Kiến nghị vay để trả lương lãi suất 0% không cần chứng minh khó khăn về tài chính

Bản thân doanh nghiệp không đủ thẩm quyền chứng minh gặp khó khăn về tài chính, mà phải do cơ quan thuế hay thanh tra. Nên kiến nghị chỉ nên căn cứ vào số lượng lao động bị ngừng việc và tình hình doanh thu của công ty trong mấy tháng dịch bệnh là đủ.
Lao động ngành dệt may sẽ thiếu việc làm từ 30% tới 50% trong tháng 4 và tháng 5/2020
Lao động ngành dệt may sẽ thiếu việc làm từ 30% tới 50% trong tháng 4 và tháng 5/2020

Tin vui với người lao động

Ngày 21/4/2020 một tờ báo đăng tin có nội dung: Nhiều doanh nghiệp băn khoăn về hồ sơ, thủ tục cho vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động phải đơn giản, giải quyết nhanh.

Trong bối cảnh này mà yêu cầu doanh nghiệp chứng minh khó khăn về tài chính sẽ mất nhiều thời gian, cần các cơ quan thuế, thanh tra kiểm tra mới xác minh được. Do đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng chỉ cần căn cứ vào số lượng lao động bị ngừng việc và tình hình doanh thu của công ty trong mấy tháng dịch bệnh là đủ điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận gói tín dụng vay trả lương lãi suất 0%.

Trước đó, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp, đặc biệt là người lao động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu việc cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động.

Trong đó, có nội dung hỗ trợ người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động.

Dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 3 triệu người. Ðây được cho là tin vui không chỉ với doanh nghiệp mà cả với người lao động và trong đó, minh chứng khá rõ nét đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày.

Chẳng hạn, theo đánh giá sơ bộ của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và tình trạng một số đối tác doanh nghiệp ở 2 thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ và EU tạm dừng nhập khẩu đối với hàng dệt may Việt Nam, dẫn đến bất lợi cho các DN dệt may Việt Nam nói chung và các đơn vị thành viên của Vinatex nói riêng.

Lao động toàn ngành sẽ thiếu việc làm từ 30% tới 50% trong tháng 4 và tháng 5/2020. Ngành Dệt May Việt Nam có thể sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng, nếu kịch bản dịch Covid-19 được kết thúc vào cuối tháng 5/2020.

Khó tiếp cận

Tuy nhiên, sau khi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Chính phủ dự thảo quyết định về hướng dẫn thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thì nhiều doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận gói vay này.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận gói vay này.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận gói vay này

Bởi lẽ, để tiếp cận gói vay, các DN được vay sẽ phải đáp ứng các tiêu chí: có từ 20% số lao động hoặc từ 30 lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên (từ ngày 1/4 đến 30/6); doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương cho người lao động và đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương cho người lao động trong khoảng thời gian trên; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm 31/12/ 2019.

Trong những tiêu chí nói trên, các doanh nghiệp cho rằng, bản thân doanh nghiệp không đủ thẩm quyền chứng minh gặp khó khăn về tài chính, mà phải do cơ quan thuế hay thanh tra. Nên kiến nghị chỉ nên căn cứ vào số lượng lao động bị ngừng việc và tình hình doanh thu của công ty trong mấy tháng dịch bệnh là đủ điều kiện để vay trả lương.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu kiến nghị trên, bảo đảm chính sách hỗ trợ được thực hiện nhanh, thuận lợi, đồng thời bảo đảm đúng đối tượng, không để lạm dụng, trục lợi.

Bắc Hà