Khuyến công Quảng Bình: Tạo động lực phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp

Với mục tiêu nâng cao tốc độ phát triển công nghiệp nông thôn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đẩy mạnh ph

Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình (Trung tâm) đã hỗ trợ xây dựng 7 mô hình trình diễn kỹ thuật với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Trong đó có 6 mô hình được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và 1 mô hình hỗ trợ từ nguồn khuyến công địa phương.

Cụ thể, Công ty TNHH mộc mỹ nghệ Ngọc Thủy được Trung tâm hỗ trợ 250 triệu đồng thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm thanh tựa ghế văn phòng xuất khẩu từ gỗ cao su”. Sau khi dây chuyền sản xuất với hệ thống lò sấy gỗ công suất 300.000 sản phẩm/năm đi vào vận hành ổn định đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó tăng doanh thu và lợi nhuận.

Sản xuất sản phẩm thanh tựa ghế văn phòng xuất khẩu từ gỗ cao su tại Công ty TNHH mộc mỹ nghệ Ngọc Thuỷ

Thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất than chuông” Công ty CP Tân Hoàn Cầu đã liên kết với Công ty TNHH sản xuất – xuất nhập khẩu Ánh Lửa Việt tiếp cận, ứng dụng công nghệ của Nhật Bản để sản xuất, cung ứng than chuông ra thị trường nội địa và xuất khẩu.

Dự án có tổng vốn đầu tư trên 70 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng. Sau thời gian triển khai thực hiện, Công ty CP Tân Hoàn Cầu đã chính thức đưa dây chuyền sản xuất than chuông vào vận hành chạy thử và đã mang lại hiệu quả tích cực. Hiện hệ thống thiết bị đã phát huy tốt hiệu quả, dự kiến giúp doanh nghiệp hoàn vốn sau thời gian 7 năm.

Nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở mở rộng sản xuất qua đó thúc đẩy ngành CNNT của tỉnh phát triển, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quy định về nội dung và mức hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp và xúc tiến thương mại.Theo đó, trên nguyên tắc ưu tiên các dự án có vốn đầu tư lớn; sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường; sử dụng nhiều lao động…; hỗ trợ doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo nghề, mức hỗ trợ tối đa 60% chi phí nhưng không quá 45 triệu đồng/lớp; hỗ trợ đầu tư công nghệ, thiết bị mới, ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất, tối đa 50% tổng giá trị thiết bị, không quá 150 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật tối đa 30% chi phí, không quá 300 triệu đồng/mô hình…

Ngoài ra, Tỉnh cũng hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm CNNT, tối đa 50% chi phí, không quá 35 triệu đồng/thương hiệu; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp; bảo vệ môi trường và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; phát triển năng lượng mới; …

Tuy nhiên qua thực tế triển khai, khuyến công Quảng Bình còn gặp nhiều trở ngại trong việc hỗ trợ cơ sở ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Cụ thể, mức hỗ trợ cho mỗi đề án theo quy định thấp so với tổng vốn đầu tư của cơ sở công nghiệp nông thôn nên không hấp dẫn các đối tượng thụ hưởng.

Các cơ sở đầu tư máy móc thiết bị mới nhằm tăng năng suất nhưng sản phẩm còn đơn điệu, khả năng tiêu thụ thấp vì vậy chưa khai thác hết công suất. Hơn nữa, việc hoàn chỉnh hồ sơ đề án khuyến công kéo dài, xây dựng nội dung kế hoạch khuyến công hàng năm của địa phương còn chưa sát với thực tế… cũng khiến việc lập, triển khai thực hiện kế hoạch gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục những khó khăn trên, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác khuyến công triển khai hoạt động trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Quảng Bình đã xây dựng nhiều giải pháp. Theo đó, Trung tâm tiếp tục triển khai sớm các chương trình đề án đã được phê duyệt hàng năm.