Khủng hoảng hệ thống giải quyết tranh chấp WTO và nhu cầu đổi mới

THS. VŨ THỊ KINH OANH - THS. TRẦN THỊ LAN (Trường Đại học Nguyễn Trãi)

TÓM TẮT:

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1995. Đây là diễn đàn về mậu dịch theo hướng tự do hóa thương mại lớn nhất toàn cầu. Sứ mệnh của tổ chức này là tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tự do và công bằng thông qua thiết lập những tiêu chuẩn và quy tắc chi phối các hiệp định thương mại quốc tế, là trung gian hòa giải tranh chấp thương mại, thu hẹp bất đồng. Trải qua 25 năm với những thành tựu nhất định, hiện nay, với sự biến chuyển khó lường của kinh tế thế giới, WTO đang đứng trước nhiều thách thức. Năm 2018 chứng kiến sự thất vọng đỉnh điểm của các nước thành viên với cả 3 chức năng của WTO: tạo ra diễn đàn để đàm phán các hiệp định thương mại, giám sát chính sách thương mại và giải quyết các tranh chấp thương mại. Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu, sự phức tạp trong mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị giữa các quốc gia thành viên cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thế giới đòi hỏi WTO không thể duy trì duy nhất một cách vận hành. Nếu không đổi mới, WTO có thể đi đến nguy cơ bị sụp đổ, thương mại toàn cầu sẽ rơi vào trạng thái bất ổn. Bài viết phân tích vào khủng hoảng của Hệ thống giải quyết tranh chấp, đưa ra thực trạng, nguyên nhân hệ quả của khủng hoảng, đề xuất của các quốc gia cũng như đánh giá tính hiệu quả của các đề xuất đó. 

Từ khóa: tự do hóa thương mại, khủng hoảng, tranh chấp,WTO.

1. Hệ thống giải quyết tranh chấp WTO 

1.1. Cơ cấu hệ thống giải quyết tranh chấp WTO 

Hệ thống giải quyết tranh chấp WTO bao gồm 3 cơ quan khác nhau. Ba cơ quan này có chức năng riêng biệt để đảm bảo tính độc lập trong quá trình điều tra và thông qua quyết định.

a, Cơ quan giải quyết tranh chấp (Despute Settlement Body - DSB)

Cơ quan giải quyết tranh chấp thực chất là đại hội đồng WTO, bao gồm tất cả các quốc gia thành viên. DSB có quyền thành lập ban hội thẩm, thông qua các báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm, giám sát việc thi hành các quyết định, khuyến nghị giải quyết tranh chấp, cho phép đình chỉ thực hiện các nghĩa vụ và nhượng bộ. Mặc dù vậy, DSB chỉ là cơ quan thông qua quyết định chứ không trực tiếp thực hiện việc xem xét giải quyết tranh chấp. 

b, Ban hội thẩm (Panel) 

Ban hội thẩm bao gồm từ 3 đến 5 thành viên có nhiệm vụ xem xét một vấn đề cụ thể bị tranh chấp trên cơ sở các quy định của WTO được quốc gia nguyên đơn viện dẫn. Kết quả công việc của Ban hội thẩm là một báo cáo trình DSB thông qua, giúp DSB đưa ra các khuyến nghị đối với các bên tranh chấp. 

Ban hội thẩm là cơ quan trực tiếp giải quyết tranh chấp mặc dù không nắm quyền quyết định. Điều này có thể lý giải vì với nguyên tắc đồng thuận phủ quyết mọi vấn đề về giải quyết tranh chấp khi đã đưa ra trước DSB đều được “tự động thông qua”. 

c, Cơ quan phúc thẩm (Appelate Body - AB)

Cơ quan phúc thẩm là một thiết chế mới trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, cho phép báo cáo của Ban hội thẩm được xem xét lại (khi có yêu cầu), đảm bảo tính đúng đắn của báo cáo giải quyết tranh chấp. Khi giải quyết vấn đề tranh chấp, AB chỉ xem xét lại các khía cạnh pháp lý và giải thích pháp luật trong Báo cáo của Ban hội thẩm chứ không điều tra lại các yếu tố thực tiễn của tranh chấp. Kết quả báo cáo của AB là một báo cáo trong đó có thể giữ nguyên, sửa đổi hoặc đảo ngược lại các kết luận trong báo cáo của Ban hội thẩm. Báo cáo của AB được thông qua tại DSB và không thể bị phản đối hay khiếu nại tiếp. AB gồm 7 thành viên do DSB bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm (có thể được bầu lại một lần). Các thành viên AB được lựa chọn trong số những nhân vật có uy tín và có chuyên môn được công nhận trong lĩnh vực luật pháp, thương mại quốc tế và trong những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của các hiệp định liên quan.

1.2. Cơ chế bổ nhiệm thành viên trong Cơ quan phúc thẩm

Theo khoản 2 điều 17[1] Thỏa thuận về các quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp của WTO (Dispute Settlement Understanding - DSU), việc bổ nhiệm thành viên của Ban phúc thẩm do Cơ quan giải quyết tranh chấp thực hiện. Khoản 2 điều 4 DSU[2] quy định "Where the rules and procedures of this Understanding provide for the DSB to take a decision, it shall do so by consensus" (Khi các quy tắc và thủ tục của thỏa thuận này quy định Cơ quan giải quyết tranh chấp phải đưa ra một quyết định, thì nó sẽ được thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận). Thủ tục đồng thuận được hiểu là khi một vấn đề được đệ trình lên DSB mà không thành viên nào có mặt chính thức phản đối dự thảo quyết định. Việc bổ nhiệm thành viên cho AB là một quyết định của DSB và chiếu theo Điều 2 thì nó phải được chấp nhận bởi tất cả các thành viên. Chính thủ tục ra quyết định bằng đồng thuận là cơ sở pháp lý để Mỹ ngăn chặn việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thành viên AB.

2. Khủng hoảng hệ thống giải quyết tranh chấp WTO

2.1. Thực trạng khủng hoảng 

Từ năm 2017, Mỹ đã kiên trì bác bỏ việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thành viên của AB. Quyết định của Mỹ phản ánh quan điểm của Tổng thống Trump đối với WTO nói chung. Hành động của Mỹ khiến cho số lượng thành viên của cơ quan này giảm dần do lần lượt hết nhiệm kỳ. Cuối năm 2017, AB còn 4 thành viên, và từ cuối năm 2018 chỉ còn lại 3 thành viên[3]. Đến ngày 11/12/2019, khi hai thẩm phán của Mỹ chính thức hết nhiệm kỳ, AB chỉ còn lại 01 thành viên[4]. Theo khoản 1 điều 17 DSU, AB chỉ xem xét được các vụ việc khi có ít nhất ba thành viên[5]. Như vậy, từ ngày 11/12/2019, AB chính thức bị vô hiệu hóa. 

2.2. Nguyên nhân khủng hoảng 

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng xuất phát từ sự bất mãn của Mỹ với Cơ quan phúc thẩm. Mỹ cho rằng AB hoạt động không hiệu quả và có hại cho nền kinh tế quốc gia.

Thái độ bất bình của Mỹ đối với AB đã bắt nguồn từ thời tổng thống Barack Obama. Năm 2016, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã ngăn cựu thẩm phán Seung Wha Chang (Hàn Quốc) phục vụ nhiệm kỳ thứ hai vì cho rằng ông Chang đã vượt quá phạm vi thẩm quyền trong nhiều phán quyết của mình[6]. Vì lo ngại bà Jennifer Hillma - một cựu quan chức thương mại không đủ mạnh mẽ để phản đối các phán quyết gây tổn hại cho luật thương mại Mỹ, Tổng thống Obama cũng ngăn chặn việc tái bổ nhiệm bà vào AB[7].

Tổng thống Donald Trump với chính sách “nước Mỹ trên hết” luôn cho rằng bảo hộ mậu dịch mới là có lợi nhất cho nước Mỹ. Rõ ràng, quan điểm này đi ngược hoàn toàn với tôn chỉ và mục đích hoạt động của WTO. Trong phát biểu ngày 22/3/2018 khi ký văn kiện nhằm chống lại “sự xâm lược kinh tế của Trung Quốc”, Tổng thống Trump cho rằng: “Chúng ta đã chi rất nhiều tiền kể từ khi thành lập Tổ chức Thương mại thế giới - thực sự là một thảm họa cho chúng ta. Tổ chức này rất không công bằng với chúng ta.[8] Vào ngày 11/2/2020, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ đã công bố Báo cáo về cơ quan phúc thẩm của WTO[9]. Đây là văn bản Mỹ đưa ra nhằm chỉ ra những điều mà Mỹ cho là AB đã làm sai trong các vụ kiện liên quan tới nước này.

Có thể đưa ra 3 lý do khiến Mỹ không hài lòng về cách hoạt động của AB và đi đến quyết định buộc cơ quan này dừng hoạt động.

Thứ nhất, chính quyền của tổng thống Trump cho rằng, quy trình giải quyết tranh chấp là quá dài và không cần thiết. Theo điều 70 DSU, AB cần ra Báo cáo trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kháng cáo, trường hợp có yêu cầu gia hạn thì có thể kéo dài thêm 30 ngày nữa, nhưng phải thông báo lý do cho DSB biết, tức là tối đa 90 ngày. Nhưng Mỹ cho rằng, quy trình xem xét của AB thường xuyên vượt qua giới hạn 90 ngày đó[10]. Vụ kiện chưa được giải quyết đồng nghĩa với những thiệt hại thương mại kéo dài, điều này làm cho chính quyền Mỹ không thể hài lòng.

Thứ hai, Mỹ là cho rằng, AB đã đưa ra các phán quyết vượt xa thẩm quyền. Điều này được Mỹ minh chứng trong Báo cáo về Cơ quan phúc thẩm WTO do Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ đưa ra. Trong báo cáo, một trong những lập luận của Mỹ là về quy định chức năng của Ban hội thẩm. Theo điều 11 DSU, “Ban hội thẩm cần phải đánh giá một cách khách quan về các vấn đề đặt ra cho mình, gồm cả việc đánh giá khách quan các tình tiết của vụ việc và khả năng áp dụng cùng sự phù hợp với các hiệp định có liên quan, đồng thời đưa ra những nhận xét, khuyến nghị hoặc các phán quyết được quy định trong các hiệp định có liên quan”. Mỹ cho rằng, AB đã đi quá thẩm quyền của mình bởi cơ quan này đã chú trọng nhiều đến việc tìm xem xét lại các tình tiết của việc, bước này đáng lẽ ra thuộc về Ban hội thẩm. Vụ kiện giữa Mỹ và Cộng đồng châu Âu về Gluten lúa mì hay về các biện pháp tự vệ với mặt hàng thép cùng hàng loại các vụ kiện khác được đưa ra là minh chứng cho việc AB liên tục xem xét lại những tình tiết vụ việc của Ban hội thẩm. Phía Mỹ khẳng định rằng họ không hề đàm phán về một cơ sở đánh giá như vậy khi quyết định gia nhập tổ chức. 

Thứ ba, thái độ bất mãn chính quyền Mỹ với quy trình giải quyết tranh chấp của WTO càng trở nên tồi tệ hơn với sự trỗi dậy của Trung Quốc những năm gần đây. Chính quyền Tổng thống Trump, các liên đoàn lao động và nhiều tổ chức khác xem tư cách thành viên WTO của Trung Quốc là “tiếng chuông báo tử” cho ngành sản xuất Mỹ. Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, một cựu luật sư đã dành để bảo vệ lợi ích của các công ty thép Mỹ trước vấn nạn định giá sản phẩm không công bằng và các khoản trợ cấp chính phủ Trung Quốc dành cho nền kinh tế nội địa khẳng định vào năm 2017: “Đã có rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề bán phá giá và thuế đối kháng với sản phẩm thép, mà theo tôi các phán quyết của Cơ quan Phúc thẩm thực sự không thể chấp nhận được”.

Như vậy, với 3 lý do lớn như trên, Mỹ đã tiến hành không bổ nhiệm thành viên AB, khiến cho cơ quan này không thể hoạt động. Đây có thể coi như là một hành động buộc WTO phải thực sự cải cách và hiện đại hóa để đối mặt với sự phức tạp trong kinh tế thế giới hiện tại và tương lai.

3. Hệ quả pháp lý khi Cơ quan phúc thẩm không đủ thành viên

3.1. Hệ quả đối với các vụ kiện trong tương lai và các vụ kiện đang xem xét

Theo khoản 1 điều 17 DSU, mỗi yêu cầu phúc thẩm được thực hiện bởi 3 thành viên trong AB. Như vậy, sau ngày 11/12/2019, AB không thể tiếp tục xem xét các yêu cầu phúc thẩm mới.

Đối với các vụ việc mà AB đang xem xét, điều 15 của Thủ tục làm việc của Cơ quan Phúc thẩm quy định rằng: “Với sự đồng ý của Cơ quan Phúc thẩm và sau khi thông báo cho DSB, một thành viên không còn là thành viên của Cơ quan Phúc thẩm có thể hoàn thành nhiệm vụ đối với bất kỳ vụ việc phúc thẩm nào mà thành viên này được giao xem xét khi còn là thành viên và chỉ với mục đích đó, thành viên này sẽ được xem là tiếp tục là thành viên của Cơ quan Phúc thẩm”. Như vậy, các vụ việc được AB tiếp nhận trước ngày 11/12/2019 có thể tiếp tục được xem xét.

3.2. Sử dụng trọng tài trong giải quyết tranh chấp

Điều 25 DSU quy định rằng, có thể sử dụng trọng tài như một thủ tục phúc thẩm thay thế cho AP đối với các vụ việc đã có báo cáo của Ban hội thẩm. Điều kiện để sử dụng trọng tài là phải có thỏa thuận của các bên tranh chấp. Do đó, biện pháp trọng tài cần phải là sự thiện chí của các bên tranh chấp cùng mong muốn giải quyết tranh chấp thương mại giữa họ. Mặc dù sử dụng trọng tài như một biện pháp tạm thời, nhưng rất khó có được sự đồng lòng của hai bên trong tiến trình lựa chọn trọng tài cũng như mong muốn giải quyết tranh chấp.

4. Các đề xuất 

4.1. Đề xuất của Liên minh Châu Âu, Trung Quốc và 10 nước[11]

Trong cuộc đối thoại giữa Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ cùng Đại hội đồng (ngày 26/11/2018), các quốc gia này đã trình lên đề xuất điều chỉnh để nâng cao tính độc lập của AB. Các đề xuất được tóm tắt như sau:

- Đề nghị mở rộng cơ quan phúc thẩm từ 7 lên 9 thành viên.

- Một nhiệm kỳ duy nhất nhưng dài hơn (từ 6- 8 năm).  

- Thành viên của AB không bị ảnh hưởng bởi chính phủ, không tham gia vào bất kì một công việc nào khác trong quá trình làm việc tại AB.

- Xác định lại tư cách thành viên của AB từ bán thời gian sang toàn thời gian.

4.2. Đề xuất của những quốc gia kém phát triển nhất (LDC)[12]

Ngày 6/12/2019, LDC đã gửi bản thảo luận và đề xuất cải cách WTO. Quan điểm của LDC về AB “là một hệ thống công bằng và hiệu quả, là điều cần thiết cho WTO, cung cấp sự tín nhiệm cơ bản duy trì các nguyên tắc dựa trên hệ thống phục vụ tất cả các thành viên của WTO”. Các quốc gia LDC đã đưa ra các đề xuất như sau: 

- Kiểm tra chặt chẽ dự thảo quyết định của Hội đồng chung (JOB/GC/222) đưa ra, nhằm đưa ra quyết định càng sớm càng tốt.

- Giải quyết tình trạng bế tắc hiện tại trong việc đề cử thành viên của AB bằng cách đưa ra trong quyết định của Hội đồng chung một hướng dẫn DSB khởi động, không trì hoãn quá trình lựa chọn các vị trí của cơ quan phúc thẩm. 

- Tránh tạo ra các quy tắc và thủ tục quá nặng hành chính và phức tạp, điều mà có thể ảnh hưởng không tương xứng đến các bên trong các cuộc thảo luận về cải cách cơ quan phúc thẩm.

- Xem xét việc đề cử các thành viên cơ quan phúc thẩm từ các quốc gia thành viên LDC trong các cuộc thảo luận về nâng cao tính hiệu của của AB.

- Theo yêu cầu của các thành viên LDC liên quan đến tranh chấp WTO theo điều 27.2 của DSU, đảm bảo rằng Ban thư ký có thể cung cấp tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho thành viên LDC trong các ước tiến hành phúc thẩm. 

4.3. Thỏa thuận về cơ chế kháng cáo cáo đa phương tạm thời[13]

Cơ chế kháng cáo đa phương tạm thời giải quyết kháng cáo các phán quyết tranh chấp thương mại là một phương án được đưa ra trong bối cảnh AB đã ngừng hoạt động. Ngày 24/1/2020, Liên minh châu Âu, Trung Quốc cùng 15 quốc gia khác đã ra tuyên bố chung, thông báo về một “thỏa thuận về cơ chế kháng cáo đa phương tạm thời”. Thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại Thụy Sĩ. Ủy viên thương mại của Liên minh châu Âu Phil Hogan cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tìm giải pháp lâu dài cho bế tắc của cơ quan kháng cáo, như thông qua các cuộc cải cách và cải tổ cần thiết”. Theo thỏa thuận, cơ chế mới được thiết kế giữ lại các nguyên tắc trong luật thương mại quốc tế. Chính phủ các nước có quyền kháng cáo mọi tranh chấp. Thỏa thuận chỉ mang tính tạm thời và để ngỏ cho các thành viên khác của WTO tham gia.

5. Triển vọng của các đề xuất 

5.1. Cơ hội 

Những bản đề xuất được đưa ra chứng tỏ rằng các quốc gia thành viên nhanh chóng nhận ra được những vấn đề thực tại và nhu cầu cấp thiết cải cách WTO. Điều này sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán, trao đổi chung nhằm giải quyết vấn đề cùng với sự nỗ lực của các quốc gia thành viên. Các bản đề xuất cũng tạo cơ hội cho Hội nghị Bộ trưởng WTO được diễn ra vào tháng 6 năm 2020 tại Kazakhstan có những nội dung cải cách được đưa ra để thảo luận một cách hiệu quả. 

5.2. Khó khăn 

Các bản đề xuất trên đều được đưa ra trước thời điểm tổng thống Trump quyết định tiếp tục không bổ nhiệm thành viên AB. Mặc dù vậy, khủng hoảng đã xảy ra. Bởi vì WTO dựa trên quy chế đồng thuận nên đạt được thỏa thuận về cải cách giữa tất cả thành viên là vô cùng khó khăn. Sự cách biệt giữa các nền kinh tế tiên tiến hạn chế cơ hội cải cách. Các bản đề xuất đã được đưa ra trước Đại hội đồng nhưng Mỹ tiếp tục dùng quyền phủ quyết để ngăn thông qua. Nói cách khác, khi chưa có sự đồng thuận của Mỹ, thẩm phán sẽ không được bổ nhiệm và khủng hoảng vẫn tiếp tục xảy ra. Xét về sự bất đồng rộng rãi về lợi ích thương mại giữa các quốc gia, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu, cơ hội mà tất cả các thành viên WTO đạt được sự đồng thuận về cải cách là rất mong manh. 

6. Kết luận 

Nếu như WTO không thể được cải cách, tình trạng ngừng hoạt động của AB kéo dài, các tranh chấp thương mại song phương diễn ra nhiều hơn, các quốc gia riêng lẻ tự mình giải quyết xung đột thông qua trả đũa. Điều này cũng làm tê liệt hai trụ cột còn lại của WTO. Sự tan rã của WTO có thể dẫn đến sự trở lại của nhiều rào cản thương mại, sự bất ổn của các công ty đa quốc gia và chính phủ các quốc gia, cũng không có một nơi để hòa giải các tranh chấp thương mại. 

Mặc dù tồn tại những sự không hiệu quả trong quá trình hoạt động, nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của WTO trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương với nhiều quốc gia đã được hưởng lợi lớn từ khi gia nhập tổ chức. Khi vai trò lãnh đạo của WTO bị lung lay, thì hệ thống thương mại toàn cầu cũng đối mặt với nguy hiểm. Để giải quyết tình trạng khủng hoảng cải cách là biện pháp duy nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều xung đột thương mại và chia rẽ, nhiệm vụ cải cách trở nên càng ngày càng khó khăn, đòi hỏi những nỗ lực đàm phán từ tất cả các bên. Đổi mới là cách duy nhất để WTO tiếp tục là nhân tố chủ chốt trong hệ thống đa phương.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1,2 WTO. Understanding on rule and procedures governing the settlement of dispute. <https://www.wto.org/english/docs_e/legal_e/28-dsu.pdf>

3 WTO. Appellate Body Member. <https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/ab_members_descrp_e.htm>

4 Johnson, Keith. 2019. How Trump may finally kill the WTO. Foreign Policy. <https://foreignpolicy.com/2019/12/09/trump-may-kill-wto-finally-appellate-body-world-trade-organization/>

5WTO. Understanding on rule and procedures governing the settlement of dispute. <https://www.wto.org/english/docs_e/legal_e/28-dsu.pdf>

6, 7 Charnovitz, Steve. The Obama Administration's Attack on Appellate Body Independence Shows The Need for Reforms. International Economic Law and Policy Blog. <https://worldtradelaw.typepad.com/ielpblog/2016/09/the-obama-administrations-attack-on-appellate-body-independence-shows-the-need-for-reforms-.html>

8The While House. 2018. Remarks by President Trump at Signing of a Presidential Memorandum Targeting China’s Economic Aggression. <https://www.whitehouse.gov/briefings-statements/remarks-president-trump-signing-presidential-memorandum-targeting-chinas-economic-aggression/>

9,10 Office of the United State Trade Representative. 2020. USTR Issues Report on the WTO Appellate Body. <https://ustr.gov/about-us/policy-offices/press-office/press-releases/2020/february/ustr-issues-report-wto-appellate-body>

11WTO. 2018. Communication from the European Union, China, Canada, India, Norway, New Zealand, Switzerland, Australia, Republic of Korea, Iceland, Singapore, Mexico and Costa Rica to the General Council. <https://docs.wto.org/dol2fe/Pages/FE_Search/FE_S_S005.aspx>

12WTO. 2019. LDC views on wto reform discussions and proposals. <https://docs.wto.org/dol2fe/Pages/FE_Search/FE_S_S005.aspx>

13European Commision. 2020. EU and 15 World Trade Organization members establish contingency appeal arrangement for trade disputes. <https://trade.ec.europa.eu/doclib/press/index.cfm?id=2127>

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Charnovitz, Steve (2016). The Obama Administration's Attack on Appellate Body Independence Shows The Need for Reforms. International Economic Law and Policy Blog., <https://worldtradelaw.typepad.com/ielpblog/2016/09/the-obama-administrations-attack-on-appellate-body-independence-shows-the-need-for-reforms-.html>, xem 25/12/2020.
  2. European Commision (2020). EU and 15 World Trade Organization members establish contingency appeal arrangement for trade disputes, <https://trade.ec.europa.eu/doclib/press/index.cfm?id=2127>, xem 25/12/2020.
  3. Johnson, Keith.2019. How Trump may finally kill the WTO. Foreign Policy,<https://foreignpolicy.com/2019/12/09/trump-may-kill-wto-finally-appellate-body-world-trade-organization/>, xem 25/12/2020.
  4. Office of the United State Trade Representative (2020). USTR Issues Report on the WTO Appellate Body, <https://ustr.gov/about-us/policy-offices/press-office/press-releases/2020/february/ustr-issues-report-wto-appellate-body>, xem 25/12/2020.
  5. The White House (2018). Remarks by President Trump at Signing of a Presidential Memorandum Targeting China’s Economic Aggression, <https://www.whitehouse.gov/briefings-statements/remarks-president-trump-signing-presidential-memorandum-targeting-chinas-economic-aggression/>, xem 25/12/2020.
  6. World Trade Organization (2018). Communication from the European Union, China, Canada, India, Norway, New Zealand, Switzerland, Australia, Republic of Korea, Iceland, Singapore, Mexico and Costa Rica to the General Council, <https://docs.wto.org/dol2fe/Pages/FE_Search/FE_S_S005.aspx>, xem 25/12/2020.
  7. WTO (2019). LDC views on wto reform discussions and proposals, <https://docs.wto.org/dol2fe/Pages/FE_Search/FE_S_S005.aspx>, xem 25/12/2020.
  8. WTO. Understanding on rule and procedures governing the settlement of dispute, <https://www.wto.org/english/docs_e/legal_e/28-dsu.pdf>, xem 25/12/2020.
  9. WTO. Understanding on rule and procedures governing the settlement of dispute, <https://www.wto.org/english/docs_e/legal_e/28-dsu.pdf>, xem 25/12/2020.

The WTO’s problems in its dispute settlement system and

development needs

Master. Vu Thi Kim Oanh1

Master. Tran Thi Lan1

1Nguyen Trai University

ABSTRACT:

The World Trade Organization (WTO) was officially commenced operations on January 1, 1995. The WTO is the leading international economic organization on the trade liberalization in the world. It deals with the global rules of trade between nations and its main function is to ensure that global trade flows smoothly, predictably and freely as possible. Over the past 25 years, the WTO has made a major contribution to the development of global economy. However, it has faced serious challenges in terms of unilateral measures and counter measures by some members. The rise in protectionism, the changing economic and political relations among member states and the strong development of global economy have required the WTO to change its operational mechanism. The paper analyzes the WTO’s problems in its dispute settlement system and evaluates the effectiveness of recommendations proposed by the member countries.   

Keywords: trade liberalization, crisis, disputes, WTO.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2021]