Không nên xem thường công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường

Quá trình CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế đặt ra cho Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới trước những thách thức môi trường (MT) to lớn. Kinh nghiệm của nhiều nước đi trước cho thấy, nếu k
Sự cần thiết phải đánh giá tác động môi trường
Ngay từ khi ra đời năm 1993, Luật Bảo vệ môi trường đã đặt công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thành một công cụ pháp lý quan trọng trong công tác BVMT. Đây là một cách tiếp cận về phòng ngừa ô nhiễm trong quản lý, là quá trình đánh giá, dự báo các tác động của các hoạt động phát triển đến MT nhằm đưa ra những biện pháp giảm thiểu những tác động bất lợi. 

Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các quy định pháp lý về BVMT cũng ngày càng được hoàn thiện, góp phần quan trọng trong nhiệm vụ BVMT, phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, quan trọng nhất là Luật Bảo vệ môi trường đã được bổ sung, sửa đổi từ năm 2005 không chỉ quy định về công tác đánh giá tác động MT đối với các dự án đầu tư tiềm ẩn tác động mạnh đến MT ở mức độ cao, cam kết bảo vệ môi trường (CBM) đối với các dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh có tác động MT ở mức độ thấp (thực chất là hình thức đơn giản của đánh giá ĐTM), mà còn quy định về công tác đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hay còn được hiểu là công tác phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái MT tầm xa. Ngoài ra, các quy định về ĐMC, ĐTM, CBM đã được lồng ghép vào các bộ luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch... Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng đã ban hành các quy định về ĐMC, ĐTM đối với lĩnh vực mình quản lý. 

Thay đổi nhận thức và tuân thủ thực hiện đánh giá tác động MT của các doanh nghiệp
Từ khi Luật Bảo vệ môi trường ra đời và đi vào cuộc sống, đã có những tác động tích cực trong công tác BVMT từ trung ương tới địa phương. Việc lập báo cáo ĐMC đã được gắn với việc quy hoạch phát triển của các bộ, ngành, khu vực như lập báo cáo ĐMC cho các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của 6 vùng kinh tế trong cả nước (trung du và miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long), Quy hoạch vị trí các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Quy hoạch phát triển điện VII, Quy hoạch Phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội... Ngoài ra, đã có 37 tỉnh, thành trong cả nước đã thực hiện ĐMC cho Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. 

Thông qua công tác lập báo cáo ĐMC, ĐTM đã chỉ ra được những vấn đề MT của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của từng vùng, từng khu vực, tỉnh thành hay từng dự án. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng có thể điều chỉnh nội dung của quy hoạch, kế hoạch, dự án hay yêu cầu chủ đầu tư đưa ra những giải pháp BVMT, tăng cường để phòng ngừa rủi ro cho MT khi dự án được triển khai thực hiện. Qua công tác thẩm định các báo cáo ĐTM, một số dự án đầu tư đã phải thay đổi địa điểm thực hiện hoặc điều chỉnh phương án công nghệ theo hướng thân thiện với MT, thậm chí nhiều dự án đã bị từ chối do không đáp ứng được các yêu cầu về BVMT. 

Không thể phủ nhận những ích lợi rõ ràng của việc đánh giá ĐTM thời gian qua đối với công tác BVMT. Nhận thức và việc tuân thủ thực hiện lập báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư của các doanh nghiệp đã được thay đổi cơ bản, số lượng các doanh nghiệp, chủ dự án không lập và trình thẩm định báo cáo ĐTM khi lập hồ sơ dự án đầu tư giảm đáng kể. Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được khoảng 100 – 200 hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM. Còn đối với một tỉnh trọng điểm về phát triển công nghiệp như Bình Dương thì có tới 90% dự án có hoạt động sản xuất công nghiệp lập và được phê duyệt báo cáo ĐTM, tất cả các khu công nghiệp đều có báo cáo ĐTM được phê duyệt trước khi triển khai, 100% doanh nghiệp có quy mô lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có ngành nghề ô nhiễm đều lập báo cáo ĐTM. 

Vẫn còn những doanh nghiệp “lơ là” với BVMT
Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các quy định về BVMT, nhiều hoạt động phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường đã và đang được các bộ, ngành đặc biệt quan tâm và áp dụng nhiều biện pháp thực hiện, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực như Chương trình Mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Chương trình Áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, Chương trình Phát triển ngành công nghiệp môi trường của Bộ Công Thương, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về môi trường, kiểm tra kiểm soát ô nhiễm, BVMT, chương trình vận động sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường... Ở cấp độ doanh nghiệp, với yêu cầu BVMT ngày càng nghiêm ngặt hơn, hầu hết các doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực trong hành động phòng ngừa ô nhiễm, trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đưa ngăn ngừa ô nhiễm là một trong những chỉ tiêu chiến lược phát triển doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp và thương mại với tốc độ tăng trưởng cao trong hơn một thập kỷ qua đang gây áp lực lớn đối với môi trường, tài nguyên và sức khỏe con người, vượt quá khả năng kiểm soát. Nguy cơ ô nhiễm luôn tồn tại trong hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt đối với ngành công nghiệp nước ta chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo các tiêu chuẩn MT, việc khai thác và sử dụng không bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ô nhiễm MT vẫn từng ngày, từng giờ xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau, đặc biệt là ô nhiễm tại các khu đô thị ngày càng gia tăng. Nhiều nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là các ao, hồ, dòng sông chảy qua các đô thị lớn, khu công nghiệp, các làng nghề thủ công truyền thống, điển hình như sông Thị Vải (Đồng Nai), sông Nhuệ (Hà Nội), làng nghề Dương Liễu (Hoài Đức – Hà Nội), Châu Khê (Từ Sơn – Bắc Ninh), Phong Khê (Bắc Ninh) hay việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch khoa học, cộng với tình trạng vi phạm pháp luật về MT trong các dự án này đã và đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, nhất là tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên. 

Những hệ quả nói trên xuất phát từ những bất cập trong công tác phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái MT cả ở cấp quản lý nhà nước vĩ mô đến việc thực thi ở cấp vi mô. Dù biết rằng ĐTM đóng vai trò phòng ngừa ô nhiễm ở cấp vi mô cho từng dự án cụ thể, tuy nhiên, trong những năm qua, việc thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM của các dự án thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành là hầu như không thực hiện vì hầu hết các doanh nghiệp tự phê duyệt các dự án đầu tư (cho đến nay mới chỉ có một dự án đầu tư được Bộ Công Thương tổ chức hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM). Chính vì vậy, đã có hiện tượng chủ đầu tư khi được yêu cầu lập báo cáo ĐTM chỉ làm lấy lệ, làm cho đủ thủ tục để dự án được thông qua chứ không quan tâm đến những tác động và nguy cơ MT thực sự. Ngoài ra, "phong trào" cấp phép ồ ạt cho các dự án xây dựng sân golf ở Việt Nam trong những năm qua là một minh chứng điển hình. Nếu các dự án này tuân thủ thực hiện ĐTM nghiêm túc và chất lượng thì sẽ không có những xung đột xảy ra giữa các chủ dự án và cộng đồng địa phương do tranh chấp quyền sở hữu, tiếp cận, sử dụng tài nguyên đất, rừng và nguồn nước. 

Theo các chuyên gia, ở Việt Nam, có những dự án đầu tư trị giá đến hàng chục tỷ đồng, nhưng chi phí thực hiện ĐTM thậm chí chỉ vài chục triệu đồng. Đây là điều không hợp lý vì với mức chi như vậy khó có thể đáp ứng một loạt các yêu cầu khảo sát, đo đạc một cách nghiêm túc, cập nhật đầy đủ các chỉ tiêu môi trường ở các khu vực dự án cụ thể. Điều đó đã dẫn đến tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” trong việc lập báo cáo ĐTM. Nhiều dẫn chứng cụ thể đã được nêu ra, như phần đánh giá tác động xã hội trong báo cáo ĐTM của dự án Titan Hà Tĩnh chỉ có 1/2 trang, dự án Thủy điện Hương Sơn chỉ có 01 trang hay như báo cáo ĐTM của dự án Thủy điện Lai Châu - một trong ba công trình thủy điện lớn trên sông Đà với công suất 1.200MW, toàn bộ nội dung dày tới 200 trang, nhưng phần đánh giá tác động kinh tế - xã hội cũng chỉ chiếm 2 trang. Các đánh giá cũng chỉ được trình bày chung chung, không có chiều sâu, không có sự khác biệt so với các dự án khác. 

Việc thẩm định báo cáo ĐTM cũng chủ yếu làm thẩm định “chay”, hội đồng thẩm định không đi khảo sát thực địa khu vực thực hiện dự án mà chỉ thẩm định trên hồ sơ dẫn đến kết quả thẩm định nhiều khi không chính xác. TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Phó Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường thừa nhận: “Cá nhân tôi làm công tác thẩm định ĐTM nhiều rồi, nhưng số lần tôi đi xuống tận hiện trường cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay”. 

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng ô nhiễm MT như hiện nay là việc thực hiện các nội dung cam kết trong báo cáo ĐTM hoặc cam kết BVMT của nhiều doanh nghiệp không đầy đủ, đặc biệt trong công tác xây dựng, lắp đặt các công trình BVMT, thậm chí có doanh nghiệp khi kiểm tra còn chưa xây dựng các hạng mục xử lý chất thải. Đây là vi phạm cơ bản nhất và nhiều nhất của các doanh nghiệp trong lĩnh vực BVMT. 

Cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa
Mặc dù còn nhiều bất cập, hạn chế nhưng các công cụ ĐMC, ĐTM thời gian qua đã phát huy được tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn từ xa các tác động tiêu cực đến MT của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển. Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, các hoạt động ĐMC, ĐTM ở Việt Nam trong thời gian tới cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và phát triển để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó cũng cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương trong công tác thẩm định báo cáo, trong hoạt động hậu kiểm đối với các doanh nghiệp nhằm nâng cao vai trò quản lý trong công tác BVMT, để các dự án đầu tư được triển khai theo đúng quy hoạch phát triển của từng ngành, từng địa phương, đồng thời, góp phần hạn chế tối đa việc đưa công nghệ cũ, lạc hậu vào Việt Nam.