Khôi phục và phát triển làng nghề Gốm Chu Đậu (tỉnh Hải Dương): Thành tựu và những vấn đề đặt ra

TẠ THỊ MINH LOAN (Cao học viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội)

TÓM TẮT:

Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp nhất Việt Nam, được phát triển rực rỡ trong suốt thời Lý - Trần - Lê - Mạc, nó in đậm những giá trị nhân văn và chất văn hóa tâm linh thuần Việt. Chu Đậu là trung tâm sản xuất gốm sứ cao cấp, có số lượng lớn, chất lượng cao, loại hình phong phú. Sản phẩm được sử dụng ở nhiều nơi trong nước và được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, nên ngày nay còn có nhiều sưu tập gốm Chu Đậu được lưu giữ. Gốm Chu Đậu hiện đang được trân trọng lưu giữ tại 46 bảo tàng danh tiếng của 32 quốc gia trên thế giới, nhưng bị thất truyền từ mấy trăm năm nay. Việc khôi phục, phát triển dòng gốm này ở địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, việc khôi phục lại dòng gốm quý của huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương là một chủ trương đúng đắn và có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương.

Từ khóa: Gốm Chu Đậu, tỉnh Hải Dương, khôi phục, phát triển, làng nghề truyền thống.

1. Đặt vấn đề

Nhằm khôi phục lại một dòng gốm quý, phát triển Chu Đậu trở thành trung tâm gốm sứ của Việt Nam, được sự đồng ý của tỉnh Hải Dương, năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã thành lập Xí nghiệp gốm Chu Đậu (nay là Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu). Với quy mô rộng 33.250m2 được xây dựng, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 24 tỷ đồng, ban đầu có 20 nghệ nhân từ Hà Nội, Bình Dương, Biên Hòa, Hải Dương... đã nhận lời hợp tác vừa nghiên cứu những nét đặc sắc của gốm Chu Đậu vừa thiết kế những mẫu sản phẩm mới để đưa ra thị trường, Xí nghiệp đã thu hút, tuyển chọn được 178 công nhân chủ yếu là người địa phương . Qua thời gian đào tạo, đến nay, những người thợ trẻ đã khá thành thục với các thao tác làm gốm. Hưởng ứng chủ trương khôi phục và phát triển làng Gốm Chu Đậu còn có sự ra đời của Công ty CP Sứ Chu Đậu, Công ty CP Phục hồi Gốm cổ Chu Đậu An Bình, Công ty CP Gốm Sứ Chu Đậu Hải Dương... Các hộ kinh doanh ở địa phương cũng tham gia vào từng khâu của quá trình sản xuất gốm, liên kết với các công ty trên địa bàn xã, với gần 70 hộ, chiếm 30% số hộ thôn Chu Đậu.

Trong số các đơn vị trên, Công ty CP Gốm Chu Đậu thuộc Hapro làm ăn bài bản nhất, có quy mô vượt trội và đạt kết quả, hiệu quả cao nhất. Xác định làng nghề mang giá trị truyền thống và nét văn hóa riêng, UBND xã Thái Tân đã dành toàn bộ phần đất (nơi khai quật cổ vật về gốm) cho Công ty CP Gốm Chu Đậu Hapro xây dựng và phát triển nghề gốm. Cùng với đó, phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hải Dương xây dựng nhà truyền thống để trưng bày các sản phẩm cổ khai quật được. Tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ Công ty CP Gốm Chu Đậu từ những ngày đầu thành lập, phát triển, xây dựng gian hàng trưng bày, không gian vườn gốm thư pháp, nhà thờ tổ gốm linh từ…, để giới thiệu về lịch sử sản phẩm phục chế từ các mẫu mã cổ, cũng như quảng bá rộng rãi hơn nữa các sản phẩm mang thương hiệu gốm Chu Đậu tới khách hàng trong và ngoài nước, góp phần phát triển làng nghề truyền thống Chu Đậu gắn với sự phát triển du lịch và có chỉ đạo, hỗ trợ phát triển làng Gốm Chu Đậu tầm nhìn đến năm 2030. Chính sách của tỉnh Hải Dương là luôn sát sao, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phục hồi, phát triển làng Gốm Chu Đậu, đưa thương hiệu gốm Chu Đậu đến bạn bè trong nước và quốc tế.

2. Một số kết quả đạt được

Một số kết quả nổi bật trong quá trình phát triển của Công ty CP Gốm Chu Đậu thuộc Hapro cụ thể như sau:

+ Tăng trưởng về sản lượng: Từ năm 2001, sản lượng gốm của Công ty Gốm Chu Đậu liên tục tăng, bình quân tăng trên 30%/năm, năm 2015 đạt trên 30 tỷ đồng. Phương châm hoạt động của Công ty hiện nay là bên cạnh việc phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, thì phải giữ được bản sắc văn hóa về kiểu dáng, họa tiết, hoa văn, chất men độc đáo... của gốm sứ Chu Đậu. Chính bản sắc này cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại sẽ tạo ra những sản phẩm thực sự khác biệt, luôn bắt kịp xu thế của thời đại, nhưng vẫn giữ bản sắc riêng.

+ Giữ được đặc trưng sản phẩm với việc bảo tồn nét văn hóa và nghệ thuật làm gốm Chu Đậu: Gốm Chu Đậu ngày nay kế thừa tinh hoa văn hóá cha ông để lại, sản xuất theo dây chuyền hợp lý, với kỹ thuật phục nguyên nhiều màu sắc cổ kết hợp với những kiểu dáng, màu men mới, hoa văn họa tiết phù hợp với thẩm mỹ đương đại, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Gốm Chu Đậu hội tụ đủ các tiêu chuẩn: Trong như ngọc, trắng như ngà, sáng như gương, kêu như chuông và mỏng như giấy. Gốm Chu Đậu có kiểu dáng riêng, có màu men trắng ngà hoa lan và họa tiết màu lam, được nghệ nhân làm ra từ chất đất đặc biệt của vùng “Lục thủy, tứ linh”. Lục thủy là nước Lục đầu giang, tứ linh là: Long, ly, quy, phượng. Chỉ với tro trấu, vôi, đất, cao lanh mà các nghệ nhân xưa đã làm nên một thứ men cao cấp kỳ lạ: men lam, men ngà, men ngọc... và thổi vào tác phẩm hình ảnh thiên nhiên sinh động và cuộc sống của cư dân vùng châu thổ sông Hồng.

Nghệ thuật trang trí gốm rất phong phú, từ đắp nổi, khắc chìm, vẽ công phu, phóng bút và thần bút thật phóng khoáng và điêu luyện, nhưng luôn được đặt trong một chuẩn mực nghiêm ngặt về thẩm mỹ. Gốm Chu Đậu ngày nay không sản xuất đồng loạt, dùng máy, mà được làm bằng tay. Để tạo ra một sản phẩm gốm, đất lấy từ mỏ đất sét Trúc Thôn, chọn lọc và đem nghiền trong bể rã, tiếp đó qua bể lắng sau đó chuyển qua bể lọc, rồi bể ủ (phải ủ đến 3 tháng). Cách trang trí họa tiết của Chu Đậu có nét đặc trưng riêng, phản ánh trung thực đời sống, tín ngưỡng, đạo giáo, triết lý và tâm hồn người Việt, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổng kết bằng câu: “Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hóa Việt Nam”. Sản phẩm gốm mỹ nghệ sau khi tạo hình, làm nguội, chúng được vẽ hoa văn trang trí. Từng đường nét khắc họa tiết trang trí trên sản phẩm gốm cũng thể hiện trình độ điêu luyện của người thợ gốm. Có thể nói, khắc gốm là đặc điểm riêng biệt của loại hình gốm mỹ nghệ Chu Đậu so với các loại gốm khác. Chủ đề trang trí bao gồm những điển tích xưa và đề tài dân gian truyền thống, như: lễ hội dân gian, cảnh đồng quê… Đường nét khắc còn là ranh giới để khi chấm men từng màu men không bị lẫn lộn hòa trộn vào nhau. Sản phẩm của gốm Chu Đậu ngày nay không chỉ là đồ dùng sang trọng ấm cúng trong mỗi gia đình, mà còn là quà tặng cao cấp có ý nghĩa trong giao lưu đối ngoại. Bản sắc dân tộc vẫn luôn luôn hiện hữu trong mỗi sản phẩm của gốm Chu Đậu.

+ Phát triển gắn với bảo vệ môi trường và kết hợp phát triển du lịch: Do định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch, sản phẩm của Chu Đậu kiên trì theo hướng sản xuất sạch. Sản phẩm không sử dụng bất cứ một loại hóa chất nào, dùng nguyên liệu tinh và son quặng cho màu vẽ, vẫn nung ở nhiệt độ cao, nhằm đảm bảo độ bền cho thành phẩm, đảm bảo an toàn cho môi trường sinh thái. Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu bước sang thời kỳ sản xuất quy mô lớn, đồng thời xây dựng khu du lịch làng nghề sinh thái, đưa Chu Đậu thành một vùng sản xuất gốm sứ, một trung tâm du lịch làng nghề tại phía Bắc Việt Nam. Hằng năm, Chu Đậu đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan và mua sản phẩm của Xí nghiệp làm quà lưu niệm. Xí nghiệp Gốm Chu Đậu đang là điểm hấp dẫn du khách đến thăm quan, mua sắm, trở thành địa danh du lịch của tỉnh Hải Dương. Thương hiệu gốm Chu Đậu Hapro trở thành quen thuộc, thân thiết với nhiều khách hàng Việt Nam và quốc tế, đồng thời giữ gìn, bảo vệ môi trường làng gốm Chu Đậu.

+ Marketing và tiêu thụ sản phẩm: Hiện nay, sản phẩm gốm của Chu Đậu đã có mặt tại các thành phố lớn và các tỉnh, như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh,... Các thành phố này được chọn là thị trường mục tiêu về nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng đồ gốm, đặc biệt là gốm mỹ nghệ của người dân nơi đây khá cao, họ không những trang trí cho gia đình mình, mà còn trang trí ở công sở, cơ quan làm việc. Gốm Chu Đậu được tiêu thụ thông qua mạng lưới phân phối gồm cửa hàng, đại lý tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Năm 2003, Xí nghiệp Gốm Chu Đậu đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Tây Ban Nha. Đến nay, sản phẩm mang thương hiệu Gốm Chu Đậu Hapro đã có mặt tại một số thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nga, Hàn Quốc... Hiện nay, gốm Chu Đậu đã xuất khẩu sang 15 nước trong khu vực và thế giới. Năm 2012, xuất sang thị trường châu Mỹ như một hướng đi đột phá trong nhiều năm liền và hiện thị trường này vẫn tiêu thụ khá đều đặn dòng sản phẩm khôi phục từ truyền thống. Tiếp đến là thị trường Nga, Nhật Bản, gốm Chu Đậu được người mua khá đều đặn. Thị trường châu Phi cũng đang được Công ty này hướng đến.

+ Tạo ra dòng sản phẩm khác biệt dựa trên tinh hoa của gốm Chu Đậu, đáp ứng phân khúc khách hàng cao cấp. Sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng là bình hoa, đồ trang trí, ấm chén… lấp lánh ánh vàng. Đó chính là những sản phẩm gốm Chu Đậu vẽ vàng kim. Theo những nghệ nhân ở đây, với sản phẩm vẽ vàng sau lần nung đốt này, người nghệ nhân sẽ tuyển chọn những sản phẩm xuất sắc nhất và thêm hai công đoạn vẽ vàng kim và nung thêm một lần nữa trong 10 giờ ở nhiệt độ 1.000 độ C để vàng bám chặt vào nền sản phẩm. Vàng vẽ lên gốm Chu Đậu là vàng kim, nhập khẩu từ Đức, giá sản phẩm vẽ vàng cao gấp ít nhất hơn 5 lần, đắt bởi giá trị của vàng trang trí và ở sự kỳ công tinh xảo, độc nhất vô nhị. Dòng sản phẩm này là một trong những phương thức marketing độc đáo đưa thương hiệu Gốm Chu Đậu đến khách hàng.

+ Đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm. Năm 2014, Chu Đậu chỉ mới có hơn 100 mẫu thì hiện nay đã có trên 380 mẫu sản phẩm vẽ vàng, tập trung vào 3 dòng chính, là: bình hoa, đồ phong thủy và đồ gia dụng, mà chủ yếu là ấm chén. Sản phẩm vẽ vàng hiện có giá cao nhất hiện nay là bộ đôi sản phẩm bình hoa lam và bình tỳ bà, cỡ đại, giá 500 triệu đồng (250 triệu đồng/sản phẩm). Những sản phẩm có giá trị cao mức giá từ 30 - 60 triệu đồng có tỷ lệ doanh thu cao.

+ Thu nhập từ làng nghề và công tác đào tạo nghề được nâng cao: Lúc mới thành lập, số lượng lao động làm việc tại Công ty là khoảng 100 lao động chủ yếu là người của làng Chu Đậu được tuyển chọn và đào tạo, truyền dạy kỹ thuật cơ bản và bí quyết trong từng công đoạn chế tác, nhằm tạo họ thành những tay thợ đầu đàn trong các lò gốm gia đình trong tương lai. Số thợ đã tăng lên đều qua các năm, đến nay là khoảng 350 lao động. Xí nghiệp phải mở các lớp đào tạo, mời các nghệ nhân về truyền nghề, đầu tư nghiên cứu các bài men cổ, kỹ thuật sản xuất, đồng thời gửi công nhân đi học tại các làng nghề, vì vậy thu nhập của người lao động tăng cao. Ban đầu thu nhập trung bình chỉ khoảng 800.000 đồng/người/tháng năm 2001 thì đến năm thu nhập trung bình của người lao động tại làng gốm Chu Đậu khoảng 5.200.000 đồng/người/tháng. Với sự phát triển của Gốm Chu Đậu trong thời gian tới, số lượng việc làm sẽ ngày càng tăng, đem đến lợi ích ngày càng cao cho người dân làng Chu Đậu.

Có thể đánh giá tổng quát rằng, việc khôi phục làng nghề Gốm Chu Đậu hơn 15 năm qua là thành công, tạo tiền đề thuận lợi cho những bước phát triển sau này.

3. Những khó khăn và vấn đề đặt ra

Đến nay, làng nghề Gốm Chu Đậu vẫn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Tuy đã được tỉnh Hải Dương chính thức công nhận là làng nghề truyền thống, nhưng thực sự hiện nay làng nghề Gốm chu Đậu có phạm vi và hình thức hoạt động thế nào? Nhiều người tâm huyết với gốm Chu Đậu đang lo lắng khi chứng kiến sản phẩm gốm cứ đều đều ra lò dưới sức ép của thời hạn hợp đồng và số nghệ nhân của Chu Đậu cũng chỉ trên đầu ngón tay.

Cần phải nhận rõ, Việt Nam đến nay chưa có trường hợp nào tổ chức việc khôi phục một làng nghề truyền thống mà bản thân các giá trị và nguồn lực của nó đã bị thất truyền đến hơn 300 năm. Tất cả những gì còn lại chỉ là ký ức và các giá trị khảo cổ học. Cách làm trong 15 năm qua của Công ty CP Gốm Chu Đậu với sự hậu thuẫn của Hapro và đặc biệt của chính quyền các cấp là phù hợp với bối cảnh và đã đem lại được một kết quả hơn mong đợi. Tuy vậy, đã đến lúc chúng ta phải suy ngẫm để tìm ra cách làm phù hợp hơn.

Làng nghề Gốm Chu Đậu hiện nay đã được khôi phục, nhưng nó giống với làng nghề mới nhiều hơn, hay nó chính là làng nghề truyền thống thật sự? Trả lời câu hỏi này cần có sự suy ngẫm và bàn thảo nhiều hơn. Vấn đề ở đây cũng không phải là máy móc sao chép lại những đặc trưng của một làng nghề gốm cổ truyền như một số làng nghề khác, mà là làm thế nào để khai thác và phát huy sức mạnh nội sinh của chính cộng đồng dân cư vốn đã có một truyền thống hết sức vinh hiển thuở trước. Theo hướng này, cần đặt câu hỏi là liệu khi nào và sẽ có bao nhiêu hộ gia đình có đủ ý chí, đủ tâm huyết và đủ khả năng về các nguồn lực để tiếp tục truyền thống cha ông bằng việc mở riêng một lò gốm theo bản sắc của riêng mình với tư cách là người Chu Đậu? Câu hỏi ấy chắc nhiều người đã trăn trở. Thực tế thì ông Nguyễn Văn Lưu, sau khi nghỉ chế độ từ Công ty CP Gốm Chu Đậu đã trở thành một địa chỉ kinh doanh theo hướng này. Vậy, sẽ có bao nhiêu người như ông Nguyễn Văn Lưu nữa?... Bên cạnh đó, cần phải nhận rõ hoạt động marketing phát triển thương hiệu có lúc, có nơi còn chưa đủ mạnh, nên chưa mang lại hiệu quả.

Nguồn lao động trình độ cao hiện nay của làng Gốm Chu Đậu vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Mặc dù là các công ty và chính quyền sở tại đã rất chú ý và tạo điều kiện cho công việc này, nhưng thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, phải tìm ra cách đào tạo nghệ nhân và đào tạo thợ bậc cao, không chỉ khai trí và luyện nghề cho họ, mà trước hết phải khai tâm và bổ túc vốn văn hóa - nghệ thuật dân gian cho đội ngũ này.

4. Đề xuất một số giải pháp và kiến nghị phát triển làng nghề Gốm Chu Đậu

4.1. Đề xuất một số giải pháp

Nhằm tiếp tục khôi phục và phát triển làng nghề Gốm Chu Đậu theo hướng bền vững, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho làng nghề Gốm Chu Đậu. Cần phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ về phát triển cơ sở hạ tầng trong tỉnh và trong làng nghề. Bên cạnh việc huy động đóng góp trực tiếp, tại chỗ của dân cư và các cơ sở sản xuất, từ nguồn ngân sách của địa phương, Nhà nước cần tăng cường đầu tư trực tiếp từ ngân sách Trung ương và các khoản đầu tư tín dụng ưu đãi khác. Ổn định mạng lưới cung cấp điện. Tiếp tục mở rộng, hoàn thiện các công trình mạng lưới điện và phân phối điện quốc gia, đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho việc quy hoạch, cải tạo đồng bộ và tiêu chuẩn hóa mạng lưới điện hạ thế đến từng hộ dân và cơ sở sản xuất - kinh doanh. Nhà nước cần có chính sách đối với giá điện sản xuất ở nông thôn tạo sự bình đẳng so với thành thị. Đồng thời, tạo điều kiện khuyến khích các cơ sở sản xuất - kinh doanh sử dụng điện thay thế các nguồn năng lượng khác gây ô nhiễm môi trường như than, củi, trấu…

Hai là, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh. Cần chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình và đặt trong mối liên kết với các loại hình kinh tế khác là tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp tư nhân và công ty cổ phần. Trên cơ sở nên cao tính tự chủ của kinh tế hộ, xây dựng các tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, nơi nào có điều kiện thì thành lập HTX vững chắc đạt hiệu quả cao. Để loại hình doanh nghiệp tư nhân phát triển, Nhà nước cần tạo môi trường pháp lý ổn định, khuyến khích và động viên các chủ doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn vào phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn. Đồng thời, cho phép họ được tham gia xuất khẩu hàng hóa trực tiếp với nước ngoài. Hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) và công ty cổ phần cũng cần được tập trung phát triển.

Ba là, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường sản phẩm. Tích cực tạo điều kiện để mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trên cơ sở ký kết các hợp đồng buôn bán nhằm tạo ra một thị trường có tính chất lâu dài và ổn định. Mở rộng hệ thống thông tin kinh tế, đặc biệt là thông tin thị trường, giá cả nhằm giúp các cơ sở sản xuất xử lý thông tin thị trường, hoạch định kế hoạch sản xuất - kinh doanh, chiến lược mặt hàng, thay đổi mẫu mã cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng trên thị trường trong và ngoài nước. Tạo điều kiện cho người sản xuất được xuất khẩu trực tiếp sản phẩm của mình, không qua khâu trung gian. Đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, mở rộng phạm vi quỹ hỗ trợ xuất khẩu đối với hoạt động xuất khẩu để khuyến khích các cơ sở tìm kiếm thị trường nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu. Tạo ra được mối liên kết giữa các đơn vị sản xuất - kinh doanh với các doanh nghiệp lớn trên tinh thần hợp tác, liên kết lâu dài. Phát triển mạnh du lịch để thu hút du khách nước ngoài đến địa phương tham quan du lịch, tạo cơ hội cho gốm Chu Đậu tham gia xuất khẩu tại chỗ.

Bốn là, thực hiện tốt các chính sách và biện pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao trình độ dân trí và học vấn cho người lao động trong Công ty Gốm Chu Đậu. Cải tiến chương trình và tổ chức lại hệ thống các trường dạy nghề. Tập trung chủ yếu vào đào tạo những kiến thức thiết thực cho việc phát triển của gốm Chu Đậu. Kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, giữa truyền nghề trực tiếp với đào tạo cơ bản. Mở rộng quy mô đào tạo và đa dạng hoá hình thức dạy nghề. Kết hợp chặt chẽ với các địa phương thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý, kiến thức kinh tế thị trường…

Năm là, tạo lập và gắn kết các ngành du lịch, văn hóa với làng nghề truyền thống Gốm Chu Đậu. Lượng khách trong và ngoài nước du lịch đến Hải Dương ngày một tăng nhất là các ngày lễ hội của địa phương, như: Hội Đền Gốm, Lễ Hội Đền Kiếp Bạc, Hội Đền Quan Lớn Tuần Tranh, Hội Đền Sinh, Hội Đền Yết Kiêu, Hội Côn Sơn, Hội Chơi Pháo Đất… Phải có chiến lược phát triển sản xuất phục vụ cho khách du lịch. Mở rộng các chương trình giới thiệu và quảng bá. Chuyển hướng sản xuất sang lĩnh vực quà lưu niệm.

Sáu là, đổi mới nhận thức của người dân và cán bộ cơ sở. Xây dựng quy ước hoạt động làng nghề Gốm Chu Đậu. Bằng những quy ước, lệ làng và dư luận xã hội để điều chỉnh hành vi sai trái…

Bảy là, thúc đẩy sự phổi hợp của cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức thực hiện chính sách đối với làng nghề Gốm Chu Đậu, bao gồm các chính sách tài chính, thương mại, thuế, khoa học công nghệ, đến các chính sách về giáo dục - đào tạo, bảo vệ môi trường… đều có ý nghĩa thiết thực đối với quá trình khôi phục và phát triển nghề gốm cổ truyền.

4.2. Kiến nghị chính sách phát triển làng nghề Gốm Chu Đậu

Để cho việc khôi phục và phát triển làng nghề Gốm Chu Đậu truyền thống không chỉ là công việc của một số doanh nghiệp mà trở thành sứ mệnh của cả một cộng đồng với bề dày lịch sử, xin được nêu một số kiến nghị, cụ thể như sau:

* Đối với Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương:

Các cơ quan chức năng của Nhà nước hoàn thiện và tổ chức triển khai các chính sách cho phù hợp với điều kiện đặc thù của làng nghề Gốm Chu Đậu cả về chính sách tài chính tín dụng, chính sách thuế, chính sách với nghệ nhân và đào tạo người lao động.

* Đối với chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở:

Đề nghị chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện và đặc biệt là cấp xã thống nhất và phối hợp chỉ đạo một số nội dung sau đây nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy quá trình tiếp tục khôi phục và phát triển làng nghề Gốm Chu Đậu:

+ Lập quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch làng nghề Gốm Chu Đậu trong quy hoạch thống nhất của xã Thái Tân và của cả huyện Nam Sách, đảm bảo sự phát triển hài hòa về KT - XH và thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.

+ Thực hiện nghiêm và phát hiện kịp thời những vi phạm về ô nhiễm môi trường, xử lý có hiệu quả những vi phạm nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

+ Phối hợp thực thi các chính sách về KT-XH trên địa bàn, đặc biệt là các chính sách tài chính, tín dụng, chính sách thuế, chính sách giáo dục và đào tạo…

+ Phối hợp trong việc nâng cao nhận thức, đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ trong việc học nghề và tham gia tích cực vào sự nghiệp khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đào Thế Anh (2005), Phát triển cụm công nghiệp nông thôn từ làng nghề truyền thống, Tạp chí Xưa và Nay.

2. Bạch Thị Lan Anh (2010), Phát triển bền vững làng nghề truyền thống vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Hà Nội.

3. Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (2013), Nghiên cứu phát triển bền vững du lịch làng nghề tỉnh Thừa Thiên Huế, Kỷ yếu Hội thảo Festival nghề và làng nghề truyền thống Huế.

4. Công văn số 771/VPCP ngày 29/1/2015về Báo cáo rà soát việc triển khai thực hiện các quy định hỗ trợ làng nghề và giải pháp huy động vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng các làng nghề được công nhận.

5. Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương (2015), Nghị quyết 12/NQ - TW về xây dựng, phát triển cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

6. Lê Văn Hương (2008), Phát triển LNTT trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp và kinh tế nông thôn, Tạp chí Nghiên cứu lý luận.

7. Mai Thế Hởn (2009), Phát triển LNTT ở Bắc Ninh, Tạp chí Hoạt động khoa học.

8. Mai Thế Hởn (2009), Các giải pháp chủ yếu phát triển thị trường cho LNTT ở các tỉnh ven Hà Nội, Tạp chí Kinh tế nông nghiệp.

9. Trần Quốc Vượng (2011), Làng nghề gốm hiện nay: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Hương sắc Việt Nam, số 3, năm 2011.

10. Báo cáo hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) từ năm 2011 đến năm 2016.

RESTORE AND DEVELOP THE VILLAGE OF CHU DAU POTTERY

(HAI DUONG PROVINCE) - ACHIEVEMENTS AND PROBLEMS

TA THI MINH LOAN

Post Graduate Student of Hanoi University of Business and Technology

ABSTRACT:

Chu Dau Pottery is one of the most advanced ceramic pottery in Vietnam, developed during the Ly - Tran - Le - Mac dynasty, it imprinted on human values and pure Vietnamese spirituality. Chu Dau is a center of high quality ceramics production, with large quantity, high quality, as well as diverse models. The product is used in many places in the country and exported to many countries around the world, hence today there are many private collections of Chu Dau pottery. Chu Dau Pottery is currently being preserved in 46 famous museums in 32 countries around the world, but the method has been lost for hundreds of years. The restoration, development of this pottery in the local area is also difficult, inadequate, not matching to the potential. Therefore, the restoration of the precious pottery of Nam Sach district, Hai Duong province is a meaningful policy contributing to the economic development, socio-cultural in the locality.

Keywords: Chu Dau pottery, Hai Duong province, restoration, development, traditional craft villages.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây