Khi các công ty lữ hành kinh doanh nhập nhèm

Không ít khách du lịch mua tour của các công ty lữ hành nhưng không hề biết nhiều quyền lợi của mình không được đáp ứng như quy định, hoặc bị cắt xén.

Mới đây, kiểm tra một số công ty du lịch trên địa bàn TP. HCM, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vấn đề tồn tại trong quản lý kinh doanh du lịch lữ hành. Nhiều công ty du lịch đã thành lập được 3, 4 năm, thậm chí còn cam kết với khách hàng rằng rất có uy tín trong lĩnh vực tổ chức tour, tuyến, nhưng cho tới khi lực lượng chức năng kiểm tra mới phát hiện các công ty này vẫn chưa đăng ký hoạt động lữ hành với Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch thành phố. Và đương nhiên, chưa đăng ký hoạt động thì lấy đâu ra chuyện công ty mua bảo hiểm theo quy định tổ chức tour cho khách??? Như vậy, nếu lỡ xảy ra bất trắc gì thì ai sẽ là người đền bù cho du khách?

Tuy kinh doanh “chui” nhưng doanh thu mà các công ty này thu từ việc bán tour lại rất “đàng hoàng”, lợi nhuận lên tới hàng trăm triệu đồng.

Một vi phạm khác cũng rất phổ biến ở các công ty du lịch nội địa hiện nay là dù không có chức năng tổ chức lữ hành quốc tế, nhưng vẫn bán tour nước ngoài bình thường. Trường hợp đoàn khách Việt Nam bị tai nạn ở Thái Lan, trong đó có một người chết, do Công ty Chân Trời Việt (TP. HCM) tổ chức, đến khi xảy ra sự việc nhà quản lý mới biết công ty này không hề có chức năng tổ chức lữ hành quốc tế (!). Sai phạm này không những ảnh hưởng đến mức độ an toàn của du khách, mà còn gây ra sự thiếu bình đẳng trong kinh doanh du lịch.

Bà Nguyễn Huyền Trang – Phó phòng Du lịch Công ty Vietran Tour (trụ sở tại 39 Quang Trung, Hà Nội) cho rằng: “Thời gian gần đây, du khách mua tour rất quan tâm đến vấn đề bảo hiểm. Mua bảo hiểm là quyền lợi của khách hàng và cũng như quyền lợi của doanh nghiệp. Chi phí bảo hiểm là chi phí đáng được sử dụng trong quá trình tổ chức tour.”

Theo quy định, nếu công ty kinh doanh lữ hành mắc các lỗi vi phạm như không đăng ký kinh doanh, hoặc đăng ký một đàng làm một nẻo sẽ bị đình chỉ hoạt động, chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch xử phạt hành chính, khi nào đủ điều kiện mới được hoạt động trở lại.

Thông tin từ Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch TP. HCM cho biết, 4 tháng đầu năm, số tiền thu phạt từ các công ty kinh doanh du lịch mắc sai phạm đạt gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, mức phạt hành chính như hiện nay là chưa thoả đáng, và hành lang pháp lý, các chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe.

Về vấn đề này, ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch thành phố HCM thừa nhận: “Mức độ xử phạt như hiện nay vẫn còn thấp. Ví dụ như xử phạt doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế chỉ vài triệu đồng là chưa thoả đáng. Khi doanh nghiệp kinh doanh không có phép thì buộc phải đình chỉ hoạt động…”

Tại TP. HCM, có khoảng 4.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh du lịch, nhưng chỉ có khoảng 1.000 công ty đăng ký hoạt động lữ hành với Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch (?). Tình trạng thiếu nhân lực khiến cơ quan chức năng không thể kiểm soát hết hoạt động của các công ty du lịch “ma”, doanh nghiệp “mùa vụ”. Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch TP. HCM đã khắc phục tình trạng này bằng cách giao cho Phòng Văn hóa các quận, huyện phối hợp rà soát và thống kê lại các văn phòng lữ hành, công ty du lịch trên địa bàn. Đồng thời, Sở cũng tăng cường cùng các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát.

Nhưng rõ ràng việc quản lý các công ty lữ hành hiện nay còn quá nhiều tồn tại, bất cập và vẫn đang nằm trong tình trạng phát hiện đến đâu, xử phạt đến đó. Với kiểu quản lý như hiện nay, mặc dù chúng ta đã có Luật Du lịch, nhưng không biết đến bao giờ khách hàng mới có thể an tâm về chất lượng dịch vụ du lịch.

  • Tags: