Khảo sát hàm lượng flavonoid tổng và hoạt tính kháng oxy hóa của cao chiết từ cây Mua (melastoma candidum)

ThS. NGUYỄN XUÂN THỊ DIỄM TRINH (Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hàm lượng flavonoid tổng cũng như khả năng kháng oxy hóa từ thân và lá cây Mua (Melastoma Candidum) với nguồn nguyên liệu được thu hái ở xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Kết quả định tính trên cao methanol và cao nước thân và lá cây Mua bằng phương pháp chiết ngâm dầm với cho thấy sự hiện diện của một số hợp chất thiên nhiên: alkaloid, flavonoid, steroid, tannin, glycoside, saponin. Bên cạnh đó, kết quả định lượng flavonoid tổng ở hai loại cao methanol và cao nước lần lượt là 5.86 mgQE/g và 5.41 mgQE/g. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chứng minh hoạt tính kháng oxy hóa của cao chiết methanol và cao nước với giá trị IC50 lần lượt là 38.54 µg/mL, 33.42 µg/mL, cho thấy tiềm năng mở rộng ứng dụng cây Mua trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe.

Từ khóa: cây Mua, thành phần hóa học, kháng oxy hóa.

1. Đặt vấn đề

Cây Mua có tên khoa học là Melastoma candidum, họ Mua Melastomataceae, thuộc họ thực vật hai lá mầm, tìm thấy chủ yếu ở khu vực nhiệt đới. Ở Việt Nam, Mua mọc rất nhiều ở vùng núi thấp dưới 1.000m đến các tỉnh vùng trung du, và cả ở đồng bằng [1]. Người ta thường sử dụng cây Mua để chữa các bệnh dân gian như: thuốc thông tiểu, tiêu thủng, sưng lá lách, lá dùng trị tiêu chảy. Lá, thân, quả và rễ mua đều có tác dụng gây săn se, dùng chữa mụn nhọt, ứ huyết, tê thấp, sai khớp, phù nề ở phụ nữ sau khi sinh đẻ [2]. Do đó, việc nghiên cứu xác định thành phần flavonoid có trong thân và lá cây Mua sẽ góp phần khẳng định dược tính của nó, cũng như khả năng ứng dụng loài thực vật này vào các mục đích chữa bệnh.

2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Vật liệu

Cây Mua được thu hái tại xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Tại phòng thí nghiệm, nguyên liệu được chọn lọc phần thân và lá tươi, không bị sâu hại, dập nát. Sau đó rửa sạch, sấy khô ở 60oC , nghiền nhỏ đạt kích thước khoảng 0.3mm và được bảo quản ở 7oC. Quercetin có xuất xứ Sigma - Mỹ.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Chiết cao methanol và cao nước

Mẫu nguyên liệu được ngâm trong 2 loại dung môi là methanol và nước với tỷ lệ 1:10 (m/V) trong thời gian 6 giờ ở nhiệt độ 40oC. Tiến hành cô quay thu hồi dung môi thu được cao methanol và cao nước tương ứng.

2.2.2. Định tính thành phần hóa học

Các nhóm hợp chất hữu cơ có trong mẫu cao chiết được định tính cơ bản bằng các phản ứng thử nghiệm hóa học với các loại hóa chất, thuốc thử đặc trưng. Bao gồm: alkaloid, flavonoid, steroid, tannin, glycoside, và saponin. Lập bảng theo dõi hiện tượng và ghi nhận kết quả thí nghiệm.

2.2.3. Xác định độ ẩm

Xác định độ ẩm bằng phương pháp sấy theo tiêu chuẩn DĐVN III phụ lục 12, 13. Xác định khối lượng bột cao chiết trước và sau khi sấy khô đến khối lượng không đổi. Từ đó suy ra phần trăm khối lượng nước mất đi.

Độ ẩm được tính theo công thức sau:

cây Mua

Trong đó:

A là độ ẩm mẫu vật liệu (%); a là khối lượng trước khi sấy; b là khối lượng sau khi sấy.

2.2.4. Định lượng flavonoid bằng phương pháp UV-vis

Hàm lượng flavonoid toàn phần được xác định dựa trên phương pháp UV-vis [3]. Có thể tóm tắt như sau: mẫu cao chiết (1g) hòa tan hoàn toàn trong dung môi ethanol: acetic acid với tỷ lệ 85:15 (V/V), thêm dung dịch CH3COONa 10%, Al(NO3) 10%. Để dung dịch ổn định trong 45 phút để phản ứng tạo phức xảy ra hoàn toàn. Tiến hành đo UV-vis tại bước sóng 415 nm. Quercetin được sử dụng để xây dựng đường chuẩn và kết quả được biểu diễn dưới dạng mg quercetin trên 1 gam chất khô (mgQE/g).

2.2.5. Đánh giá hoạt tính kháng oxy hóa của cao chiết cây Mua

Thí nghiệm đánh giá hoạt tính kháng oxy hóa được thực hiện theo phương pháp của Adrieli Schett [4]. Chuẩn bị dung dịch vitamin C (dung dịch đối chứng): các dung dịch vitamin C được pha trong DPPH với các nồng độ từ 0-5µg/mL, để 30 phút trong điều kiện thiếu sáng sau đó tiến hành đo độ hấp thu ở bước sóng 517nm.

Chuẩn bị dung dịch cao chiết: các dung dịch cao chiết được pha trong methanol với các nống độ từ 0-100µg/mL, cho các dung dịch cao chiết phản ứng dung dịch DPPH nồng độ 40µg/mL trong điều kiện thiếu sáng 30 phút. Sau đó tiến hành đo độ hấp thu của DPPH ở bước sóng 517nm.

Tính toán kết quả:

Khả năng khử gốc tự do DPPH của một chất chống oxy hóa được thể hiện qua phần trăm ức chế (I%) và được tính theo công thức:

cây Mua

Trong đó:

Ac là độ hấp thu của dung dịch DPPH

As là độ hấp thu của dung dịch DPPH sau khi phản ứng với chất chống oxy hóa

Khả năng kháng oxy hóa của một chất bằng phương pháp DPPH được thể hiện qua giá trị IC50 (Half-Maximal Inhibitory Concentration). IC50 là nồng độ của chất chống oxy hóa mà tại nồng độ đó nó có thể ức chế 50% gốc tự do của DPPH, IC50 càng nhỏ thì hoạt tính kháng oxy hóa của chất càng cao. Giá trị IC50 được tính dựa vào phương trình đường chuẩn của phần trăm ức chế và nồng độ của chất chống oxy hóa.                     

2.2.5. Xử lý số liệu

Các thí nghiệm được bố trí lặp lại 3 lần, xử lý kết quả bằng phương pháp phân tích ANOVA để đánh giá mức độ khác biệt có ý nghĩa giữa các giá trị với mức ý nghĩa P < 0.05.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Kết quả chiết cao methanol và cao nước

Kết quả thực nghiệm cho thấy, cao methanol và cao nước đạt hiệu suất chiết tương đương nhau, xấp xỉ 6,2%. Các thí nghiệm tiếp theo sẽ thực hiện đồng thời đối với 2 loại cao này.

3.2. Khảo sát định tính thành phần hóa học của cao chiết

Kết quả định tính thành phần hóa học của 2 loại cao chiết thân và lá cây Mua bằng phản ứng hóa học được trình bày ở Bảng 1.

Bảng  1. Kết quả định tính thành phần hóa học của 2 loại cao chiết

cây Mua

Dựa trên kết quả Bảng 1 cho thấy, cao chiết thân và lá cây Mua có chứa các thành phần Alkaloid, flavonoid, steroid, tannin, glycoside,… Trong đó, flavonoid là thành phần có khả năng kháng oxy hóa, kháng khuẩn khá tốt [5].

3.3. Xác định độ ẩm

Độ ẩm của mẫu được thể hiện ở Bảng 2 .

Bảng 2. Kết quả xác định độ ẩm của mẫu nguyên liệu

cây Mua

Độ ẩm của mẫu nguyên liệu có giá trị 7.84 ± 0.03%, đạt yêu cầu đối với mẫu dược liệu theo tiêu chuẩn của Dược điển Việt Nam.

3.4. Đánh giá hàm lượng flavonoid tổng

Đường chuẩn Quecetin được xây dựng với dãy nồng độ từ 10-60mg/mL, dùng để đánh giá hàm lượng flavonoid tổng trong cao chiết được thể hiện ở Hình 1.

Hình 1: Đường chuẩn quercetin

cây Mua

Từ đường chuẩn này, hàm lượng flavonoid tổng của 2 loại cao chiết được đánh giá lặp lại 3 lần, cho kết quả như trình bày ở Bảng 3.

Bảng 3. Hàm lượng Flavonoid tổng của 2 loại cao chiết thân
và lá cây Mua

cây Mua

Kết quả tại Bảng 3 cho thấy hàm lượng flavonoid của cao methanol là 5.86 ± 0.05mgQE/g và cao nước là 5.41 ± 0.09 mgQE/g. Tương tự khảo sát hàm lượng về flavonoid tại Trường Đại học Cần Thơ đã đánh giá lượng flavonoid của lá và thân rễ cây cỏ Tranh với ethanol và methanol với kết quả hàm lượng flavonoid  tổng trong cao chiết từ 28.6mg/g đến 78.38mg QE/g trong lá cao hơn ở thân rễ [6]. Ngoài ra, nghiên cứu đối với lá Tía tô thì hàm lượng flavonoid có giá trị 0.308 ± 0.001mg QE/g khi được chiết với dung môi ethanol 60% trong điều kiện pH 3.0 [7].

Bên cạnh đó, nghiên cứu đánh giá hàm lượng flavonoid tổng trên đối tượng lá diếp cá được thu nhận bằng cách sử dụng enzyme cellulase ở nồng độ 78 mg/mL cho kết quả hàm lượng flavonoid cao nhất đạt 24.04 ± 0.05mg/g [8]. Từ đó cho thấy, thành phần flavonoid thay đổi đa dạng đối với các loài thực vật khác nhau và khả năng kháng oxy hóa, kháng vi sinh vật cũng biến đổi.

3.5. Đánh giá hoạt tính kháng oxy hóa của cao chiết thân và lá cây Mua

Đường chuẩn cao chiết thân và lá cây Mua được pha với nồng độ từ 0-50µg/mL trong DPPH 40µg/mL, chờ phản ứng trong 30 phút sau đó được đo độ hấp thu ở bước sóng 517nm. Kết quả thể hiện ở Hình 2.

Hình 2: Phần trăm ức chế DPPH của hai loại cao chiết thân và lá cây Mua

hàm lượng flavonoid

Theo tính toán, giá trị IC50 của cao methanol và cao nước lần lượt là 38.54 mg/mL và 33.42mg/mL. So sánh với dung dịch đối chứng vitamin C có IC50 = 4.883 mg/mL thì khả năng kháng oxy hóa của cao chiết thân và lá cây Mua thấp hơn khoảng 7 lần. Ngoài ra, khi đối chiếu với một số cao chiết khác thì cao chiết cây Mua cho thấy hoạt tính kháng oxy hóa tốt hơn như cao lá xoài (IC50 = 64.27 µg/mL), diếp cá (114.81 µg/mL), rau om (128.76 µg/mL) [9].

4. Kết luận

Nghiên cứu đã định lượng hàm lượng flavonoid toàn phần và đánh giá khả năng kháng oxy hóa trên hai loại cao chiết thân và lá cây Mua được thu hái trên địa bàn huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long. Từ các kết quả trên khẳng định khả năng ứng dụng các loại thực vật có hoạt tính trong lĩnh vực dược học, y sinh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Võ Văn Chi (1997). Từ điển cây thuốc Việt Nam. Hà Nội: NXB Y học.
  2. Đỗ Huy Bích và cộng sự (2004). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Hà Nội: NXB Y học.
  3. Nguyễn Thị Kim Liên, C.Q.M., Nguyễn Hương Thư, (2019). Định lượng flavonoid toàn phần trong cao khô Rau đắng đất (Glinus Oppositifolius (L.) Aug. DC. ) bằng phương pháp quang phổ UV-vis. Tạp chí Khoa học & Công nghệ, 5, 57-61.
  4. Adrieli Sachett, M.G.-L., Greicy M M Conterato, Ana P Herrmann, Angelo Piato (2021). Antioxidant activity by DPPH assay: in vitro protocol. USA: Lapcom UFRGS.
  5. Shejian Liang et al (2022). Study on Flavonoids and Bioactivity Features of Pericarp of Citrus reticulata “Chachi” at Different Harvest Periods. Plant, 11(23), 3390.
  6. Võ Thị Kiều Ngân, N.T.H., Trần Hồng Đức , Nguyễn Đức Độ và Nguyễn Thị Ngọc Mai (2017). Khảo sát hàm lượng phenolic tổng, flavonoid tổng, hoạt tính chống oxy hóa và hoạt tính kháng khuẩn của cao chiết ethanol và methanol của lá và thân rễ cây cỏ Tranh (Imperata cylindrica). Tạp chí Đại học Cần Thơ, 52, 1-7.
  7. Nguyễn Thị Ngọc Thúy, N.T.T.H., Trương Quang Duy, Phan Huỳnh Thúy Nga, Cao Thị Cẩm Tú (2018). Ảnh hưởng của dung môi và pH đến quá trình trích ly các hợp chất có khả năng kháng oxy hóa từ Tía tô (Perilla Frutescens). Tạp chí Khoa học Công nghệ & Thực phẩm, 14(1), 66-74.
  8. Phan Minh Phụng, Nguyễn Thị Diễm Phúc, Nguyễn Hữu Phúc, Võ Thị Tường Vi, Vũ Thùy Anh (2021). Tối ưu hóa điều kiện trích ly Flavonoids từ lá Diếp cá (Houttuynia cordata Thumb). Tạp chí Nông nghiệp & Phát triển, 20(2), 51-61.
  9. Đỗ Văn Mãi, Huỳnh Ngọc Trung Dung và Trì Kim Ngọc (2017). Nghiên cứu và sàng lọc những cây thuốc có đáp ứng hoạt tính chống oxy hóa ở địa bàn thành phố Cần Thơ. Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế - Trường Đại học Tây Đô, 1, 143-152.

DETERMINING THE TOTAL FLAVONOID CONTENT

AND THE ANTIOXIDANT ACTIVITY OF THE

WATER-BASED EXTRACT AND THE METHANOLIC

EXTRACT OF MELASTOMA CANDIDUM

Master. NGUYEN XUAN THI DIEM TRINH

Tra Vinh University   

ABSTRACT:

The study is to evaluate the total flavonoid content and the antioxidant activity of the water-based extract and the methanolic extract of Melastoma Candidum harvested at Nhon Binh commune, Tra On district, Tra Vinh province. The study finds out that the water-basedextract and the methanolic extract have several compounds including: alkaloid, flavonoid, steroid, tannin, glycoside and saponin. The total flavonoid content of the water-based extract and the methanolic extract is 5.79 mgQE/g and 5.35 mgQE/g, respectively. The antioxidant activity of the water-based extract and the methanolic extract is IC50 of 38.54 µg/mL and IC50 of 33.42 µg/mL, respectively. These results show that Melastoma Candidum could potentially be used as a functional food in health care.

Keywords: Melastoma candidum, chemical components, antioxidant activity.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 1 năm 2023]