Kiểm soát chất lượng kiểm toán tại Đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước - Kinh nghiệm từ Indonesia

ThS. NGUYỄN HOÀNG GIANG (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Bài viết đề cập đến: (1) Vai trò của kiểm soát chất lượng kiểm toán; (2) Chất lượng kiểm toán và các nhân tố ảnh hưởng; (3) Kinh nghiệm kiểm soát chất lượng kiểm toán tại Đoàn kiểm toán Indonesia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Từ khóa: Kiểm soát chất lượng kiểm toán, đoàn kiểm toán Indonesia, kiểm toán Nhà nước.

I. Vai trò của kiểm soát chất lượng kiểm toán

Kết quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nhằm cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nhà nước sự xác nhận, đánh giá về tính trung thực, hợp lý, hợp pháp và hiệu quả kinh tế của các thông tin được kiểm toán, là căn cứ tin cậy để đề ra những quyết sách của Nhà nước. Chất lượng kiểm toán có ý nghĩa quyết định trong việc khẳng định vị thế, uy tín và hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTNN. Do đó, KTNN phải bảo đảm kết quả kiểm toán đáp ứng yêu cầu chất lượng, đáng tin cậy và đã được kiểm soát chất lượng đầy đủ, thích hợp. Chính vì lẽ đó, kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) được Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) thừa nhận như một định chế bắt buộc và là trách nhiệm được quy định rõ trong chuẩn mực kiểm toán. Chuẩn mực kiểm toán “Giám sát và kiểm tra lại” của INTOSAI đã nêu rõ: "Công việc của kiểm toán viên ở mỗi cấp và mỗi giai đoạn kiểm toán phải được giám sát một cách đúng đắn trong quá trình kiểm toán và các công việc được thể hiện bằng văn bản phải được một thành viên cấp cao của đội ngũ kiểm toán kiểm tra lại".

Ở Việt Nam, KTNN đã ban hành Chuẩn mực kiểm toán số 10 "Kiểm tra và soát xét chất lượng kiểm toán" (năm 1999), hiện nay là Chuẩn mực kiểm toán số 08 "Kiểm soát chất lượng kiểm toán" (năm 2010); và khẳng định đây là yêu cầu tất yếu khách quan, là một quy phạm bắt buộc đối với hoạt động kiểm toán ở mỗi bước và mỗi giai đoạn kiểm toán, giúp cho KTNN thấy rõ thực trạng chất lượng kiểm toán; từ đó có các biện pháp điều chỉnh, khắc phục những bất hợp lý, hoàn thiện chính sách quản lý, phương pháp làm việc, tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ kiểm toán viên (KTV) nhằm mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Vì vậy, việc thiết lập và duy trì một cơ chế kiểm soát chất lượng hiệu lực và hiệu quả là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhất là đối với cơ quan KTNN còn non trẻ như KTNN Việt Nam.

II. Những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng của KTNN

Chất lượng kiểm toán của KTNN là mức độ thỏh mãn của các đối tượng sử dụng kết quả kiểm toán về tính khách quan, trung thực và độ tin cậy vào các kết luận, đánh giá và nhận xét của KTNN, đồng thời thỏm mãn về các kiến nghị, giải pháp do KTNN đưa ra, với chi phí hoạt động kiểm toán hợp lý.

Có nhiều nhân tố khách quan, chủ quan tác động, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chất lượng kiểm toán của KTNN, tuy nhiên ở đây sẽ tập trung phân tích một số nhân tố chủ yếu xuất phát từ bên ngoài KTNN và nhân tố xuất phát từ bên trong môi trường KTNN, cụ thể:

1. Nhóm yếu tố bên ngoài KTNN

Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động kiểm toán từ bên ngoài bao gồm:

- Một là, vấn đề liên quan đến tính độc lập của cơ quan KTNN. Tính độc lập là yếu tố quan trọng hàng đầu, tác động trực tiếp đến chất lượng kiểm toán, bởi vì trong hoạt động kiểm toán mọi ý kiến nhận xét, đánh giá, kết luận cũng như kiến nghị của KTV đều phải dựa trên những bằng chứng kiểm toán và quy định của pháp luật. Tuyên bố Lima của INTOSAI về các nguyên tắc kiểm toán đã nhấn mạnh: Các cơ quan Kiểm toán tối cao chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách khách quan và hiệu quả khi độc lập với đơn vị được kiểm toán và được bảo vệ trước các ảnh hưởng từ bên ngoài.

- Hai là, trình độ phát triển của nền kinh tế, xã hội nói chung và lĩnh vực kế toán, kiểm toán và quản lý tài chính nói riêng phát triển ở mức hòa nhập được với chuẩn mực kế toán và kiểm toán quốc tế, thì chất lượng kiểm toán cũng được chú trọng và đảm bảo.

- Ba là, môi trường thực thi pháp luật của xã hội ở mức tuân thủ thì các gian lận, sai phạm trong hoạt động kế toán, kiểm toán sẽ được hạn chế, lúc đó rủi ro đối với hoạt động kiểm toán cũng giảm thiểu và chất lượng kiểm toán được nâng cao.

- Bốn là, phương tiện truyền thông cũng là một trong những tác nhân góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán; khi hệ thống thông tin truyền thông phát triển. Để đảm bảo uy tín của mình trước các thông tin đại chúng thì chất lượng thông tin do cơ quan KTNN cung cấp thông qua phát hành các báo cáo kiểm toán phải được đảm bảo, đáng tin cậy.

2. Nhóm yếu tố bên trong môi trường KTNN

Nhóm yếu tố bên trong môi trường KTNN thuộc về chủ quan của cơ quan KTNN, như: cơ cấu tổ chức, cơ chế phân công, phân nhiệm; chính sách cán bộ; các quy định về chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán; trình độ và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên (KTV), công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán… Đây là những yếu tố chủ quan, tác động trực tiếp, quyết định đến chất lượng kiểm toán của KTNN. Những yếu tố này thuộc phạm vi của KTNN nên KTNN có thể kiểm soát được thông qua các chính sách, thủ tục, cụ thể:

- Một là, cơ cấu tổ chức và cơ chế phân cấp, phân nhiệm của KTNN

Đối với cơ quan KTNN, đối tượng kiểm toán rất rộng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực thu, chi ngân sách nhà nước, sử dụng tiền và tài sản nhà nước tại các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị dự toán, doanh nghiệp nhà nước…; mặt khác hoạt động kiểm toán được thực hiện theo Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và KTV, vì thế việc phân công, phân cấp nhiệm vụ lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Bởi vì, nếu việc thiết lập cơ cấu tổ chức và cơ chế phân cấp, phân nhiệm không hợp lý sẽ tạo ra sự chồng chéo, thiếu chuyên sâu về từng lĩnh vực, dẫn tới chất lượng công việc không cao. Do đó, cơ cấu tổ chức của cơ quan KTNN nên theo hướng chuyên môn hóa kiểm toán theo từng lĩnh vực và từng chuyên ngành, sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị, KTV tăng cường trách nhiệm và chuyên sâu, từ đó phát huy sở trường và khả năng của KTV nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán. Đồng thời phải chú ý đến phân cấp cụ thể, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng đơn vị, bộ phận, nhất là trách nhiệm của tổ kiểm toán và Tổ trưởng; trong đó cần đặc biệt chú trọng xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng khâu trong việc kiểm soát chất lượng kiểm toán.

- Hai là, chính sách cán bộ, đào tạo và tiền lương

Chính sách cán bộ: Chất lượng KTV phụ thuộc chủ yếu vào chính sách cán bộ, đào tạo và tiền lương. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp các KTV thực hiện tốt công việc của mình một cách hiệu quả, các chính sách này có thể bao gồm: máy tính xách tay, mạng máy tính nội bộ, phương tiện liên lạc… Mặc dù những yếu tố này không tham gia trực tiếp tạo nên chất lượng kiểm toán nhưng nếu có chính sách cán bộ thích hợp sẽ giúp cơ quan KTNN tuyển chọn những người đủ tài, đức vào làm việc và khuyến khích họ phát huy được năng lực chuyên môn, nâng cao trách nhiệm trong công việc.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho KTV cũng cần được các tổ chức kiểm toán quan tâm, coi trọng. Bởi vì, hoạt động kiểm toán có tính độc lập cao, trình độ nghiệp vụ của KTV có ý nghĩa quyết định đến chất lượng kiểm toán; sự đa dạng của đối tượng kiểm toán, cũng như sự thay đổi của chính sách pháp luật, sự phát triển của khoa học - kỹ thuật… đòi hỏi KTV phải thường xuyên trau dồi, nâng cao kiến thức nghiệp vụ, pháp luật.

Chính sách tiền lương: KTV thường xuyên làm việc trong điều kiện xa cơ quan, gia đình; cường độ công việc cao, lại luôn bị áp lực về kinh tế, chính trị, dễ bị mua chuộc bởi lợi ích vật chất và lợi ích khác. Vì vậy, chính sách tiền lương có tác động trực tiếp đến việc khuyến khích KTV tích cực làm việc, đồng thời là phương tiện hữu hiệu bảo vệ đạo đức nghề nghiệp, tránh xa cám dỗ vật chất.

- Ba là, các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ

Để tránh những rủi ro cho KTV trong quá trình kiểm toán, đồng thời có cơ sở để kiểm soát và bảo đảm chất lượng kiểm toán, hoạt động kiểm toán nói chung và Kiểm toán Nhà nước nói riêng phải tuân theo những chuẩn mực, quy trình và phương pháp kiểm toán nhất định; ngoài ra còn phải chịu sự điều chỉnh của quy chế hoạt động và tổ chức của Đoàn kiểm toán. Như vậy, các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng kiểm toán. Hệ thống chuẩn mực, quy trình và phương pháp kiểm toán, quy chế tổ chức và hoạt động kiểm toán là cơ sở để thực hiện và quản lý hoạt động kiểm toán, cũng như kiểm soát hoạt động kiểm toán, bảo đảm chất lượng kiểm toán.

- Bốn là, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên

KTV là người trực tiếp thực hiện kiểm toán, đưa ra kết quả kiểm toán, do đó chất lượng kiểm toán được quyết định bởi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của KTV.

- Năm là, kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán

Để bảo đảm chất lượng kiểm toán, KTNN cần phải có quy chế công khai, cụ thể việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán theo từng cấp, từng giai đoạn cũng như trách nhiệm của mỗi KTV, cán bộ quản lý trong công tác kiểm toán.

Để kiểm soát chất lượng kiểm toán tại các Đoàn kiểm toán thực sự có hiệu lực và hiệu quả, KTNN cần xây dựng và thực hiện các thủ tục kiểm soát thích hợp đối với từng giai đoạn của quy trình kiểm toán dựa trên nguyên tắc xác định rõ trách nhiệm kiểm soát của các cấp cũng như đối tượng, phạm vi, hình thức và nội dung kiểm soát chất lượng kiểm toán tại Đoàn kiểm toán.

III. Kinh nghiệm nước ngoài về kiểm soát chất lượng kiểm toán tại Đoàn kiểm toán Indonesia và bài học cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam

1. Kinh nghiệm kiểm soát chất lượng tại Đoàn kiểm toán thuộc Văn phòng đại diện Makassar (Makassar RO) của Kiểm toán Nhà nước Indonesia

Makassar là văn phòng đại diện của KTNN Indonesia tại thủ đô Bali (Makassar RO). Makassar RO có khoảng 104 KTV và hàng năm phải thực hiện kiểm toán tài chính bắt buộc tại 25 đơn vị trong cùng một thời điểm. Do số lượng KTV có hạn, đồng thời bị giới hạn về thời gian kiểm toán, nên chất lượng kiểm toán của Makassar RO đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Hiện nay, Lãnh đạo Makassar RO rất chú trọng công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, đặc biệt là công tác kiểm soát chất lượng tại Đoàn kiểm toán. Quá trình kiểm soát chất lượng kiểm toán tại Đoàn kiểm toán được thực hiện tại 3 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, giai đoạn thực hiện kiểm toán, giai đoạn lập Báo cáo kiểm toán và các bước sau cuộc kiểm toán; đồng thời Makassar RO cũng quy định rất rõ vai trò, nhiệm vụ kiểm soát đối với từng cấp kiểm soát cụ thể có liên quan đến cuộc kiểm toán bao gồm: người đứng đầu Makassar RO, Kiểm soát viên (độc lập với Đoàn kiểm toán), Trưởng đoàn kiểm toán, và TP3 (Bộ phận có vai trò lập chương trình kiểm toán tổng thể cho cuộc kiểm toán).

- Giai đoạn chuẩn bị kiểm toán:

Makassasr RO thiết lập một bộ phận có tên gọi “Tim Perencanaan Pengkajian Pemeriksaan” (TP3), TP3 có nhiệm vụ thiết lập một chương trình kiểm toán tổng thể, chương trình kiểm toán này sẽ xem xét tất cả các khía cạnh kiểm toán như: chương trình kiểm toán, thủ tục kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán và Báo cáo kiểm toán nhằm phục vụ cho việc thu thập bằng chứng kiểm toán. Thành viên của TP3 bao gồm một số KTV cấp cao có năng lực chuyên môn đạt tiêu chuẩn như một Trưởng đoàn cấp cao. Thông qua các cuộc thảo luận, TP3 đưa ra những khả năng sai phạm có thể xảy ra tại đơn vị được kiểm toán thông qua việc thu thập thông tin về đơn vị được kiểm toán, những thông tin này có thể được thu thập bằng nhiều cách khác nhau như: thông tin thu thập được từ những cuộc kiểm toán trước đó (những rủi ro về công tác quản lý nguồn tài chính bị lạm dụng) hoặc thu thập từ nguồn thông tin không chính thức (qua báo chí, truyền hình…). Sau khi đã thu thập đầy đủ thông tin, TP3 sẽ thiết lập một chương trình kiểm toán tổng thể và gửi cho tất cả những kiểm soát viên, các KTV cấp cao và Đoàn kiểm toán để áp dụng.

Sau khi có được chương trình kiểm toán tổng thể, Trưởng đoàn kiểm toán sẽ thiết lập một chương trình kiểm toán cho từng lĩnh vực được kiểm toán, thông thường chương trình kiểm toán chỉ được thiết lập khi Báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán gửi đến Makassar RO, chương trình kiểm toán phải được thiết lập căn cứ theo chương trình kiểm toán tổng thể, các điều kiện của từng lĩnh vực và những thông tin thu thập được từ những lần kiểm toán trước.

Trưởng đoàn kiểm toán có trách nhiệm gửi chương trình kiểm toán cho Kiểm soát viên xem xét, phê duyệt; sau đó những chương trình kiểm toán này sẽ được gửi đến cho người đứng đầu của Makassar RO.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng chương trình kiểm toán, nếu thấy những vấn đề có độ rủi ro cao (được đánh giá từ những lần kiểm toán trước hoặc từ những nguồn thông tin khác) thì Đoàn kiểm toán và Kiểm soát viên sẽ phải thảo luận để xem xét lại và hoàn thiện chương trình kiểm toán.

- Giai đoạn thực hiện kiểm toán:

Trưởng đoàn kiểm toán có trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện kiểm toán của KTV để đảm bảo quá trình kiểm toán được thực hiện tuân thủ đúng nội dung, quy trình, thủ tục, mục tiêu của chương trình kiểm toán và đạt hiệu quả trong công việc. Trong trường hợp, nếu thay đổi hoặc thêm nội dung kiểm toán vào chương trình, Trưởng đoàn kiểm toán có trách nhiệm báo cáo cho Kiểm soát viên. Hàng tuần, Trưởng đoàn kiểm toán có trách nhiệm gửi báo cáo quá trình thực hiện kiểm toán cho Kiểm soát viên và người đứng đầu Makassar RO bằng email hoặc fax để báo cáo.

Kiểm soát viên có trách nhiệm yêu cầu Đoàn kiểm toán gửi báo cáo quá trình thực hiện kiểm toán. Trong trường hợp đặc biệt, khi Đoàn kiểm toán gặp phải vấn đề và báo cáo với Kiểm soát viên (bao gồm cả những vấn đề mang tính kỹ thuật và phi kỹ thuật), nếu Trưởng đoàn không tự giải quyết được vấn đề thì người giám sát phải trực tiếp xuống đơn vị để giúp giải quyết. Tuy nhiên, nếu Đoàn kiểm toán không gặp vấn đề khó khăn thì Kiểm soát viên phải chọn một thời điểm nhất định đích thân xuống đơn vị được kiểm toán để kiểm soát quá trình thực hiện kiểm toán của Đoàn xem có gặp phải vấn đề gì không.

- Giai đoạn lập Báo cáo kiểm toán và các bước sau cuộc kiểm toán:

Sau khi kết thúc cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán có trách nhiệm lập dự thảo Báo cáo kiểm toán gửi cho đại diện của đơn vị được kiểm toán, thông thường sẽ gửi cho thủ trưởng đơn vị. Các kết quả kiểm toán sẽ được đưa ra thảo luận giữa Đoàn kiểm toán và Ban lãnh đạo của đơn vị được kiểm toán. Trong buổi thảo luận, đơn vị được kiểm toán có cơ hội đưa ra ý kiến về kết quả kiểm toán, có thể một số kết quả kiểm toán đơn vị sẽ bác bỏ, không thừa nhận. Tất cả các kết quả kiểm toán cho dù đơn vị có thừa nhận hay bác bỏ cũng phải được nêu đầy đủ trong dự thảo Báo cáo kiểm toán.

Sau đó, dự thảo Báo cáo kiểm toán sẽ được gửi cho Kiểm soát viên và người đứng đầu Makassar RO để thảo luận, các kết quả kiểm toán sẽ được phân tích sâu hơn dựa trên căn cứ pháp lý và ý kiến giải trình của đơn vị. Trong trường hợp, kết quả kiểm toán được đồng thuận và bỏ khỏi dự thảo Báo cáo kiểm toán thì phải được nêu rõ trong biên bản cuộc họp. Còn lại những kết quả kiểm toán mang tính khách quan và có đầy đủ bằng chứng có tính pháp lý sẽ được tổng hợp trong dự thảo Báo cáo kiểm toán mới và bản dự thảo này sẽ được trình lên TP3 để xem xét kỹ hơn.

Để đưa ra kết luận cuối cùng, sẽ có một cuộc họp thảo luận giữa TP3 và Đoàn kiểm toán, thành phần tham gia bao gồm: Người đứng đầu Makassar RO, Kiểm soát viên, Trưởng đoàn và các thành viên trong Đoàn. Sau đó, dự thảo Báo cáo kiểm toán và biên bản cuộc họp giữa TP3 và Đoàn kiểm toán sẽ được trình lên người đứng đầu Makassar RO phê duyệt và đưa ra bản Báo cáo cuối cùng.

2. Bài học kinh nghiệm đối với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam

Từ kinh nghiệm kiểm soát chất lượng kiểm toán tại Đoàn kiểm toán của KTNN văn phòng đại diện Makassar của KTNN Indonesia, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho KTNN Việt Nam như sau:

- Trước hết KTNN cần nâng cao nhận thức đến các cấp quản lý của Đoàn kiểm toán và KTV về vai trò của KSCLKT tại Đoàn kiểm toán.

- Đối với Đoàn kiểm toán, công tác KSCLKT cần được chú trọng và nâng cao trong mỗi giai đoạn, mỗi bước công việc; công việc của KTV phải được cấp cao hơn kiểm tra, soát xét lại. Đồng thời trong quá trình thực hiện kiểm toán, KTV phải có trách nhiệm tự kiểm soát lại công việc mình đã làm để bảo đảm đã thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán, các nội dung kiểm toán, các bằng chứng kiểm toán là đầy đủ, đáng tin cậy nhằm nâng cao chất lượng kết quả, kết luận và kiến nghị kiểm toán.

- Cần phải có quy định cụ thể, xác định rõ nội dung, trách nhiệm kiểm soát của từng cấp độ kiểm soát (từ kiểm soát của bản thân KTV đến kiểm soát ở cấp cao nhất là lãnh đạo KTNN) trong từng giai đoạn của quá trình kiểm toán, đề cao và tăng cường trách nhiệm kiểm soát của từng cấp độ, đặc biệt là của Trưởng đoàn kiểm toán trong từng bước của quá trình kiểm toán.

- Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán gắn liền với cơ chế hoạt động của Đoàn kiểm toán để thực hiện giám sát và kiểm tra thường xuyên đối với quá trình kiểm toán của Đoàn kiểm toán: từ khâu lập Kế hoạch kiểm toán đến khâu thực hiện kiểm toán và lập Báo cáo kiểm toán.

- Xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng kiểm toán tại Đoàn kiểm toán.

- Ban hành hành đầy đủ, đồng bộ các chuẩn mực, quy định các tiêu chuẩn hay tiêu thức nhất định về kiểm soát chất lượng kiểm toán để làm căn cứ cho công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán tại Đoàn kiểm toán.

IV. Kết luận

KTNN ra đời xuất phát từ yêu cầu khách quan của công tác quản lý, từ những điều kiện nhất định về kinh tế và chính trị. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý của nhà nước, KTNN ngày càng thực hiện nhiều chức năng và có vị trí quan trọng trong kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động đối với mọi đối tượng được giao quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính, tài sản nhà nước. Vì vậy, chất lượng kiểm toán của KTNN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định độ tin cậy, hiệu lực, hiệu quả của các thông tin kiểm toán ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. PGS. TS. Nguyễn Đình Hựu (2004), Kiểm toán căn bản, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Hoàng Phú Thọ (2006), Hoàn thiện nội dung và phương thức kiểm soát chất lượng kiểm toán trong quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, Luận văn thạc sỹ kinh tế do GS. TS. Vương Đình Huệ hướng dẫn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

3. Đại học Kinh tế quốc dân (2008), Lý thuyết kiểm toán, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.

4. Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (2008), Kiểm toán, Nhà xuất bản Lao động xã hội, Hà Nội.

5. Kiểm toán Nhà nước (2004), 10 năm xây dựng và phát triển KTNN Việt Nam, Hà Nội.

QUALITY CONTROL AUDIT IN THE AUDIT DELEGATION

OF THE STATE AUDIT - EXPERIENCE FROM INDONESIA

● MA. NGUYEN HOANG GIANG

Faculty of Accounting - University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

The article mentions: (1) the role of quality control audits; (2) Audit quality and influencing factors; (3) Experience in controlling audit quality in Indonesian audit team and lessons for Vietnam.

Keywords: Quality Control, Indonesian Audit Delegation, State Audit.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây