Bắc Sơn là huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn có tiềm năng về ngành lâm nghiệp, toàn huyện có trên 20.000 ha diện tích đất có rừng, nên bên cạnh việc phát triển sản xuất nông nghiệp để đảm bảo lương thực tại chỗ, huyện chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là trồng các loại cây như: Quế, hồi, cây keo lai trên diện tích đất gò đồi, bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại lợi ích kinh tế cho nhân dân.

Người dân chăm sóc vườn Quế tại thôn Nà Thí, xã Vạn Thủy, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn

Cây hồi, cây quế là một loại cây có giá trị kinh tế cao được trồng chủ yếu ở một số xã như: Tân Tri, Long Đống, Vạn Thủy, Vũ sơn... cùng với đó, công tác giao đất lâm nghiệp, khoanh nuôi, quản lý bảo vệ rừng được thực hiện có hiệu quả, từ đó đã nâng độ che phủ rừng của toàn huyện lên 57%, hiện nay trên địa bàn xã Vũ Sơn có khoảng 35 ha hồi và 20 ha quế.

Rừng hồi tại tỉnh Lạng Sơn

Từ những thuận lợi đó Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lạng Sơn và Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh tổng hợp Bảo Long Vũ Sơn đã xây dựng đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất chế biến quế, chế biến hồi, và đề nghị Sở Công Thương Lạng Sơn xem xét, thẩm định đề án trình các cấp phê duyệt kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2022. Tổng kinh phí thực hiện đề án: 660.000.000 đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ: 220.000.000 đồng. Kinh phí của Hợp tác xã là: 440.000.000 đồng.

Theo ông Trần Anh Thuần, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lạng Sơn: “Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị chế biến quế, chế biến hồi của Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh tổng hợp Bảo Long Vũ Sơn thuộc ngành nghề sản xuất hàng công nghiệp chế biến nông sản được hưởng chính sách khuyến công theo quy định tại Điều 4 của Quyết định số 18/2015/QĐ-UBND được thực hiện theo Điểm a Khoản 1, Điều 5, Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công”.

Cũng theo ông Thuần, chế biến quế, hồi nằm trong ngành nghề ưu tiên khuyến khích hỗ trợ mức kinh phí tại ngành nghề được ưu tiên tại điểm a khoản 2, Điều 6 của Nghị định số 45/2012NĐ-CP của Chính phủ. Chính vì vậy, xây dựng đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị chế biến quế, chế biến hồi là rất phù hợp và cần thiết với chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp.

Người dân thu hái hoa hồi

Việc đầu t­ư mới máy móc thiết bị chế biến quế, chế biến hồi sản xuất ổn định hàng năm sẽ cung cấp cho thị trường 48 tấn vỏ quế, 12 tấn bột quế và 60 tấn hồi khô/năm, nộp cho ngân sách địa phương khoảng 1,5 tỷ đồng và Hợp tác xã có lãi khoảng 344 triệu đồng/năm.

Bên cạnh việc đóng góp vào ngân sách nhà nước, đề án còn góp phần vào chương trình giải quyết việc làm của tỉnh Lạng Sơn, tạo thu nhập và điều kiện sống, làm việc ổn định cho người lao động địa phương, cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lý.

Bà Nguyễn Thị Chung, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh tổng hợp Bảo Long Vũ Sơn chia sẻ. “Việc triển khai đề án trên sẽ dần nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Đề án được thực hiện cũng sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, thúc đẩy nhân dân trong khu vực phát triển trồng rừng và nâng cao năng lực sản xuất của Hợp tác xã, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, tình hình văn hóa, trật tự an toàn xã hội của tỉnh Lạng Sơn, hạn chế tệ nạn xã hội, xoá đói giảm nghèo trong khu vực”.

Hoa hồi vụ thu hoạch

Có thể nói, dự án đầu tư được thực hiện dựa trên khảo sát thực tế về nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra như trên. Cùng với những chính sách khuyến khích của Nhà nước có thể khẳng định dự án sẽ phát triển bền vững.

Đề án thấy được chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và đặc biệt là chính sách ưu tiên phát triển đối với các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn... Từ đó thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.