Kịch bản mới cho phục hồi sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng

Những bài học trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư khiến cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng hướng về nhu cầu bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế; nảy nở từ đó biết bao những kế hoạch, ước mơ với những bước đi ban đầu trong tái cơ cấu nhằm tăng tính linh hoạt, thích ứng với bối cảnh bình thường mới; với các phương án, kịch bản liên tục được cập nhật trong xu hướng đầy biến động như hiện nay.

Phát huy tính chủ động của cơ sở

Tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị trong phòng chống dịch Covid-19 là huy động sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo đó, các cấp, các ngành, các địa phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hướng tới mục tiêu cao nhất bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân, duy trì hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng.

Sự phối hợp này được các đại biểu tại Hội nghị “Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đánh giá cao, đáp ứng được yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch.

Đến nay, bước đầu chúng ta đã kiểm soát được sự bùng phát của dịch Covid-19, đảm bảo duy trì sản xuất và cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân. Thành công này phản ánh tư tưởng chỉ đạo song song: Ở tầm quốc gia, lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt nhằm thống nhất ý chí và hành động; ở cấp bộ, ngành, địa phương thì chủ động phối hợp với nhau trong đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất.

Các tham luận tai Hội nghị cho thấy, sự phối hợp giữa các bộ ngành với địa phương giúp giảm thiểu những tổn thương thông qua việc hướng dẫn, trao quyền cho các địa phương căn cứ vào những nguyên tắc phòng chống dịch của Trung ương và tình hình thực tiễn tại địa phương, chủ động đề ra các giải pháp duy trì sản xuất và chuỗi cung ứng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cũng như chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu.

Trong giai đoạn đầu, khi dịch bùng phát ở Bắc Giang, buộc phải có quyết định mạnh mẽ, chưa từng có: Đóng cửa 4 khu công nghiệp (KCN): Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng để ngăn chặn tốc độ lây lan của làn sóng dịch bệnh, Bộ Công Thương đã có văn bản 3319 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Công Thương và các Sở, Ban, Ngành liên quan đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống bùng phát dịch bệnh, thực hiện phân vùng sản xuất, điều chỉnh phân ca sản xuất, giãn cách dây chuyền sản xuất…

Công văn 3319 vừa là hướng dẫn, vừa là trao quyền cho cơ sở chủ động khai thông bế tắc, vừa đảm bảo sản xuất, vừa an toàn chống dịch. Để khôi phục sản xuất, sau công văn 3319 các địa phương không chờ thêm “tín hiệu” từ trên nữa, mà chủ động khảo sát, xác định những khó khăn và nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp.

san xuat

Vì thế, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam, nhưng tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp vẫn tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 3,0% của cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, 2 tỉnh có dịch bùng phát, phải đóng cửa các khu công nghiệp trong vài tuần lễ là Bắc Giang, Bắc Ninh có mức tăng 11,12%% và 9,92%; 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương dù phải thực hiện Chỉ thị 16 từ đầu quý III nhưng cùng có mức tăng 3,4% và 3,2%.

Trong chuỗi cung ứng, với sự liên kết chặt chẽ của bộ, ngành với địa phương, bằng các biện pháp bảo đảm nguồn cung, hỗ trợ lưu thông đã đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã. Ngành bán lẻ hàng hóa vẫn chiếm tỷ trọng lớn (83,1%), trong đó nhóm hàng thiết yếu hàng ngày của người dân là lương thực, thực phẩm tăng tới 8,6% so với cùng kỳ năm 2020, kể cả giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ đi đôi với trao quyền cho địa phương tùy tình hình thực tiễn tại cơ sở để đưa ra biện pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp khai thông sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực trong kịp thời chuyển trạng thái, thích ứng linh hoạt với yêu cầu thực tiễn mới.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Phạm Công Toản, đến nay, các doanh nghiệp đã cơ bản phục hồi sản xuất, số lượng lao động trong các KCN đã tăng 42 nghìn lao động so với trước khi bùng phát dịch. Một số doanh nghiệp lớn trong KCN đang bố trí tăng ca tất cả các ngày trong tuần, mở rộng dây chuyền sản xuất để bù lại các đơn hàng bị chậm trong thời gian nghỉ dịch.

Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, với vai trò bảo đảm cung ứng hàng hoá cho 10 triệu dân trong thành phố, trong bối cảnh có 3 chợ đầu mối chiếm khoảng 70% hàng hoá giao dịch, và 234 chợ truyền thống đóng cửa gần hết, còn lại khoảng 9 chợ hoạt động đều là các chợ nhỏ, ở ngoại thành, đã đúc kết thành 5 bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có nhiều quyết định chưa từng có như huy động các doanh nghiệp logistic, các hệ thống phân phối vốn không phải là phân phối hàng hóa lương thực, thực phẩm, ví dụ như các chuỗi cửa hàng kinh doanh chuyên biệt, các cửa hàng bán thuốc tây… để thiết lập lại kênh phân phối mới, kịp thời đưa hàng hóa đến tay người dân với số lượng rất lớn.

Hoặc như Saigon Co.op, một trong những doanh nghiệp thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Công Thương về tiêm vắc-xin cho người lao động, có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động bị nhiễm Covid-19, do vậy người lao động yên tâm lao động trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 và có sự đóng góp tốt cho doanh nghiệp.

Có những thời điểm, toàn hệ thống Saigon Co.op hoạt động hơn 200 - 300% công suất trong suốt thời gian chống dịch, triển khai những hoạt động chưa bao giờ thực hiện như cung cấp suất ăn cho 50.000 người trong khu cách ly, phục vụ những điểm cách ly, khu dân cư… đều có sự tham gia tự nguyện của người lao động toàn hệ thống.

Đối với Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), nơi có 13 doanh nghiệp thành viên bố trí thực hiện 3 tại chỗ, làm phát sinh chi phí hơn 1,5 tỷ đồng/ngày, đã chủ động triển khai các giải pháp linh hoạt như đảm bảo hậu cần theo phương châm 3 tại chỗ; chuẩn bị các phương án ở mức cao trong mua sắm vật tư nguyên liệu; tổ chức và điều phối hiệu quả nguồn lực. Kết quả là, giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng đạt 47.180 tỷ đồng tăng 25,5% so với thực hiện năm 2020, bằng 111,9% so với kế hoạch.

sieu thi

Phương án mới, kế hoạch mới

Không chỉ khai thông sản xuất và duy trì chuỗi cung ứng, các địa phương, doanh nghiệp đã có những bước đi ban đầu trong tái cơ cấu nhằm tăng tính linh hoạt, lên các phương án, kịch bản sát hơn với bối cảnh bình thường mới. Theo ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Vinachem, nhằm thực hiện mục tiêu chung của Chương trình tổng thể về thích ứng, phục hồi và phát triển nền kinh tế, tăng tính tự chủ của nền kinh tế, Tập đoàn đã xây dựng Chương trình thích ứng và phát triển với mục tiêu xây dựng và phát triển Vinachem thành Tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu, tập trung vào các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính như hóa chất, phân bón…

Kế hoạch trước mắt tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể và cấp bách như thành lập các Tổ công tác phục hồi sản xuất do người đứng đầu doanh nghiệp phụ trách để xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sản xuất - kinh doanh, đảm bảo phương án luôn được cập nhật, bổ sung và hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn xảy ra.

Với EVN, Tập đoàn tập trung triển khai “Số hóa dữ liệu”: Với mục tiêu “Một hạ tầng - Một cơ sở dữ liệu”, thống nhất trong toàn Tập đoàn 1 nền tảng chung, đồng nhất về công nghệ, về giải pháp kỹ thuật và quản trị cơ sở dữ liệu dùng chung; cung cấp các dịch vụ gia tăng, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác “mọi lúc, mọi nơi” trên không gian số.

Đối với Bắc Giang, kế hoạch cấp bách nhất hiện nay là chuyển trạng thái kịp thời, từ tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các KCN, sang hỗ trợ tất cả các lĩnh vực sản xuất, hoạt động thương mại dịch vụ; phối hợp với Bộ Công Thương xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh với mục tiêu mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

Với MM Mega Market thì lên kế hoạch thông qua các chương trình kết nối do Bộ Công Thương tổ chức để tìm kiếm và hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, doanh nghiệp sản xuất phần mềm quản lý kho vận, quản lý logistics, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tốt cho sức khoẻ con người, sản phẩm organic, doanh nghiệp sản xuất bao bì thân thiện môi trường …

Làn sóng dịch Covid-19 với biến chủng Delta được đánh giá là chưa từng có tiền lệ không chỉ với Việt Nam mà toàn thế giới. Dịch bệnh không chỉ giúp chúng ta đoàn kết đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động trong kiểm soát dịch bệnh và duy trì sản xuất, chuỗi cung ứng, mà còn chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.

Đồng thời, khiến cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng hướng về nhu cầu bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế; nảy nở từ đó biết bao những kế hoạch, ước mơ với những bước đi ban đầu trong tái cơ cấu nhằm tăng tính linh hoạt, thích ứng với bối cảnh bình thường mới; lên các phương án, kịch bản sát hơn, liên tục được cập nhật trong xu hướng đầy biến động như hiện nay.

 

Nguyễn Văn