Dây chuyền lắp ráp ô tô
Tăng trưởng sản xuất chế tạo và phục hồi xuất khẩu sẽ là những trụ cột chính nâng đỡ tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3 trong thời gian tới.

Theo AMRO, khu vực ASEAN+3 (bao gồm ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) sẽ tăng trưởng ở mức 6,7% trong năm nay và 4,9% trong năm 2022, so với mức giảm 0,2% trong năm ngoái.

Nhóm 3 quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được AMRO dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng tới 7.2% trong năm nay. Trong khi đó, nhóm các quốc gia ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 4,9% trong năm 2021.

Đáng chú ý, Myanmar được nhận định sẽ là nước duy nhất trong khối ASEAN+3 ghi nhận suy giảm kinh tế với mức giảm dự kiến là 2,6%. Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,7% trong năm nay, mức tăng cao nhất trong khu vực.

Sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, tăng trưởng xuất khẩu, cùng với những sự hỗ trợ từ các chính sách kinh tế tích cực sẽ là những trụ cột nâng đỡ tăng trưởng của khu vực ASEAN+3 trong thời gian tới.

AMRO nhận định đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ yếu tố “dễ bị tổn thương” của các chuỗi giá trị toàn cầu, gây ra nhiều vấn đề đáng kể khi các biện pháp phong tỏa diễn ra, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho sự thay đổi nhanh chóng của khu vực. AMRO nhấn mạnh các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ không “bị tái cấu trúc ra khỏi Châu Á” và Châu Á vẫn là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới.

Bên cạnh đó, sự bình thường hoá dần từng bước của các hoạt động du lịch khi vaccine ngừa Covid-19 được triển khai tại nhiều quốc gia sẽ mang lại lợi ích cho hầu hết các nền kinh tế, đặc biệt là Campuchia, Thái Lan, Singapore và Nhật Bản.

Khu vực ASEAN+3 chiếm tới 30% dân số thế giới nhưng số ca nhiễm Covid-19 tại khu vực này chỉ chiếm khoảng 3% tổng số ca nhiễm toàn cầu. AMRO cho biết các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế trong khối ASEAN+3 đã phục hồi trước tác động của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.

Quá trình phục hồi kinh tế của khối ASEAN+3 hậu đại dịch Covid-19 được nhận định sẽ vừa đối mặt với các thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội. Một số lĩnh vực sẽ phục hồi nhanh với các thay đổi trong sản xuất, xuất khẩu và áp dụng các công nghệ mới.

Trong khi đó, những ngành nghề khác như những ngành dịch vụ có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người sẽ vẫn chịu áp lực và phải thích nghi với thực tế mới. Lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và trong khu vực phi chính thức tiếp tục là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất dưới các tác động của dịch bệnh.

Đối với lĩnh vực tài chính, AMRO nhận định các nền kinh tế ASEAN+3 đang ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trên các thị trường tài chính nhờ những gói kích thích kinh tế quy mô lớn chưa từng có cùng với kỳ vọng của thị trường khi các loại vaccine ngừa Covid-19 được triển khai.

Tuy nhiên, các quốc gia trong khu vực đang đối mặt với những khoản nợ công tăng cao. Khu vực tư nhân cũng đối mặt với rủi ro giảm doanh thu, làm giảm khả năng chi trả nợ và làm tăng rủi ro cho các tổ chức tín dụng.

Theo AMRO, việc hoạch định chính sách tài chính vĩ mô sẽ phải chuyển dần từ việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và sinh kế của người dân sang việc bảo vệ cho sự phục hồi toàn diện và bền vững. Sự kết hợp của các biện pháp tiền tệ, tài khóa và tài chính đã diễn ra nhanh chóng, đáng kể và sâu rộng vào năm 2020. Với sự thay đổi kinh tế, các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu lên kế hoạch chuyển đổi từ những hành động đối phó với cuộc khủng hoảng bất thường này bằng việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

AMRO khuyến cáo việc hoạch định chính sách cần vừa được thự hiện từng bước vừa có sự phối hợp và truyền đạt thông tin tốt sẽ là yếu tố quan trọng nhằm tránh các tác động đột ngột lên nền kinh tế.