Khi cải cách hiện diện ở cách thức cung cấp dịch vụ

Sự tăng trưởng xuất khẩu tới 22,7% sang EU, hiển nhiên đến từ những ưu đãi của thị trường EVFTA, nhưng không thể thiếu sự đóng góp của phương thức cung cấp dịch vụ công hiện đại, vừa thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa đáp ứng tốt tập quán giao dịch thương mại của những nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong EU.

Đầu nhiệm kỳ Khóa XIV năm 2016, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh một trong 4 nội dung của Chính phủ kiến tạo là chính quyền điện tử.

Qua 5 năm Việt Nam thăng hạng cả ở chỉ số Môi trường kinh doanh và chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0. Kết quả đánh giá của các tổ chức quốc tế uy tín này là những chỉ dấu tích cực phản ánh kết quả mà Chính phủ kiến tạo đạt được nhờ những cải cách thông qua thiết kế chính sách tốt, thể chế tốt và đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử…

Trong dòng chảy ấy, Bộ Công Thương 5 năm gần đây tập trung vào những quyết sách tạo lập môi trường và nền tảng kinh doanh thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, liên tục rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi hóa thương mại, cắt giảm và đơn giản hóa nhiều quy định và chi phí tuân thủ pháp luật.

Khi chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà đã là điều tất yếu, những cải cách của Bộ Công Thương không dừng lại ở nền tảng thể chế mà còn ở cách thức cung cấp dịch vụ, với những nỗ lực đặc biệt lớn trong hiện đại hóa cung cấp dịch vụ công, trọng tâm là các dịch vụ công trực tuyến, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Hoạt động thương mại điện tử được tập trung thúc đẩy đã tạo động lực mới mạnh mẽ hơn cho phát triển thương mại cả nước. Khi EVFTA được phê chuẩn, đã có ngay giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU; cũng như xây dựng giải pháp tổng thể cho hệ thống Sàn giao dịch dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp chủ hàng; và thiết lập email thương hiệu, tham gia sàn giao dịch TMĐT trong nước và quốc tế, ứng dụng các phần mềm quản lý và bán hàng thông minh, xây dựng trang Landing Page,… Các dịch vụ này có sức hỗ trợ rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh xúc tiến bán hàng trên môi trường mạng.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã tiến hành số hóa hệ thống thông tin về thị trường, nâng cấp nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN.com. Đây là sàn thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam hoạt động theo mô hình B2B. ECVN.com đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công và trở thành địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu và tìm kiếm bạn hàng quốc tế trong nhiều năm qua.

bo cong thuong
Bộ Công Thương đã tiến hành số hóa hệ thống thông tin về thị trường, nâng cấp nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN.com

Việc vận hành hệ thống thông tin xuất khẩu có địa chỉ tại www.vietnamexport.com đã giúp cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng theo tuần; kết nối giao thương, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất nhập khẩu giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nước trên thế giới.

Hiện toàn bộ 292 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên; trong đó có 166 DVCTT mức độ 3 và mức độ 4. Đến nay, đã có gần 36.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng Cổng DVCTT của Bộ.

Đồng thời kết nối 2 nhóm dịch vụ công với Cổng DVCQG bao gồm cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi, và dăng ký hoạt động khuyến mại. Đây là các nhóm thủ tục có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn nhất thực hiện tại của Bộ Công Thương.

Bên cạnh việc đưa vào sử dụng các DVCTT, Bộ Công Thương cũng đã hỗ trợ hàng vạn lượt doanh nghiệp trong việc sử dụng các DVCTT thông qua điện thoại, email… góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tốt hơn trong việc tiếp cận với các TTHC do Bộ quản lý.

Chuyển cách thức cung cấp dịch vụ công từ trực tiếp truyền thống sang trực tuyến trên môi trường mạng như trên đặc biệt hữu ích ở những thị trường xuất khẩu ở các nước phát triển. 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,7%, xuất siêu 4 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, dải hàng hóa xuất khẩu sang EU trải dài từ công nghiệp chế biến tới hàng nông lâm thủy sản. Những mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao nhất là chất dẻo nguyên liệu; sản phẩm từ cao su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép; hóa chất… Bên cạnh đó, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực.

Sự tăng trưởng nói trên, hiển nhiên đến từ những ưu đãi của thị trường EVFTA, nhưng không thể thiếu sự đóng góp của phương thức cung cấp dịch vụ công hiện đại, vừa thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa đáp ứng tốt tập quán giao dịch thương mại của những nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong EU.

 

Ngọc Hương