Không chịu nổi áp lực về nguồn cung, giá dầu tăng vọt lên 130 USD/thùng

Giá dầu trong phiên giao dịch đầu tuần đã tăng một mạch hơn 10% lên mức cao nhất kể từ năm 2008 đến nay. Giá dầu tăng mạnh do khả năng lệnh cấm vận hoàn toàn được đưa ra đối với dầu thô và các sản phẩm khác của Nga.

Trong phiên giao dịch sáng nay (7/3), giá dầu thô Brent giao sau tăng 12,61 USD, tương đương 10,6%, lên 130,72 USD/thùng vào lúc 0449 GMT, trong khi dầu (WTI) tăng 10,41 USD, tương đương 9%, lên 126,09 USD.

Thậm chí, ở ngay những phút giao dịch đầu tiên của tuần giao dịch mới, cả hai loại dầu đều tăng  10 USD/thùng lên mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2008, cụ thể dầu Brent ở mức 139,13 USD và WTI ở mức 130,50 USD.

Các nhà phân tích của CMC Markets cho biết: “Một cuộc cấm vận sẽ gây áp lực rất lớn lên nguồn cung dầu và khí đốt vốn đã bị tác động bởi nhu cầu ngày càng tăng. Giá dầu có khả năng tăng trong ngắn hạn, với việc hướng tới mốc150 USD / thùng không nằm ngoài dự đoán. Động thái này sẽ gây thêm áp lực lên các nền kinh tế toàn cầu, đẩy lạm phát lên cao hơn, khiến các ngân hàng trung ương phải tính đến việc sẽ tăng lãi suất như thế nào".

giá dầu tăng
Giá dầu trong phiên giao dịch đầu tuần đã tăng một mạch hơn 10% lên mức cao nhất kể từ năm 2008 đến nay

 

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá dầu trên thế giới đã tăng vọt 67% kể từ đầu năm 2022, cùng với các mặt hàng khác, làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế thế giới và lạm phát tăng cao.  

Theo đó, giá nhiên liệu đã vượt kỷ lục năm 2008 với xăng Mỹ ở mức cao 3,890 USD/ gallon và dầu sưởi giao sau ở mức 4,237 USD / gallon.

Các nhà phân tích tại Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm, có thể xảy ra thiếu hụt lên tới 5 triệu thùng, như vậy giá dầu có thể tăng gấp đôi từ 100 USD lên 200 USD/thùng trong thời gian tới.

Trong khi đó các nhà phân tích của JP Morgan cho rằng, dầu có thể tăng vọt lên 185 USD / thùng trong năm nay.  

giá năng lượng
Giá nhiên liệu đã vượt kỷ lục năm 2008

Howie Lee, nhà kinh tế tại ngân hàng OCBC của Singapore cho biết: “Nếu nguồn cung không giảm, dầu có thể vượt quá mức cao kỷ lục. Trong trường hợp lệnh trừng phạt hoàn toàn đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, dầu Brent có thể lên tới trên 200 USD/thùng”

Nga là nước xuất khẩu các sản phẩm dầu thô và dầu mỏ hàng đầu thế giới, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng/ ngày, chiếm 7% tổng nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, bất chấp giá dầu tăng, các công ty năng lượng của Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động vào tuần trước, làm tăng thêm những lo ngại về nguồn cung.

Tại Libya, việc đóng cửa các mỏ dầu El Feel và Sharara dẫn đến mất 330.000 thùng mỗi ngày (bpd), Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia (NOC) cho biết hôm Chủ nhật, hơn 25% sản lượng trong năm 2021.

Đi theo đà tăng của thị trường năng lượng, giá vàng cũng tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 18 tháng qua, vượt mức đỉnh 2.000 USD/ounce khi các nhà đầu tư tìm đến những tài sản an toàn giữa nỗi lo về tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với kinh tế toàn cầu.

Nguyên Hà (Theo Reuters)