Khủng hoảng thiếu điện tại Trung Quốc làm nhiễu loạn giá nhiều loại hàng hoá nguyên liệu thô

Tình trạng mất điện diện rộng diễn ra nghiêm trọng tại Trung Quốc đang gây rối loạn nhiều chuỗi cung ứng và tác động đến giá nhiều loại hàng hoá nguyên liệu thô trên toàn cầu. Giá phân bón, thép đang có xu hướng tăng mạnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung; trong khi đó, giá một số kim loại công nghiệp lại chịu áp lực giảm.

Trong những tháng gần đây, hoạt động luyện kim và sản xuất thép tại Trung Quốc đã suy giảm đáng kể khi tình trạng thiếu điện diện rộng nghiêm trọng cùng với việc nhiều địa phương nước này đẩy mạnh các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính.

Những nơi chịu ảnh hưởng mạnh nhất hiện là 3 tỉnh công nghiệp Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông, chiếm 1/3 quy mô nền kinh tế Trung Quốc. Hoạt động tại nhiều trung tâm công nghiệp khác trên khắp Trung Quốc cũng đang ở mức thấp, khiến rủi ro với nhiều chuỗi cung ứng hàng hoá tăng lên.

Bên cạnh các lĩnh vực sản xuất chế tạo, cuộc khủng hoảng điện hiện nay còn đang tác động tiêu cực đến cả lĩnh vực thực phẩm vốn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc hiện nay.

Đe doạ an ninh lương thực

Việc đảm bảo có đủ lương thực cho 1,4 tỷ người dân luôn là ưu tiên hàng đầu của giới chức Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện diện rộng khởi đầu từ các tỉnh công nghiệp phía Nam Trung Quốc hiện đã lãn rộng đến khu vực phía Bắc và phía Đông nước này, buộc nhiều nhà máy chế biến đậu nành và sản xuất hoá chất phân bón phải đóng cửa hoặc giảm đáng kể công suất để đảm bảo nguồn cung điện cho các lĩnh vực khác.

Truyền thông địa phương cho biết, trong tuần trước, giới chức các tỉnh Giang Tô, Thiên Tân và Chiết Giang đã yêu cầu 10 nhà máy nghiền đậu tương tại đây ngưng hoặc giảm hoạt động. Theo dữ liệu của Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn phái sinh hàng hoá tại Việt Nam, công suất hoạt động của các nhà máy ép dầu đậu nành tại khu vực phía Đông Trung Quốc đã giảm 40% trong tuần qua và dự báo có thể tiếp tục giảm từ 45% - 50% trong những tuần tiếp theo. Khu vực phía Đông là nơi có công suất nghiền ép đậu nành lớn nhất Trung Quốc.

Điều này sẽ khiến sản lượng khô đậu tương, phụ phẩm của quá trình ép dầu, suy giảm mạnh và ảnh hưởng dây chuyền đến hoạt động chăn nuôi do khô đậu tương là nguồn cung cấp chất đạm quan trọng trong chăn nuôi. Nếu tình trạng các nhà máy nghiền đậu tương tại Trung Quốc ngưng hoạt động kéo dài có thể khiến nhu cầu nhập khẩu đậu tương của nước này suy giảm.

giá phân bón
 Giá phân bón Urea và giá than nhiệt lượng cao trên Sàn giao dịch hàng hoá Trịnh Châu (Trung Quốc) đều đã đạt mức cao kỷ lục trong những ngày gần đây (Đồ hoạ: Bloomberg)

Hiện tại, thị trường đang ngày càng lo ngại tình trạng thiếu điện có thể khiến các nhà máy chế biến ngô của Trung Quốc giảm hoạt động, kéo theo đó là sự suy giảm nguồn cung các sản phẩm từ tinh bột ngô. Nhu cầu sử dụng điện ở mức cao cũng đẩy giá khí tự nhiên và giá than đá lên các mức cao kỷ lục, khiến nhiều nhà máy sản xuất phân bón DAP, phân lân nung chảy… tại nước này gặp nhiều khó khăn.

Tác động lớn đến thị trường kim loại công nghiệp

Sự suy giảm hoạt động sản xuất chế tạo tại Trung Quốc khiến thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng các kim loại công nghiệp cơ bản sẽ giảm theo, điều này sẽ tạo áp lực giá lên một số kim loại công nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc như kim loại đồng. Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia nhập khẩu kim loại công nghiệp lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, tình trạng thiếu điện khiến hoạt động luyện kim vốn tiêu thụ nhiều điện năng tại Trung Quốc bị đình trệ. Trong đó, ngành sản xuất nhôm chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs (Hoa Kỳ) dự báo tình trạng thiếu điện có thể khiến công suất sản xuất nhôm của Trung Quốc giảm 3 triệu tấn, tương đương 8% tổng công suất hàng năm của nước này. Giá nhôm trên thế giới trong tháng 8 vừa qua đã chạm mức cao nhất 10 năm trở lại đây do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.

Giá nhôm
 Giá nhôm trên Sàn giao dịch kim loại London hiện đang đạt mức cao nhất kể từ hồi năm 2008 trở lại đây (Đồ hoạ: Bloomberg)

Điều này có thể đẩy giá nhôm lên mức cao nhất kể từ hồi năm 2008 đến nay trong thời gian tới. Bên cạnh đó, áp lực kiểm soát lượng năng lượng tiêu thụ trong mùa đông chặt chẽ hơn khi nhu cầu sử dụng điện cho sưởi ấm tăng vọt cũng sẽ gây áp lực lớn đến hoạt động luyện kim tại Trung Quốc.

Đối với hoạt động sản xuất thép, bên cạnh vấn đề thiếu hụt điện, các nhà máy sản xuất thép tại Trung Quốc còn phải cắt giảm hoạt động để giảm ô nhiễm không khí. Theo hãng nghiên cứu thị trường thép Mysteel, hơn 80 nhà máy thép trên khắp Trung Quốc phải tạm ngưng sản xuất trong tháng 9 này. Điều này đã khiến nhu cầu sử dụng quặng sắt giảm mạnh, kéo theo đó là giá quặng sắt xuống còn quanh ngưỡng 100 USD/tấn, giảm hơn 60% so với đỉnh lịch sử hồi tháng 5/2021.

giá quặng sắt
 Diễn biến giá quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hoá Singapore và giá thép thanh xây dựng trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (Trung Quốc) trong thời gian gần đây (Đồ hoạ: Bloomberg)

Đồng thời, giá nickel – kim loại được sử dụng để sản xuất thép không gỉ cũng chịu sức ép giảm khi hoạt động sản xuất thép suy yếu. Trong khi đó, giá một số loại thép có xu hướng tăng mạnh trở lại do thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong những tháng tới đây.

Quang Đặng