Kiểm soát sự mất an toàn của nền móng công trình liền kề khi thi công ép cọc cho công trình xây chen

TRẦN QUANG TUẤN (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội)

TÓM TẮT:

Khi xảy ra sự cố mất an toàn, công trình thường có biểu hiện trước tiên ở phần kết cấu thân, thông qua các dấu hiện chuyển vị nghiêng, lún, biến dạng và nứt nẻ. Trong đó, có thể kể đến là nhóm nguyên nhân liên quan đến các vấn đề của nền móng. Bài viết trình bày nguyên nhân, cơ chế hình thành và nguyên tắc dự báo các sự cố khi thi công ép cọc cho công trình liền kề, từ đó đề xuất các biện pháp phòng chống.

Từ khóa: Xây chen, nguyên nhân, cơ chế hình thành, nguyên tắc dự báo, sự cố công trình, thi công ép cọc.

1. Đặt vấn đề

An toàn trong xây dựng công trình trong vùng xây chen là xây dựng công trình trong khu vực có mật độ xây dựng cao, thường là ở các khu đô thị. Đấy là nơi mà các nhà và công trình được xây dựng liền kề với các nhà và công trình hiện hữu, giữa chúng không có (hoặc rất ít) các khoảng không thông thoáng do quỹ đất được tận dụng tối đa cho công năng của công trình. Cũng do vậy, nhà và công trình trong vùng xây chen thường thấy là các nhà cao tầng với nhiều tầng hầm.

Xu hướng xây chen là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển đô thị với mục đích nâng cao điều kiện sống, làm việc của cư dân. Xu hướng này ở nước ta hiện nay đang phát triển rất mạnh tại nhiều thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng.

Một trong những đặc điểm khác biệt của xây dựng công trình xây chen là ảnh hưởng bất lợi của chúng đối với nhà, công trình và môi trường lân cận liền kề trong quá trình thi công và khai thác sử dụng. Do vậy, khi thi công ép cọc cho công trình liền kề không những phải đảm bảo cho bản thân công trình đang xây dựng mà còn phải quan tâm đặc biệt đến công tác dự báo xác định mức độ tác động của hoạt động xây dựng, khai thác tới độ ổn định của các công trình, môi trường liền kề. Dự báo sự suy giảm về chất lượng của chúng nhằm đề xuất, triển khai các biện pháp hữu hiệu bảo vệ và giảm thiểu hư hỏng cho các nhà, công trình hiện hữu.

Liên quan đến vấn đề này, ngoài các biện pháp kỹ thuật và hành chính đã được quy định cụ thể trong quy trình đảm bảo chất lượng các công trình xây dựng, một số các biện pháp đặc thù khác cần được triển khai ngay từ lúc bắt đầu dự án và đặc biệt trong quá trình thi công như: Khảo sát hiện trạng công trình và môi trường lân cận khu vực thi công, thiết kế và thẩm tra thiết kế biện pháp thi công, quan trắc địa kỹ thuật… Song cho tới nay, các biện pháp này còn chưa được quan tâm đầy đủ.

Trong vài năm qua, khối lượng công tác xây dựng trong vùng xây chen tăng đột ngột và công trình không chỉ tăng theo chiều cao mà còn theo chiều sâu. Chiều cao nhà đã vượt quá con số 70 tầng và chiều sâu tầng hầm đã tới con số 7. Và theo đó, số các sự cố nền móng công trình phát sinh liên quan trực tiếp đến các khiếm khuyết trong khâu kiểm định chất lượng cũng nhiều hơn, thiệt hại lớn hơn về quy mô, giải pháp khắc phục cũng khó và tốn kém hơn. Các sự cố này lan rộng trong tất cả các ngành xây dựng dân dụng công nghiệp, giao thông.

Cho đến nay, vấn đề kiểm soát chất lượng đối với các công trình xây chen còn chưa được quy định và hướng dẫn một cách hệ thống, mặc dù xây chen liên quan đến các bài toán địa kỹ thuật phức tạp. Trong đó, bài toán thi công đào hố móng sâu đã được Bộ Xây dựng quan tâm đặc biệt do nhiều sự cố nền móng đã xảy ra với thiệt hại đáng kể cho bản thân công trình đang thi công và cả các công trình liền kề. Hai Hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến vần đề này, Bộ Xây dựng đã ban hành kịp thời, có thể kể đến là Hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa sự cố thi công hố đào trong vùng đất yếu (2007) và Hướng dẫn kỹ thuật chống giữ thành hố đào sâu (2009).

2. Vấn đề kiểm soát an toàn của nền móng công trình liền kề khi thi công ép cọc cho công trình xây chen

2.1. Nguyên nhân gây sự cố

Tường cừ cọc dọc theo đường phố không liên tục để dòng thấm lôi đất lấp là cát chảy vào hố móng đang thi công. Tường cừ thép tiếp giáp đầu hồi chung cư không đủ độ cứng, có chuyển vị gây lún cho bề mặt đất xung quanh và nền nhà bị lún không đều. Các khảo sát sau này cho thấy, căn hộ tiếp giáp hố móng có móng đặt trên cừ tràm, trong khi các căn hộ khác có móng là móng cọc.

- Công trình vi phạm một số quy tắc về đảm bảo chất lượng trong khu vực xây chen, như:

+ Không điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng của công trình lân cận.

+ Không quan trắc địa kỹ thuật khi thi công cho các công trình lân cận và cho bản thân hố móng.

+ Tường cừ bảo vệ hố móng không được tính toán đầy đủ.

Còn nhiều các công trình khác tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong quá trình thi công đã gây các hư hỏng do nghiêng, lún cho các công trình hiện hữu, liền kề và tất cả chúng đều bị đình chỉ xây dựng ngay để khắc phục sự cố.

2.2. Kiểm soát an toàn của nền móng công trình liền kề khi thi công ép cọc cho công trình xây chen

Thông qua các đặc điểm khác biệt của xây dựng các công trình (đặc biệt là các công trình cao tầng với các tầng hầm) cũng như các đặc điểm sự cố xảy ra trong thời gian qua trong vùng xây chen cho thấy, công tác đánh giá, kiểm tra chất lượng các công trình xây chen còn nhiều sai sót. Ngoài các quy định chung cho công trình xây dựng, đối với các công trình trong khu vực xây chen cần nhấn mạnh một số vấn đề sau đây: Điều tra, khảo sát và đánh giá hiện trạng của các công trình hiện hữu liền kề với công trình thi công. Công tác này phải được thực thi trong quá trình lập dự án và được xem như là số liệu cơ sở xác định tính khả thi của dự án. Các số liệu điều tra bao gồm: Hiện trạng ổn định, kết cấu (chú trọng phần móng) phục vụ dự báo độ ổn định của công trình dưới tác động thi công và khai thác. Phạm vi điều tra khảo sát xung quanh công trình nằm trong phạm vi ảnh hưởng của thi công, khai thác công trình xây dựng và được dự báo trên cơ sở đặc điểm các công trình hiện hữu liền kề và công trình dự định xây dựng. Ví dụ, phạm vi điều tra hiện trạng các công trình liền kề ít nhất tới khoảng cách 2 lần độ sâu hố móng kể từ mép hố móng. Khâu này đều bị bỏ qua trong tất cả các sự cố công trình xây chen. Thiết kế, đặc biệt thiết kế biện pháp thi công cần chọn lựa các biện pháp tác động ít nhất tới công trình và môi trường xung quanh và phải tính toán cụ thể, cảnh báo mức độ các tác động, hậu quả của nó với công trình lân cận. Kinh nghiệm cho thấy, các công trình xung quanh bị tác động mạnh, ngay trong thời kỳ thi công đầu tiên, ví dụ như khi thi công tường cừ BTCT, cọc khoan nhồi.

Hiện nay, hầu hết thiết kế đều thiếu các thuyết minh chọn lựa giải pháp thi công và đánh giá cảnh báo tác động của chúng tới công trình và môi trường xung quanh. Theo quy định hiện hành, nhà thầu thi công phải đảm nhiệm thiết kế biện pháp thi công và thiết kế này phải được thẩm tra và được chủ đầu tư phê duyệt. Khi cần thiết phải thiết kế và thi công thử nghiệm, đánh giá trực tiếp tính khả thi của biện pháp thi công trước khi thi công đại trà. Quan trắc địa kỹ thuật phải được coi là một hạng mục thiết kế và được thực hiện trước, trong quá trình thi công các hạng mục cần quan trắc. Số liệu quan trắc phải được xử lý, đánh giá ngay nhằm khẳng định các dự báo của thiết kế biện pháp thi công và phát hiện kịp thời nguy cơ sự cố cũng như triển khai các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu sự cố.

Về quản lý chất lượng thi công, cần tuân thủ triệt để quy trình, khối lượng, tiến độ theo quy định, là cơ sở nghiệm thu từng phần, từng giai đọan ngay cả trong một hạng mục xây dựng. Nghiệm thu là cơ sở cho phép tiếp tục thi công các phần, giai đoạn sau. Về quản lý sự cố, khi có sự cố, phải xác định và thực thi ngay các biện pháp nhằm giảm thiểu sự phát triển của chúng. Các mệnh lệnh hành chính, dừng công trình có thể làm sự cố phát triển mạnh và nhanh hơn.

Về pháp nhân, năng lực của các bên tham gia dự án. Dự án xây chen là dự án đặc biệt phức tạp cả về kỹ thuật và quan hệ xã hội, cần thiết các nhà thầu chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm. Công tác tư vấn giám sát thi công xây lắp cần được đề cao, tránh hình thức và phải đạt được trình độ tư vấn giám sát có tính tự giác với nhiều kinh nghiệm thi công.

3. Kết luận

 3.1. Kinh nghiệm thực tế từ các sự cố công trình trong vùng xây chen

+ Các vấn đề kỹ thuật liên quan đến sự cố đều tường minh, đã được nói tới và cảnh báo nhiều.

+ Nguyên nhân dẫn tới sự cố, suy cho cùng, chính là ở khâu quản lý đánh giá chất lượng trong tất cả các giai đoạn thực hiện dự án từ lập dự án đến thiết kế, thi công. Quản lý chặt chẽ chất lượng là con đường duy nhất giảm thiểu sự cố công trình, đặc biệt các sự cố nền móng liên quan đến xây dựng trong vùng xây chen.

3.2. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức

Cần thiết tăng cường bồi dưỡng bằng cách mở các lớp chuyên đề, các lớp trao đổi kinh nghiệm, thông báo điều tra sự cố cho các đơn vị, cá nhân tham gia dự án về các kiến thức quản lý chất lượng, kiến thức kỹ thuật nền móng, thực tế thi công nhằm nâng cao nhận thức. Soạn thảo, ban hành kịp thời các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện các công việc nhằm cung cấp kiến thức cơ bản để công tác quản lý chất lượng từ chỗ bắt buộc thi hành đến tự nguyện thi hành.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Viện KHCN Xây dựng (2006). Quy định về công tác kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp chất lượng các công trình xây dựng.
  2. N.A Xưtovich (1983). Cơ học đất (bản dịch tiếng Nga). Nhà xuất bản Nông nghiệp.
  3. Shamsher Prakash - Hary D.Sharma (1999). Móng cọc trong thực tế xây dựng. NXB Xây dựng, Hà Nội.
  4. R. Whitlow (1997). Cơ học đất. NXB Giáo dục.
  5. K.Széchy, L. Varga (1978). Foundation engineering. Akadémiai Kiadó Budapest.

CONTROLLING WORK INCIDENTS WHEN PRESSING PILES

FOR ADJACENT WORKS

TRAN QUANG TUAN

Hanoi Architectural University

 

ABSTRACT:

When the incident occurs, the structure itself usually has signs of displacement, subsidence, deformation and cracking due to many possible causes including problems of the structure’s foundation.  This paper presents the causes, the mechanism of formation and the principles of forecasting work incidents for adjacent structures when doing piling installation, thereby proposing measures to prevent these incidents.

Keywords: Construction insertion, causes, formation mechanism, forecasting principles, construction incidents, piling installation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2020]