Kiểm định mối quan hệ giữa phát triển tài chính và giảm nghèo bằng mô hình FMOLS

ThS. PHẠM BÍCH HỒNG (Giảng viên, Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện nhằm kiểm định mối quan hệ giữa phát triển tài chínhgiảm nghèo với dữ liệu bảng gồm 49 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp trên thế giới. Kết quả chỉ ra rằng, phát triển tài chính làm gia tăng thu nhập bình quân đầu người và giúp giảm tỷ lệ nghèo ở các quốc gia này.

Từ khóa: phát triển tài chính, giảm nghèo, quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, mô hình FMOLS, hiện tượng đồng liên kết.

1. Giới thiệu

Phát triển tài chính luôn được xem là thước đo đo lường sự phát triển của một nền kinh tế, đồng thời khi một nền kinh tế phát triển, đời sống của người dân cũng sẽ được nâng cao. Đã có rất nhiều nghiên cứu xem xét mối quan hệ giữa phát triển tài chính và phát triển kinh tế, tuy nhiên những nghiên cứu về mối quan hệ giữa phát triển tài chính và giảm nghèo lại ít được thực hiện và có những kết quả không đồng nhất. Điển hình như nghiên cứu của Quartey (2005) cho rằng phát triển tài chính có tác động làm giảm nghèo nhưng lại không đáng kể hay nghiên cứu của Odhiambo (2009) lại chỉ ra rằng giảm nghèo sẽ tác động làm tăng phát triển tài chính.

Mục tiêu của bài nghiên cứu là xem xét mối quan hệ giữa phát triển tài chính và giảm nghèo để trả lời cho câu hỏi “Liệu phát triển tài chính có thực sự giúp giảm nghèo hay không?” với những bằng chứng thực nghiệm rõ ràng.

2. Cơ sở lý thuyết và kết quả các nghiên cứu trước đây

Nghèo là một vấn đề nan giải mà rất nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp đang phải đối mặt khi mức sống của người dân ở mức thấp, họ bị thiếu những nhu cầu cơ bản như lương thực, quần áo, nước sạch,... Ngân hàng Thế giới (1990) đã định nghĩa nghèo là tình trạng không có khả năng để sống ở mức sống tối thiểu.

Ngoài ra, Đinh Phi Hổ (2009) đã đưa ra khái niệm nghèo là tình trạng bị thiếu thốn về nhiều phương diện như thu nhập thấp do thiếu cơ hội tạo thu nhập, thiếu những nhu cầu cơ bản hằng ngày của cuộc sống, thiếu tài sản để tiêu dùng lúc bất trắc xảy ra và dễ bị tổn thương trước những mất mát.

Mối quan hệ giữa phát triển tài chính và giảm nghèo được hình thành và xây dựng dựa trên những nền tảng lý thuyết kinh tế. Điển hình là mô hình tăng trưởng Harrod - Domar chứng minh rằng phát triển tài chính sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế lại giúp thu nhập của người dân tăng lên. Khi thu nhập tăng lên thì hàm tiêu dùng của Keynes đã cho thấy chi tiêu tiêu dùng của người dân cũng sẽ cao hơn. Khi người dân có đủ tiền để trang trải cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như lương thực thực phẩm thì họ đã giảm nghèo. Bên cạnh tác động gián tiếp này, phát triển tài chính lại có tác động trực tiếp giúp giảm nghèo do phát triển tài chính giúp người nghèo có thể tiếp cận các khoản vay dễ dàng hơn và phá vỡ vòng xoáy nghèo của chính họ.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Sehrawat và Giri (2016), người nghèo có thể được hưởng lợi một cách trực tiếp từ phát triển tài chính bằng nhiều hình thức.

Thứ nhất, người nghèo có thể hưởng lợi từ việc giảm chi phí tiếp cận vốn vay. Ở các nước đang phát triển, chi phí vay vốn thường khá cao do sự bất hoàn hảo của thị trường tài chính. Hơn nữa, hiện tượng thông tin bất cân xứng giữa người cho vay và người đi vay khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc xác định mức độ rủi ro tín dụng đối với các đối tượng khác nhau và do đó, ngân hàng có thể giảm lượng tiền cho vay. Đôi khi, các ngân hàng thiết lập các chi phí sàng lọc để xác định rủi ro của các dự án khác nhau và khả năng trả nợ của người đi vay, thế nhưng điều này lại làm gia tăng chi phí liên quan đến việc đi vay. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng thiết lập các điều khoản về tài sản thế chấp để phòng ngừa rủi ro khách hàng không thể trả được nợ. Thế nhưng, người nghèo thường không có đủ tiền hoặc tài sản cho việc thế chấp, nên họ thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay. Vì vậy, mặc dù người nghèo có những dự án có khả năng sinh lợi, họ vẫn không thể tiếp cận các khoản vay để thực hiện dự án của mình. Bên cạnh đó, người nghèo cũng không có đủ tiền hoặc không thể vay mượn để nâng cao trình độ học vấn hay mua bảo hiểm để phòng ngừa những rủi ro khi có những cú sốc kinh tế tiêu cực bất ngờ xảy ra.

Thứ hai, người nghèo sẽ nhận được lợi ích từ phát triển tài chính do có nhiều tiền hơn được lưu thông trong nền kinh tế. Thay vì trao đổi hàng hóa thực cho nhau, người nghèo có nhiều cơ hội hơn để sử dụng tiền như là phương tiện lưu thông. Điều này sẽ giúp giảm chi phí trong việc tìm kiếm đối tác kinh doanh, lưu trữ và vận chuyển hàng hóa nông nghiệp bởi tiền là phương tiện thanh toán dễ dàng phân chia, không tốn kém trong vận chuyển. Song song đó, gia tăng tính khả dụng của tiền cũng thúc đẩy thương mại giữa các vùng miền. Khi có nhiều tiền được lưu thông trong nền kinh tế, chi phí giao dịch có thể giảm xuống.

Bên cạnh đó, người nghèo có thể hưởng lợi từ phát triển tài chính do tăng các cơ hội tiết kiệm. McKinnon (1973) cho rằng, nếu người nghèo có thể gửi tiết kiệm, họ sẽ nhận được thu nhập từ tiền lãi và dần dần tích lũy tài sản. Do tín dụng khan hiếm ở những nước đang phát triển, người nghèo cần phải tiết kiệm trước khi có thể đầu tư. McKinnon tin rằng, người nghèo có thể tích lũy các khoản tiết kiệm và hưởng lợi khi họ tài trợ cho chính những dự án đầu tư của mình. Nếu người nghèo không thể tiết kiệm, họ sẽ không thể tích lũy tài sản và thoát khỏi cảnh nghèo. Do đó, phát triển tài chính có thể giúp người nghèo tích lũy tài sản bằng cách khiến việc mở tài khoản tiết kiệm ở các tổ chức tài chính dễ dàng thực hiện hơn.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Odhiambo (2009) lại chỉ ra rằng, giảm nghèo sẽ tác động làm tăng phát triển tài chính bằng việc phân tích mối quan hệ nhân quả giữa phát triển tài chính và giảm nghèo ở Zambia với dữ liệu hàng năm từ 1969 đến 2006 bằng phương pháp ARDL. Mặt khác, Quartey (2005) cho thấy rằng phát triển tài chính có tác động làm giảm nghèo nhưng không đáng kể  khi xem xét mối quan hệ giữa phát triển tài chính, huy động tiết kiệm và giảm nghèo ở Ghana trong giai đoạn 1970-2001.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Dữ liệu nghiên cứu

Bài nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng của 49 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong giai đoạn 1995-2015 để xem xét tác động của phát triển tài chính lên giảm nghèo (trong đó có Việt Nam).

3.2. Các biến nghiên cứu

Bảng 1. Các biến được sử dụng trong nghiên cứu

Các biến được sử dụng trong nghiên cứu

3.3. Phương pháp ước lượng

Phương pháp FMOLS dành cho dữ liệu bảng: Do có hiện tượng đồng liên kết, phương pháp FMOLS được áp dụng nhằm xem xét mối quan hệ cân bằng dài hạn. Phương pháp ước lượng bình phương nhỏ nhất có điều chỉnh (FMOLS) sẽ giải thích cho hiệu ứng tương quan chuỗi và hiện tượng nội sinh trong mô hình do có sự tồn tại của hiện tượng đồng liên kết.

Như vậy với dữ liệu và mục tiêu nghiên cứu của bài, phương pháp FMOLS sẽ được sử dụng để thực hiện hồi quy mô hình:

LPOVit = αit + β1LCRit + β2LM3it + β3LTOit + β4LCPIit + εit  (1)

Vì LPOV, LCR, LM3, LTO và LCPI là logarit tự nhiên của các biến POV, CR, M3, TO và CPI nên các hệ số hồi quy có thể được xem như hệ số co dãn. Bài nghiên cứu sử dụng mô hình FMOLS để xem xét 1% tăng thêm trong tỷ lệ tín dụng nội địa của khu vực tư nhân sẽ làm tăng bao nhiêu % chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người; 1% tăng thêm trong tỷ lệ cung tiền M3/GDP sẽ làm tăng bao nhiêu % chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người; 1% tăng thêm trong độ mở thương mại sẽ làm tăng bao nhiêu % chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người, và 1% tăng thêm trong chỉ số giá tiêu dùng sẽ làm tăng bao nhiêu % chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người.

4. Kết quả nghiên cứu

Kết quả hồi quy mô hình FMOLS

Dựa vào kết quả ước lượng mô hình hồi quy bằng phương pháp FMOLS, có thể thấy tất cả các hệ số hồi quy đứng trước các biến LCR, LM3, LTO và LCPI đều dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 5% (p-value của tất cả các hệ số hồi quy đều nhỏ hơn 5%). Vì LPOV, LCR, LM3, LTO và LCPI là logarit tự nhiên của các biến POV, CR, M3, TO và CPI nên các hệ số hồi quy có thể được xem như hệ số co dãn. Kết quả chỉ ra rằng, cứ 1% tăng thêm trong tỷ lệ tín dụng nội địa của khu vực tư nhân làm tăng 0.25% chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người; 1% tăng thêm trong tỷ lệ cung tiền/GDP làm tăng gần 0.32% chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người; 1% tăng thêm trong độ mở thương mại làm tăng 0.31% chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người, và 1% tăng thêm trong chỉ số giá tiêu dùng làm tăng 0.88% chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người.

Bảng 2. Kết quả hồi quy mô hình FMOLS

Kết quả hồi quy mô hình FMOLS

Sau khi thực hiện hồi quy các chuỗi dữ liệu theo kỹ thuật FMOLS, bài nghiên cứu tiếp tục kiểm định tính dừng của phần dư (resid) thu được trong mô hình. Với kiểm định LLC và IPS, có thể thấy p-value nhận được luôn thấp hơn 5%, như vậy giả thuyết H0 bị bác bỏ, và phần dư là một chuỗi dừng. Kết quả này cho thấy giữa các biến LPOV, LCR, LM3, LTO và LCPI có hiện tượng đồng liên kết xảy ra và mô hình FMOLS được sử dụng để ước lượng hồi quy giữa các biến là phù hợp.

5. Kết luận

Bằng phương pháp FMOLS, bài nghiên cứu đã xem xét mối quan hệ trong dài hạn giữa phát triển tài chính và giảm nghèo ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng có hiện tượng đồng liên kết xảy ra giữa các biến đại diện cho phát triển tài chính và giảm nghèo. Kết quả hồi quy mô hình FMOLS chỉ ra mối tương quan cùng chiều và có ý nghĩa thống kê giữa biến đại diện cho phát triển tài chính và biến đại điện cho giảm nghèo.

Giảm nghèo bền vững là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia ở Việt Nam. Nghiên cứu này đã cho thấy người nghèo được hưởng lợi từ phát triển tài chính, thông qua việc tiếp cận dễ dàng hơn đến các khoản tín dụng cá nhân. Chính vì vậy, việc phát triển tín dụng cá nhân dành cho người nghèo là vô cùng quan trọng để Việt Nam có thể giảm nghèo bền vững.

Tóm lại, nghiên cứu đã góp phần bổ sung các bằng chứng thực nghiệm để chứng minh rằng phát triển tài chính giúp giảm nghèo. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa làm rõ về ảnh hưởng của các cú sốc tài chính lên người nghèo. Đây có thể là một hướng mở rộng cho nghiên cứu trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Honohan, P. (2004). Financial development, growth and poverty: How close are the links? Policy Research Working Paper No. 3203. World Bank: Washington, DC. © World Bank. https://openknowledge.worldbank.org/ handle/10986/14439 License: CC BY 3.0 IGO.
  2. McKinnon, R.I. (1973). Money and Capital in Economic Development. Washington: The Brooking Institution Press.
  3. Odhiambo, N.M. (2009). Finance-growth-poverty nexus in South Africa: A dynamic causality linkage. The Journal of Socio-Economics. 38(2). 320-325.
  4. Odhiambo, N.M. (2009). Financial deepening and poverty reduction in Zambia: An empirical investigation. International Journal of Social Economics. 37(1). 41-53.
  5. Quartey, P. (2005). Financial sector development, savings mobilization and poverty reduction in Ghana. WIDER Working Paper Series RP2005-71, World Institute for Development Economic Research (UNU-WIDER), Finland.
  6. Sehrawat, M. and Giri, A.K. (2016). Financial development and poverty reduction: panel data analysis of South Asian countries. International Journal of Social Economics, 43(4). 400-416.
  7. World Bank. (1990). World Development Report 1990: Poverty. New York: Oxford University Press.
  8. World Bank. (2000). Beyond economic growth, meeting the challenges of global development. New York: Oxford University Press.
  9. World Bank. (2001). Finance for growth: Policy choices in a volatile world. New York: Oxford University Press.

EXAMINING THE RELATIONSHIP BETWEEN FINANCIAL

DEVELOPMENT AND POVERTY REDUCTION

WITH THE USE OF FMOLS MODEL

• Master. PHAM BICH HONG

Lecturer, Ho Chi Minh City University of Transport

ABSTRACT:

This study examines the relationship between financial development and poverty reduction in 49 low- and middle-income countries. The study’s results indicate that the financial development increases the per capita income and reduces the poverty in these studied countries.

Keywords: financial development, poverty reduction, low- and middle-income countries, FMOLS model, co-integration.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]