Trung Quốc là một thị trường tiềm năng, nhưng kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường này chiếm tỷ lệ khiêm tốn 0,78% (năm 2008) trong tổng kim ngạch NK của Trung Quốc. Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề là các DN Việt Nam cần có phương cách tiếp cận và quan tâm đúng thị trường này, mở rộng hoạt động XK trong thời gian tới. 

Những mặt hàng có lợi thế XK
Trong những năm qua, kim ngạch mậu dịch song phương giữa hai nước liên tục tăng, chỉ trong vòng 7 năm đã tăng lên 535 lần, từ mức 37,7 triệu USD vào năm 2001 lên 20,188 tỷ USD vào năm 2008. Năm 2009, dự kiến thương mại hai nước cũng đạt khoảng 20 tỷ USD, trong đó XK hàng Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 5 tỷ USD. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Tình hình XNK giữa 2 nước tăng trưởng tương đối nhanh, các DN Việt Nam bắt đầu tận dụng khai thác nhiều mặt hàng Trung Quốc cần NK phục vụ cho sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và XK. Hiện Trung Quốc là bạn hàng XK lớn thứ 3 của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tuy nhiên, cơ cấu mặt hàng XK sang nước này chưa có sự chuyển dịch tích cực, nhóm hàng nguyên nhiên liệu vẫn chiếm tỷ trọng cao (55%) trong tổng kim ngạch XK trong 3 năm qua, bao gồm các mặt hàng chủ lực như than đá, cao su, dầu thô, hạt điều, rau củ quả, cà phê ....Trong đó, có một số mặt hàng chiếm lợi thế cạnh tranh và có tiềm năng đẩy mạnh XK sang Trung Quốc trong tương lai như các nhóm hàng nông – lâm - thủy sản chiếm khoảng 15% trong tỷ trọng XK hàng sang Trung Quốc; hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 10% và nhóm này có mức tăng trưởng cao. Ông Đào Ngọc Chương, Vụ phó Vụ thị trường châu Á – Thái Bình Dương nhận xét, thực tế giá trị XK của Việt Nam sang Trung Quốc chưa cao nhưng có ý nghĩa rất lớn, bởi đây là một thị trường rất tiềm năng. 

Điểm đặc biệt thuận lợi cho DN Việt Nam khi XK hàng sang Trung Quốc đó là, Trung Quốc là một thị trường khổng lồ với 1,3 tỷ dân. Trung Quốc cũng là “công xưởng” gia công lớn nhất thế giới nên có nhu cầu rất lớn về nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và XK. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là thị trường NK “thượng vàng hạ cám” đối với tất cả các loại nguyên liệu, khoáng sản nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đây là đặc điểm rất thuận lợi cho các DN Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc có nhu cầu tiếp tục NK ngày càng tăng đối với các mặt hàng Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển như hàng nông sản nhiệt đới gồm cao su tự nhiên do ngành công nghiệp ô tô ngày càng phát triển. Hoa quả nhiệt đới cũng là một trong những mặt hàng người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Cà phê Việt Nam mới xâm nhập vào thị trường Trung Quốc trong khi nhu cầu tiêu dùng đối với loại đồ uống này tăng lên nhanh chóng, nhất là tại các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn do thói quen sinh hoạt người tiêu dùng trẻ thay đổi. Các mặt hàng đồ gỗ cao cấp, thủy hải sản, giầy dép sản xuất từ nguyên liệu cao su (Biti’s, Bita’s), thực phẩm chế biến bao gồm: Hoa quả sấy khô (Vinamit), bánh, mứt, kẹo chế biến từ nguyên liệu và hương liệu trái cây nhiệt đới như bánh sầu riêng, kẹo dừa Bến Tre, bánh đậu xanh ....cũng đang tăng dần thị phần tại thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, sắp tới Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh XK các mặt hàng gạo chất lượng cao, hoa tươi vốn là những sản phẩm thị trường Trung Quốc đang cần. 

Đừng dừng ở buôn bán tiểu ngạch
Cạnh đó, hoạt động kinh doanh giữa hai nước có nhiều thuận lợi vì Việt Nam và Trung Quốc cho chung đường biên giới dài 1.450 km với 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 13 cặp cửa khẩu chính, 25 chợ đường biên và nhiều cửa khẩu phụ nên việc mua bán qua biên giới giữa hai nước cũng không ngừng phát triển, chiếm tỷ trọng khoảng 30% trong tổng kim ngạch hai nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới phía Bắc của Việt Nam, tạo thêm nhiều việc làm nhằm cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân tại các tỉnh biên giới hai nước. Tuy nhiên, việc buôn bán qua biên giới không ổn định và thiếu lành mạnh, quy mô DN nhỏ, lượng hàng hóa ít và phương thức thanh toán không đảm bảo an toàn. Đồng thời, tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả diễn ra tràn lan trên toàn tuyến biên giới vẫn tồn tại. Do vậy, ông Chương cho rằng, hệ quả trên đã tạo tâm lý ở DN Việt Nam là buôn bán qua Trung Quốc chủ yếu qua đường biên giới nên đã hình thành một bộ phận lớn buôn bán qua đường tiểu ngạch, điều này thật sự gây ra rào cản lớn cho các DN nhỏ và vừa của Việt Nam, họ chưa có tầm nhìn buôn bán chính thống khi XK hàng sang Trung Quốc. Để tăng thị phần tại thị trường này, đòi hỏi DN Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu là phải có hệ thống kho, nhà xưởng, cơ sở vật chất. Có hợp đồng thu mua nguyên liệu ổn định và dài hạn và phải đầu tư xây dựng công nghệ sản xuất, chế biến. Đồng thời xây dựng, quảng bá và đăng ký thương hiệu trong và ngoài nước, đặc biệt là phải có chiến lược thâm nhập và phát triển mặt hàng trên thị trường Trung Quốc. 

Trong mục tiêu phát triển thị trường, Việt Nam vẫn xác định trong tương lai Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường trọng điểm và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Mục tiêu của năm 2010 là thương mại hai nước sẽ đạt 25 tỷ USD trong đó XK của Việt Nam ước đạt 6,4 tỷ USD. Ngoài ra, điểm tăng trưởng mới trong cán cân thương mại hai nước đó là đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng tăng trong lĩnh vực máy móc thiết bị, sản xuất thực phẩm ....Điều này, sẽ tạo cơ hội cho các DN Việt Nam chọn lựa DN Trung Quốc để hợp tác sản xuất kinh doanh. Sự liên kết này sẽ giúp DN Việt Nam không cần lo thị trường XK, phân phối cho sản phẩm mà vẫn đưa hàng vào được thị trường Trung Quốc.

  • Tags: