Khúc hùng ca về cuộc đời người chiến sỹ áo trắng

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy quê ở Nghệ An nhưng sinh ra và lớn lên tại miền Nam. Xuất thân từ gia đình nho giáo, nhưng ông lại theo đạo Phật từ lúc còn tiểu học.

Sinh viên xuống đường

Năm 1966, chàng trai gốc Bắc kỳ trúng tuyển vào Đại học Y khoa Sài Gòn. Và cũng từ ngôi trường này, Duy đã thực sự giác ngộ cách mạng. Với trình độ học vấn giỏi, bản lĩnh chính trị vững vàng và tài năng lãnh đạo sinh viên, Khánh Duy đã được bầu vào nhiều vị trí như: Chủ tịch các Ủy ban tranh đấu; Chủ tịch Ban đại diện Sinh viên Y khoa; Đoàn trưởng đoàn công tác y tế sinh viên Y - Nha - Dược; Đoàn trưởng Đoàn văn nghệ sinh viên Y - Nha... Đặc biệt, với việc thành lập Đoàn công tác y tế sinh viên Y -Nha - Dược, anh cùng những người bạn sinh viên của mình đã làm được một việc mà không ai có thể ngờ, đó là hàng tuần, tổ chức khám bệnh, phát thuốc, nhổ răng và làm công tác xã hội giúp người nghèo ở các xóm nghèo lao động (chủ yếu ở quận 4, quận 6 và quận 11). Số thuốc đi xin từ các xí nghiệp dược một phần dành cho công tác xã hội, tiếp tế cho các học sinh, sinh viên, cán bộ bị địch bắt giam và một phần được bí mật gửi vào chiến khu. Không những vậy, Đoàn công tác y tế sinh viên Y - Nha - Dược còn đến từng hộ gia đình, tiếp cận từng người dân để làm công tác tư tưởng, vận động đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi hòa bình, xây dựng mạng lưới cơ sở, nâng cao nhận thức của quần chúng... Vượt qua cái gọi là “phong trào sinh viên” thường chỉ mang tính chất bột phát, thiếu tổ chức, thiếu liên kết, hoạt động của Đoàn do Khánh Duy lĩnh xướng đã làm được rất nhiều việc quan trọng cho cách mạng lúc bấy giờ. Ngày càng nhiều phần tử ác ôn, chống phá cách mạng bị phát hiện, quần chúng được giác ngộ cách mạng ngày càng đông đảo, tư tưởng, nhận thức ngày càng nâng cao... Tất cả đã được “tổng hòa” vào cái ngày lịch sử mà nhân dân toàn Quận 4 nổi dậy giải phóng quận 4 và khu vực Bảy Hiền khi quân ta tiến vào Sài Gòn (30/4/1975)...

Thời sinh viên sôi nổi và nhiệt thành của Nguyễn Hữu Khánh Duy đã thực sự là quãng thời gian đầy ý nghĩa và ý thức giác ngộ cách mạng cũng như bản lĩnh của một điệp viên trong lòng địch cũng đã bắt đầu từ đây.

Lương y trong lòng địch

Năm 1973, khi vừa tròn 25 tuổi, ông tốt nghiệp đại học. Đây cũng là thời điểm cuộc chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt. Nguyễn Hữu Khánh Duy được phân công gia nhập quân đội Ngụy và nhanh chóng chiếm được lòng tin của lực lượng quân đội Ngụy. Khánh Duy trở thành Bác sỹ trưởng Quân y của Tiều đoàn 6 “Thần ứng quyết tử”, sau đó là Bác sỹ trưởng của Lữ đoàn 258 Thủy quân lục chiến với cấp hàm Đại úy. Khi nhận nhiệm vụ này, Nguyễn Hữu Khánh Duy đã rất phân vân. Bởi lẽ, là một người căm thù giặc, sớm giác ngộ cách mạng, nhưng vì công việc chuyên môn, ông lại trở thành người cứu chữa cho chính kẻ thù của dân tộc mình. “Tuy nhiên, lúc này tôi nhớ đến lời dạy của Bác Hồ là”lương y như từ mẫu” nên tôi vẫn làm tốt nhiệm vụ của một bác sĩ. Nhưng phải làm sao để vừa là một “lương y” lại vừa hoàn thành nhiệm vụ của một điệp báo viên? Trên cương vị của một bác sĩ, tôi có một lợi thế rất lớn là nắm rõ tình trạng sức khỏe của binh lính địch...”

Bác sỹ Khánh Duy vẫn chữa trị cho họ hết lòng, nhưng ông tìm cách kéo dài thời gian điều trị và kí giấy xác nhận thương tật để họ không thể ra chiến trường, đồng thời cho nhiều binh sĩ giải ngũ với lý do sức khỏe không đảm bảo. Quả thật, đó là một cách làm rất thông minh và táo bạo khiến cho hàng ngũ của địch yếu đi. Bên cạnh đó, nhằm làm giảm ý chí và tiêu hao sinh lực của địch, ông cho những người lính điều trị lâu hơn, những bệnh cảm sốt thông thường chỉ cho nghỉ ba ngày thì ông cho nghỉ từ 7- 10 ngày. Đồng thời, cứ 1 người lính bị thương ông quy định từ 10- 20 người khác cho máu với lượng 10 cc/người. Ông làm việc này khéo đến nỗi, binh lính không những không nghi ngờ gì, mà trong mắt của các sĩ quan tướng lĩnh chỉ huy thủy quân lục chiến, thì ông còn là một bác sỹ tận tâm trong công việc và có lý tưởng quốc gia. Táo bạo hơn, lợi dụng những lúc tâm tình, trò chuyện, ông dùng chiêu bài “tâm lý chiến” làm công tác binh vận khiến cho tinh thần của chúng bị riệu rã, mất ý chí. Đây là một việc làm hết sức khó khăn, chỉ cần sơ suất một chút cũng có thể nguy hại đến cả tổ chức, nhưng ông vẫn hoàn thành rất xuất sắc vai trò của mình trong lòng địch, đem về cho tổ chức nhiều tư liệu quý giá...

Hòa bình, người điệp viên áo trắng trở về với chuyên môn của mình. Năm 1990, từ Bộ chỉ huy phản gián Công an TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy chuyển ngành về sở y tế với quân hàm thiếu tá Công an nhân dân. Ít ai biết rằng, ông chính là người đầu tiên kiện toàn công nghệ làm ra các loại test thử nước tiểu, các loại ống SONDES đạt tiêu chuẩn y tế như ống xông thức ăn, ống thông nước tiểu, ống thông hậu môn, ống hút đờm, ống dẫn lưu... rất cần thiết cho bệnh nhân mà hiện nay chúng ta vẫn đang sử dụng. Năm 1998, ông là người viết luận chứng thành lập khu du lịch Sinh thái và điều dưỡng cho khu tắm bùn và suối khoáng nước nóng Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là luận chứng đầu tiên của cả nước về vấn đề kết hợp giữa tận dụng thiên nhiên để điều trị bệnh với du lịch sinh thái.

Chiến đấu với kẻ thù mới

Với vai trò là một bác sỹ trị bệnh cứu người, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy lại bước vào một mặt trận mới. Đó là cuộc chiến giành giật tính mạng con người khỏi đại dịch ma túy. Năm 2000, khi về hưu với tỉ lệ mất sức là 60%, ông đã tập hợp bạn bè, đồng chí, đồng đội thành lập Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa. Với tư duy đơn giản “Là người lính, cái gì khó thì phải làm trước và phải làm cho bằng được”, bác sỹ Khánh Duy phải đối đầu với cuộc chiến mới. Và ở mặt trận này, ông cũng không hề đơn độc. Có những người đồng đội luôn kề vai, sát cánh bên ông cũng như sự ủng hộ của xã hội. Trung tâm đã ra đời đúng như tâm nguyện của ông: “Cần phải có lòng tin đối với những người nghiện ma túy vì họ còn quá trẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu và chúng tôi sẽ chiến thắng để đưa họ về với cuộc sống đời thường và có ích cho xã hội”.

Cái mới của Trung tâm cai nghiện Thanh Đa là học viên được sống trong môi trường sạch đẹp như bệnh viện, được thầy thuốc gần gũi động viên. Sau  khi cắt cơn, các học viên được sinh hoạt sôi nổi và thân thiện như trong gia đình. Kỷ cương của Trung tâm nghiêm túc không kém doanh trại quân đội. Giám đốc Khánh Duy nói: “Nghiêm không phải làm các em sợ mà phải làm các em kính nể”.

Thấm thoát, Trung tâm đã tròn 10 tuổi. Từ năm 2008, Trung tâm đã triển khai khoa chống tái nghiện bằng thuốc Natrexone (là một chất làm mất cảm giác thèm ma túy) kết hợp với kỹ năng tư vấn, liệu pháp tâm lý, liệu pháp giáo dục, xã hội, sinh hoạt cá nhân, nhóm, gia đình. Kết quả sau một năm trung tâm đã điều trị cho 227 học viên gần 80% học viên chưa tái nghiện, trên 50% học viên ngoại trú có việc làm ổn định. Với mô hình cai nghiện tiến bộ đó, từ 30 học viên trong thời gian đầu, đến nay, Trung tâm đã điều trị hơn 7.000 lượt học viên và số lượng học viên đang cai nghiện tại trung tâm hiện nay là 500, trong đó, hơn 100 là điều trị ngoại trú. Sự kết hợp linh động các phương pháp cai nghiện đã thu hút nhiều kiều bào từ nhiều nước quay trở về nước để cai nghiện. Đó là niềm tự hào và sung sướng của bác sỹ Khánh Duy và cả tập thể cán bộ ở đây.

Đối với bác sỹ Khánh Duy, đây không còn là công việc mà đã trở thành lẽ sống, là máu thịt của ông. Ông xem Trung tâm như ngôi nhà thứ 2 của mình, ngôi nhà mà ông đã gây dựng và thổi vào nó hơi ấm của tình người. Mỗi khi có ai đó nói rằng, ông hãy chầm chậm lại, ông chỉ cười và nói như hối tiếc: “Quỹ thời gian của tôi còn rất ít, do đó, tôi cần tìm một người trẻ có đủ tâm huyết, đủ lòng nhân ái và hiểu rõ về việc cai nghiện ma túy để có thể tiếp nối con đường mà tôi đang đi”.

Với những đóng góp của to lớn cho xã hội, ông cùng Trung tâm của mình đã nhận được nhiều bằng khen và cúp của nhiều tổ chức xã hội như Bộ Y tế tặng danh hiệu “Trái tim vì sức khỏe người Việt” và “vì sức khỏe người Việt”, Bộ Công Thương tặng danh hiệu cúp vàng Doanh nhân vì cộng đồng, Doanh nghiệp vì cộng đồng, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ VN tặng biểu tượng vàng Vì sự nghiệp phát triển doanh nhân VN... Rồi bằng khen của Đài tiếng nói VN, Bộ Công Thương, Bộ y tế, Bộ LĐ, Thương Binh & XH, Bộ văn hóa thể thao & du lịch... Đặc biệt, Giám đốc, Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy đã được TW hội Cựu chiến binh VN tặng danh hiệu Doanh nhân Cựu chiến binh thành đạt, và Doanh nhân Cựu chiến binh giàu lòng nhân ái.

 

        

 

  • Tags: