Theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan có thẩm quyền điều tra và xử lý các hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế (TTKT) theo pháp luật cạnh tranh.

Tuy nhiên, hiện nay Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chưa được thành lập. Do đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường giám sát các hoạt động tập trung kinh tế của các doanh nghiệp trên thị trường.

Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh (bao gồm cả hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế) trong thời hạn 3 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia vẫn có thể tiến hành điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 80 Luật Cạnh tranh.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên thị trường thực hiện các nghĩa vụ về tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh một cách minh bạch, thuận lợi trong bối cảnh chưa có Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương đã xây dựng một số tài liệu gồm:

Hướng dẫn doanh nghiệp về thủ tục nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đến Bộ Công Thương;

Quy trình Đánh giá việc tập trung kinh tế theo quy định về thẩm định tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh;

Lưu ý doanh nghiệp về một số nội dung trong Hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.

Các tài liệu này đều được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) để các doanh nghiệp, các bên liên quan có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, đầy đủ.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ thông báo TTKT, Cục CT&BVNTD sẽ tiến hành đánh giá việc TTKT theo các quy định của Luật Cạnh tranh và Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.

Đặc biệt, Nghị định 35 đã quy định chi tiết, đầy đủ và rõ ràng về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế (theo tiêu chí doanh thu, tài sản, giá trị giao dịch và thị phần kết hợp trên thị trường liên quan), trường hợp tập trung kinh tế được phép thực hiện, nội dung đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế, khái niệm kiểm soát, chi phối trong mua lại,…

Do đó, việc kiểm soát hoạt động TTKT theo quy định của pháp luật cạnh tranh được Bộ Công Thương thực thi một cách rõ ràng, minh bạch.

Trường hợp TTKT có quan ngại về tác động gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường, Bộ Công Thương cũng đưa ra khuyến nghị về các điều kiện để doanh nghiệp thực hiện trước khi tiến hành TTKT.