Kiểm soát lạm phát hướng đến đa mục tiêu

Kiểm soát lạm phát không chỉ hướng đến chỉ tiêu Quốc hội giao mà cần phải được đặt trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, là đòn bẩy cho sản xuất kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng.

Trong 6 tháng đầu năm, thị trường giá cả diễn biến theo hướng tăng cao do quy luật trong dịp lễ, tết và đã giảm dần trong các tháng tiếp theo. Có thể kể đến một số yếu tố tác động làm gia tăng áp lực lên mặt bằng giá như nguyên nhiên vật liệu (xăng dầu, thép, vật liệu xây dựng…) có xu hướng tăng.

Nhưng cũng có một số yếu tố làm giảm áp lực, như giá thực phẩm ở mức thấp, giảm giá điện, chính sách tiền tệ, tín dụng được điều hành linh hoạt để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bởi ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ tư đã giúp lạm phát trong tầm kiểm soát. Theo thống kê, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm tăng 0,87% với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Các chuyên gia cho rằng, khả năng CPI cả năm đạt dưới 4%, thậm chí có thể dưới 3%. Theo tính toán, CPI mỗi tháng cuối năm còn có dư địa trên 1% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm dưới 4%. Do vậy, có thể thấy việc kiểm soát CPI bình quân cả năm ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.

Tuy nhiên, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần tuý đến vấn đề chỉ tiêu Quốc hội giao mà cần phải được đặt trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, là đòn bẩy cho sản xuất kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền lạm phát cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022.

Theo đánh giá, hiện vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược có thể tạo áp lực lên giá một số nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường quốc tế, từ đó tác động đến thị trường trong nước; dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng.

Với diễn biến lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm tăng 0,87% cùng kỳ là điều kiện thuận lợi để tạo dư địa kiểm soát lạm phát như mục tiêu.

Để có thể kiểm soát tốt lạm phát từ nay đến cuối năm, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục tập trung điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế; phối hợp hài hoà chính sách tài khoá với các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soạt lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng…

Theo đó, ngoài việc theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới để đánh giá giá cả thị trường hàng hoá thiết yếu, sẽ phải tính toán dự báo các tác động đến mặt bằng giá trong nước cũng như các tác động tới sản xuất kinh doanh để có các biện pháp cân đối cung cầu. Mặt khác, ngăn chặn kịp thời các hoạt động đầu cơ, thao túng giá cả, các hành động “tát nước theo mưa” để trục lợi…

Đồng thời, huy động các nguồn lực trong doanh nghiệp, các tầng lớp dân cư vào sản xuất kinh doanh. Nhà nước cần kiểm soát giá những mặt hàng vật tư, năng lượng chủ yếu và những mặt hàng thuộc danh mục định giá để ổn định đầu vào sản xuất. Cùng với đó, nghiên cứu mức dự trữ bình quân cần thiết cho việc tiêu thụ trong nước được ổn định và ít đột biến, nhất là những mặt hàng như xăng dầu.

Vĩnh Linh