Tóm tắt:
Khung pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa nông sản là vấn đề khá mới mẻ ở nước ta. Bài viết phân tích và làm rõ về khung pháp luật hợp đồng mua bán hàng hóa nông sản trên thế giới và Việt Nam, qua đó đề xuất hoàn thiện khung pháp luật hợp đồng mua bán hàng hóa nông sản ở Viêt Nam hiện nay.
Từ khóa: Khung pháp luật, hợp đồng nông sản, mua bán nông sản. 

1. Đặt vấn đề
Khung pháp luật hợp đồng mua bán hàng hóa nông sản đã được nhiều nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế nghiên cứu từ khá sớm. Tuy nhiên ở Việt Nam đây là vấn đề còn mới mẻ chưa được nhiều các chuyên gia pháp lý quan tâm đề cập. Tiếp cận và làm rõ khung pháp luật sẽ giúp nâng cao khả năng soạn thảo hợp đồng và thiết lập các quyền, nghĩa vụ giữa các đối tác dựa trên nguyên tắc tự do và công bằng, góp phần giải quyết các tranh chấp cũng như hạn chế sự mất cân bằng trong thiết lập mối quan hệ hợp đồng ở một lĩnh vực mà sản xuất và thị trường luôn đối mặt với rất nhiều yếu tố rủi ro như hiện nay.
2. Khái niệm khung pháp luật hợp đồng mua bán hàng hóa nông sản
Khi tham gia vào hợp đồng, các chủ thể tham gia có quyền lựa chọn các nguyên tắc được pháp luật cho phép phù hợp để soạn thảo các điều khoản cho hợp đồng của họ và trong trường hợp khi các vấn đề yêu cầu trong hợp đồng không được đề cập cụ thể trong luật thì các bên phải tìm giải pháp để giải quyết, nhưng giải pháp đó phải phù hợp với nguyên tắc chung của luật về hợp đồng. Hiểu được khung pháp luật hợp đồng sẽ giúp các bên cân nhắc để soạn thảo các điều khoản hợp đồng tốt hơn dựa trên các nguyên tắc tự do hợp đồng. Khi có tranh chấp xảy ra, các bên sẽ xác định quyền và nghĩa vụ dựa vào các nguyên tắc đã thỏa thuận để giải quyết. Khung pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa nông sản (HĐMBHHNS) được thiết lập trong mối quan hệ pháp luật ở từng quốc gia, tuy nhiên, khi sản phẩm được bán ở nước ngoài thì có thể dẫn đến việc áp dụng luật nước ngoài. [7]
Khung pháp luật HĐMBHHNS là khả năng tự do thỏa thuận, giao kết của các chủ thể tham gia quan hệ HĐMBHHNS dựa trên nguyên tắc luật định về giao kết hợp đồng. Sự tự do này có thể bị giới hạn bởi các qui định pháp luật và môi trường pháp lý từng quốc gia hay rộng lớn hơn là luật quốc tế. Nó giúp cho các thỏa thuận không thể đi chệch hướng, quan trọng hơn nó giúp cho việc bảo vệ quyền lợi và xác định nghĩa vụ của các bên liên quan tham gia quan hệ HĐMBHHNS.
HĐMBHHNS là một bộ phận của quan hệ hợp đồng sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản trong hoạt động nông nghiệp. Sự mất cân bằng về quyền lực kinh tế và khả năng nắm bắt thông tin thị trường giữa một bên là nhà tiêu thụ gồm các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế sản xuất, chế biến và xuất khẩu và một bên là người sản xuất mà phần lớn hiện nay là hộ nông dân sản xuất vừa và nhỏ là một yếu tố đặc trưng cơ bản của quan hệ HĐMBHHSN hiện nay.
3. Khung pháp luật về HĐMBHHNS trên thế giới
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều hướng đến chính sách phát triển nên nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện chính trị, kinh tế và môi trường có nhiều biến động ngày nay. Xây dựng một khung pháp luật phù hợp sẽ tạo ra cơ chế pháp lý bảo vệ người sản xuất, trong đó phần lớn là các hộ nông dân sản xuất qui mô vừa và nhỏ, đó cũng là mục tiêu trong chính sách xóa đói, giảm ngèo nhằm ổn định xã hội ở nhiều quốc gia đang hướng đến đặc biệt ở những nước nông nghiệp đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Khung pháp luật HĐMBHHNS có mối quan hệ chặt chẽ với hệ thống các nguyên tắc điều chỉnh luật hợp đồng ở từng quốc gia, các quốc gia khác nhau sẽ chọn cách điều chỉnh pháp luật có thể rất khác nhau phụ thuộc vào truyền thống pháp luật cũng như cách thức xây dựng luật ở từng quốc gia. Một số nước lựa chọn nguồn điều chỉnh quan hệ hợp đồng dựa trên Bộ luật Dân sự (BLDS), trong khi đó những nước khác thì chọn luật về hợp đồng chung hoặc luật riêng về hợp đồng nông nghiệp hoặc luật điều chỉnh đối với từng sản phẩm cụ thể hoặc theo từng ngành hàng.
1. BLDS là nguồn điều chỉnh quan hệ hợp đồng được sử dụng rãi ở nhiều quốc gia. Ở những nước này BDLS thường có các điều khoản liên quan điều chỉnh hợp đồng nông nghiệp. Tuy nhiên BLDS luôn là luật nền tảng điều chỉnh ở nhiều lĩnh vực quan trọng khác, do đó sẽ thiếu tính cụ thể và không đầy đủ trong lĩnh vực hợp đồng nông nghiệp. Các quốc gia điển hình lấy BLDS là nguồn dẫn chiếu cho hợp đồng nông nghiệp thường có hệ thống pháp luật bắt nguồn từ Luật La Mã như Đức, Achentina. BLDS các nước này có nhiều điều khoản chung liên quan đến hợp đồng nông nghiệp như: yêu cầu thiết lập hợp đồng, nguyên tắc xác định giá, nghĩa vụ của người mua và người bán, xử lý vi phạm và biện pháp khắc phục. BLDS tạo ra cái nhìn tổng quát về khung pháp lý trong quản lý nhà nước về hợp đồng nông nghiệp.
2. Hợp đồng nông nghiệp cũng có thể được quy định trong Luật Nông nghiệp ở một số nước. Đây là trường hợp ở Pháp, với Luật Nông thôn và Chăn nuôi (Code rural et de la pêche marine) bao gồm nhiều chủ đề đa dạng về nông nghiệp. Bộ luật này còn bao gồm các điều khoản chung về hợp đồng mua bán trong hoạt động nông nghiệp và các quy định cụ thể hơn tùy thuộc vào loại sản phẩm là đối tượng của hợp đồng như: đặc tả sản phẩm, nghĩa vụ của các bên, thời hạn hợp đồng và điều kiện gia hạn, điều khoản bất khả kháng, thủ tục trọng tài để giải quyết tranh chấp và các quy định về bồi thường thiệt hại… Panama cũng ban hành Bộ luật Nông nghiệp có các điều khoản chung và các qui định cụ thể liên quan đến hợp đồng nông nghiệp như: hợp đồng tiếp thị, hợp đồng mua bán hàng nông nghiệp. Tuy nhiên ở cả Pháp và Panama, Luật về nông nghiệp không có ý nghĩa giải quyết toàn diện tất cả các vấn đề phát sinh đối với hợp đồng nông nghiệp, do đó BLDS vẫn là bộ phận quan trọng của khung pháp lý về hợp đồng nông nghiệp ở các nước này.
3. Một số nước ban hành luật chung cho tất cả các hợp đồng. Đây là trường hợp của Ấn Độ, Theo Hiến pháp, luật của chính phủ và các bang đều có thể đồng thời điều chỉnh hợp đồng. Đạo luật Hợp đồng Ấn Độ năm 1872 có rất nhiều điều khoản chung liên quan đến hợp đồng nông nghiệp, sự hình thành hợp đồng, hiệu lực và sự tác động của hợp đồng, nghĩa vụ các bên, xử lý hậu quả vi phạm. Ở Hoa Kỳ, các hợp đồng mua bán hàng hóa được xem xét trong khuôn khổ pháp luật chung của Bộ luật Thương mại Thống nhất (UCC). UCC là một bộ phận hợp nhất nhiều mặt của luật hợp đồng và luật thương mại. Cũng giống như trường hợp ở Ấn Độ, UCC tạo thành bối cảnh cụ thể quy định hợp đồng nông nghiệp ở Mỹ.
4. Nhiều quốc gia đã lựa chọn ban hành luật tập trung vào hợp đồng nông nghiệp. Tây Ban Nha là một trường hợp như vậy. Năm 2000, Tây Ban Nha ban hành luật quy định các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ hợp đồng giữa các nhà sản xuất, người mua và người chế biến. Mục tiêu là nhằm điều chỉnh các giao dịch thương mại, thúc đẩy sự ổn định của thị trường và cải thiện tính minh bạch của các giao dịch và cạnh tranh trên thị trường. [5]
Nhìn chung, các quốc gia khác nhau trên thế giới đã tiếp cận các quy định về hợp đồng nông nghiệp theo những cách thức khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả truyền thống pháp luật và quá trình áp dụng luật. Ở những nước mà BLDS với vai trò là luật bao quát, chế định về hợp đồng sẽ là luật cơ sở để đối chiếu các quan hệ cơ bản về hợp đồng nông nghiệp. Tuy nhiên, ở những nước ban hành luật riêng điều chỉnh về hợp đồng trong nông nghiệp cũng không có nghĩa có thể chi phối toàn bộ hợp đồng, mà những vấn đề phát sinh từ hợp đồng BLDS vẫn đóng vai trò là luật khung quan trọng để xem xét các vấn đề phát sinh từ hợp đồng nông nghiệp.
Trong thương mại quốc tế, về cơ bản, luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là nền tảng cho các khuôn khổ pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung. Công ước Liên Hiệp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) là khuôn khổ cho các hoạt động mua bán hàng hóa trong thương mại giữa các nước thành viên của hiệp ước. Hiện nay, CISG có trên 77 quốc gia thành viên, trong nhiều trường hợp cụ thể, HĐMBHHNS có thể sẽ không áp dụng trực tiếp các qui định của CISG nhưng CISG vẫn có những ảnh hưởng rất lớn trong việc hướng dẫn, giải thích luật trong hợp đồng. Một tài liệu quốc tế khác để tham khảo về hợp đồng nông sản đó là UNIDROI (Nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế) gọi là PICC. PICC không bắt buộc đối với các bên trừ khi được ghi nhận là luật áp dụng trong hợp đồng. PICC có ảnh hưởng đến các hợp đồng thương mại quốc tế, trong đó bao gồm cả HĐMBHHNS. PICC ảnh hưởng đến quan hệ mua bán bằng cách áp dụng các nguyên tắc chung trong mua bán quốc tế. Trong trường hợp các nguyên tắc trong PICC rõ ràng thì có thể được lựa chọn để áp dụng trong một hợp đồng cụ thể. Trong thương mại quốc tế PICC có ảnh hưởng ngày càng lớn đến các khuôn khổ pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong đó có hàng hóa nông sản.
4. Khung pháp luật HĐMBHHNS ở Việt Nam
Ở Việt Nam chế định hợp đồng trong BLDS được xem là các qui định nền tảng cho các quan hệ hợp đồng. BLDS năm 1995 đã kế thừa các qui định về hợp đồng trong Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế năm 1989 của Hội đồng Nhà nước. BLDS đã được sửa đổi bổ sung vào năm 2005 và năm 2015, với vai trò là luật chung điều chỉnh hợp đồng trong các lĩnh vực như: dân sự, doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, bất động sản, thương mại… các qui định hợp đồng trong BLDS điều chỉnh những quan hệ cơ bản nhất trong các lĩnh vực luật tư ở Việt Nam hiện nay. Trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa Luật Thương mại (LTM) năm 2005 điều chỉnh đối với các hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lợi trong các giao dịch mà một bên là thương nhân trên lãnh thổ Việt Nam1. LTM điều chỉnh quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa cả trong hoạt động mua bán trong nước và quốc tế. Phạm vi điều chỉnh quan hệ hợp đồng khá rộng cả về hình thức, thực hiện và quyền nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa.
Ở góc độ áp dụng luật, các qui định của BLDS có thể áp dụng cho hầu hết các loại hợp đồng, bên cạnh đó LTM và pháp luật về hợp đồng nông nghiệp có thể áp dụng trực tiếp để điều chỉnh quan hệ HĐMBHHNS. Tuy nhiên trong các tình huống pháp lý cụ thể liên quan như: Cấp tín dụng, dịch vụ hỗ trợ, thuê đất, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm... các quan hệ pháp luật về hợp đồng có thể được mở rộng ở nhiều lĩnh vực thuộc đối tượng điều chỉnh của luật chuyên ngành khác như: tín dụng, cung ứng lao động, đất đai, tiêu thụ sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm, môi trường... Ngoài ra, quan hệ pháp luật về HĐMBHHNS cũng bị chi phối bởi các chế định pháp lý như: quyền sở hữu, năng lực pháp lý của cá nhân và pháp nhân, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và ngay cả pháp luật về tố tụng và cơ chế giải quyết tranh chấp cũng có thể có liên quan trong một số trường hợp nhất định, tất cả các qui định đó tạo nên khung pháp lý chung của HĐMBHHNS hiện nay ở nước ta.
Riêng góc độ điều chỉnh của luật chuyên ngành trong hoạt động sản xuất, mua bán HHNS có thể xem Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng là một bước đầu tiên nhằm cụ thể hóa các qui định của luật chung trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa nông sản. Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ghi nhận các nguyên tắc cơ bản về ký kết và thực hiện hợp đồng tiêu thụ HHNS giữa người sản xuất với doanh nghiệp, điều đó cho thấy trong một giai đoạn, pháp luật nước ta đã ghi nhận mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên nghành; trong đó, pháp luật hợp đồng mua bán hàng hóa nông sản là một bộ phận của pháp luật về hợp đồng điều chỉnh riêng cho quan hệ sản xuất, tiêu thụ HHNS.
Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg gồm cả các qui định khuyến khích và các qui định mang tính bắt buộc trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp và người sản xuất được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, vật tư, tín dụng, thị trường, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hoá để phát triển sản xuất ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, còn có các qui định mang tính chế tài, trong quá trình thực hiện hợp đồng: Nếu doanh nghiệp không mua hết nông sản hàng hóa; mua không đúng thời gian, không đúng địa điểm như đã cam kết trong hợp đồng; gian lận thương mại trong việc định tiêu chuẩn chất lượng, số lượng nông sản hàng hóa; lợi dụng tính độc quyền của hợp đồng tiêu thụ để mua dưới giá đã ký kết trong hợp đồng hoặc có hành vi khác gây thiệt hại cho người sản xuất thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm mà phải chịu các biện pháp xử lý như: bồi thường toàn bộ thiệt hại vật chất do hành vi vi phạm gây ra theo quy định của pháp luật về hợp đồng, bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ quyền kinh doanh đối với các mặt hàng nông sản mà doanh nghiệp vi phạm và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về hành vi vi phạm hợp đồng của doanh nghiệp.
Đối với người sản xuất, nếu người sản xuất nhận tiền vốn, vật tư ứng trước của doanh nghiệp đã ký hợp đồng mà cố ý không bán nông sản hàng hóa hoặc bán nông sản hàng hóa cho doanh nghiệp khác không ký hợp đồng đầu tư sản xuất; bán thiếu số lượng, không đúng thời gian, không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa quy định trong hợp đồng; không thanh toán đúng thời hạn hoặc có hành vi vi phạm khác thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà phải chịu các hình thức xử lý như: Phải thanh toán lại cho doanh nghiệp các khoản nợ: vật tư, vốn (bao gồm cả lãi suất vốn vay ngân hàng trong thời gian tạm ứng) đã nhận tạm ứng.
Khi thực hiện hợp đồng các bên còn phải tuân thủ về hình thức hợp đồng như Ủy ban nhân dân xã xác nhận hoặc phòng công chứng huyện chứng thực. Về trách nhiệm thực hiện hợp đồng và xử lý tranh chấp, Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg yêu cầu các bên có trách nhiệm thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng, cùng nhau thỏa thuận xử lý các rủi ro do về thiên tai, đột biến về giá cả thị trường và các nguyên nhân bất khả kháng khác theo nguyên tắc cùng chia sẻ rủi ro, Nhà nước xem xét hỗ trợ một phần thiệt hại theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp không được tranh mua nông sản hàng hóa của nông dân mà doanh nghiệp khác đã đầu tư phát triển sản xuất, không được ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa mà người sản xuất đã ký hợp đồng với doanh nghiệp khác. Người sản xuất chỉ được bán nông sản hàng hóa sản xuất theo hợp đồng cho doanh nghiệp khác khi doanh nghiệp đã đầu tư hoặc ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa từ chối không mua hoặc mua không hết nông sản hàng hóa của mình. Khi có tranh chấp về hợp đồng thì ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam cùng cấp và Hiệp hội ngành hàng tổ chức và tạo điều kiện để hai bên giải quyết bằng thương lượng, hòa giải. Trường hợp việc thương lượng, hòa giải không đạt được kết quả thì các bên đưa vụ tranh chấp ra tòa án để giải quyết theo pháp luật2.
Với đặc trưng cơ bản của HĐMBHHNS là thỏa thuận ràng buộc giữa một bên là người nông dân sản xuất nhỏ hoặc quy mô lớn và một bên là người mua có thể là hợp tác xã các nhà cung cấp phân phối hoặc doanh nghiệp chuyên sản xuất, xuất khẩu trong lĩnh vực hàng nông sản. Hợp đồng MBHHNS là sự cam kết gồm những điều khoản mà các bên sẽ thực hiện vào một thời giantrong tương lai với giá cả được xác định trước. Như vậy sự hình thành của HĐMBHHNS có nhiều điểm khác cơ bản với sự hình thành của các hợp đồng thông dụng khác. Việc thực hiện hợp đồng sẽ phụ thuộc vào năng lực thực hiện hợp đồng của các bên và phụ thuộc cả những yếu tố tự nhiên và thị trường tác động cũng có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện hợp đồng. Khi hợp đồng không được thực hiện, các chế tài đã thỏa thuận sẽ được áp dụng, khi đó những nguyên tắc của BLDS có ý nghĩa áp dụng trực tiếp. Tuy nhiên, có những tình huống pháp lý vượt ra khỏi những nguyên tắc điều chỉnh của BLDS thì các qui định riêng của Luật Thương mại và Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg sẽ tác động để giải quyết nhưng về cơ bản vẫn dựa trên những nguyên tắc chung của BLDS.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg qua nghiên cứu từ thực tiễn thực hiện ở ĐBSCL đã không đạt được kết quả như mong muốn. Các hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản theo quyết định chưa phù hợp với thực tiễn, khi năng lực sản xuất kinh doanh của nông dân và doanh nghiệp còn yếu kém; quan hệ hợp đồng không bình đẳng và cơ chế phân bổ lợi ích, rủi ro và quyền quyết định giữa nông dân và doanh nghiệp chưa được xác lập rõ ràng; các điều kiện cần thiết để thúc đẩy các hình thức sản xuất theo hợp đồng chưa đầy đủ. Từ khi có Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg sau 8 năm thực hiện, nhiều doanh nghiệp đã thất bại không mua được hàng hóa, hoặc không thu hồi được vốn đầu tư ứng trước cho nông dân, tình trạng vi phạm hợp đồng xảy ra khắp nơi, nông dân cho đổ lỗi cho doanh nghiệp và ngược lại. Việc tiêu thụ theo hợp đồng của Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg khó thực hiện và không thành công trong thực tiễn [8]. Từ đó, Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg với vai trò là luật chuyên ngnh điều chỉnh quan hệ sản xuất gắn với hợp đồng trong sản xuất tiêu thụ HHNS được thay thế bằng Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg với một chính sách thuần túy là ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản thuộc các dự án cánh đồng lớn.
5. Định hướng hoàn thiện khung pháp luật về HĐMBHHNS
HĐMBHHNS là một quan hệ dân sự thương mại, đối tượng là hàng hóa nông sản, một loại đối tượng có tính chất pháp lý đặc thù. Quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm và tiêu thụ HHNS luôn đối mặt với nhiều rủi ro cả về yếu tố thị trường và các yếu tố tự nhiên, cùng với sự mất cân bằng trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng làm cho nguy cơ hợp đồng không được tôn trọng thực hiện, thường xuyên bị phá vỡ. Khung pháp luật về HĐMBHHNS hiện nay ở nước ta, trong đó chủ yếu là BLDS và LTM hiện hành không đủ các qui phạm để điều chỉnh các quan hệ pháp lý rất đa dạng và phức. Mặt khác, trong khuôn khổ của pháp luật trong nước, khung pháp luật về HĐMBHHNS của nước ta giới hạn trong phạm vi điều chỉnh của hệ thống pháp luật về hợp đồng. Tuy nhiên nhìn rộng hơn, ở góc độ quốc tế khung pháp luật HĐMBHHNS trong nước còn có thể bị tác động các nguồn của luật quốc tế như các luật, điều ước quốc tế, các bộ tiêu chuẩn quốc gia hoặc luật mềm [6] [7] khi sản phẩm được xuất khẩu, tiêu thụ ở nước ngoài. Vì lẽ đó, cần sớm hoàn thiện các định pháp luật về hợp đồng tạo khung pháp lý cho việc soạn thảo, thực hiện hợp đồng và giải quyết các tranh chấp hiện nay là và rất cần thiết.
Luật về hợp đồng ở Việt Nam được xây dựng theo hướng lấy BLDS là luật trung tâm điều chỉnh những quan hệ cơ bản nhất về hợp đồng, các luật có liên quan sẽ điều chỉnh các quan hệ pháp lý cụ thể khi mà BLDS không điều chỉnh trực tiếp, tuy nhiên khi áp dụng luật chuyên ngành khác phải không được trái với những nguyên tắc cơ bản của BLDS3. Do vậy, để hoàn thiện khung pháp luật về HĐMBHHNS trước hết cần phải nắm vững chủ trương đường lối chính sách của Đảng ta về xây dựng pháp luật về hợp đồng và những vấn đề định hướng về phát triển nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn hiện nay.
BLDS 2015 đã có những thay đổi mạnh mẽ về những vấn đề cơ bản của pháp luật về hợp đồng, đây có thể được xem là một thuận lợi lớn làm cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật về HĐMBHHNS nói chung. Tuy nhiên nhiều vấn đề cơ bản mang tính đặc trưng của quan hệ HĐMBHHNS liên quan trong BLDS vẫn chưa thể giải quyết như: Cơ chế kiểm soát thông tin không cân xứng và mất cân bằng về quyền lực kinh tế trong giao dịch
HĐMBHHSN giữa nhà tiêu thụ và nhà sản xuất, trong đó nông dân là đối tượng yếu thế gặp nhiều bất lợi trong giao kết, thực hiện hợp đồng; vấn đề về quyền sở hữu đối với hàng hóa nông sản trong mối quan hệ đầu tư, cung ứng đầu vào, quá trình canh tác và tiêu thụ sản phẩm… vốn rất đa dạng mang nhiều hình thức khác nhau như: hợp đồng sản xuất, hợp đồng đầu tư cung ứng nguyên nhiên liệu cho canh tác, hợp đồng thuê đất sản xuất, hợp đồng tiếp thị sản phẩm vẫn chưa được giải quyết; cơ chế về giá trong quá trình đầu tư, canh tác, sản xuất, tiêu thụ vẫn chưa được qui định.
Hướng sửa đổi hoàn thiện cần dựa trên những thay đổi cơ bản của BLDS 2015, qua đó cần rà soát lại các quy định pháp luật về hợp đồng và các qui định pháp luật có liên quan để bổ sung các qui định còn thiếu, sung đột với BLDS. Ở góc độ xây dựng pháp luật, cần thay đổi và hoàn thiện các qui định về hợp đồng mua bán hàng hóa ở các luật chuyên ngành mà trước hết là trong LTM với những đề xuất sau:
1) LTM điều chỉnh trực tiếp đến quan hệ hợp đồng với vai trò là luật khung về hợp đồng mua bán hàng hóa, cần bổ sung các qui định riêng hướng dẫn về những điều khoản cơ bản cần phải có trong giao kết HĐMBHHNS. Các nội dung cơ bản đặc thù của hợp đồng như: thỏa thuận về giá bán trong tương lai, xử lý rủi ro thị trường và rủi ro sản xuất, bảo hiểm tổn thất sản xuất, qui định khung tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm nông sản…
2) Cần phải cụ thể hóa các hình thức giao kết hợp đồng, trong đó cần có qui định về hình thức giao kết tập thể người sản xuất HHNS. Thông qua hình thức giao kết hợp đồng tập thể hoặc đại diện của nhóm người sản xuất họ có thể trực tiếp tham gia thương lượng với nhà tiêu thụ. Đảm bảo thực hiện hợp đồng tập thể phải có tính ràng buộc pháp lý thực hiện, cũng như trách nhiệm của tập thể khi để xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng.
3) Luật cũng cần có qui định thời hạn có hiệu lực của giao kết HĐMBHHNS, cho phép người sản xuất rút lại chấp thuận đề nghị giao kết trong thời gian hợp lý khi việc nhận thức pháp luật bị hạn chế ở thời điểm giao kết hợp đồng, do chưa được hiểu rỏ hoặc khi phát hiện nhưng thông tin ẩn của người tiêu thụ cố ý gây bất lợi cho người sản xuất trong quá trình thực hiện hợp đồng.
4) Bên cạnh đó cần xác định vai trò của cơ quan nhà nước trong việc đăng ký và kiểm soát thông tin hợp đồng, khuyến khích các tổ chức độc lập tham gia vào hoạt động kiểm soát bảo vệ quyền của nhà sản xuất, luật hóa các biện pháp trừng phạt tập thể đối với các chủ thể cố ý vi phạm nghĩa vụ đã giao kết cả đối với người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Để hoàn thiện khung pháp luật HĐMBHHNS cũng cần bổ sung các quy định có liên quan và có lộ trình để hoàn thiện pháp luật về luật đất đai, luật tín dụng, các luật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, luật bảo vệ sức khỏe và môi trường trong sản xuất HHNS…, đảm bảo tính thống nhất của pháp luật trong trong nước và phù hợp với luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó cần có giải pháp về trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp trong hợp đồng nông nghiệp, đảm bảo nhanh chóng hiệu quả và tiết kiệm phù hợp với tính chất mức độ của hoạt động sản xuất nông nghiệp trong nước trong từng giai đoạn cụ thể.
6. Kết luận
Một hợp đồng MBHHNS được cho là thành công sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là năng lực soạn thảo và thực hiện hợp đồng của các bên phù hơp với khung pháp luật HĐMBHHNS, nhằm xây dựng mối quan hệ thương mại ổn định và công bằng, dựa trên cam kết rõ ràng và tuân thủ thực hiện. Do vậy, khung pháp luật HĐMBHHNS là cần thiết để đưa ra các quy định nhằm ràng buộc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của các bên, các bên của hợp đồng có thể tự sắp xếp hợp đồng theo cách mà họ thấy phù hợp, dựa trên nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi về tự do hợp đồng. Khung pháp luật về hợp đồng giúp cho các chủ thể tham gia có thể định hướng được cả một quá trình từ khi đặt ra ý tưởng, đến giao kết và tổ chức thực hiện hợp đồng, nó giúp cho các bên không đi lệch hướng và hiểu được hợp đồng một cách thống nhất, giúp cho các bên cân nhắc các nghĩa vụ của mình từ khi soạn thảo hợp đồng. Từ đó nâng cao ý thức tôn trọng và thực hiện hợp đồng, hạn chế và đẩy lùi tình trạng phá vỡ hợp đồng sản xuất, tiêu thụ HHNS đang xảy ra trầm trọng hiện nay.
Một khung pháp luật HĐBMHHNS hợp lý có thể thúc đẩy sự công bằng giữa doanh nghiệp, thương nhân và nông dân, người sản xuất trong việc đàm pháp, soạn thảo và thực hiện thành công các thỏa thuận hợp đồng được ký kết, bảo vệ các bên trong trường hợp xảy ra sự vi phạm và các rủi ro không lường trước được trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngược lại, khung pháp lý không rõ ràng và thiếu đầy đủ có thể khiến cho các chủ thể mất phương hướng, đặc biệt đối tượng là người nông dân phải đối mặt với những tình huống mà họ phải chấp nhận các điều khoản gây bất lợi do doanh nghiệp tạo ra hoặc các điều khoản hợp đồng không rõ ràng và mơ hồ với những rủi ro tiềm ẩn
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Điều 1 Luật Thương mại 2005
2 Điều 4, 5, 6 Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg
3 Điều 4 Bộ luật Dân sự 2015
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ luật Dân sự 2015
2. Luật Thương mại 2014
3. Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/6/2002 về chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng hóa thông qua hợp đồng.
4. Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
5. Caterina Pultrone, 2012, An Overview of Contract Farming: Legal Issues and Challenges, Uniform law review revue de droit uniforme, NS - Vol. XVII, pp. 267-270.
6. Shelton, D. L., 2008. Soft Law. [Online] https://scholarship.law.gwu.edu/cgi/viewcontent.cgi?referer=&http sredir =1&article=2048&context=faculty_publications
7. UNIDROIT/FAO/IFAD, 2015. Legal aspects of contract farming agreements. 2017 ed. Rome: Food and Agriculture Organization of the United Nations, pp.1, 27.
8. Bảo Trung, 2010. Phân tích, đánh giá việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng ở ĐBSCL theo Quyết đinh số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2.

THE LEGAL FRAMEWORK OF TRADING AGRICULTURAL PRODUCTS

MA. NGUYEN THANH DINH

Department of Justice Can Tho

ABSTRACT:

The legal framework on contracts for purchase and sale of agricultural products is quite new in our country. The paper analyzes and clarifies the legal framework for contracts for the purchase and sale of agricultural products all over the world and in Vietnam, thereby proposing a completed legal framework for contracts for purchasing and buying agricultural products in Vietnam.  

Keywords: Legal Framework, Contract for trading agricultural products, Trading agricultural products.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây