Kinh doanh trung thực theo triết lý Phật giáo

Đức Phật dạy nếu làm giàu nhờ đạo đức và trí tuệ của mình và biết sử dụng của cải vật chất đó làm lợi mình, lợi người là điều rất tốt. Ngược lại, thiếu trung thực trong kinh doanh để thu lợi nhiều nhất về mình, lừa dối hại người thì không được.

Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như hội nhập sâu rộng, toàn diện với nền kinh tế toàn cầu, các cơ hội mở rộng cũng như áp lực cạnh tranh trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng gia tăng theo.

Các doanh nhân, doanh nghiệp luôn đứng trước nhiều sự lựa chọn, cân nhắc giữa những lợi ích cũng như thiệt hại. Dưới áp lực cạnh tranh và nhu cầu làm giàu, không ít doanh nhân và doanh nghiệp chỉ chú tâm đến việc làm sao để thu lại được nhiều lợi ích nhất mà quên đi các giá trị đạo đức, thậm chí, gây tổn hại đến các mối quan hệ xung quanh.

Đặc biệt, nhằm tối đa hoá lợi nhuận, một bộ phận doanh nghiệp đã có hoạt động sản xuất kinh doanh thiếu trung thực như: cung cấp thông tin sai lệch về hàng hoá, dịch vụ đến các khách hàng, đối tác; sử dụng các chất gây hại sức khoẻ để giảm chi phí; sao chép bất hợp pháp mẫu mã sản phẩm; không tuân thủ các quy định pháp luật…

Các hành vi này không chỉ ảnh hưởng xấu đến quyền lợi, sức khoẻ của người dùng mà còn gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp, doanh nhân  kinh doanh chân chính. Qua đó, tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của toàn xã hội.  

Trong bối cảnh trên, việc ứng dụng các tư duy, triết lý của đạo Phật vào các hoạt động sản xuất kinh doanh được xem là một giải pháp hiệu quả để hướng tới phát triển kinh tế bền vững, đem lại lợi ích cho toàn thể xã hội.

Theo quan điểm của đạo Phật, làm giàu không có tội mà chỉ có tội khi làm giàu bất chính, gây khổ đau cho mình, cho những người xung quanh hoặc gây tổn hại đến xã hội. Người làm giàu thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh trung thực, chân chính được Đức Phật khen ngợi, khuyến khích. Việc kinh doanh trung thực, chân chính sẽ không gây tổn hại đến con người, xã hội, môi sinh; từ đó, tạo điều kiện cần thiết và thúc đẩy xã hội phát triển bền vững với các điều có lợi, cân bằng cho mọi người, mọi mối quan hệ.

Người cư sĩ Phật giáo được răn dạy vâng giữ năm giới luật. Các giới luật này là đạo đức cơ bản của người Phật tử, là những cách cư xử mà Đức Phật giới thiệu như một sự hướng dẫn nhằm đem lại đời sống an lạc hạnh phúc cho chính mình và người khác. Hai trong những giới cấm này đặc biệt có liên quan đến vấn đề trung thực trong kinh doanh, đó là không trộm cướp và không nên nói dối.

Không trộm cướp có nghĩa là không được cầm giữ, lấy bất cứ cái gì của ai ngoại trừ người ấy tự ý tự nguyện đưa nó cho mình; trộm cướp hay lén lấy của người khác là hành động sai trái, phải bị trừng phạt. Giới luật này không chỉ bao gồm những thứ vật chất như hàng hóa và tiền bạc, mà còn bao hàm cả những điều như thông tin kinh doanh, mẫu mã hàng hoá, công sức và thời gian của công nhân, đối tác, khách hàng. Nó còn có nghĩa không nắm giữ bất cứ điều gì bất thiện, bằng hình thức dối gạt, hoặc bằng cách trục lợi bất chính. Do đó, thật sai lầm khi cố gắng lừa đảo hoặc gian lận, hành xử thiếu trung thực với bất cứ ai có giao dịch, quan hệ kinh doanh với mình.

Không nói dối cũng có nghĩa không nói điều trái với sự thật, không phao truyền tin đồn thất thiệt, và không nói bất cứ điều gì trong bất cứ trường hợp nào gây tổn thương cho người khác. Trừ trường hợp vì lợi người, lợi vật, không nỡ nói thật để người bị hại hoặc khổ đau, do lòng nhân từ cứu người, cứu vật nói sai sự thật mà không phạm. Không nói dối chính là gây dựng lòng tin với các mối quan hệ trong kinh doanh nói riêng, với mọi người xung quanh nói chung. Điều này đặc biệt quan trong khi đạt được một thoả thuận trong kinh doanh, hoặc bán sản phẩm, hoặc hợp tác với đối tác bằng cách không cung cấp sai thông tin, không phóng đại năng lực sản xuất kinh doanh, không giới thiệu sai lệch về công dụng của sản phẩm, dịch vụ hay giấu diếm sự thật, che dấu những điều có thể gây hại đến người khác.

Bên cạnh đó, giáo lý đạo Phật đề cao việc giữ lương tâm trong sáng. Theo đó, người làm sản xuất kinh doanh không được bỏ qua các giá trị đạo đức để đạt được cái lợi. Đức Phật răn dạy người Phật tử khi thực hiện các hoạt động kinh doanh phải có lòng từ bi, thương xót chúng sinh, không vì lợi ích nhất thời của bản thân mà gây hại cho người khác. Việc làm giàu từ các hoạt động không trung thực, lừa dối sẽ gây hại người, cũng như hại cả chính bản thân mình. Mặt khác, cái lợi đạt được bằng các hành vi thiếu trung thực, lừa dối, gây hại là cái lợi ngắn hạn, không bền vững.

Vì vậy, lương tri của người thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh cần gắn liền với chữ Tâm, phát huy tinh thần trong sáng để khẳng định uy tín, chất lượng và tồn tại lâu dài. Ngược lại, nếu làm theo các cách thức thiếu trung thực, lừa dối, gây hại thì cũng đồng nghĩa với việc đang dần rơi vào sự thất bại. Theo Bát chính đạo trong đạo Phật, doanh nhân khi tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh phải có nhận thức đúng đắn về phương thức sản xuất, phân phối, cung cầu thị trường để đạt được lợi nhuận dựa trên các hành vi kinh doanh có đạo đức, trung thực, uy tín và hướng thiện. Qua đó, đạt được sự thịnh vượng và phát triển bền vững không chỉ cho người doanh nhân, doanh nghiệp mà còn cho cả xã hội.

Đồng thời, việc kinh doanh cần thực hiện trên tinh thần tự lợi và lợi tha. Hoạt động sản xuất kinh doanh cần được hiểu theo góc độ: giúp cho sinh hoạt xã hội cân bằng và tương trợ lẫn nhau trên nguyên tắc lợi mình lợi người, chứ không phải lợi mình hại người. Người thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh phải có nhận thức đúng và hành xử tốt đối với các mối quan hệ xung quanh. Trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, cần hợp tác để có lợi cho cả đôi bên thì các mối quan hệ kinh doanh mới bền vững, cùng đạt được lợi ích, lợi nhuận. Coi sự tồn tại và lợi ích của người khác cũng là của mình để tránh làm mất đi những giá trị tốt đẹp và lớn lao hơn. Nếu chỉ chăm chăm thu lợi cho bản thân, đặt lợi ích của mình lên trên hết thì kinh doanh sẽ không tồn tại lâu. Cần phải cùng nhau hợp tác và phát triển thì mới sinh ra được nguồn lợi bền vững. Ngoài ra, việc thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo dựng lợi ích cho cộng đồng, xã hội cũng chính là làm lợi cho bản thân mình.

Theo quan điểm của đạo Phật, việc thiếu trung thực, lừa dối gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định xã hội. Con người chỉ có thể chung sống bình an, hạnh phúc với nhau trong một bầu không khí tin cậy lẫn nhau, tin cậy rằng, trong giao tiếp, mọi người đều thật tâm, trong sáng và không lừa dối nhau. Nếu hiểu và vận dụng tinh thần tự lợi và lợi tha thì con người sẽ sống trong sự yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, cùng giải quyết các khổ đau, tạo dựng một xã hội nhân văn, phát triển bền vững.

Giáo lý đạo Phật cũng đề cao tính nhân quả. Theo đó, nhân quả là quy luật tồn tại khách quan, giúp xác định rõ trách nhiệm của cá nhân về mọi hành động của mình dẫn đến khổ đau hay hạnh phúc. Việc áp dụng giáo lý này giúp hoạt động sản xuất kinh doanh được thực hiện đúng đắn, có trách nhiệm.

Theo quan điểm của đạo Phật, giàu có không chỉ do kinh nghiệm, do sự nhanh nhạy trên thương tường, do nhìn xa trông trộng mà còn nhờ yếu tố quan trọng là tâm đức, là phước báu mà nguồn gốc sâu xa chính là do nhân quả, do chính việc người đó đã làm, nền tảng phước báu mà người đó gieo trồng trong quá khứ và hiện tại.

Người làm kinh doanh không hiểu được nhân quả thì sẽ luôn hành động để làm những điều có lợi cho bản thân, kinh doanh thiếu trung thực, bất chấp tất cả để lừa dối khách hàng, đối tác nhằm thu lợi lớn nhất cho mình, khi gieo nhân như vậy thì họ sẽ gặp được những trái đắng chính là những sự lo âu, bấp bênh trong công việc kinh doanh. Nếu kinh doanh thiếu trung thực, chỉ tập trung việc thu lợi cho bản thân mình thì mãi chỉ là người nghèo trên mọi phương diện.

Người hiểu được quy luật nhân quả, sẽ luôn làm những điều tử tế, hành xử trung thực, lợi người, lợi cộng động, giúp hoạt động kinh được mở rộng bền vững, cuộc sống hạnh phúc, an lạc. Nếu mọi người cùng làm việc với tâm trong sáng, lợi mình, lợi người thì sẽ có quả báo tốt đẹp, góp phần xây dựng đất nước, xã hội ngày càng phát triển hơn.

Con người là yếu tố chủ chốt quyết định sự phát triển của các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng tích cực hay tiêu cực, từ đó tác động lan toả đến sự phát triển của toàn bộ xã hội. Con người phải lãnh trách nhiệm cho chính hành vi của mình khi thực hiện hoạt động kinh tế.

Có thể thấy, đạo Phật dạy con người phải có đạo đức, trung thực, ngay thẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh để gặt hái được cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình được bền vững dài lâu. Việc vận dụng các giáo lý của đạo Phật sẽ giúp các hoạt động kinh doanh diễn ra theo hướng tôn trọng pháp luật và các giá trị đạo đức xã hội, không dùng các thủ đoạn thấp hèn để lừa dối, cạnh tranh trục lợi, từ đó tiến tới tạo dựng uy tín lâu dài trên thương trường.

Minh Trang