Kích cầu du lịch hậu Covid-19: Dồn lực cho thị trường nội địa

Thị trường du lịch nội địa đang được kì vọng sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Ngoài những chương trình ưu đãi, giảm giá nhằm kích cầu du khách, các doanh nghiệp cũng lưu tâm tới việc giảm giá những vẫn phải giữ vững được chất lượng và thái độ phục vụ.

Xu hướng du lịch mới sau giãn cách

Trong Hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt” diễn ra mới đây, nhiều đại biểu đều cho rằng, các chương trình kích cầu được kì vọng sẽ khiến khách du lịch nội địa bùng nổ trong thời gian tới, ưu tiên đi du lịch Việt Nam ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát trên toàn cầu.

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia cho biết, 120 ngày vừa qua là giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 26 năm đối với những người làm du lịch. Với chương trình vận động "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", các doanh nghiệp cần lưu ý “kích cầu du lịch ở đây không có nghĩa là "du lịch giá rẻ" mà trọng tâm là giá trị, trải nghiệm của khách du lịch”.

Ông phân tích, hiếm khi có cơ hội khám phá đất nước Việt Nam mà không cần phải chi trả nhiều. Ví dụ, khách hàng đặt phòng 1 đêm sẽ được hưởng 1 đêm nữa, tuy không giảm giá nhưng vẫn sẽ có thêm giá trị. Ngoài ra, trước đây, du khách phải tự trả vé máy bay giờ thì miễn phí. Thay vì giảm giá thì đưa thêm nhiều dịch vụ mới để du khách có nhiều cơ hội trải nghiệm hơn.

kích cầu du lịch
Trong Hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt” diễn ra mới đây, nhiều đại biểu đều cho rằng, các chương trình kích cầu được kì vọng sẽ khiến khách du lịch nội địa bùng nổ trong thời gian tới

Đại diện doanh nghiệp có các hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, ông Nguyễn Trung Công - Giám đốc điều hành iVIVU cho biết: "Tôi cho rằng cảnh đẹp của Việt Nam không thua kém bất kì nước nào trên thế giới từ Vịnh Hạ Long, Tam Cốc (Ninh Bình), đồi chè Mộc Châu, cung đường Hà Giang... tới Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, đảo Yến Nha Trang, con đường đi bộ đảo Điệp Sơn...

Du khách tới đây không chỉ chiêm ngưỡng phong cảnh mà còn có thể tìm hiểu về văn hóa, trải nghiệm công việc, cuộc sống của người dân. Tôi nghĩ rằng mỗi khi đi ra nước ngoài, các bạn nên xem lại đã đi được bao nhiêu phần trăm cảnh đẹp của đất nước mình".

Mặt khác, ông Nguyễn Trung Công cũng chia sẻ, ngoài cảnh đẹp thiên nhiên, cơ sở lưu trú tại Việt Nam cũng rất đa dạng. Mỗi nhóm cơ sở lưu trú có đặc điểm khác nhau.

Ông nhấn mạnh, đây là thời điểm vàng khám phá du lịch Việt Nam vì dải đất hình chữ S kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời, nhằm kích cầu du lịch, hiện nay nhiều tour, combo du lịch có giá tốt chưa từng có, thời tiết thuận lợi, thiên nhiên trở nên trong lành và sạch sẽ hơn cũng như đa dạng các loại hình du lịch.

Đồng quan điểm này, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, cho rằng dịch bệnh đã khiến người dân trong nước không đi du lịch nước ngoài được. Do đó, nên xem đây là thời cơ, thời điểm vàng để kéo người dân đi du lịch trong nước.

Về hãng hàng không, Bamboo kết hợp với hệ sinh thái của FLC tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo. Ngoài đưa ra các gói combo cho du khách còn kết hợp với nhiều doanh nghiệp làm tour du lịch, quần thể nghỉ dưỡng, giúp những người không có điều kiện cũng có cơ hội đi du lịch.

Đại diện FLC Trịnh Văn Quyết nhận định, thời gian tới, người Việt sẽ có xu hướng đi du lịch trong nước nhiều hơn và điều ông mong muốn là những người làm du lịch hãy tuân thủ quy định, không "chặt chém" du khách, luôn lịch sự, niềm nở thì du lịch chắc chắn sẽ "phất".

Giải pháp phải đi cùng hành động

Ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã bày tỏ quan điểm, việc đảm bảo du lịch an toàn và kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển du lịch trong nước với các chính sách ưu đãi, giảm giá gắn với chất lượng để làm sao người dân có tiền đi du lịch đang là yêu cầu đặt ra.

Ông cho hay, trong năm 2019, lượng khách du lịch Việt Nam, quốc tế đạt khoảng 18,5 triệu. Tổng doanh thu, du lịch nội địa chỉ chiếm 45%, còn lại là từ khách quốc tế. Người Việt Nam cũng có xu hướng đi du lịch nước ngoài và chi tiêu rất nhiều.

"Chúng ta còn hạn chế về sản phẩm chi tiêu tại địa phương. 80 triệu khách nội địa sẽ thúc đẩy bao nhiêu ngành sản xuất, bao nhiêu ngành kinh doanh khác? Chúng ta có thể chờ đợi du lịch bùng nổ, song vẫn phải nhìn vào hàng không, thương mại, ăn uống...", Thứ trưởng Lê Quang Tùng chia sẻ.

du lịch Việt Nam
Muốn mở du lịch phải mở hàng không, các địa phương cần đưa ra những chính sách, cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện những kế hoạch phục hồi

Để có những bước đi phục hồi, đưa ngành du lịch trở lại thì cần phải có một kế hoạch chung, của toàn bộ nền kinh tế. Muốn mở du lịch phải mở hàng không, các địa phương cần đưa ra những chính sách, cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện những kế hoạch phục hồi.

Từ các sản phẩm du lịch của doanh nghiệp, ông Tùng cho rằng làm du lịch phải có liên kết. Bởi nếu không chia sẻ với nhau, như hàng không không chia sẻ với khách sạn, nhà hàng thì sẽ sụp đổ nhanh chóng.

Vì vậy, ngành du lịch mong muốn các doanh nghiệp liên kết để triển khai chính sách nhằm sớm thực hiện kế hoạch phục hồi, tận dụng thời điểm vàng cho ngành du lịch.

 

PV