Dự thảo Luật Phí, lệ phí giảm bớt khá nhiều loại phí, lệ phí. Thưa bà, việc giảm bớt số lượng phí, lệ phí nhằm mục đích gì?

Việc giảm bớt số lượng phí, lệ phí nhằm thực hiện yêu cầu cải cách hành chính, đồng thời đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ công để cung cấp tốt hơn dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân.

   

Giảm số lượng phí và lệ phí còn nhằm thực hiện có lộ trình xoá bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ, tăng tính cạnh tranh và đảm bảo lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Theo Pháp lệnh Phí, lệ phí, thì hiện có 73 khoản phí và 42 khoản lệ phí, không kể các khoản phí, lệ phí được quy định tại các luật chuyên ngành. Sau khi rà soát, bước đầu, Bộ Tài chính đề xuất, Danh mục Phí và lệ phí được ban hành kèm theo Luật Phí, lệ phí chỉ còn 51 khoản phí, trong đó có 15 khoản đang được quy định tại các luật chuyên ngành và 39 khoản lệ phí, trong đó có 9 khoản đang được quy định tại các luật chuyên ngành. Nhiều khả năng, số lượng phí và lệ phí sẽ tiếp tục được thu gọn sau khi Quốc hội cho ý kiến.

Phí và lệ phí hàng năm đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Vậy việc bãi bỏ hàng loạt phí, lệ phí, ảnh hưởng thế nào đến số thu ngân sách?

Số thu từ phí, lệ phí chiếm khoảng 4% tổng thu ngân sách. Việc bỏ hàng loạt phí, lệ phí, theo tính toán của chúng tôi, không ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước, bởi trên thực tế, nhiều khoản phí, lệ phí có trong Danh mục Phí và lệ phí hiện hành, nhưng thực tế chưa thu hoặc có số thu không đáng kể; số khác được chuyển từ phí sang giá dịch vụ, như viện phí được chuyển thành giá dịch vụ y tế, học phí chuyển thành giá dịch vụ giáo dục..., nên số thu không thay đổi.

Việc chuyển một  số loại phí thành giá dịch vụ có nghĩa là doanh nghiệp được quyền định đoạt giá. Điều này dễ dẫn đến loạn giá dịch vụ công, thưa bà?

Các khoản phí chuyển sang cơ chế giá thị trường gồm 2 hình thức.

Loại thứ nhất cho phép doanh nghiệp tự định giá, như phí giới thiệu việc làm, phí đấu giá... Loại giá dịch vụ công này không lo loạn giá, vì hiện có nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp, trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, nên doanh nghiệp nào thu giá cao sẽ mất lợi thế cạnh tranh.

Loại thứ hai không có nhiều doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp cung cấp, như phí bến bãi, phí kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa... khi chuyển sang giá dịch vụ thì đơn vị cung cấp dịch vụ phải kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước, tức là Nhà nước vẫn quản lý giá dịch vụ một cách gián tiếp và có thể can thiệp nếu mức giá mà doanh nghiệp đưa ra không phù hợp.

Doanh nghiệp bỏ tiền làm đường, làm cầu, người dân không còn cách nào khác buộc phải sử dụng, nghĩa là doanh nghiệp độc quyền về giá (phí cầu, phí đường). Trường hợp như vậy xử lý thế nào?

Nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bỏ vốn tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hiện nay, hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO) đang được khuyến khích.

Thực hiện 2 hình thức này, nhà đầu tư được kinh doanh, khai thác công trình trong một thời gian nhất định. Do kết cấu hạ tầng giao thông liên quan đến an sinh xã hội, có ít đơn vị cung cấp, thậm chí chỉ có một đơn vị độc quyền cung cấp, nên Nhà nước sẽ định giá (phí cầu, đường) để vừa bảo đảm phù hợp với khả năng đóng góp của người sử dụng, đồng thời bảo đảm cho doanh nghiệp thu hồi vốn trong thời gian nhất định và có lợi nhuận. Ngay cả với các công trình, dự án do Nhà nước bỏ vốn đầu tư, mức thu giá dịch vụ cũng phải bảo đảm bù đắp chi phí, thu hồi vốn và có tính đến những chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Thưa bà, nhiều người lo ngại việc chuyển viện phí, học phí thành giá dịch vụ, tại những địa bàn không có nhiều cơ sở y tế, giáo dục dễ dẫn đến độc quyền, vì người dân không có nhiều lựa chọn?

Theo Luật Giáo dục, Nhà nước vẫn quản lý giá dịch vụ đối với cơ sở giáo dục công lập ở cấp phổ thông; còn cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; thủ trưởng các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, đại học, cao đẳng công lập có thẩm quyền quyết định về học phí.

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nhà nước vẫn quản lý giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập, còn cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ y tế.

Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục, Chính phủ đã có lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục - đào tạo trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí theo cơ chế thị trường.

Khi giá dịch vụ thay thế học phí, viện phí, các đối tượng yếu thế trong xã hội không bị tác động, vì người nghèo, người cận nghèo, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi… đã được Nhà nước bảo đảm bằng chính sách bảo hiểm y tế, trợ cấp trực tiếp bằng nhiều hình thức khác nhau.