Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) vừa  phối hợp với Ban Thương mại - Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Triển vọng hợp tác Việt Nam – Thụy Điển trong lĩnh vực năng lượng”.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Thụy Điển là nước đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới ngay từ những năm đầu trong các lĩnh vực cải cách kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản lý kinh tế, hành chính, luật pháp, … và đã tích cực hỗ trợ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài  chính, tiền tệ quốc tế (IMF, WB…).

Thứ trưởng Trần Quốc Vượng
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: Bộ  Công Thương cam kết thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai bên mở rộng quan hệ cùng phát triển

 

“Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển năng lượng xanh, ít chất thải. Việt Nam mong muốn học hỏi kinh nghiệm và hợp tác phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo từ phía các doanh nghiệp Thụy Điển. Tiềm năng và cơ hội hợp tác của Việt Nam và Thụy Điển trong lĩnh vực năng lượng là rất lớn. Câu chuyện hiện tại chỉ là làm sao để hai nước, cộng đồng doanh nghiệp hiện thực hóa điều này qua các chương trình hợp tác” – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Với mong muốn làm tốt hơn nữa mối quan hệ vốn rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Thụy Điển trong lĩnh vực rất quan trọng đối với Việt Nam là năng lượng, Bộ  Công Thương cam kết thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai bên mở rộng quan hệ cùng phát triển. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành có liên quan để xây dựng những định hướng phát triển giữa hai nước trên các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ…

Theo đó, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, thông qua cuộc hội thảo này, Việt Nam và Thụy Điển sẽ có được những nhận thức chung về nhu cầu cũng như khả năng của mỗi bên trong lĩnh vực năng lượng, qua đó có thể phối hợp triển khai các thảo luận, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về năng lượng cũng như úng dụng và chuyển giao các công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững. Đồng thời, quan hệ trao đổi thương mại giữa các doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng sẽ phát triển vượt bậc. 

Đại sứ Thụy Điển
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam - Bà Ann Mawe

Bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, hội thảo này sẽ bắt đầu một chương hợp tác mới giữa Việt Nam và Thụy Điển trong lĩnh vực năng lượng. Đại sứ quán Thụy Điển, Bộ Công Thương và các công ty của Thụy Điển sẽ cùng nhau tham gia trao đổi chia sẻ kinh nghiệm của Thụy Điển và Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thụy Điển được biết đến với hệ thống xử lý chất thải được quản lý tốt và các giải pháp biến chất thải thành năng lượng tiên tiến, là một trong những quốc gia tiết kiệm năng lượng nhất trên thế giới. Thụy Điển cũng được xếp hạng số 1 về chuyển đổi năng lượng ba năm liên tiếp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2018-2020. Điều này có nghĩa Thụy Điển là quốc gia tiên phong đề ra các giải pháp hướng đến hệ thống năng lượng an toàn, bền vững, với giá cả phải chăng và toàn diện trong tương lai. Tiềm năng hợp tác năng lượng giữa hai nước Thụy Điển - Việt Nam chúng ta là hết sức to lớn.

“Thụy Điển và Việt Nam có một lịch sử lâu dài hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Trước đây, trọng tâm là thủy điện, còn ngày nay, vấn đề xác định là biến đổi khí hậu. Thụy Điển cũng như Việt Nam, cần phải chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống năng lượng quốc gia, trong đó ưu tiên tập trung vào  năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các giải pháp giúp tiết kiệm năng lượng trong truyền tải điện” – Đại sứ Ann Mawe cho biết.

Tại hội thảo, phía Thụy Điển đã chia sẻ các kinh nghiệm phát triển năng lượng. Đơn cử như Công ty ABB chia sẻ về hệ thống pin tích trữ năng lượng, phần mềm quản lý thị trường năng lượng bán buôn, lưới kỹ thuật số - tự động hóa lưới; Công ty Ericsson chia sẻ về kết nối 4G/5G trong chuỗi giá trị năng lượng; Công ty Linxon chia sẻ về trạm biến áp cho điện xoay chiều dưới hình thức dự án chìa khóa trao tay. Ngoài ra, đại diện Tổ chức tín dụng xuất khẩu Thụy Điển (SEK) và Quỹ tín dụng Xuất khẩu Thụy Điển (EKN) còn đưa ra các giải pháp hỗ trợ tài chính của Thụy Điển với các nhà đầu tư.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng đều qua các năm và đạt trên 1,5 tỷ USD vào năm 2018. Đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Tính đến hết tháng 3/2019, Thụy Điển đứng thứ 33 trong tổng số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ có đâu tư tại Việt Nam với 67 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký vào khoảng 364 triệu USD. Hiện nay, Việt Nam và Thụy Điển tiếp tục hướng tới mối quan hệ đối tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực như thương mại và đầu tư, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin – viễn thông, công nghệ xanh và bảo vệ môi trường.