Khoáng sản Bình Dương (KSB): Kỳ vọng lợi nhuận bứt tốc nhờ dự án Sân bay Long Thành

Mảng đá xây dựng của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (mã cổ phiếu KSB) kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay khi loạt hạng mục tiêu thụ đá xây dựng lớn của Sân bay Long Thành được triển khai.
Sân bay Long Thành
Các hạng mục tiêu thụ nhiều đá xây dựng nhất của dự án Sân bay Long Thành như đường băng, sân đỗ... đã bắt đầu được triển khai.

Trong năm 2023, Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Khoáng sản Bình Dương, mã cổ phiếu KSB - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt 529 tỷ đồng và lãi ròng 77 tỷ đồng, lần lượt giảm 38% và 49% so với năm 2022.

Đây là mức lợi nhuận thấp kỷ lục của công ty kể từ năm 2008 đến nay. Theo đó, Khoáng sản Bình Dương chỉ hoàn thành 54% kế hoạch doanh thu và 52% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Sự sụt giảm mạnh kết quả kinh doanh của Khoáng sản Bình Dương trong năm ngoái chủ yếu đến từ mảng đá xây dựng. Mảng kinh doanh này chỉ đem về cho công ty khoản doanh thu 242 tỷ đồng, giảm 54% so với năm 2022. Nếu so với năm 2020 (năm cuối trước giai đoạn COVID), doanh thu mảng đá của Khoáng sản Bình Dương đã giảm tới 76%.

Bước sang năm 2024, các hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ thuộc gói thầu 4.6 thi công “đại” dự án Sân bay Long Thành dự kiến được triển khai trong giai đoạn từ tháng 8/2023 - tháng 7/2025.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, Khoáng sản Bình Dương dự kiến sẽ là một trong các nhà cung cấp đá xây dựng chính cho gói thầu này. Ước tính tổng nhu cầu đá xây dựng của Sân bay Long Thành là 22 triệu tấn đá, tương đương 40% sản lượng khai thác/năm của toàn khu vực Nam Bộ.

Hiện nay, Khoáng sản Bình Dương đang sở hữu nhiều mỏ đá lớn như mỏ Tân Mỹ, Phước Vĩnh tại Bình Dương, mỏ Thiện Tân 7 tại tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, doanh nghiệp này đang nắm giữ 9,5% cổ phần tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (mã cổ phiếu VLB) - đơn vị có nhiều mỏ đá khai thác tại tỉnh Đồng Nai với công suất khai thác 4 triệu m3/năm. Bên cạnh đó, Khoáng sản Bình Dương đang cung cấp đá cho một số dự án thành phần thuộc Cao tốc Bắc Nam.  

Cơ cấu doanh thu Khoáng sản Bình Dương
Cơ cấu doanh thu theo mảng kinh doanh của Khoáng sản Bình Dương qua các năm. (Nguồn: Khoáng sản Bình Dương, DSC).

Đáng chú ý, do đặc thù của ngành đá xây dựng, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ. Những mỏ đá nằm gần các công trình xây dựng hoặc gần sông (thuận tiện vận chuyển đường thủy - có chi phí thấp hơn vận chuyển đường bộ) sẽ được ưu tiên huy động nhờ lợi thế về giá bán và thời gian vận chuyển.

Theo đó, hãng chứng khoán DSC Securities nhận định thời điểm khó khăn nhất đối với mảng đá của Khoáng sản Bình Dương đã qua. Trên thực tế, kết quả kinh doanh của Vật liệu xây dựng Biên Hòa - công ty liên kết của Khoáng sản Bình Dương đã phục hồi rất tốt trong quý 4/2023. Do đó, kết quả kinh doanh mảng đá của Khoáng sản Bình Dương dự kiến hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024.

Giá cổ phiếu KSB Khoáng sản Bình Dương
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu KSB của Khoáng sản Bình Dương từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) được cấp phép mỏ đá mới công suất gần 1,5 triệu m3/năm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Hiện DSC Securities dự báo doanh thu và lợi nhuận năm nay của Khoáng sản Bình Dương lần lượt tăng 48% và 149% so với năm 2023.

Trong trung và dài hạn, Khoáng sản Bình Dương đang sở hữu Khu công nghiệp Đất Cuốc tại Bình Dương với tổng diện tích sau mở rộng lên đến 533 ha. Hiện ước tính tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp này mới đạt 40%. Với việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam mạnh mẽ, mảng khu công nghiệp vốn có biên lợi nhuận cao hơn đáng kể so với mảng đá xây dựng, sẽ trở thành động lực tăng trưởng của Khoáng sản Bình Dương trong thời gian tới.

Duy Quang