động kinh tế tại Trung Quốc tăng nhẹ trở lại trong giai đoạn cuối tháng 3/2020, dự báo tăng trưởng GDP quý 1/2020 sẽ giảm từ 10% - 11% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, vào ngày 16/3, Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc đã công bố một số dữ liệu kinh tế 2 tháng đầu năm 2020 của nước này. Trong đó, doanh số bán lẻ đã giảm tới 20,5%; sản lượng công nghiệp giảm 13,5% và mức đầu tư tài sản cố định của các doanh nghiệp Trung Quốc giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, sự sụt giảm của sản lượng công nghiệp là mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, theo dữ liệu của hãng tin Reuters. Tỷ lệ thất nghiệp tại các thành phố trong tháng 2/2020 do Chính phủ Trung Quốc công bố cũng đã tăng vọt lên mức 6,2% - mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Khảo sát của hãng China Beige Book cũng cho thấy tất cả các khu vực địa lý của Trung Quốc cũng như tất cả các ngành nghề kinh doanh đều ghi nhận sự gia tăng số lượng người mất việc làm. Các chuyên gia phân tích của China Beige Book lưu ý tình trạng thất nghiệp tại Trung Quốc có thể sẽ gia tăng mạnh hơn trong quý 2/2020 nếu như Chính phủ Trung Quốc  không có các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Nhiều tổ chức kinh tế và chuyên gia phân tích đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2020 sau khi các dữ liệu yếu kém về nền kinh tế nước này trong 2 tháng đầu năm 2020 được công bố. Trong ngày 23/3, Tập đoàn vốn quốc tế Trung Quốc (CICC) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Trung Quốc xuống còn 2,6% so với mức 6,1% được đưa ra trước đó.

China Beige Book nhận định sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc hiện giờ không chỉ là vấn đề phục hồi nhu cầu trong nước mà còn cả những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch virus Covid-19 đang lây lan mạnh tại nhiều quốc gia và gây ra rủi ro sụt giảm nhu cầu và đổ vỡ kéo dài của các chuỗi cung ứng trên quy mô toàn cầu.

Tính đến cuối ngày 24/2, đã có hơn 420.000 ca nhiễm và 18.900 ca tử vong do đại dịch virus Covid-19. Mặc dù số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đã giảm xuống nhưng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng của nhiều quốc gia trên thế giới và cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Quang Đặng (Tổng hợp)